“Người thầy viết chữ bằng chân” trong trí nhớ của đồng nghiệp, học trò

28/09/2022 - 20:05

PNO - Trong trí nhớ của đồng nghiệp, học trò, hình ảnh thầy Nguyễn Ngọc Ký luôn gắn với nụ cười thân thiện, lạc quan và sự nỗ lực không ngừng nghỉ.

Người thầy viết bằng chân Nguyễn Ngọc Ký.
Người thầy viết bằng chân Nguyễn Ngọc Ký

Tấm gương truyền cảm hứng

Thầy Lê Thái Minh Hầu - nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản (quận 5) - còn nhớ những buổi mời thầy Nguyễn Ngọc Ký đến nói chuyện với học sinh của trường cách đây khoảng 17 năm. Vẻ thân thiện, dí dỏm của thầy Nguyễn Ngọc Ký khiến các em học sinh tiểu học hào hứng, say mê lắng nghe.

Khi thầy dùng chân viết chữ và cắt giấy thủ công cho học sinh xem, các em tròn mắt thán phục, nhiều em liền bắt chước theo thầy, cũng kẹp bút vào chân để viết. Thế nhưng, cố viết mãi không được, có em còn bị chuột rút. Các em thấy thế càng hâm mộ, vây quanh hỏi thầy Nguyễn Ngọc Ký “sao thầy viết được bằng chân hay quá”, “sao viết bằng chân mà chữ thầy lại đẹp như vậy”...

Tuy thời gian gặp gỡ ngắn ngủi chỉ trong một tiết sinh hoạt, nhưng được trực tiếp nghe và nhìn thầy Nguyễn Ngọc Ký viết chữ bằng chân, không chỉ các em học sinh mà tất cả thầy cô Trường tiểu học Trần Quốc Toản khi ấy vẫn nhớ hoài, nhắc hoài...

Thầy Lê Thái Minh Hầu cũng ấn tượng với hình ảnh gắn bó của vợ chồng thầy Nguyễn Ngọc Ký, luôn luôn là cô chở thầy, hỗ trợ thầy và ngồi dưới lắng nghe từng lời của thầy. Người vợ đã thực sự trở thành một nửa còn lại, một mảnh ghép còn thiếu của thầy Nguyễn Ngọc Ký...

Ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật TPHCM - kể, khoảng 20 năm trước, khi còn làm Hiệu trưởng Trường mù Nguyễn Đình Chiểu (quận 10), ông nhiều lần mời thầy Nguyễn Ngọc Ký đến chia sẻ với các em khiếm thị tại trường.

Tuy không nhìn được, nhưng các em vô cùng xúc động khi được nghe những chia sẻ của thầy Nguyễn Ngọc Ký về quá trình từ khi đôi tay bị bại liệt, tập viết bằng miệng nhưng không được, thầy lại nỗ lực tập viết bằng chân. Thầy đã bền bỉ luyện tập để dùng đôi chân thay thế đôi tay bị liệt, bền bỉ theo học và trở thành thầy giáo, nhà văn.

“Thời điểm đó, tấm gương “bằng xương bằng thịt” của thầy Nguyễn Ngọc Ký đã truyền cảm hứng cho rất nhiều học sinh khuyết tật của trường. Sau đó, trong giờ học, các em còn đề nghị tôi đọc sách “Tôi đi học” của thầy Nguyễn Ngọc Ký. Vì các em muốn nghe nhiều lần nên tôi đã đọc và ghi âm vào máy cát-sét để các em mở lúc cần. Có những em nghe nghe đi, nghe lại muốn thuộc lòng từng chi tiết trong sách” - ông Nguyễn Thanh Tâm xúc động kể. 

Ông Nguyễn Văn Ngai - nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM - cũng không thể quên được lần gặp gỡ duy nhất với thầy Nguyễn Ngọc Ký trong một dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam khoảng 12 năm trước. “Ấn tượng về thầy Nguyễn Ngọc Ký là nụ cười dễ mến, thân thiện, lạc quan. Tôi có qua chào hỏi thầy, bày tỏ sự quý trọng với thầy. Tuy lần đầu gặp nhưng cả hai đều đã biết về nhau, cùng chia sẻ những tâm huyết với ngành giáo dục".

Theo ông Nguyễn Văn Ngai, tấm gương của "người thầy viết chữ bằng chân" không chỉ truyền cảm hứng cho bao thế hệ học trò mà còn là động lực cho những nhà giáo. Đến ngày hôm nay, thầy Nguyễn Ngọc Ký đã sống đúng như lời thầy nhắn nhủ: “Hãy sống, đừng để cho một phút nào của tuổi trẻ trôi đi hoài phí. Không có gì ngày mai không đạt được nếu hôm nay ta biết học hết mình”.

“Vì thầy còn đôi chân...”

Anh Trần Minh (Bình Bồng Bột) - một dịch giả nổi tiếng, chia sẻ: “Năm tôi học lớp 7, thầy Nguyễn Ngọc Ký có vào trường cấp 2 của tôi nhân ngày 20/11 để nói chuyện. Sau khi nói chuyện, thầy thị phạm khả năng viết chữ và cắt giấy thủ công cho đám học sinh chúng tôi xem. Đám học trò mắt toét nhìn lên mà vỗ tay vang dội. Có lẽ đấy là công việc chính của thầy trong suốt đời mình: không phải dạy cho học trò cái chữ mà dạy cho chúng biết mình may mắn biết bao.

Vào cái lần đầu tiên, và duy nhất, được gặp thầy Ký, tôi đến hỏi thầy một câu mà giờ nghĩ ra thì thật ngớ ngẩn:

- Thầy ơi, hồi đó lúc phát hiện mình hư cả hai tay thầy có buồn không?

Phải tôi là thầy, tôi sẽ trả lời tôi thế này:

- Thầy buồn chứ, buồn vì không có tay để ký lủng đầu đứa học trò vô tri như con đó.

Nhưng thầy Ký không trả lời thế, thầy nói thế này:

- Thầy không có buồn, thầy chỉ thấy may mắn thôi.

- Vì sao lại thấy may mắn ạ?

- Vì thầy vẫn còn đôi chân.

Nhiều năm sau này, tôi vẫn còn nghĩ mãi về câu nói ấy. Thấy mình may mắn, thực hành lòng biết ơn là một trong những bước đầu tiên để đạt đến hạnh phúc”.

Chị Đoan Trang, học trò của thầy cũng không giấu được sự xúc động: “Thầy Nguyễn Ngọc Ký đã ra đi không bao giờ trở lại. Nhưng trong sâu thẳm những người học trò luôn in đậm bóng hình thầy. Đó là những tình cảm chân thành, hết mình với học trò bằng những cử chỉ, lời nói nhân văn.

Sau 28 năm xa quê để đoàn tụ cùng con cháu ở TPHCM, thầy luôn sáng ngời về phẩm chất "thương người như thể thương thân". Mặc dù bị bệnh tật hành hạ nhiều năm, tuổi cao, sức yếu, nhưng thầy vẫn nhiệt tình với phong trào hoạt động của Hội đồng hương xã Hải Thanh (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) tại TPHCM trên cương vị Chủ tịch. Anh em, bạn bè đến với hội là đến với thầy, nồng ấm và nghĩa tình.

Những người học trò của thầy từ nhỏ, nay đã lớn tuổi vẫn nhớ như in những bài văn, bài thơ thầy giảng. Từ một người bị khuyết tật, bằng nghị lực phi thường, thầy đã vươn lên và trở thành nhà giáo ưu tú. Không chỉ dạy học, thầy còn được biết đến là nhà văn, nhà thơ. Cả một thế hệ học trò của chúng tôi luôn ngưỡng mộ thầy. Tự hào là học trò của thầy.

Kính cẩn, nghiêng mình vĩnh biệt thầy!”

Nhà thơ, nhà văn, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký, người thầy viết chữ bằng chân, vừa qua đời ở tuổi 75 vào lúc 2g sáng 28/9 tại nhà riêng ở TP. Thủ Đức, TPHCM sau thời gian dài chống chọi với bệnh suy thận.

Ông Nguyễn Ngọc Ký sinh năm 1947 tại xã Hải Thanh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Khi lên 4 tuổi, ông bị bại liệt đôi tay và đã rèn luyện dùng đôi chân để thay thế đôi tay và đến trường như bao học sinh khác. Năm 1963, ông Nguyễn Ngọc Ký nhận giải thưởng trong kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc và được Bác Hồ tặng Huy hiệu Hồ Chí Minh.

Năm 1966, ông vào khoa Ngữ Văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1970, ông về dạy học tại quê nhà Nam Định, và phát hành cuốn tự truyện “Tôi đi học” gây xúc động sâu sắc cho độc giả khắp nơi. 

Năm 1992, ông được trao danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Năm 1994, ông chuyển vào công tác tại Trung tâm giáo dục thường xuyên quận Gò Vấp, TPHCM cho đến ngày nghỉ hưu.

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtuyensinhvi /strCate=tuyensinh

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsukienvandevi /strCate=sukienvande
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgiaoducvi /strCate=giaoduc