Người giữ ký ức bằng âm thanh hàng nghìn chiếc chuông ở Sài Gòn

10/10/2020 - 07:30

PNO - Trong số hàng nghìn chiếc chuông, có những chiếc đến với ông như một nhân duyên cất giữ kỷ vật lưu dấu một kiếp nhân sinh đã qua.

Trong ngôi nhà nằm ở con hẻm quận Phú Nhuận, TPHCM, có đến cả ngàn cái chuông treo lủng lẳng. Chuông nhỏ cỡ bằng cái ly uống trà đến chuông lớn cân nặng vài chục kilogam.

Chủ nhân của bộ sưu tập chuông - ông Bùi Đức Tầm, 70 tuổi, cũng không rõ những cái chuông này đã từng lưu lạc nơi đâu, chỉ biết rằng chúng có xuất xứ từ Pháp, Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Nepal, Ấn Độ, Nhật Bản, Lào, Campuchia, Thái Lan… bây giờ được hội ngộ tại đây và đương nhiên chuông Việt Nam chiếm số lượng nhiều nhất. 

Loại chuông mà ông Bùi Đức Tầm đang sưu tập chủ yếu chuông nhỏ, loại cầm tay và sử dụng với nhiều mục đích khác nhau như gõ chuông trong các nghi lễ tôn giáo, chuông xe lửa, chuông bán hàng… đều có đủ trong bộ sưu tập của ông.
Loại chuông mà ông Bùi Đức Tầm đang sưu tập chủ yếu chuông nhỏ, loại cầm tay và sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, như chuông trong các nghi lễ tôn giáo, chuông xe lửa, chuông bán hàng…

Chuông ở đây đa phần là chuông cũ. Vào tay người yêu thích nó, những chiếc chuông cũ này đôi khi trở nên quý giá hơn đồ mới.

Ông Tầm cho biết, chợ lạc xoong ở Việt Nam hiếm khi bán chuông cũ nên thường niên vào mùa hè ông hay sang Pháp để sưu tầm. Nhiều quả chuông trong bộ sưu tập mua được ở đó. Tuy là “chợ trời đồ cũ”, nhưng riêng chuông cũ ở đây bán đắt hơn chuông mới nhiều lần.

Chẳng hạn một chiếc chuông cũ cỡ nắm tay, đeo trên cổ gia súc ở các nông trại có giá giá 50 USD, trong khi chuông mới cùng kích cỡ, cùng chất liệu đồng thau giá chỉ 20 USD.

Một chiếc chuông nhỏ có tiếng vang trong trẻo được ông Tầm rất thích gõ hàng ngày
Một chiếc chuông nhỏ có tiếng vang trong trẻo được ông Tầm rất thích 

Ông Tầm nói, ở châu Âu hay châu Phi, họ dùng chuông bằng hợp kim đồng thau, kể cả chuông đeo trên cổ gia súc ở nông trại như dê, cừu, bò… Nhưng ở Việt Nam và một vài quốc gia thuộc khu vực Đông Á như Lào, Campuchia… trong quá trình sưu tầm, ông thấy họ có thêm loại chuông gỗ đeo cho gia súc.

Chính cái nỗi đam mê đi khắp trong thiên hạ sưu tầm chuông, bạn bè cảm mến nên mỗi khi đi đâu thấy có chuông đẹp, chuông lạ đều mang về tặng ông. Đây là nguồn sưu tập khá hiệu quả, được ông Tầm đánh giá cao.

Cầm xem quả chuông nhỏ cỡ trứng gà tre nhưng gõ lên thì âm thanh trong trẻo, ngân dài và vang xa, ông cho biết quả chuông này bằng hợp kim đồng thau rất có giá trị, do hội chơi chuông Nhật Bản gởi qua tặng.

Trong bộ sưu tập chuông của ông Tầm, không chỉ có chuông bằng hợp kim đồng thau mang kiểu dáng quen thuộc như thường thấy ở nơi thờ tự mà có khá nhiều kiểu loại chuông làm bằng đá, pha lê, gỗ… Có nhiều chuông mang hình vũ nữ, hình quả trứng, quả lựu, bình hồ lô… và đa phần có từ 300 năm trở lên. Bởi vậy rất khó phân định cái chuông nào là quý giá nhất.

Theo lời ông Tầm, trong bước đường sưu tập dài hơn 10 năm qua, mỗi hiện vật về với ông đều mang theo câu chuyện ly kỳ, đầy gian truân vất vả. Trong đó có quả chuông cổ bằng đồng của người Chăm do một người Chăm đào được ở vùng Ninh Thuận và ông vất vả lắm mới sở hữu được nó. Ông đem về và đặt tên là “chuông đào”.

Vào dịp ngàn năm Thăng Long, ông Tầm mang chuông ra Hà Nội tham gia triển lãm, được UNESCO công nhận đây là chuông cổ, có niên đại hơn 1.000 năm tuổi.

Rồi một quả chuông khác ở đây có số phận khá kỳ lạ được ông nhắc đến nhiều lần và gọi tên “chuông theo thầy”. Đây là quả chuông ông “đeo đuổi” từ lúc bắt đầu nghiệp sưu tầm, đến gần đây mới có được.

Chiếc chuông cả người Chăm có niên đại hơn 1000 năm được ông mang ra triễn lãm dịp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
Chiếc chuông của người Chăm có niên đại hơn 1000 năm được ông mang ra triển lãm dịp 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Phải nói, ông Tầm là người “mê chuông” đến nỗi một ông cha xứ tận bên Pháp cũng cảm phục.

Ông kể, hè năm 2017, trong một lần sang Pháp để sưu tầm chuông. Ông có ghé qua một nhà thờ ở ngoại ô Paris. Lần ấy, đưa đến duyên may ông được diện kiến với vị linh mục này. Sau khi biết được ông Tầm đi khắp đó đây để sưu tập chuông, vị cha xứ cảm mến và tặng luôn cho quả chuông có hình hình Chúa.

Vẫn theo lời ông Tầm, người cha xứ nói quả chuông này ông ấy dùng từ rất lâu cho đến khi gặp ông Tầm, biết được sở thích sưu tầm chuông nên quý trọng và tặng.

Những chiếc chuông được ông sưu tầm trong những lần xuất ngoại qua Pháp, Ý...
Những chiếc chuông được ông sưu tầm trong những lần xuất ngoại qua Pháp, Ý...

Chủ nhân bộ sưu tập chuông đang bước vào tuổi 70. Ông nói mình có chân tâm Phật tính nên thích chơi chuông. Đó là cách nói của ông.

Thật ra, cũng có thể ông có "duyên" với chuông là do tuổi thơ có nhiều kỷ niệm và ấn tượng với tiếng chuông, mỗi khi nghe tiếng chuông chùa ông đều có cảm giác như được thức tỉnh tâm thức. 

Chiếc kèn hơi thường được gắn lên chiếc đò dọc, báo hiệu cho người trên bờ biết tàu sắp đến để rước khách.
Chiếc kèn hơi thường được gắn lên chiếc đò dọc, báo hiệu cho người trên bờ biết tàu sắp đến để rước khách - vật không thể thiếu ở miền quê sông nước miền Tây thế kỷ 20, nay chỉ còn là dĩ vãng.

Ông Tầm nói, những năm 1950, lúc đó còn là một đứa trẻ “ê a” trường làng ở tỉnh Long An, ngày nào ông cũng vài lần nghe tiếng chuông của ông già bán cà rem đi vào trong xóm. Ông có kỷ niệm đẹp với tiếng chuông kể từ đó.

Lớn lên một chút, rời trường làng lên Sài Gòn học trung học. Khi ấy ông nhớ nhất tiếng chuông đò máy vang lên mỗi buổi sớm mai, thúc giục ông cùng vài người bạn trong xóm, tay xách đèn dầu lò dò ra bến sông đón đò đi học.

Đặc biệt hơn, mỗi khi nghe tiếng chuông chùa “công phu” vào chiều tối hoặc sớm mai khiến ông ý thức rằng mỗi người phải có trách nhiệm tự giác hướng thiện, hồi tâm. Cho đến bây giờ, nhiều lúc ngồi ngắm những quả chuông sưu tập treo lủng lẳng khắp nhà, trong lòng luôn ông có cảm giác nhớ về làng quê mộc mạc, thanh bình một thuở.

Những lúc như vậy ông cầm dùi gõ lên quả chuông, lặng nghe tiếng chuông ngân bất chợt cảm giác trong lòng lắng dịu.

Chuông cũng cần có người bình tâm, tâm hồn thư thái đánh lên mới âm vang.
Chuông cũng cần có người an nhiên, tâm hồn thư thái khi đánh lên âm mới vang thánh thót.

Không biết với người khác thế nào nhưng với ông Tầm, chơi chuông tức là chơi tiếng, chơi âm. Nên bất kể nghe tiếng chuông thánh lễ, chuông hành đạo hay chuông từ những người bán hàng trên sông, thậm chí tiếng chuông của nhà ga xe lửa… đều mang lại cho ông một cảm xúc đặc biệt.

Đến thời điểm này ông không có ý định quảng bá bộ sưu tập cũng như ý tưởng mở bảo tàng chuông. Ông nói, ai có duyên thì đến xem, ông sẵn lòng tiếp đón.

Ông chia sẻ rằng, mỗi buổi sáng thức giấc, nghe tiếng chuông lảnh lót, hòa vang như nhắc nhớ mình có thêm một ngày để sống, để yêu thương, đó là một niềm hạnh phúc. Với ông Tầm, tiếng chuông chính là âm thanh của cõi nhân sinh, âm thanh của sự sống, âm thanh của miền an lạc, là tiếng lòng tri âm, tri kỷ, giúp ông an nhiên lúc tuổi già xế bóng.

Hoài An - Phương Cao

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI