Người đàn ông ở TP.HCM như bị bỏng lửa sau khi uống thuốc

08/07/2018 - 11:30

PNO - Người đàn ông 40 tuổi ở quận 6 TP.HCM bị nổi bóng nước toàn thân, da bong tróc như bỏng lửa. Các bác sĩ tưởng chừng bệnh nhân không qua khỏi.

Bệnh nhân T.N.M. bị sốt cao, đau họng, biếng ăn nên nhập viện tại Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM. Lúc vào khám, anh vẫn còn đi lại, nói chuyện bình thường. Thế nhưng sau 2 ngày, giác mạc bệnh nhân bị viêm loét; bóng nước trên da nổi lên và lan tràn toàn thân.

Nguoi dan ong o TP.HCM nhu bi bong lua sau khi uong thuoc
Anh M. sau hơn 1 tháng nằm điều trị trong phòng cách ly tại BV Trưng Vương

Những bóng nước ban đầu chỉ to khoảng 1-2cm, sau đó phình lớn đến 4-5cm và phồng rộp, bể ra. Bệnh nhân đau đớn khi da trên cơ thể, nhất là ở vùng lưng tuột ra, bộ phận sinh dục lở loét. Cả người anh M. đỏ au như bị bỏng lửa. 

Các bác sĩ Bệnh viện Trưng Vương cho biết bệnh nhân bị dị ứng thuốc ở mức độ nặng nhất, gọi là hội chứng Lyell (ly thượng bì hoại tử tối cấp). Tỷ lệ tử vong khi rơi vào tình trạng này lên đến 40%. 

Bác sĩ Bùi Trọng Hợp, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Trưng Vương cho biết có lúc  tưởng không thể cứu sống được anh M. vì bệnh diễn tiến rất nhanh.

Điều may mắn là anh M. phát bệnh khi đang nằm điều trị tại bệnh viện. Những triệu chứng ban đầu lúc nhập viện ở Bệnh viện Trưng Vương chỉ là loét họng, sốt cao… rất dễ nhầm lẫn với viêm họng cấp. Tuy nhiên, qua khai thác bệnh sử, anh M. đã uống rất nhiều loại thuốc trước đó để trị đau lưng ở phòng khám tư nên nghi dị ứng thuốc.

Nguoi dan ong o TP.HCM nhu bi bong lua sau khi uong thuoc
Khoa Nhiễm, Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM)

Theo lời khai với bác sĩ, anh M. loét họng, sốt cao, khó ăn sau 2 ngày uống thuốc trị đau lưng.

Khi nhập viện, anh M. có đưa cho bác sĩ xem một số viên thuốc đã uống nhưng do sử dụng quá nhiều thuốc gồm thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau, vitamin… và không nhớ tên từng loại thuốc, toa thuốc nên các bác sĩ không thể xác định được ông bị dị ứng với loại thuốc cụ thể nào.

Tại Bệnh viện Trưng Vương, anh M. nằm trong phòng cách ly, được tắm và bôi thuốc sát khuẩn, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch… Sau hơn 1 tháng, tình trạng được cải thiện dần nhưng thị lực chưa hồi phục do loét giác mạc. Các bác sĩ sẽ ghi ra một loạt danh sách các thuốc có thể dị ứng để anh M. phòng ngừa.

Theo bác sĩ Bùi Trọng Hợp, trong các trường hợp nhập viện vì dị ứng thuốc, bệnh nhân thường sử dụng các loại thuốc điều trị bệnh gout, bệnh cơ xương khớp, chống động kinh…

Hội chứng Lyell có tổn thương ở da như nổi hồng ban, bóng nước, những đám da bị xé rách, bị lột trông như bỏng lửa. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao 25% - 100%. Dị ứng thuốc chiếm 77% nguyên nhân gây ra Hội chứng Lyell. Bệnh thường xuất hiện ở người đang khoẻ mạnh bình thường, sau khi sử dụng các thuốc từ 10 đến 30 ngày, sớm nhất là 1 ngày, trung bình 14 ngày, có trường hợp tới 45 ngày.
 

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI