Ngủ giữa thảo nguyên bát ngát

01/12/2018 - 06:00

PNO - Du khách yêu thảo nguyên sẽ vượt đường dài bám đầy bụi đỏ đến đây nằm lặng im trên cỏ. Cỏ vẫn xanh như thế, hoa vẫn tím như thế, mặt hồ lặng yên như thế và đường chân trời vẫn vời vợi như thế…

Du khách yêu thảo nguyên sẽ vượt đường dài bám đầy bụi đỏ đến đây nằm lặng im trên cỏ. Cỏ vẫn xanh như thế, hoa vẫn tím như thế, mặt hồ lặng yên như thế và đường chân trời vẫn vời vợi như thế…

Loanh quanh gần Sài Gòn liệu có thể tìm được những đồng cỏ xanh bát ngát, những mặt hồ xanh mênh mông và trời xanh thăm thẳm không?

Có, có chứ! Một ngày cuối năm, chúng tôi đã lên đường đến với thảo nguyên bạt ngàn hoa tím, với hồ xanh phẳng lặng trải dài ngút mắt… và đặc biệt là gần như không có dấu chân người thường xuyên lui tới nên vẻ hoang sơ của đất trời, của cảnh vật gần như toàn vẹn.

Sau một tuần căng thẳng với công việc, khói bụi, ồn ã của thị thành Sài Gòn, hẳn không riêng tôi mà hầu hết mọi người đều mong muốn trở về thiên nhiên. Cung đường thị dân Sài Gòn thường chọn là các khu vực lân cận quen thuộc như huyện Cần Giờ, Vũng Tàu, Long Hải hay các điểm du lịch tại Đồng Nai như: thác Giang Điền, rừng Nam Cát Tiên… Khu vực miền Đông Nam bộ như Bình Phước, Bình Dương hiện tại vẫn chưa có nhiều điểm đến hấp dẫn để thu hút người Sài Gòn.

Ngu giua thao nguyen bat ngat
Tìm bình yên bên mặt hồ phẳng lặng

Cỏ cây hoa lá hương thơm tỏa ngát đồng

Đường đến Bù Lạch

Từ TP.HCM, bạn đi ô tô hoặc xe máy đến thị xã Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) sau đó tiếp tục theo quốc lộ 14 đến thị trấn Đức Phong, đi tiếp hơn 4km nữa, qua trạm dừng nghỉ Bù Đăng một đoạn thì rẽ phải vào con đường đèo dốc nhỏ đã được trải nhựa; đi khoảng gần 10km là đến chợ xã Đồng Nai. Từ đây, bạn rẽ trái đi tiếp hơn 3km nữa là đến trảng cỏ Bù Lạch.

Vị trí trảng cỏ nằm cách trung tâm thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng khoảng 18km về hướng Đông; cách trung tâm thị xã Đồng Xoài khoảng 75km về hướng Đông Bắc.

Chuyến đi của tôi bắt đầu sau một ngày tình cờ, một người trong nhóm phụ nữ văn phòng chúng tôi chợt nhớ bài ca Those were the days với lời Việt là Tình ca du mục có đoạn mở đầu: “Thảo nguyên bát ngát mênh mông tận chân trời. Cỏ cây hoa lá hương thơm tỏa ngát đồng…”.

Gần Sài Gòn có tìm được thảo nguyên không? Mang nỗi thắc mắc vu vơ ấy, tra Google, chúng tôi đã tìm ra Bù Lạch. Bù Lạch thuộc xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước). Tên gọi Bù Lạch cũng là cách đọc trại và ghép tiếng của dân tộc M’nông (Bunong). Bù chính là đọc trại từ chữ “bàu” trong từ “bàu nước”, lạch trong tiếng M’nông chính là “trảng”. Bàu Lạch với ý nghĩa là trảng cỏ có bàu nước, lâu dần được gọi thành Bù Lạch.

Ngu giua thao nguyen bat ngat
Nơi đây chỉ có thiên nhiên làm bạn

Điểm đặc biệt của trảng cỏ Bù Lạch chính là khoảng 20 trảng cỏ nằm rải rác trong xã Đồng Nai. Bên dưới những trảng cỏ là các mạch nước ngầm giúp cỏ luôn tươi tốt đan xen cùng những bàu nước nhỏ. 

Cỏ và hoa dại ở Bù Lạch chỉ mọc tầm 5 - 6cm, lúp xúp dưới chân đi. Màu cỏ xanh ngút ngàn cùng hoa dại tím cho dân thành phố chúng tôi tận hưởng trọn vẹn cảm giác “thảo nguyên bát ngát…”.

Tắm thác Voi trên đường đến thảo nguyên

Đường từ TP.HCM đến Bù Lạch khoảng 180km đi qua khá nhiều địa hình từ đường nội đô, quốc lộ, các đường đất đỏ luồn qua bum sóc và cả những con đường mòn với các trảng cỏ trải dài. 

Vào năm 2015, bộ phim Trùm cỏ từng lấy bối cảnh chính tại trảng cỏ Bù Lạch. Từ đó càng nhiều người biết đến trảng cỏ này hơn. Vào năm 2016, tuyến đường chính vào trảng cỏ Bù Lạch được khởi công. Đây là tuyến đường quan trọng nhất trong dự án đầu tư xây dựng phim trường kết hợp khu du lịch sinh thái trảng cỏ Bù Lạch. Tuy nhiên, vì một số lý do, cho đến giờ dự án vẫn chưa thực hiện được. 

Ngu giua thao nguyen bat ngat
Vẻ đẹp hoang sơ của thác Voi

Chọn trảng cỏ lớn nhất, chúng tôi dừng chân. Cho đến hiện tại, ngay trảng cỏ lớn nhất của Bù Lạch vẫn không đủ tiện nghi cho những ai thích kiểu du lịch nghỉ dưỡng. Cạnh trảng cỏ chỉ có hai căn nhà tạm với bếp dã chiến do một người từng tự khai thác du lịch dựng lên. Hiện giờ, những tiện nghi tối thiểu ấy do anh Kiều Doãn Hưng - người của văn phòng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng phim trường kết hợp khu du lịch sinh thái trảng cỏ Bù Lạch - tạm quản.

Trên đường đến trảng cỏ Bù Lạch, chúng tôi đã ghé thác Voi (tên bản địa là thác Nokrop) với độ cao 15m, rộng 8m cũng thuộc xã Đồng Nai để tắm bởi không cưỡng lại được niềm hứng thú được một lần tắm thác giữa thiên nhiên hùng vĩ, trong lành và hoàn toàn vắng lặng. 

Càng gần điểm đến, chúng tôi càng nhận ra trong địa phận huyện Bù Đăng, ngoài thác Voi còn có rất nhiều thác mang vẻ đẹp hoang sơ như: thác Đứng, thác Pan Toong, thác Bù Xa... Theo lời kể của người dân địa phương thì ngày xưa, xung quanh khu vực thác Voi khá bằng phẳng, voi thường kéo về tắm và uống nước nên người dân gọi đây là thác Voi. 

Ngu giua thao nguyen bat ngat
Thảo nguyên mênh mông cũng lôi cuốn những đứa trẻ

Ngủ đêm trong lều ngắm ngàn sao

Những ai muốn qua đêm tại trảng cỏ cũng nên tự chuẩn bị lều, túi ngủ… một số dụng cụ vệ sinh cá nhân cơ bản. Và trải nghiệm ngủ lều với bên ngoài là cỏ đẫm hơi sương, bên trên là bầu trời đêm đầy sao sẽ là kỷ niệm khó quên cho những cư dân thành thị.

Nơi chúng tôi nghỉ chân qua đêm hoàn toàn không có nhà cửa bởi trảng cỏ nằm trong khu vực rừng phòng hộ. Ngoài con chó nhỏ do gia đình anh Kiều Doãn Hưng nuôi để bầu bạn hơn là giữ nhà, hầu như không còn con vật nào ở đây khi đêm về. Trời Bình Phước về đêm khá lạnh nên một đống lửa giữa đêm đen giúp chúng tôi giữ ấm, đồng thời lưu giữ những cảm xúc khó tả khác cho mỗi người.

Ngủ đêm giữa trời dẫu có lều, có túi ngủ, có mền dã chiến… cảm giác vẫn không thể hoàn toàn thoải mái như lúc nằm giữa chăn ấm nệm êm ở nhà, nhất là khi sương khuya xuống, hai bàn chân lạnh tê… Khi đó, bạn sẽ hiểu cảm giác thèm thuồng một bếp lửa bằng than, bằng củi như thế nào. Một đốm lửa trong đêm lạnh, ngàn sao nhấp nháy giữa bầu trời hẳn là những ánh sáng đặc biệt trong cuộc đời… mà sau này sẽ có lúc bạn nhớ đến và mỉm cười.

Ngu giua thao nguyen bat ngat
Khung cảnh yên bình này chỉ cách TP.HCM 3 giờ xe chạy

Sau giấc ngủ lạ lẫm giữa thiên nhiên, khoảng hơn 4g sáng, bừng tỉnh giấc, tôi đã thấy mặt hồ yên bình giữa thảm cỏ ngút xanh. Có lẽ rất khó tìm được từ ngữ chính xác để diễn tả những gì tôi đã chứng kiến. Lúc đó, một ý nghĩ hơi ích kỷ chợt thoáng qua trong tôi: mong Bù Lạch mãi mãi là thảo nguyên xanh như hôm nay, đừng mọc lên bất cứ resort nào để giữ lại cảnh quan yên bình này. 

Du khách yêu thảo nguyên sẽ vượt đường dài bám đầy bụi đỏ đến đây nằm lặng im trên cỏ. Cỏ vẫn xanh như thế, hoa vẫn tím như thế, mặt hồ lặng yên như thế và đường chân trời vẫn vời vợi như thế… Đừng ai lay động.

Ngu giua thao nguyen bat ngat
Những món ăn dân dã nơi đây luôn khiến người thành thị mê đắm

Cơm gà ăn với rau rừng

60% người dân sống ở xã Đồng Nai là đồng bào dân tộc bản địa như S’tiêng, M’nông và Châu Mạ. Những bữa ăn của họ chủ yếu là những sản vật từ rừng như heo, gà thả rừng; tép, cá của suối; rau rừng với đọt mây, lá nhíp…

Nếu đến đây, bạn có thể nhờ anh Doãn Hưng nấu giúp những món ăn từ các nguyên liệu tươi xanh trên. Đừng nên bỏ qua những đặc sản sau: gà nướng mọi, tép xào lá chanh, rau rừng xào tỏi ăn với cơm nấu từ gạo có vị dẻo ngọt của đồng bào địa phương. Những món ăn dân dã nhưng tươi ngon luôn khiến dân thành phố mê đắm. 

Bài và ảnh: Cát Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI