Nghịch lý tuyển dụng giáo viên ở TPHCM

24/07/2023 - 07:31

PNO - 2 năm nay, việc tuyển dụng giáo viên THPT tại TPHCM tồn tại nghịch lý: môn chọn không hết, môn lại lần không ra do chỉ lèo tèo người ứng tuyển.

Môn tuyển không hết, môn lần không ra 

Thực tế này diễn ra nhiều năm ở TPHCM, đặc biệt là khi Chương trình GDPT 2018 triển khai ở bậc THPT bắt đầu từ năm học 2022-2023.

Năm học 2023-2024 là năm thứ hai triển khai chương trình mới ở bậc THPT, theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, trong đợt 1 tuyển dụng, các trường THPT toàn thành phố cần tuyển 251 giáo viên ở nhiều bộ môn. Số hồ sơ ứng viên đủ điều kiện tham gia tuyển dụng là 838 người. Trong đó, nhiều môn về khoa học tự nhiên, số người ứng tuyển vượt ngưỡng nhiều lần so với số chỉ tiêu, song các môn liên quan đến lĩnh vực nghệ thuật thì số người ứng tuyển lại không đủ chỉ tiêu đặt ra. Các môn ngoại ngữ, khoa học xã hội, tỉ lệ ứng viên dự tuyển cũng chỉ suýt soát số chỉ tiêu.

Các trường THPT cần tuyển 12 giáo viên mỹ thuật song chỉ có 2 người ứng tuyển
Các trường THPT cần tuyển 12 giáo viên mỹ thuật song chỉ có 2 người ứng tuyển

Cụ thể, ở môn toán, năm học 2023-2024 các trường THPT toàn thành phố cần tuyển 26 giáo viên. Số ứng viên dự tuyển vào vị trí này lên đến 246 người, tương đương với tỉ lệ 1 chọi 9.

Ở môn hóa học, hơn 100 trường THPT toàn thành phố chỉ có nhu cầu tuyển dụng thêm 3 giáo viên hóa đứng lớp giảng dạy, song số ứng viên dự tuyển môn này lên đến 79 người, tương đương tỉ lệ 1 chọi 26. Ở môn vật lý, toàn thành phố chỉ có nhu cầu tuyển 5 giáo viên THPT. Số ứng viên nộp hồ sơ dự tuyển là 87 người, dù giảm nhiệt hơn môn hóa, song cũng có tỉ lệ 1 chọi 17. 

Trong khi đó, trái ngược hoàn toàn, các môn học như mỹ thuật, âm nhạc, công nghệ lại rơi vào tình trạng cung không đủ cầu - nhu cầu cần có nhưng ứng tuyển chỉ lèo tèo: môn âm nhạc, chỉ có 2 ứng viên dự tuyển vào 12 vị trí giáo viên này ở các trường THPT; môn mỹ thuật nhu cầu cần đến 8 giáo viên, chỉ có 5 người dự tuyển; môn công nghệ với 7 thí sinh ứng tuyển vào 8 vị trí.

Hợp đồng giáo viên tiểu học dạy THPT

Năm học 2023-2024, Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) cần tuyển 1 giáo viên âm nhạc, 1 tin học và 1 công nghệ. Tuy nhiên, chỉ có công nghệ có 2 ứng viên dự tuyển, còn âm nhạc và tin học không có người ứng tuyển.

“Năm trước, trường đã thỉnh giảng hợp đồng với 1 giáo viên âm nhạc của nhạc viện, 1 giáo viên mỹ thuật THCS để tổ chức 3 lớp mỹ thuật, 2 lớp âm nhạc cho học sinh khối 10. Năm nay, trường tiếp tục duy trì cơ số lớp này ở 2 khối 10, 11 do đó muốn tuyển dụng thêm để đáp ứng giảng dạy, đồng thời giúp định hướng phát triển thêm các câu lạc bộ nghệ thuật để học sinh trải nghiệm. Riêng môn tin học, số lượng học sinh có nguyện vọng lựa chọn rất cao, trường tuyển dụng thêm để đáp ứng yêu cầu nhưng 3 năm nay chưa tuyển dụng được. Hiện, trường đang tính hợp đồng, thỉnh giảng để đảm bảo giáo viên đứng lớp, đáp ứng được yêu cầu học các môn học lựa chọn của học sinh lớp 10, 11 theo Chương trình mới” - thầy Tô Lâm Viễn Khoa - Phó hiệu trưởng Trường THPT Gia Định - chia sẻ. 

Tuyển dụng khó, các trường lo khó triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018
Tuyển dụng khó, các trường lo khó triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 (Ảnh minh họa)

Năm học 2022-2023, để có giáo viên mỹ thuật đứng lớp giảng dạy cho 120 học sinh lớp 10 lựa chọn học môn này, Trường THPT Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) đã phải hợp đồng với giáo viên mỹ thuật… tiểu học. Năm nay, trường tiếp tục đăng ký tuyển dụng 1 giáo viên âm nhạc, 1 mỹ thuật để đảm bảo đáp ứng đa dạng nguyện vọng học môn lựa chọn của học sinh học Chương trình GDPT 2018 song vẫn không có… 

Đại diện nhà trường chia sẻ, bài toán thỉnh giảng, hợp đồng tiếp tục được nhà trường đặt ra, để làm sao đảm bảo tổ chức hiệu quả nhất các môn học lựa chọn khi triển khai Chương trình GDPT 2018, hướng tới định hướng nghề nghiệp tốt nhất cho học sinh.

Phó hiệu trưởng 1 trường THPT tại quận 1 đánh giá, sự khan hiếm nhân lực để tuyển dụng các môn nghệ thuật, tin học khiến việc triển khai thiết kế môn học lựa chọn theo Chương trình GDPT 2018 ở bậc THPT thiếu hiệu quả như kỳ vọng.

“Chúng ta kỳ vọng nhiều vào Chương trình GDPT 2018 bậc THPT, học sinh được chọn môn học theo sở thích, năng lực nhưng qua 2 năm triển khai, tuyển dụng lại luôn gặp khó khiến các trường xoay xở đủ hướng nhưng vẫn khó. Thậm chí, ngay cả khi thỉnh giảng được, giáo viên phải được tập huấn, bồi dưỡng về chương trình, sách giáo khoa mới có thể đứng lớp…” - Phó hiệu trưởng này nói.

Quốc Trung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI