PNO - Sáng 11/3, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM phối hợp với Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức hội thảo khoa học triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM - nhận định, TPHCM có đầy đủ các yếu tố để có bước phát triển đột phá về khoa học, công nghệ.
Ông Nguyễn Văn Được - Chủ tịch UBND TPHCM - cho rằng TPHCM đang có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để đột phá về khoa học công nghệ - Ảnh: Phùng Huy
Ông nêu các con số ấn tượng: tỉ trọng kinh tế số của TPHCM năm 2023 chiếm 21,5% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) và năm 2024 chiếm 22% GRDP; chỉ số chuyển đổi số DTI xếp thứ hai cả nước; hạ tầng số đứng đầu cả nước 2 năm liên tiếp (2022 và 2023). TPHCM có hệ sinh thái đa dạng, với gần 2.200 doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, chiếm 50% cả nước, có 200 quỹ đầu tư khởi nghiệp, 97 trường đại học, cao đẳng và 53 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp. TPHCM đang xếp thứ 111 trong bảng xếp hạng các thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu.
Ông cho hay, chính quyền TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2030, TPHCM lọt vào tốp 100 thành phố có hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu và năm 2045 lọt vào tốp 50. Các giải pháp để đạt mục tiêu trên là phát triển hạ tầng số hiện đại, bao gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng mạng lưới thiết bị kết nối internet (IoT), hạ tầng mạng internet tốc độ cao, chuyển đổi dữ liệu quốc gia; phủ sóng hạ tầng mạng 5G cho mọi khu vực đông dân và khu công nghiệp trọng điểm; hỗ trợ các DN trong nước và thu hút DN nước ngoài đặt hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây lớn tại TPHCM; phát triển hạ tầng năng lượng để đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển khoa học, công nghệ…
Phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM - đánh giá, việc nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ luôn được chính quyền TPHCM chú trọng nhưng sau khi có Nghị quyết 57 thì việc triển khai, hành động nhanh và quyết liệt hơn. Nghị quyết 57 nâng tổng mức đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo lên 2% GRDP là điểm rất đột phá bởi trong giai đoạn 2016-2020, mức đầu tư cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ở TPHCM chỉ chiếm 0,96% GRDP, trong đó ngân sách nhà nước chỉ chiếm phần nhỏ.
Theo ông, Nghị quyết 57 cũng đề cập đến việc chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học. Đây là một chính sách đột phá bởi không phải cứ nghiên cứu là ra được kết quả; nếu không có cơ chế chấp nhận rủi ro thì nhà khoa học không dám “bước ra khỏi vùng an toàn” nên các sản phẩm cũng chỉ trong vùng an toàn, không thể tạo ra đột phá.
Ông nói: “TPHCM là trung tâm lớn của cả nước và khu vực. Do đó, lãnh đạo thành phố cần đi đầu trong nhận thức, tư duy, hành động khi thực hiện Nghị quyết 57. Nếu làm theo cách cũ thì dù có bơm nhiều tiền cũng khó hiệu quả. Phải nghĩ khác và làm khác, mới tạo đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo”.
Hợp tác 3 bên cần thực chất hơn
Ông Nguyễn Văn Được - Chủ tịch UBND TPHCM - cho rằng TPHCM đang có “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để đột phá về khoa học công nghệ - Ảnh: Phùng Huy
Giáo sư Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa - nhấn mạnh việc phối hợp thực hiện Nghị quyết 57 giữa chính quyền TPHCM và Đại học Quốc gia TPHCM. Trong đó, Đại học Quốc gia TPHCM phải trở thành trung tâm khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, cùng chính quyền TPHCM hoàn chỉnh chính quyền số, nâng cao năng lực cạnh tranh số và phát triển xã hội số, biến thành phố thành trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước và khu vực.
Ông đề xuất thành lập tổ công tác điều phối chung giữa chính quyền TPHCM và Đại học Quốc gia TPHCM để triển khai các nhiệm vụ trọng điểm, ưu tiên các lĩnh vực chiến lược như trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, công nghệ chuỗi khối (blockchain), vi mạch bán dẫn, công nghệ lượng tử, công nghệ sinh học, chuyển đổi số, phát triển các chương trình đào tạo và thu hút nhân tài khoa học, công nghệ gắn với nhu cầu của TPHCM và khu vực.
Ông Phan Thanh Bình - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng, mục tiêu cuối cùng của đổi mới sáng tạo không phải là nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mà là đưa nghiên cứu vào DN để cho ra sản phẩm. Theo ông, 60% ý tưởng đổi mới sáng tạo tại Việt Nam nằm ở DN chứ không phải ở các trường, viện.
Ông góp ý: “Cần chú trọng sự phối hợp 3 bên giữa trường, DN và Nhà nước. Cái này đã được nói lâu rồi nhưng làm chưa tới. Nay có Nghị quyết 57 thì ta có làm được không? Không chỉ liên kết 3 bên mà cần chiến lược phát triển khoa học, công nghệ của cả vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long, tránh mỗi tỉnh một kế hoạch, trùng lắp nhau, làm phân tán nguồn lực”.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Phó giám đốc Trung tâm Giải pháp miền Nam, Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel - cho biết, đã có sự ký kết cơ chế hợp tác giữa Viettel với UBND TPHCM, với Đại học Quốc gia TPHCM nhưng việc thực hiện chưa tốt bởi cứ đặt hàng xong, lại không biết tính giá bao nhiêu, cách tính thế nào nên lại ngưng. Viettel có quỹ nghiên cứu hàng ngàn tỉ đồng nhưng khi muốn dùng thì vướng cơ chế. Ông hy vọng dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ sắp trình Quốc hội sẽ giúp cho việc hợp tác giữa DN với cơ quan nhà nước và nhà khoa học thực chất hơn, hiệu quả hơn.
Theo ông, nhiệm vụ của Viettel trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết 57 khá lớn, trong đó có việc xây dựng nhà máy bán dẫn, phủ sóng 5G, 6G. Viettel đang làm chủ công nghệ 5G với sự hỗ trợ của Trường đại học Bách khoa TPHCM và đang nghiên cứu công nghệ 6G. Viettel cũng có nhiệm vụ tiến tới làm chủ các công nghệ chiến lược quốc gia, đặc biệt là an ninh quốc phòng. Viettel sẽ đặt hàng cụ thể cho Đại học Quốc gia TPHCM để tìm ra các giải pháp hiệu quả nhằm hiện thực hóa các mục tiêu này.
Có đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để tạo đột phá
Ông Nguyễn Văn Được - Chủ tịch UBND TPHCM - cho rằng, với Nghị quyết 57, sự quyết liệt của lãnh đạo trung ương và địa phương cũng như nguồn nhân lực chất lượng cao, TPHCM hội đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để phát triển, đột phá về khoa học, công nghệ, chuyển đổi số.
Theo ông, để thực hiện Nghị quyết 57, chính quyền địa phương cùng nhà khoa học và DN cần đồng hành, cộng sinh với nhau, hướng tới mục tiêu vì đất nước, vì TPHCM. Trong đó, chính quyền thành phố đặt hàng, đặt vấn đề, còn nhà khoa học và DN giải quyết vấn đề. Chính quyền TPHCM đã đưa ra chiến lược đột phá “1 - 4 - 1”, cụ thể là “1 trung tâm”, tức trung tâm tài chính quốc tế TPHCM; “4 cao”, gồm trung tâm công nghệ cao đa mục tiêu, khu công nghiệp công nghệ cao, giáo dục chất lượng cao và y tế chất lượng cao; “1 chiến lược” là hạ tầng chiến lược, trước mắt sẽ tập trung vào hạ tầng giao thông hiện đại và hạ tầng số.
Làm rõ cơ chế huy động và sử dụng vốn
Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM - ước tính, năm 2025, nếu TPHCM chi 2% GRDP cho khoa học, công nghệ theo yêu cầu của Nghị quyết 57 thì tổng chi khoảng 38.000-40.000 tỉ đồng, trong đó khoảng 15.000 tỉ đồng từ ngân sách và 23.000-25.000 tỉ đồng huy động từ xã hội. Vấn đề đặt ra là cơ chế huy động thế nào và cách nào để giải ngân số tiền lớn như vậy. Ông cũng băn khoăn: “Đến nay, vẫn chưa có danh mục công nghệ chiến lược quốc gia. Như vậy, chúng ta chờ đợi hay dựa trên đặc thù của TPHCM để chủ động đầu tư trước vào các ngành chiến lược, như AI, vật liệu mới, năng lượng tái tạo?”.