Nghệ sĩ Tuấn Nam "solo" giấc mộng Jazz Việt

20/11/2020 - 13:53

PNO - Ngồi với Tuấn Nam sau hai chương trình “chào sân” diễn ra ở Hà Nội và TP.HCM mới đây, tôi nói, tôi tò mò về hành trình của một nghệ sĩ 36 tuổi lặng lẽ ẩn mình suốt một thập niên, giờ đây quyết định “bứt” ra khỏi cái kén an toàn - ban nhạc Anh Em, một trong những ban nhạc hàng đầu Việt Nam - để “solo” giấc mộng lớn của mình: jazz Việt.

“Ban nhạc Anh Em là một phần rực rỡ trong tuổi trẻ của tôi”

Phóng viên: Tới bây giờ, việc Tuấn Nam rời khỏi ban nhạc Anh Em vẫn khiến nhiều người bất ngờ, thưa anh?

Nghệ sĩ Tuấn Nam: Nhiều người vẫn hỏi tôi rằng, ban nhạc Anh Em nổi tiếng như vậy, sao tôi lại ra đi. Nhưng tôi nghĩ rằng càng khó khăn, thử thách, tôi càng nên tìm cơ hội cho mình, thậm chí bứt phá khỏi giới hạn của chính mình. Có lẽ đó cũng là một trải nghiệm thú vị vì nghệ thuật cũng như cuộc sống, nếu bằng phẳng quá thì chán lắm. Chưa kể, đặc thù trong âm nhạc, có nốt thăng nốt trầm, nốt cao nốt thấp. Đó là một điều tự nhiên. Tôi không đặt nặng chuyện phải thế này hay thế kia mới có thể tiến xa được.

* Người trong giới đồn chắc vì mâu thuẫn nên không còn chung đường…

- Ngay cả trong gia đình hay những mối quan hệ thân thiết khác, đều phát sinh mâu thuẫn. Tôi xin phép không đề cập lý do. Có điều tôi muốn nói rằng, dù không còn đứng cùng nhau trên một sân khấu nhưng có thể, có những chương trình, chúng tôi gặp lại nhau, một vài thành viên đứng cùng sân khấu ở một festival âm nhạc hoặc một liên hoan âm nhạc nào đó… Chuyện này ở thế giới diễn ra như cơm bữa, chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Không ít ban nhạc trên thế giới, thành viên này có thể chơi ở ban nhạc này nhưng hôm sau, có tên trong một ban nhạc khác. Thị trường âm nhạc của chúng ta quá nhỏ, vẫn đang thành hình, khán giả chưa thực sự quen với điều đó, kể cả những anh em trong nghề. 

* Mười năm ở ban nhạc Anh Em, cá nhân anh đã thu nhận được những gì về nghề? 

- Mười năm trước, tôi mới đi học về, khá bỡ ngỡ với thị trường âm nhạc trong nước. Chính các anh - những người đi trước, có nhiều kinh nghiệm đã truyền lại cho tôi những bài học quan trọng, chẳng hạn, cách tương tác với thị trường âm nhạc Việt Nam ra sao, những ý tưởng sản xuất âm nhạc như thế nào; giúp cho mình một tư duy tổng thể hơn, nhìn nhận thị trường sát hơn… Tất cả góp phần tạo nên một Tuấn Nam của ngày hôm nay.

* Lúc chân ướt chân ráo vào ban nhạc Anh Em, Tuấn Nam mới 25 tuổi. Giờ nhìn lại tuổi 20 đó, cảm xúc của anh thế nào?

- Đó là một giai đoạn rực rỡ trong tuổi trẻ của tôi. Khi đó, tôi mới học xong và trở về nước chơi nhạc, bắt đầu bước ra sân khấu, với khán giả, với mọi thứ. 

 

Làn điệu dân ca Bắc bộ Hoa thơm bướm lượn được chuyển soạn và thể hiện theo phong cách Jazz bởi Tuấn Nam Jazz Band

“Nếu không theo âm nhạc, có lẽ tôi đã thành... tướng cướp”

* Anh đến với âm nhạc như thế nào?

- Bố tôi là huấn luyện viên cũ của đoàn Thể Công (Hà Nội). Sống trong môi trường đó nên từ bé, tôi đã rất nghịch. Vì nghịch quá nên mọi người vẫn đùa, sau này lớn lên hẳn tôi sẽ… thành tướng cướp. Một lần, có ông anh họ từ Sài Gòn ra chơi, mang theo đàn organ. Nghe ông đánh thấy thích quá nên tôi bắt chước. Anh thấy thế nên nói bố mẹ: “Thôi, cho nó đi học đàn cho bớt nghịch”. Đó là lý do tôi theo học nhạc từ bé. Cuộc đời đúng là kỳ lạ. Thay vì trở thành vận động viên thể thao hoặc nghề gì đó… cuối cùng tôi thành một người chơi nhạc.

* Lúc đó, anh đã học jazz rồi?

- Đúng vậy. Khi đó, các thầy có phương pháp sư phạm, không đưa cho học trò những bài quá khó nghe nên chúng tôi ngày đó học rất vào. Lần đầu tiếp xúc, tôi đã ấn tượng bởi sự hứng khởi, nhanh, vui nhộn, phấn khích, có tính tiết tấu của nó. Tôi đã mê jazz từ ban đầu; mà có thể khi đó, tôi không hiểu nó là loại nhạc gì. Sau này, lớn lên, có cơ hội ra nước ngoài học, tôi mới biết, nó là thứ âm nhạc của cuộc đời mình.

* Có lẽ vì vậy mà mười năm trước, sau khi trở về từ Thụy Điển, chưa gia nhập Anh Em, anh đã làm ngay liveshow đầu đời ở Nhà hát lớn Hà Nội và Nhà hát TP.HCM với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ tên tuổi. Nhưng nếu tôi nhớ không nhầm, khi đó, nội dung liveshow chủ yếu là hòa tấu; hai đêm nhạc vừa qua, lại có vẻ “thập cẩm” hơn? 

- Đấy là những trải nghiệm, tri nhận của những năm tháng chơi nhạc với ban nhạc Anh Em, cũng như hiểu thị trường âm nhạc Việt Nam. Tôi nhận thấy, ở đây, nhìn chung, mọi người vẫn quen thuộc với những ca khúc có lời; chưa có thói quen nghe nhạc không lời. Nếu muốn lan rộng, lan tỏa jazz hơn nữa, phải tìm cách hòa quyện nó với thể loại khác, biến món ăn ấy thành món ăn hợp miệng với khán giả trong nước. Đó cũng là con đường sắp tới Tuấn Nam sẽ đi. 

Một số người học khí nhạc khá cực đoan giữa sự thuần hoặc không thuần... Có người hỏi tôi, khi quyết định “trộn” jazz với những thứ khác để công chúng dễ cảm hơn, Tuấn Nam có một sự tan vỡ nào đó không. Tôi không nghĩ vậy. Thực ra, tôi cũng là người thích giai điệu đấy. Với tôi, giai điệu có lời hay không lời đều có chỗ đứng của nó, miễn sao đó là những giai điệu đẹp. Ngay cả với những ca khúc có lời, tôi cũng chọn những giai điệu mình thích.

Quan trọng nhất vẫn là truyền được tinh thần nhạc jazz vào đó. Vừa là nghệ sĩ piano vừa là nhà sản xuất âm nhạc chính cho các chương trình của mình, tôi muốn khai thác chất jazz nhiều nhất có thể.

Nghệ sĩ Tuấn Nam

* Nghệ sĩ là một trong những yếu tố định hướng thẩm mỹ của công chúng nhưng ở ta, hình như ngược lại, thậm chí, nghệ sĩ còn “làm hư” công chúng bằng việc chiều lòng công chúng mà cho ra những sản phẩm làng nhàng, không có dấu ấn...    

- Đúng là, nếu nghệ sĩ mất vai trò định hướng hay tiên phong thì không ổn. Tôi cũng không phủ nhận có những người mang danh nghệ sĩ nhưng chạy theo mục đích khác ngoài âm nhạc - nghệ thuật nhằm chiều lòng công chúng, phần nào làm giảm đi sự phát triển của âm nhạc. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có những nghệ sĩ luôn tìm tòi phát triển những cái mới, có giá trị. 

Thực ra, âm nhạc chia làm các bộ phận, tạm gọi là mảng nghệ thuật đại chúng, nghệ thuật hàn lâm, underground - còn gọi là “tầng hầm”. Lâu nay, người ta vẫn tranh luận nghệ thuật vị nhân sinh hay nghệ thuật vị nghệ thuật. Câu chuyện đó không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn ở các nước trên thế giới. Nhưng tôi nghĩ rằng, nghệ thuật gì đi chăng nữa, vẫn phải phục vụ cho đời sống, cho con người. 

* Theo dòng chảy để thích ứng với công chúng, anh có sợ một ngày Tuấn Nam cũng “bay màu” không?

- Tôi khá khó tính trong âm nhạc của mình. Tôi hiểu công chúng nhưng tôi cũng hiểu tôi, nên nếu có cơ hội để lồng những thông điệp mà mình muốn đưa vào để nâng âm nhạc lên, phát triển âm nhạc hơn, nhất định tôi sẽ nắm lấy. Vì thế, tôi mới phối jazz cho những ca khúc cũ. Nếu không, các ca khúc ấy tự sống, tôi tự vùng vẫy với jazz của riêng tôi. Như thế, hai con đường không bao giờ gặp nhau cả. Công chúng cũng không có cơ hội được nghe một thứ âm nhạc tương thích như vậy. Để dung hòa, để hòa quyện, nghệ sĩ phải tìm ra công thức, phải vận động, tư duy, cũng như chiến lược rõ ràng, chứ không phải vài ba bài hát, vài ba chương trình mà làm được.

Việt Nam chưa có thị trường nhạc jazz

* Theo anh, Việt Nam có thị trường nhạc jazz chưa? 

- Hiện chúng ta chưa có thị trường nhạc jazz, dù có những nhạc công chơi, có những câu lạc bộ nhạc jazz, có những ca sĩ hát jazz. Để có một thị trường, có rất nhiều công đoạn. Muốn tạo thị trường cho nó, phải có nhiều hơn nữa những hoạt động thường niên khác. Chẳng hạn, lễ hội nhạc jazz, festival jazz… nhiều album hơn nữa; các câu lạc bộ chơi jazz hằng tối ở các tỉnh, thành và phải có nhiều gương mặt jazz hơn nữa.

* Hai đêm nhạc ở Hà Nội và TP.HCM có nằm trong một chiến lược dài hơi không?

- Chúng nằm trong một series, một hệ sinh thái Tuấn Nam muốn tạo ra để hoạt động sau này. Đó có thể là lễ hội nhạc jazz, album ca sĩ kết hợp jazz, album nhạc jazz “made in Vietnam”.

* Khát vọng “made in Vietnam” đó có quá khổ không, khi đặt trong bối cảnh thưởng thức nghệ thuật trong nước, thưa anh? Kể từ khi đặt chân vào nước ta tới nay cũng khoảng 40 năm nhưng nhạc jazz vẫn ì ạch. Thậm chí, nghệ sĩ chơi nhạc jazz còn dè dặt khi nói về nó…

“Nhạc jazz ngẫu hứng là nơi mà nghệ sĩ dễ phô ra tính cá nhân của họ nhất. Ngoài ca sĩ, những người còn lại đều có những đoạn “solo” đóng mác phong cách của mình. Khán giả sẽ thấy: “À, trên sân khấu, tâm điểm không chỉ có ca sĩ, mà còn có những nghệ sĩ nhạc cụ khác. Họ đang chơi trong mê say và đang cùng nhau kiến tạo nên những tác phẩm cống hiến cho khán giả”. 

Lúc nãy bạn hỏi tôi, ở trong tối bao nhiêu năm, lặng lẽ ẩn mình trong ban nhạc Anh Em, lần này Tuấn Nam ra sáng hẳn phải không… Thực ra, tôi không nghĩ mình ở trong bóng tối hay ra ngoài sáng. Chỉ là, khi đứng ở vị trí tổ chức, tôi muốn trưng bản thân mình và các thành viên khác ra cùng. Vì âm nhạc ngoài tính cá nhân còn có tính tập thể. Khi đó, tất cả đều tỏa sáng trong một không gian duy nhất, đó là âm nhạc, cũng là chất keo kết dính họ lại, thăng hoa cùng nhau trên sân khấu”.

Nghệ sĩ Tuấn Nam

- Âm nhạc hay các loại hình văn hóa nghệ thuật khác cũng gắn liền với sự phát triển của xã hội. Sau bao nhiêu năm đất nước khó khăn, dân chúng phải lo cơm ăn áo mặc... giờ cuộc sống khá hơn, ngoài ăn ngon mặc đẹp, người ta bắt đầu nghĩ đến những thú vui về văn hóa. Tôi nghĩ, những năm sau này, nhu cầu đó ngày càng cao. Việc một thị trường nhạc jazz hình thành, không còn quá xa, quá lâu như trước. Có điều, nghệ sĩ phải làm thì mới mong cầu điều đó đến.

Những năm qua, nhạc jazz tại Việt Nam phát triển hết sức tự nhiên. Dù không được những sân chơi trên truyền thông, truyền hình, đài phát thanh ưu ái nhưng nhờ mạng xã hội, jazz cũng đã bắt đầu được nhen nhóm dần trong giới trẻ. Chẳng hạn, ở Hà Nội có Hanoi Blues Note - nhóm các bạn trẻ yêu nhạc jazz, tự sản xuất những ca khúc, MV, bản thu âm nhạc jazz phát trên kênh YouTube của nhóm - đang nhận được sự quan tâm của nhiều người. Những hoạt động như vậy rất cần được khuyến khích.

* Vậy làm thế nào để jazz Việt có tên trên bản đồ khu vực nói riêng và thế giới nói chung?

- Phải đưa những đặc trưng của Việt Nam vào, song không nên lạm dụng. Vẫn phải phù hợp với “khẩu vị” chung. Bên cạnh đó, nên kết hợp những yếu tố thời đại với truyền thống dân gian của mình. Đặc biệt nhất, chúng ta phải có một cộng đồng nhạc jazz. Như Thái Lan có hiệp hội nhạc jazz rất lớn. Hằng năm, họ có những hoạt động biểu diễn, trao đổi, giảng dạy, lên lớp… thường xuyên. Hay trong khu vực, jazz Indonesia, Singapore… cũng rất mạnh. Ngay cả Lào cũng đã có festival nhạc jazz đến năm thứ năm, có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới đến đây biểu diễn. Hay như Indonesia, Java Festival của họ cũng bước sang năm thứ 16, 17; mỗi lần tổ chức, thu hút hàng trăm ngàn người trên thế giới đổ về; bản thân khán giả nội địa nghe jazz cũng rất nhiều… Chẳng cần phải nhìn sang Mỹ - khởi nguồn của jazz - mà chỉ cần nhìn xung quanh, chúng ta đã thấy mình đi sau họ như thế nào. 

* Nhắc đến khán giả nội địa mới nhớ, ở Việt Nam, đa phần công chúng đều cho rằng jazz là một loại nhạc rất hàn lâm...  

- Đúng vậy. Nhiều người nghĩ jazz rất “classic” (cổ điển). Họ nhầm to. Họ đang ngộ nhận. Do họ chưa có thông tin, cũng chưa có các kênh để liên tục nhắc cho họ về sự hiện hữu của jazz, để tìm hiểu về jazz.

Hiện, nhạc jazz được xem là ngôn ngữ âm nhạc quốc tế. Đi đâu, dù có thể không cùng ngôn ngữ nhưng nếu nghệ sĩ chơi cùng nhau một bản nhạc jazz, ngay lập tức họ giao tiếp được với nhau và đó là ngôn ngữ duy nhất - ngôn ngữ của âm nhạc thời đại mới. Nó là một loại nhạc đầy tính giải trí, hấp dẫn.35 tuổi, vừa đẹp để trở về và bắt đầu

* 35 tuổi, bắt đầu một cuộc trở về với jazz, một giấc mộng lớn với jazz Việt. Liệu có muộn không? 

-Tôi không nghĩ vấn đề nằm ở tuổi tác, quan trọng là mình còn đam mê thì độ tuổi nào cũng là thời điểm đẹp để bắt đầu. Chưa kể, jazz đang là một vùng đất “khuyết”, đầy tiềm năng. Đây là lúc tôi cảm thấy chững chạc, điềm tĩnh và trải nghiệm hơn. Cũng là thời điểm mà khát khao cống hiến, khát khao được là chính mình trở nên mạnh mẽ hơn, gọi mời hơn. Tôi nghĩ, bắt đầu từ giờ là vừa. Không quá sớm và cũng không quá muộn. Không quá trẻ cũng không quá già. Vừa đẹp, vừa đủ độ chín để bắt đầu viết giấc mơ, hoài bão của mình. 

* Một số nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam đến với nhạc jazz cũng chỉ dám rón rén; khi ra mắt album nhạc jazz cũng chỉ dám tự nhận là “thể nghiệm”. Còn anh, anh tự nhận là Tuấn Nam jazz?

- Tôi không ngại gì cả. Tôi được học, được sống trong môi trường nhạc jazz từ nhỏ. Khi lớn lên, đi học, bằng cấp duy nhất mà tôi có cũng về jazz (chuyên ngành biểu diễn jazz piano). Sao phải bỏ đi hay e ngại khi nó chính là mình? Thực sự, tính lan tỏa của nhạc jazz rất lớn. Nó là cha đẻ của tất cả loại nhạc. Tôi, bạn hay bất cứ ai, đều không thể phủ nhận được giá trị mang tính lịch sử của nó. Vì vậy, tôi rất tự tin.

* Còn tên chuỗi chương trình Nam Jazz Night thì sao? Có câu chuyện gì đặc biệt mà anh muốn kể?

- Cái tên này đến bất chợt trong một bữa ngồi cà phê với anh Huy Tuấn ở Sài Gòn. Lúc đó, tôi đã tách khỏi ban nhạc Anh Em, bắt đầu lên concept cho chương trình ở Hà Nội. Sau khi nghe đứa em kể những dự định sắp tới, Huy Tuấn nói, đây là một hướng đi đầy tiềm năng. Anh giục, sao không nghĩ biểu tượng thương hiệu của chuỗi chương trình luôn đi. Anh kiếm bút, kiếm giấy nguệch ngoạc một lúc rồi đưa tôi mấy chữ “Nam Jazz Night”. Anh nói, khi chia tay ban nhạc Anh Em, anh không có quà gì cho chú. Đây, tặng chú một món quà kỷ niệm. Nam Jazz Night - Jazz của người Việt Nam. Nam cũng là tên chú. Hai trong một đấy!

* Dự định gần nhất của anh là gì?  

- Gần nhất là hoàn thành nốt album mới kết hợp cùng ca sĩ Lê Anh Dũng - giải nhất Sao mai 2007 dòng nhạc thính phòng. Ý tưởng bắt đầu từ năm ngoái nhưng nay mới có thời gian cho nó. Có thể đó là cái tên không ăn khách với đại chúng Việt Nam nhưng lại là một nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật rất nghiêm túc, chân chính, chỉn chu, có giọng hát tình cảm. 

* Trở lại với một diện mạo mới, sao Tuấn Nam không chọn những gương mặt đại chúng, gần gũi với thị trường hơn?

- Khổ nỗi, tôi lại là người không quan trọng người làm việc cùng có nổi tiếng hay không. Quan trọng, vẫn là hợp rơ, thăng hoa cùng nhau. Tôi nghĩ, đó mới là ý nghĩa cốt lõi của âm nhạc. 

* Có vẻ anh nghiêm túc quá!

- Trông có vẻ thế thôi nhưng tôi rất nghịch ngợm đấy (cười). Bạn nên nhớ, dòng nhạc tôi đang chọn là jazz - loại nhạc đầy quãng nghịch, đầy tiết tấu và bất ngờ.   

* Cảm ơn anh đã chia sẻ. 

Du Nguyên (thực hiện)
Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

 

 

 

 

 

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI