Nghệ sĩ cải lương Bình Tinh: Trên đôi vai là một gia tộc

26/06/2022 - 16:00

PNO - Đôi vai của người nghệ sĩ nhỏ bé lúc nào cũng nặng trĩu bởi trách nhiệm với gia tộc: giữ gìn đoàn hát. Con đường đã và đang đi không dễ nhưng chị chỉ có thể chọn tiến về phía trước.

Trước giờ mở màn vở Xử án Phi Giao, nghệ sĩ Bình Tinh tất tả ngược xuôi trong hậu trường, chăm chút từng việc nhỏ nhất. Với chị, mọi thứ phải chỉn chu. Đó là bài học lớn trong nghề mà chị đã được người mẹ quá cố - soạn giả Bạch Mai truyền dạy, chưa bao giờ dám quên.

Bình Tinh đang cố gắng duy trì hoạt động của đoàn Huỳnh Long, để sân khấu sáng đèn thường xuyên hơn. Hành trình ấy càng gian nan khi trong năm 2021, bốn người thân của chị, trong đó có mẹ chị, lần lượt qua đời. Vết thương lòng còn đó nhưng chị phải mạnh mẽ, vì bảng hiệu Huỳnh Long, vì tâm huyết của một gia tộc vẫn cần được giữ gìn.

Viết tiếp hành trình của gia tộc 

Phóng viên: Sau những ngày chìm trong âu lo, sân khấu dường như đã vui trở lại. Hẳn đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long cũng không ngoại lệ?

Nghệ sĩ Bình Tinh: Hai vở Mạnh Lệ Quân kỳ nữ Xử án Phi Giao đều đông khán giả. Suất nào cũng hết vé toàn bộ. Với tôi, cái được lớn nhất vẫn là tình yêu thương, sự ủng hộ của khán giả. Việc thu lời từ các đêm diễn này vẫn khó vì chi phí đầu tư lớn. Tôi mừng khi anh em trong đoàn cùng chung tay giúp sức lẫn nhau. Vì thế, nếu buộc phải chịu thiệt qua việc bù lỗ, tôi vẫn chấp nhận. Tôi vẫn còn các nguồn thu từ việc biểu diễn, bán hàng… nên có thể đảm đương được. Theo kế hoạch, mỗi 1-2 tháng, đoàn sẽ giới thiệu vở mới. Tháng Sáu tới đây, đoàn sẽ công diễn Hoàn Châu cách cách - một kịch bản hài hước nhưng cũng sâu lắng. 

* Trong đoạn đường đang đi, đoàn Huỳnh Long đang có gì và cần phải vượt qua trở ngại nào?

- Nhân lực hiện tại của đoàn đa số trẻ tuổi, non nghề khiến đôi lúc tôi cũng gặp áp lực. Vậy nhưng họ biết cố gắng mỗi ngày, để lên sân khấu diễn tròn vai. Các bạn cũng hiểu tình cảnh khó khăn hiện tại của sân khấu nên không đòi hỏi nhiều. Tất cả đều chung lòng vì mục tiêu để sân khấu cải lương không mai một. Đó là điều an ủi tôi nhất. Tôi mời NSƯT Hữu Quốc về để dàn dựng, truyền kinh nghiệm làm nghề cho các bạn. Tôi mong sau này dù còn ở Huỳnh Long hoặc không thì họ cũng phải giỏi nghề. 

Hiện, sân khấu phải thuê mướn nên chúng tôi không thể đầu tư cho kỹ thuật được tốt như kỳ vọng. Thiết bị phải thuê bên ngoài nên cũng khó chủ động. Tôi luôn mơ có được sân khấu riêng cho đoàn, đầu tư thiết bị hoàn chỉnh phục vụ việc biểu diễn được tốt nhất có thể. Nhưng, có những giấc mơ vẫn dở dang.

Một vở diễn tốn nhiều thời gian, công sức tập luyện nhưng chỉ diễn được 1-2 suất. Với tình hình này, tôi không chắc sẽ duy trì được bao lâu nhưng tôi và các anh chị em sẽ cố gắng kéo dài nhất có thể. Làm được gì cho sân khấu, tôi cố gắng hết sức để không phụ lòng mọi người.

Trên sân khấu vở Xử án Phi Giao
Trên sân khấu vở Xử án Phi Giao

* Tìm khán giả trẻ, mở rộng phạm vi khán giả là một trong những yêu cầu bức thiết với cải lương hiện tại. Đoàn Huỳnh Long đã xoay xở ra sao?

- Qua nhiều suất diễn, tôi thấy lượng khán giả của đoàn cũng đang trẻ hóa. Tuy nhiên, mong muốn của tôi nhiều hơn thế. Khán giả trung niên hiện chiếm phần đông. Trước mắt, tôi mời các nghệ sĩ tên tuổi cùng tham gia các vở diễn. Chẳng hạn, trong vở Hoàn Châu cách cách, tôi mời NSƯT Hoài Linh. Tôi muốn khán giả từ các lĩnh vực khác sẽ chú ý đến hoạt động của đoàn. 

Có thể có những khán giả trước đây chưa biết đoàn Huỳnh Long nhưng vì yêu thích anh Hoài Linh, tò mò việc anh diễn cải lương và sẽ tìm đến. Ở đây, họ thấy được sự trẻ trung, sinh động... và điều đó cũng tạo thêm cơ hội cho đoàn tiếp tục phát triển. Miễn hướng đi nào có hy vọng, tôi sẽ thử. 

Về dàn dựng, tôi an tâm khi có NSƯT Hữu Quốc đồng hành. Anh mang đến những tình tiết mới, tăng tính hài hước để thu hút khán giả. Theo quan sát của tôi, trong vở Xử án Phi Giao vừa qua, dẫu là kịch bản kinh điển nhưng khán giả đã có cái nhìn mới mẻ hơn, thích thú hơn. Đọc phản hồi của khán giả gửi về, tôi an tâm vì biết mình đang đi đúng đường. Song, tôi hiểu con đường đang đi không hề dễ. Để một đoàn hát tồn tại giữa hàng loạt khó khăn bủa vây ắt phải đổ nhiều mồ hôi, nước mắt và có thể cả máu.

Nghệ sĩ Bình Tinh trong vở Mạnh Lệ Quân kỳ nữ
Nghệ sĩ Bình Tinh trong vở Mạnh Lệ Quân kỳ nữ

* Kịch bản là một trong những vấn đề nan giải của cải lương hiện tại. Riêng tại đoàn Huỳnh Long thế nào, thưa chị?

- Mẹ tôi để lại hơn 100 kịch bản nên đoàn có thể duy trì việc biểu diễn dài hơi. Lúc sinh thời, mẹ đã giao việc sáng tác cho tôi. Mẹ chỉ hướng dẫn, đánh giá, góp ý. Dĩ nhiên, thật khó để tôi giỏi nghề như mẹ. Tôi chỉ mong mẹ ban cho tôi duyên để tiếp tục phát triển công việc này. 

Tôi nhớ ngày trước, khi tôi viết gì, mẹ thường khen, ủng hộ. Có lẽ, tôi đã được thừa hưởng “máu nghề” từ khi còn trong bụng mẹ. Những gì tôi làm đều có xu hướng giống mẹ. Hiếm khi mẹ phê bình tôi. Cứ mỗi lần làm, mẹ lại cho tôi thêm nhiều kinh nghiệm, trong đó, bài học lớn nhất có lẽ là sự tận tâm, tử tế. Tôi chưa bao giờ dám quên từ những việc nhỏ nhất.

* Riêng chị, có hay nhìn lại cái dở của mình không?

- Sau bất kỳ đêm diễn nào, tôi đều tự ngồi xem lại những sai sót; dặn lòng cố gắng, khắc phục trong suất sau. Ngày xưa, khi diễn sai, không tròn trịa, tôi bị mẹ la, nhắc nhở ngay. Bây giờ, mẹ không còn nữa nên có lỗi gì, tôi về nhà đốt nhang xin lỗi mẹ. Sai sót là điều khó tránh được, quan trọng lần sau đừng vấp tại nơi đó nữa. 

Nghệ sĩ Bình Tinh và nghệ sĩ Thái Vinh là cặp đào - kép ăn ý trên sân khấu
Nghệ sĩ Bình Tinh và nghệ sĩ Thái Vinh là cặp đào - kép ăn ý trên sân khấu

Vì bảng hiệu Huỳnh Long

* Có bao giờ chị hình dung đến ngày phải bước đi một mình, tự gồng gánh đoàn hát khi không còn mẹ, các cậu, dì bên cạnh?

- Những mất mát trong năm 2021 là cú sốc quá lớn mà dư chấn để lại vẫn còn sâu đậm. Tôi chưa bao giờ hình dung được cuộc sống của mình sẽ rơi vào hoàn cảnh như hiện tại. Tôi không thể nói nhiều hơn về chuyện đau thương này. 
Mẹ đi, ngoài kịch bản thì đoàn hát, bảng hiệu Huỳnh Long là điều còn ở lại. Mọi buồn đau cũng đã đến và xảy ra, không thể quay lại như trước. Điều tôi có thể làm là giúp mọi thứ tốt đẹp hơn trong hiện tại và tương lai. Chỉ khi tôi bước đi thật vững chắc, mọi người mới có thể an lòng nhắm mắt.

Điều hiện tại chúng tôi cần làm là tăng sự kết nối với khán giả, biểu diễn tốt hơn để ngày càng phát triển. Tôi tin đó cũng là điều mà mẹ, dì, cậu mong muốn được nhìn thấy. 

NSƯT Thoại Mỹ thời gian gần đây về đoàn Huỳnh Long để hỗ trợ nghệ sĩ Bình Tinh
NSƯT Thoại Mỹ thời gian gần đây về đoàn Huỳnh Long để hỗ trợ nghệ sĩ Bình Tinh

* Một phụ nữ nhỏ bé lại gánh trên vai bảng hiệu của một đoàn hát đã qua nhiều thế hệ, hẳn đôi lúc cũng nặng nề?

- Sức nặng đó luôn tồn tại trong tôi. Thôi thì tôi cứ mỉm cười chấp nhận gánh vác. Không ai được chọn nơi sinh ra, chỉ có thể chọn cách sống. Tôi lì đòn và có lẽ không khó khăn nào có thể khiến tôi ngã gục. Tôi nhớ mãi ánh mắt, sự mong chờ của mẹ. Điều đó thúc đẩy tôi phải bước đi.

Làm nghệ sĩ, soạn giả hay bầu sân khấu đều chông gai, vất vả. Nghề này phải học đến cuối đời. Đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn chưa học xong. Tôi không xem mình là người quản lý mà chỉ xem đây là gia đình để đối đãi tốt nhất. Đây là công việc nghiêm túc và đầy tình cảm của mọi người. Mọi người kỳ vọng nhiều ở tôi. Vì thế, tôi luôn cố gắng chỉn chu, vượt bậc trong công việc. Tôi sợ làm người khác thất vọng. 

* Gánh vác nhiều việc, có lúc nào chị thấy mình như một người đàn ông? 

- Từ nhỏ, tôi đã giống như con trai. Tôi không mềm mại, yếu đuối như những cô gái đồng trang lứa. Tôi mạnh mẽ, quyết đoán trong mọi việc. Có thể khi đảm đương nhiều công việc, tôi càng mạnh mẽ hơn. Nhưng, so với trước đây, tôi cũng không thay đổi nhiều lắm. 

Rất may là không vì sự mạnh mẽ đó mà mọi người bỏ quên tôi, vì nghĩ tôi có thể xoay xở mọi thứ. Khi tôi cần điều gì, mọi người đều sẵn sàng giúp đỡ. Có lẽ, họ nhìn thấy được bên trong sự mạnh mẽ ấy vẫn là một phụ nữ đôi lúc yếu lòng. Những lúc gặp áp lực, tôi thường xuyên tụng kinh, niệm Phật để lấy lại cân bằng. Sau đó, tôi bắt tay vào việc trở lại, càng quyết tâm cho mục tiêu. 

* Chị xoay xở ra sao để đảm bảo cho đoàn hát khoảng hơn 70 thành viên sống được với nghề?

- Có nhiều đơn vị khi mời cả tôi và đoàn Huỳnh Long theo đúng giá cát-xê thì không có khả năng. Vậy nhưng khi tôi chịu giảm phần lương của mình xuống để đêm diễn có cả đoàn và có tôi, mọi việc dễ dàng hơn. Để vì cái chung, cần phải dẹp bỏ hoặc cắt giảm quyền lợi riêng. Đó là trách nhiệm của người đứng đầu.

Nỗ lực của tôi cũng chỉ rất nhỏ, trong tình hình sân khấu khó khăn hiện tại. Làm sao chỉ diễn 1-2 suất/tháng có thể giúp mọi người trang trải được cuộc sống! Vì vậy, đa phần thành viên trong đoàn đều có nghề tay trái, thậm chí có người chạy xe ôm, bán hột vịt lộn… Dù vậy, trong lòng họ, sân khấu vẫn được đặt ở vị trí trang trọng nhất. 

Nhìn những sự đối lập trên sân khấu và đời thực của anh chị em, cô chú, tôi trăn trở nhiều lắm nhưng dẫu có buồn vẫn phải chấp nhận thực tại. Tôi phải cố gắng để tên mình sống trong lòng khán giả thì đoàn Huỳnh Long mới sống được. 

* Chị có nghĩ đây là sự hy sinh, bởi nếu chỉ tập trung cho sự nghiệp cá nhân có lẽ con đường chị đi đã dễ hơn rất nhiều?

- Giữa cá nhân và truyền thống gia đình, tôi tin mọi người đều thấy được bên nào nặng hơn. Tôi chấp nhận và thấy vui với con đường mình đang bước. Thay vì nghĩ ngợi mông lung, tôi thích được làm việc, giữ đầu óc ở trạng thái tối giản nhất có thể. Tôi không toan tính, so đo thiệt - hơn, được - mất.
Vì đoàn hát, tôi phải gác lại nhiều mong ước cá nhân nhưng những vai diễn tại đoàn cũng góp phần tạo nên sự nghiệp của tôi. Sân khấu là nơi tôi tỏa sáng, được yêu thương. Vì thế, tôi nghĩ không có gì để lo ngại, nếu chúng ta hết lòng. 

Không buộc con cái theo nghề 

* Với bất kỳ ai, kể cả trẻ con, khi nói chuyện, chị đều thưa, dạ. Điều gì đã tạo nên cách ứng xử có phần hơi lạ này?

- Mẹ đã uốn nắn tôi từ nhỏ như thế. Hiện, tôi trò chuyện với con gái cũng vậy. Mỗi chúng ta đều có thể là tấm gương cho một ai khác. Khi nói dạ, không có nghĩa chúng ta thấp hơn người đối diện mà vừa thể hiện trọng người, vừa trọng mình. Bởi lẽ, khi tôi dạ với tất cả thì không ai có thể dùng một từ khác để đáp lại. Đặc biệt, khi là nghệ sĩ, sống nhờ vào tình cảm của khán giả thì dạ cũng là cách thể hiện lòng trân trọng với họ. Khi nghe được từ dạ, trong lòng ai cũng thấy vui, hài lòng. 

* Gần đây, con gái chị có xuất hiện trên sân khấu, diễn cùng mẹ. Chị và con, hai đứa trẻ lớn lên trong lòng một đoàn hát xưa và nay có khác nhau nhiều không?

- Ngày trước, tôi cùng mẹ long đong theo đoàn hát, ăn quán ngủ đình. Tôi hiểu những gian truân của nghề. Cũng nhờ những năm tháng đó mà tình yêu sân khấu lớn dần trong tôi. Trong ánh mắt của đứa trẻ ngày ấy, sân khấu là thánh đường và đến nay vẫn chưa hề thay đổi.

Hiện, con gái tôi dành thời gian chủ yếu cho việc đến trường, vui chơi. Tôi luôn ưu tiên việc học của con, muốn con phải có tri thức đủ đầy trước khi làm điều gì đó. Con có năng khiếu ca hát nhưng chỉ khi con có thời gian và con đồng ý tôi mới để con xuất hiện trên sân khấu. 

Nhìn con đứng trên sân khấu trước hàng trăm khán giả, tôi rưng rưng nước mắt, nhớ lại mình ngày trước. Có đoạn khán giả vỗ tay lớn quá, con bị khớp, quên thoại, tôi hồi hộp, căng thẳng. May mắn thay, cuối cùng con cũng lấy lại được tinh thần để làm tròn vai.

Con tôi giờ có nhiều cơ hội, công cụ để tiếp xúc thế giới bên ngoài, nên lựa chọn cho tương lai sẽ đa dạng hơn; còn chúng tôi ngày đó chỉ có sân khấu. Mỗi thời mỗi khác; chúng ta cứ thuận theo tự nhiên để sống, làm việc.

Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long do nghệ sĩ Bảy Huỳnh - Ngọc Hương thành lập. Thế hệ thứ hai tiếp quản đoàn hát gồm các nghệ sĩ: Bạch Mai, Thanh Bạch, Kim Phượng, Bạch Nga, Thanh Châu; trong đó, nghệ sĩ Bạch Mai còn là soạn giả nổi tiếng. Bà có nhiều kịch bản gây tiếng vang: Xử án Phi Giao, Giang sơn mỹ nhân, Ngọc Kỳ Lân, Thập tứ nữ anh hào, Ngũ biến báo phu cừu…

Nghệ sĩ Bình Tinh là con gái của soạn giả Bạch Mai, hậu duệ đời thứ ba của đoàn hát. Soạn giả Bạch Mai qua đời tháng 8/2021.

Trong năm 2021, nghệ sĩ Kim Phượng, nghệ sĩ Thanh Châu, nghệ sĩ Thanh Linh (dì, cậu ruột của nghệ sĩ Bình Tinh) cũng rời cõi tạm. Hiện, nghệ sĩ Bình Tinh quản lý Đoàn cải lương Huỳnh Long.

* Nếu như sự lựa chọn tương lai của con không phải sân khấu, liệu chị có dễ dàng chấp nhận?

- Nếu vận mệnh của đoàn Huỳnh Long chấm dứt ở đời tôi, tôi chấp nhận. Tôi không thể ép con đi con đường mà con không muốn. Ông bà, cha mẹ chắc chắn sẽ hiểu và cảm thông cho chúng tôi. Khi bị đặt vào môi trường không thích, không đam mê thì khó thành công. Con không hạnh phúc một thì tôi lại phải đau lòng đến mười nếu để điều đó xảy ra. 

Tôi sợ khi nghe câu: “Cha mẹ làm thầy, con đốt sách”. Khi đứng trên sân khấu mà con không thể làm tốt, phát huy được giá trị của thế hệ đi trước thì càng buồn hơn. Ngày trước, mẹ tôi cũng dạy dỗ anh em tôi như thế, không ép buộc điều gì. 

* Đảm đương nhiều việc cùng lúc, lại chạy show không ngưng nghỉ, chị có còn nhiều thời gian cho con cái, gia đình?

- Con tôi năm nay mới bảy tuổi nhưng đã hiểu nhiều chuyện. Vì thế, dẫu tôi không có nhiều thời gian bên cạnh nhưng con hiểu, thông cảm. Những ngày được nghỉ, tôi lại ôm con vào lòng để trò chuyện. Bella từng khiến tôi giật mình vì hiểu nếu tôi không đi làm sẽ không có tiền cho con đến trường, uống sữa, phục vụ đoàn hát, chăm lo cho gia đình lớn hơn, gồm các dì, cậu… Vì thế, tôi thấy nhẹ lòng. Mỗi khi có thời gian, tôi lại đưa con đi chơi để bù đắp. 

Thấy tôi lao lực vì công việc, gia đình… nhiều người quen, bạn bè lo lắng. Trừ một số lúc quá sức, còn lại tôi vẫn đảm đương được. Tôi sống với suy nghĩ đơn giản: Nếu có thể mang hạnh phúc cho ai đó thì đừng ngại cho đi. Khi ta suy nghĩ nhẹ nhàng thì mọi việc dễ thở hơn còn nếu ta xem đó là gánh nặng thì sẽ bị nguồn năng lượng xấu cản trở.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ. 

Thành Lâm (thực hiện)  

Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEhautruongvi /strCate=hautruong
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgiaitrivi /strCate=giaitri