Ngày tết, phải có hũ dưa trong nhà

26/01/2020 - 14:32

PNO - Mạ hay nói, khi nào hết dưa món thì hết tết. Và mỗi lần thấy mạ bắt đầu cắt đu đủ, cà rốt… là y như rằng tết đã chộn rộn ngoài kia.

Mạ nói mình già rồi, răng yếu lắm. Dưa món “cổ truyền”, mạ móm mém nhai không ra. Mà tết nhất, phải có hũ dưa món trong nhà mới có không khí. “Mất công làm mà ăn không được, có mà thèm chết”, mạ nói thế. Cho nên, nhiều năm nay, hũ dưa món được mạ “cách tân” bằng hũ “dưa rối”. Mỗi lần thấy mạ bắt đầu cắt đu đủ, cà rốt… là y như rằng tết đã chộn rộn ngoài kia.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Những ngày mùa đông, quê mình mưa suốt. Mạ hay có thói quen ra ngóng cây đu đủ sau góc vườn. Mưa, lạnh, mà mấy quả đu đủ cứ lớn từng ngày chẳng chịu nghỉ ngơi. Mạ sợ chờ không được đến lúc nắng, đu đủ chín mất, nên cứ cắp nón ra đứng ngắm hoài, mặc ngọn gió đông len qua vành nón hắt lên mặt, khiến gò má nhăn nheo của mạ lạnh tanh. Rồi một sáng nào đó trong chuỗi ngày lạnh lẽo của mùa đông, mặt trời bỗng vén mây xuất hiện.

Mạ mừng rơn khi nhìn con nắng ngược mùa lung linh nhảy múa. Ba hối hả bắc thang hái đu đủ sau vườn. Còn mạ tất tả cắp nón qua bên kia chợ mua mấy củ cà rốt. Ớt thì dễ rồi, chỉ cần ra sau vườn túc tắc hái một lúc là có cả nắm to. Củ kiệu thì phải lên rẫy. Nhưng củ kiệu ngâm dưa món chỉ cần phơi khô teo teo là được, nên mạ không gấp, khi nào ngâm mới đem phơi.

Món dưa rối của mạ, cũng y như hũ dưa món cổ truyền xưa nay trong bếp tết của người dân xứ Huế, nhưng khác ở chỗ là không cắt tỉa hoa lá kiêu sa. Mạ không gọi “dưa món” mà gọi là “dưa rối”, vì đu đủ, cà rốt được mạ chẻ nhỏ, khi đem ngâm thì… rối hết cả lên, nên mạ đặt cho cái tên đầy hình tượng như thế. Cũng nhờ chẻ nhỏ, nên chỉ cần bắt được nửa ngày nắng, là mấy thứ đu đủ, cà rốt đã được mạ phơi khô khén.

Mạ cẩn thận gói trong lớp giấy báo cũ, rồi bọc lại bằng mấy lớp ni-lông, sau đó cột chặt, cất gọn ghẽ trên giàn bếp. Tính mạ lo xa vậy đó, nên khi tết nhất cận kề, mà trời cứ mưa liên miên, mạ cũng không cần phải rạo rực cời than để sậy dưa món như bao nhà trong xóm.

Dưa món muốn ngon, quan trọng nhất là khâu pha nước mắm. Mạ nói làm dễ ẹc à, sao mấy đứa con gái của mạ đứa nào cũng bảo khó, để tết nhất đến cứ nhất quyết phải “đặt hàng” mạ làm mới chịu. Mạ thường nấu nước mắm với đường theo tỷ lệ 1:1. Tức là một chén nước mắm thì nấu cùng một chén đường.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Nước mắm mạ cũng chọn loại ít độ đạm để mùi mắm không bị nồng. Nước mắm và đường nấu trên lửa liu riu cho tan hết đường. Khi nước mắm sôi, mạ hay thả vào vài hạt tiêu cho thơm. Nồi nước mắm của mạ có mùi thơm dìu dịu, không mặn quá, vị ngọt vừa đủ và thanh thanh. Cà rốt, đu đủ, ớt khô, rồi thêm củ kiệu phơi hơi teo teo được mạ rửa qua bằng nước muối ấm rồi vắt cho ráo.

Hũ thủy tinh để ngâm cũng được mạ cẩn thận rửa sạch, còn tráng qua nước nóng rồi lau khô, mới cho nguyên liệu vào rồi nén chặt, sau đó đổ nước mắm vào cho ngập. Hũ dưa được mạ để ở góc thoáng mát trong bếp, sau chừng 10 đến 15 ngày thì mạ đổ hết nước mắm trong hũ ra, nấu cho sôi lại rồi cẩn thận hớt sạch bọt. Sau khi để nguội, mạ sẽ đổ lại vào trong hũ dưa món. Mạ nói làm vậy, dưa món để cả năm vẫn không hư.

Dưa món của mạ làm, miếng dưa được cắt nhỏ, mỏng nên không cứng nhưng vẫn giữ được độ giòn. Khi nhai giòn giòn, mằn mặn, ngòn ngọt rất vừa miệng, ăn kèm với bánh chưng bánh tét là nhứt. Mấy ngày tết, chán thịt cá dầu mỡ, dưa món đã “cứu” những bữa cơm của nhà mình. Mạ hay nói, khi nào hết dưa món thì hết tết.

Nhưng nhà mình, ai cũng ghiền dưa món mạ làm, nên lúc nào cũng “xúi” mạ ngâm cả thẩu to ú ụ, ăn đến ra Giêng vẫn còn. Có khi thèm ăn, hễ đu đủ sau vườn ra quả, là bếp của mạ lại có món dưa món để ăn kèm với bánh chưng, bánh giò mỗi sáng. Vậy nên, có khi nhờ hũ dưa món của mạ, mà nhà mình ăn tết quanh năm. 

Ngọc Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI