Ngày mưa nhớ những giồng rau lang của chị

26/07/2023 - 20:35

PNO - Chỉ là rau lang thôi, chị biến tấu nó theo đủ kiểu, nào luộc, nào xào, còn mang trộn sa lát, nhúng lẩu…

Chị về giúp mẹ em cách đây đúng 13 năm, cũng vào những ngày mưa tháng Bảy.

Khi đó, mẹ vừa phát hiện căn bệnh Parkinson. Mẹ của em là người đảm đang, nhanh nhẹn, nên bà không chấp nhận được việc tay chân bỗng phát run run, không cầm nắm được bất cứ thứ gì. Cả mấy tháng trời đầu tiên đó, đêm nào mẹ cũng gào thét, khóc than. 4 chị em đi làm, gửi về cho mẹ nào sữa, yến, nhân sâm và hàng bao món ngon bổ dưỡng khác. Tuy vô cùng thương mẹ, nhưng không ai ở nổi cùng mẹ quá 3 ngày bởi người mẹ hiền từ hơn 50 năm qua, sao tự dưng khó ăn, khó ở. Con cái nói lỡ câu nào là khóc, là giận suốt mấy ngày. Ba em dỗ dành bà, có lúc cũng vô tình nói câu gì đó được mẹ diễn nghĩa khác đi, vậy là bà lại lu loa... Thương mẹ xót lòng, nhưng chỉ hơn nửa năm, ba em có lẽ cũng hết cả sự kiên trì. Thay vì xuống thăm, chơi, chọc cho mẹ cười suốt như những ngày đầu, thì đa số thời gian của ngày, ông ru rú trên căn phòng nhỏ nơi gác xép nghe pháp, chép kinh.

Thế rồi có chị về, mẹ của chúng em có người bầu bạn. Ngoài việc nấu nướng, chăm lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, phòng ốc cho ba mẹ, ngày ngày, chị còn dắt mẹ đi chơi, dùng rượu xoa bóp chân tay cho bà. Chị sẵn sàng thức thâu đêm canh những cơn trái gió trở trời của mẹ. Đổi lại, chỉ cần em dúi vào tay chị vài trái cau hay một nắm trầu, vậy là xong. Có chị, tụi em yên lòng, chỉ lo tiền mua sữa, mua thuốc và những thức ăn bổ dưỡng gửi chăm ba mẹ. Có lần chị Hai em nói: “Con Tuyết này giỏi ghê, không biết nó làm cách gì mà mẹ bên nó cứ cười suốt!”. Lắng nghe, em mới biết chị dỗ bà như em bé. Chị suốt ngày thủ thỉ khen bà giỏi, bà ngoan. Em nghe cũng cứ tủm tỉm muốn cười.

Từ ngày có chị về, mẹ em cứ tủm tỉm mỉm cười
Từ ngày có chị Tuyết về, mẹ em cứ tủm tỉm mỉm cười, hết cơn trở tính

Chị làm rất nhiều món ăn quê dân dã, thanh đạm cho mẹ và ba em. Mâm cơm luôn đủ chất, có cá, có thịt, nhưng nhiều nhất vẫn cứ là rau. Mẹ em nói, ưng nhất mấy món rau lang của chị. Mà chỉ là rau lang thôi, chị biến tấu nó theo đủ kiểu, nào luộc, nào xào, còn mang trộn sa lát, nhúng lẩu…

Với rau luộc, chị chọn những đọt mầm mập mạp, mướt xanh. Khi luộc rau, chị bắc nước thật sôi, thả vào chút muối và bột ngọt, sau đó mới bỏ rau vào đảo đều, vớt ra rổ rồi dội ngay một chén nước lạnh cho rau mướt xanh hơn mới bày ra dĩa. Phần nước luộc nhiều người bỏ, mẹ và chị vẫn khư khư để vắt chanh vào, thay canh.

Chị cần món rau lang và chén mắm nhà em đã có một bữa ăn ngon
Chị cần món rau lang và chén mắm nhà em đã có một bữa ăn ngon

Món rau xào, thì chị thêm nhiều lá rau chứ không chỉ chọn toàn đọt. Để có dĩa rau ngon, chị cũng trụng sơ rau qua nước sôi, mới bắc chảo lên phi mỡ tỏi thật vàng, vớt hết tỏi ra, bỏ rau vào, thêm xíu hạt nêm, đảo đều tay trên lửa lớn. Khoảng 10 phút, chị đổ rau ra đĩa, rắc mở tỏi vàng ruộm cùng ít tiêu lên.

Món xào này đưa cơm, đám con cháu nhà em đứa nào cũng phát ghiền. Nhưng tụi nhỏ nhà em ghiền nhất vẫn là món sa lát rau lang trộn thịt bò độc lạ của chị.

Sau khi trụng nước sôi, chị không tạt nước lạnh bình thường vào rau mà đổ cả ca nước đá cho rau được giòn. Rồi thì phi dầu hành, rằng mè rang, xào thịt bò vừa tái, trộn đều lên sau đó rưới dầu giấm hoặc dầu chanh ớt tỏi lên trên… Ăn một lần là nhớ thương không chịu nổi.

Qua những bữa ăn cùng chị, mẹ kể, đó là những món ăn cưu mang bà suốt thời chiến tranh vất vả. Là những ngày ba vượt Trường Sơn làm nhiệm vụ, mẹ một nách bốn đứa con còn phải lo việc ở phân xưởng chè rồi xí nghiệp bánh kẹo ngày xưa. Mẹ nói: “Không có mấy giồng rau lang ăn được quanh năm đó, chắc nhà mình đã đói!”.

Nghe bà kể hồi ức, chị vui vẻ rủ bà: “Thế bà cháu mình làm một vườn rau lang nhé! Con trồng cho bà lấy lá ăn, còn thì mình vun gốc để dành dưỡng củ”. Bà cười tít mắt: “Tổ cha mi, đất đai đâu mà làm”.

Vậy nhưng với tài khéo của mình, chỉ vài tháng sau đó thôi, chị biến sân thượng nhà em thành vườn rau xanh mướt. Khoảng sân ngập các loại rau, nhiều nhất là những giồng lang chị vun trong các khay, chậu, thùng xốp. Thấy quá mê, em Út rước chị và ba mẹ lên nhà ở mấy tháng để chị gầy cho Út 1 vườn rau.

Em cũng bắt chước Út, nên sau đó nửa năm, rau lang, diếp cá, cần nước cũng được chị giúp phủ xanh vườn…

8 năm ở nhà chúng em, không phải lúc nào chị cũng vui vẻ, thoải mái... Bởi nghề giúp việc nhà, nghề nuôi người bệnh thì có bao giờ thật là vui. Chị hay cười thật, nhưng ban đầu nụ cười chị có chút khách sáo, thậm chí còn thoáng nét lo âu. Lâu dần, nụ cười đó trở nên chân thật, rạng rỡ hồn nhiên. Nhất là khi hay tin con trai lớn tốt nghiệp đại học, được trường giữ lại làm giảng viên, con trai giữa vào năm cuối, con trai út vừa hoàn thành năm nhất trung cấp nghề...

Có khi gia đình ngoài quê gặp sự biến, chị cũng khóc ròng, tất tả bắt tàu, xe hối hả trở về. Lần nào cũng vậy, xong chuyện, sau khi nước mắt vắn dài, xỉa xong mớ trầu, chị lại cười hềnh hệch. Chị lại thức với mẹ trọn ngày đêm, chọc ghẹo cho bà vui... Chị không chỉ là người giúp việc, mà như một người thân!

Vườn rau chị ươm em vẫn ngày ngày hái lá và chở khi xới củ
Vườn rau chị ươm em vẫn ngày ngày hái lá và chờ khi xới củ

Nhưng căn bệnh Pakinson cuối cùng cũng cướp đi sinh mạng của mẹ chúng em.

Mẹ đi, chị cũng thôi làm giúp việc nhà. Bởi thời gian 8 năm tảo tần mưu sinh của người mẹ quê đó, đủ gom góp cho các con của chị ăn học thành tài. Có việc, có nhà, các em xin rước mẹ về kề cận sớm hôm, Khi ấy chị xấp xỉ 60 tròn. Chị đi, chúng em mừng cho chị lắm.

Chỉ là bây giờ ngày mưa, ra khoảng sân nhà hái nắm rau lang mướt xanh để vào xào, nấu canh, hay nhúng lẩu, em lại rưng rưng nhớ chị. Chị Tuyết giúp việc, người chị của em.

Nguyễn Thụy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI