Ngày giỗ Tổ sân khấu, nghĩ về "vị nhạc trưởng" đi vắng...

28/09/2020 - 06:59

PNO - Sân khấu cải lương, sau cột mốc 100 năm hình thành và phát triển, hầu như không thấy một chuyển động mang tính chiến lược lẫn chiến thuật nào đáng kể.

1. 

Ngày Sân khấu Việt Nam đã chính thức bước qua năm thứ 11, nhìn lại mười năm, sau điểm son được công nhận ngày truyền thống, bức tranh tổng thể chung của sân khấu cả nước vẫn không hề khởi sắc. Với sân khấu tại TP.HCM, là nhen nhóm và tự duy trì hoạt động cầm chừng, trong đó sân khấu kịch nói vẫn mang tính chủ động, có tổ chức chuyên nghiệp và tự chủ nhất; sân khấu hát bội tiếp tục chìm trong sự eo sèo.

Sân khấu cải lương, sau cột mốc 100 năm hình thành và phát triển, hầu như không thấy một chuyển động mang tính chiến lược lẫn chiến thuật nào đáng kể, dù thời điểm “dựa cậy” 100 năm, bao nhiêu tuyên bố, hứa hẹn đã được đưa ra, sân khấu vẫn không thể… sáng nổi đèn! 

Trích đoạn Xử án Thượng Dương, chương trì nh cả i lương Trăm năm nguồ n cộ i - ẢNH: THẢO VÂN
Trích đoạn Xử án Thượng Dương, chương trình cải lương Trăm năm nguồn cội - Ảnh: Thảo Vân

Sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội cùng các nền tảng ứng dụng tương thích đã gần như phá hủy các kênh hoạt động nghệ thuật mang tính truyền thống, thay đổi toàn bộ cách thức, thói quen, sở thích của công chúng. Sân khấu không nằm ngoài cuộc khủng hoảng xu thế tất yếu này. Nhưng rõ ràng, ngoài nguyên nhân khách quan ấy, tự thân giới ngành cũng không cho thấy một sự bức bối sống còn, hoặc nếu có, chỉ là cầm cự để… kiếm sống chứ không hề là cuộc quẫy đạp, vẫy vùng để tồn sinh, ngoại trừ một, hai điểm diễn sân khấu kịch nói tại TP.HCM. 

Một nghịch lý đang diễn ra trước mắt: ở lĩnh vực sân khấu cải lương, nghệ sĩ hầu hết đều có khả năng tồn tại độc lập, nghĩa là họ có giọng ca và một chút sắc vóc, nếu lận lưng đôi ba thứ bậc “lọt vào top 3” của giải thưởng này, liên hoan nọ thì cũng là lợi thế, đủ để chạy show, để xây dựng và phát triển kênh YouTube của riêng mình. Trong khi nghệ sĩ kịch nói lại khó khăn hơn nhiều, nhất là lãnh địa phim truyền hình đang bị thu hẹp. Tuy nhiên, sức quy tụ đối với nghệ sĩ cải lương lại không dễ. Phía kịch nói, về mặt tập hợp, tổ chức lại duy trì bền vững và bài bản hơn. Nếu cho rằng vì tự thân nghệ sĩ cải lương “rộng xài”, thì ở hiện trạng manh mún, xé lẻ như hiện nay là một thất bại của nhà quản lý và của chính giới cải lương. 

Ở đây, một lần nữa, đặt ra vai trò cầm trịch cuộc quy tụ nhân lực và tìm cho ra lời giải của sự tồn tại, hoạt động của giới sân khấu, chính là Hội sân khấu TP.HCM, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố và sự đồng thuận thực chất của nghệ sĩ và bệ đỡ là UBND thành phố. Có mục tiêu, ý tưởng, đề xuất lộ trình, giải pháp cụ thể nào cho cuộc phục sinh sân khấu - tính từ năm 2020, lấy “văn hóa” làm một thực thể trung tâm của năm hay không? Chỉ riêng nội dung giám sát chuyên đề về thiết chế biểu diễn văn hóa tại TP.HCM trong nhiều năm qua, vai trò Hội đồng nhân dân thành phố đã thể hiện rốt ráo, UBND thành phố và các sở, ngành liên quan đã có báo cáo giải pháp tuy nhiên đến nay, các đề án nhà hát, đề án sửa chữa, khắc phục vẫn chưa vận hành. Một nhà hát khang trang, chuyên nghiệp cho nghệ sĩ cải lương, thành phố vẫn còn… mắc nợ! 

NSND Bạch Tuyết trong tác phẩm Diễn kịch một mình của tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn Hồng Phúc ảnh: nS Minh Châu
NSND Bạch Tuyết trong tác phẩm Diễn kịch một mình của tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn Hồng Phúc. Ảnh: NS Minh Châu

Chưa kể, để phục vụ khán giả, ngay tại đô thị lớn nhất của cả nước, ngay trong năm văn hóa, các sân khấu kịch vẫn đùm đề, chạy vạy thuê mướn điểm diễn - vốn chỉ là những trung tâm văn hóa quận. 

Xin lưu ý: xã hội hóa hoạt động sân khấu là huy động các nguồn lực xã hội, trong đó có tư nhân, nhưng không có nghĩa là phó thác, thậm chí phó mặc sự sống còn cho các nghệ sĩ mà còn cần vai trò bảo trợ của Nhà nước, hoặc hỗ trợ một phần nhất định. 

Đến hẹn lại lên, ngày 12 tháng Tám âm lịch, nghệ sĩ, diễn viên, ca sĩ, người mẫu… lại tề tựu về các điểm giỗ Tổ. Dĩ nhiên, không thể thiếu lãnh đạo ngành văn hóa. Họ xuất hiện cực kỳ nghiêm cẩn, chu đáo, ân cần. Nhưng cái cần hơn hết, chính là một tầm nhìn, lộ trình bước đi để khơi dậy, giữ gìn và chuyển động một đời sống văn hóa sáng tác - biểu diễn - thưởng thức - phê bình, nó cần được vận hành xuyên suốt, cụ thể, sống động.

2
Trong nghi lễ tổ chức lễ tang NSND Phùng Há, sau đêm nằm ở Nhà tang lễ thành phố, trước khi về lại chùa Nghệ sĩ và nhập quan ngay trong khuôn viên chùa, xe tang đưa thi hài bà ngang qua Nhà truyền thống sân khấu ở 133 Cô Bắc, Q.1, lạy tạ “ngôi nhà thiêng” của giới sân khấu mà tiền thân là Hội Nghệ sĩ ái hữu tương tế ra đời năm 1948 - nơi một thời là trụ sở hoạt động công khai hợp pháp của các cơ sở cách mạng nội thành. 

Cùng với Nhà truyền thống Sân khấu, Nghĩa trang nghệ sĩ thành phố, Khu dưỡng lão nghệ sĩ thành phố đã hợp thành một “quần thể văn hóa” có giá trị văn hóa đặc sắc. Năm 1998, trong một cuộc thăm và giao lưu với Hội sân khấu thành phố, đại diện đoàn văn hóa kinh kịch Trung Quốc đã có phát biểu, chúng tôi có thể tự hào về nền sân khấu lâu đời của chúng tôi, nhưng lại ngưỡng mộ nền văn hóa của các bạn, khi đã tạo dựng được một cụm công trình dành cho sân khấu - nghệ sĩ hết sức cao quý như vậy. 

Tôi không bàn đến thực trạng của ba cơ sở nói trên, chỉ riêng về công tác giữ gìn, cách thức bảo vệ và phát triển một cách bài bản, hiệu quả, phục vụ cho nhu cầu tinh thần văn hóa nhân dân thành phố là hầu như… thất bát. 

Ngày Sân khấu Việt Nam là một sự kiện văn hóa. Nhìn rộng ra, sâu hơn, ngoài các hoạt động tưởng niệm, tri ân mang tính tự giác của từng nghệ sĩ, nhóm nghệ sĩ, của mỗi đơn vị sân khấu; còn liên kết, tương tác giữa giới sân khấu, ngành văn hóa với ngành du lịch, tạo dựng một “con đường di sản vật thể phi vật thể - truyền khẩu” thông qua lễ hội Giỗ Tổ Sân khấu Việt Nam, để từ đó, vai trò bảo trợ của Nhà nước sẽ được lượng hóa qua các danh mục đầu tư có mục đích, tính nghiệm thu cũng có chủ đích, không tiền mất mà… tai tiếng cứ mang; tiềm lực xã hội được đánh thức khi có cơ hội chọn lựa đầu tư vào các loại hình, mô hình văn hóa bản địa; ngành văn hóa - du lịch phải thật sự ngồi cùng, ngồi trên một con thuyền để tìm ra cửa biển. Nếu không, mọi cuộc hội thảo, liên hoan, tưởng niệm, thi thố chỉ là vẫy vùng trong… ao, tiền (ngân sách) vẫn đổ mà tiền đồ sân khấu văn hóa của thành phố cứ mịt mờ, hiu hắt. 

Xin hỏi, bấy nhiêu đấy ý niệm hay chỉ mới là một gợi ý đề xuất có thể xuất hiện một lần trong những người có trách nhiệm ở các ngành chức năng? 

Bởi rốt cùng, một sân khấu thì cần có tác phẩm (biểu diễn). Một tác phẩm thì cần có công chúng để thưởng thức. Thưởng thức của công chúng ngày nay, lại không chỉ trông chờ vào từng tác phẩm mà còn phải tạo dựng một không gian văn hoá, một hệ sinh thái di sản bản địa. Thành phố này đang thiếu, và vì thiếu nên đang rất cần một "nhạc trưởng" văn hóa đúng nghĩa. 

Huyền Tuyến

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI