Ngày “giãn cách”, ngắm Tam Đảo từ Hồ Tây

13/04/2020 - 07:12

PNO - Một buổi sáng trong những ngày “giãn cách” ấy, khói bụi không còn nữa, trời trong ngần, thình lình, từ ban công nhà mình, Tam Đảo và Ba Vì hiện lên xanh rì mơ mộng vô cùng khiến tôi thảng thốt. Mẹ tự nhiên đang dần lấy lại những thứ thuộc về mình. Từ thảm họa môi trường, cho đến biến đổi khí hậu… Và đại dịch COVID-19, nói cho cùng cũng là cách Người lên tiếng với lũ người chúng ta mà thôi.

Hà Nội có nhiều đặc sản, điều đó chẳng cần phải đôi co với lại lý sự. Hồi cuối tháng Hai, thủ đô của chúng ta lại có thêm một đặc sản mới: bụi mịn. Lại là “kỷ lục Guiness” về môi trường do Tổ chức IQAir công bố nữa mới “oách”. Và có lẽ, sống lâu trong… bụi mịn nên người dân Hà Nội cũng quen với cái “mịn màng” đó chăng? Bỗng một ngày, cả thành phố bị đặt vào tình trạng “lockdown“ (chịu quản thúc) vì COVID-19, từ ban công nhà mình, nhìn thấy dãy núi Tam Đảo cách đó 70km, lại khiến tôi cảm thấy “choáng váng”, lại có cái gì đó… hình như là không quen. 

Từ Hồ Tây, nhìn thấy núi Tam Đảo cách Hà Nội 70km trong những ngày giãn cách xã hội
Từ Hồ Tây, nhìn thấy núi Tam Đảo cách Hà Nội 70km trong những ngày giãn cách xã hội

Cơn choáng váng ấy ập đến khi tôi đang quay cuồng với bao dự định và kế hoạch cần thực hiện. Nào là hoàn thiện Kiều (kịch bản: Đỗ Trí Hùng), cùng lúc bắt đầu casting, tập vở Chợ đời (kịch bản: Lê Quý Dương) để tháng 10/2020 ra mắt. Nào là tiếp tục vở Bạch đàn liễu (kịch bản: Xuân Trình) mà LucTeam mới ra mắt trong hội thảo khoa học về nhà văn Xuân Trình (cuối tháng 11/2019) và diễn được mấy buổi (bán vé) để sau Tết ra mắt rộng rãi khán giả thủ đô. Thế rồi, dịch bệnh bùng phát, nhanh chóng lan ra toàn cầu… Thủ tướng kêu gọi thực hiện nghiêm giãn cách xã hội.  Tất cả phải dừng lại. 

Mà cả xã hội thế, mình có muốn khác cũng không được!

Thế nhưng, cảm giác bỡ ngỡ từ một nhịp sống mới với tiết tấu chậm rãi, nhẹ nhàng trong thời gian “giãn cách”, lại làm tôi háo hức. Không phải tất bật dậy sớm thức khuya. Thói quen ăn sáng, cà phê ngoài đường cũng biến mất. Thay vào đó, tự tay chuẩn bị bữa sáng và cà phê, rồi ngồi ngắm đất trời để rồi giật mình phát hiện ra: cả thế giới đang… nằm nhà giống mình. Cả thế giới đang… sống chậm như mình. Và rất có cảm giác của “và nơi đây bình minh yên tĩnh” - tựa một tiểu thuyết của nhà văn Boris Vasilyev.

Từ cửa sổ nhìn ra bên ngoài, ngã tư ngày thường đông người và xe cộ qua lại tấp nập, thậm chí có những hôm tắc nghẽn, còi xe inh ỏi; thì nay, ngày giãn cách xã hội, lại bình yên đến lạ kỳ. Đường phố thông thoáng, lác đác người và xe cộ. Và nếu trước đây, lắm lúc, chỉ muốn “nổ tai” với các loại âm thanh từ cưa đá, khoan bê tông, xe công nông chở vật liệu... thì nay là tiếng gió, tiếng chim, tiếng ông bố trẻ ru con cho vợ nấu cơm. Cuộc sống những ngày “giãn cách” yên bình lãng mạn như một bài thơ.

Cũng một buổi sáng trong những ngày “giãn cách” ấy, tôi tình cờ nhận được một món quà như từ trên trời đưa đến. Khói bụi không còn nữa, trời trong ngần, thình lình, từ ban công nhà mình, Tam Đảo và Ba Vì hiện lên xanh rì mơ mộng vô cùng khiến tôi thảng thốt. 

Sao không thảng thốt cho được? Ở cái thành phố quanh năm chỉ có mây mù vì bụi mịn che phủ nhà với nhà, người với người đó, lâu lắm rồi, cái dãy núi Tam Đảo cách Hà Nội 70km đó, lại sừng sững trong mắt của kẻ đứng ở Hồ Tây. Người ta vẫn nói, Hà Nội đẹp bởi quanh là núi, là sông hồ, sơn thủy hữu tình. Nhưng tôi tự hỏi, bao lâu rồi, người Hà Nội không còn thấy được non xanh từ trung tâm thành phố?

Mà đâu chỉ Hà Nội của chúng ta, mấy hôm trước, tôi đọc được một thông tin nói rằng, sau nhiều thập niên, người dân ở miền Bắc Ấn Độ có thể nhìn thấy dãy Himalaya huyền thoại, thậm chí từ khoảng cách 200km nhờ lệnh giới nghiêm 21 ngày. Chưa khi nào con người với núi (hay phổ quát là con người với tự nhiên) lại gần nhau đến thế. Người Ấn Độ hân hoan như đứa con lâu ngày trở về với “Mẹ”, đua nhau chụp hình “check in” từ mọi điểm nhìn.

Và chắc chắn, không chỉ Hà Nội, không chỉ miền Bắc Ấn Độ, ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là những thành phố ô nhiễm nhất, loài người đang sống trong một thời khắc “có một không hai” của lịch sử: được ngắm nhìn thiên nhiên gần như trong suốt.

Thế mới thấy, dịch bệnh làm cho thế giới đảo điên, nhưng bình tĩnh và suy nghĩ nghiêm túc thì, hình như Mẹ thiên nhiên đang sắp xếp lại trật tự, đưa loài người sống chậm hơn, có ý thức hơn và quý trọng cuộc sống hơn. Và ngay lúc này, ở nhà cách ly, cũng là góp cho ngày mai, màu xanh xa mờ kia không tắt, để phố không tự dưng vắng đi một người vô hình, vô danh lỡ ra đi vì bạo bệnh từ môi trường. 

Mẹ tự nhiên đang dần lấy lại những thứ thuộc về mình. Từ thảm họa môi trường, cho đến biến đổi khí hậu… Và đại dịch COVID-19, nói cho cùng cũng là cách Người lên tiếng với lũ người chúng ta mà thôi. 

Trong phút chốc, một Tam Đảo cách tôi 70km lại sừng sững trước mặt, đã khai ngộ cho tôi thấy, quý hơn cả tiền bạc, là tính mạng, là phút thảnh thơi khi biết mình đang đứng hay rơi. Tạ ơn một “view” đẹp, đến trong một buổi sáng tình cờ, đã kéo tôi về một tâm tưởng khác, để rồi định hình một lối đi. 

Hãy nhớ và quý trọng thời khắc đặc biệt này. Đời sống không phải bạo tàn hết thảy. Nó chỉ thịnh nộ khi mình bạc ác, vô ơn và ngay cả khi nó làm giông sét, cái chớp sáng xanh kia cũng vẽ nên đường chân trời. Hãy nhìn sâu vào đó, sẽ thấy một lối đi ấm áp, bình yên khi cơn giông qua. Hãy yêu mầm xanh, yêu chính mình không phải bằng bạc tiền, khoái lạc, mà chỉ cần một phút thảnh thơi thật yên để nhận dạng đời sống, nhận dạng bản thân, có khi chỉ cần hơi thở trong lành, thật nhẹ của mình cũng khiến người bên cạnh bớt đi mệt mỏi. 

Đạo diễn Trần Lực 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI