Thầy tiếp sức trò khi đổi tổ hợp môn học lớp Mười

13/12/2022 - 06:22

PNO - Tại TPHCM, một số học sinh lớp Mười đang có ý định xin chuyển tổ hợp môn học tự chọn ở thời điểm sắp kết thúc học kỳ I. Tuy vậy, việc bù đắp kiến thức các môn học mới sau chuyển đổi thế nào vẫn là câu hỏi bị bỏ ngỏ.

Nhà trường "vừa làm, vừa hỏi"

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với khối lớp Mười, theo đó ngay từ đầu năm, học sinh phải lựa chọn tổ hợp môn học. Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, học sinh muốn đổi tổ hợp môn học phải tự bổ sung kiến thức môn học mới.

Bà Nguyễn Thị Ánh Mai - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn) - cho biết đầu vào năm học, trường có hơn 10 trường hợp xin đổi tổ hợp và thời điểm đó giải quyết cho các em rất đơn giản. Tuy nhiên, hiện nay khi việc học đã qua gần 1 học kỳ, cũng bắt đầu có thêm 3-4 em lên gặp trực tiếp hiệu trưởng, hiệu phó để xin đổi tổ hợp. Theo bà Ánh Mai, đó mới là con số ban đầu, nếu trường phổ biến rộng rãi về việc chuyển đổi tổ hợp thì chắc chắn số lượng còn nhiều hơn. Nhà trường cũng rất băn khoăn vì nếu chuyển đổi ở thời điểm này, kiến thức các em bị thiếu hụt là không ít.

Nhiều ý kiến cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể việc học sinh lớp Mười xin chuyển tổ hợp môn học  (trong ảnh: Học sinh lớp Mười Trường THPT Trưng Vương, quận 1, TPHCM trong giờ học) - ẢNH: P.T
Nhiều ý kiến cho rằng cần có hướng dẫn cụ thể việc học sinh lớp Mười xin chuyển tổ hợp môn học (trong ảnh: Học sinh lớp Mười Trường THPT Trưng Vương, quận 1, TPHCM trong giờ học) - Ảnh: P.T

Trước mắt, trường sẽ phải có nhiều buổi làm việc, lắng nghe nguyện vọng học sinh, phân tích, định hướng và cho các em thời gian suy nghĩ lại. Học sinh cần nhìn nhận những thiệt thòi và khó khăn sẽ gặp phải khi chuyển tổ hợp. Nếu học sinh vẫn giữ nguyện vọng chuyển qua tổ hợp khác thì nhà trường tạo điều kiện cho các em tự học, trường hỗ trợ và tổ chức kiểm tra lại để các em có cột điểm môn học ở học kỳ I. Thường học sinh sẽ khuyết 1-2 môn, thậm chí cả 3 môn trong trường hợp các em chuyển hẳn từ khối tự nhiên qua xã hội hoặc ngược lại. Theo bà Ánh Mai, nhà trường cũng gặp khó khăn về bố trí giáo viên kèm cặp và tổ chức đánh giá lại kiến thức cho học sinh. Tuy vậy, quan điểm của nhà trường là luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các em được học tập phù hợp năng lực, không ngại khó.

“Hiện nay, Bộ GD-ĐT chưa có hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp xin chuyển tổ hợp, mà chỉ nói chung chung là các em muốn đổi phải tự bổ sung kiến thức. Nhưng không thể để học sinh “tự bơi” mà nhà trường phải có định hướng giúp các em bổ sung đủ lượng kiến thức, đáp ứng yêu cầu kiểm tra môn học. Sở GD-ĐT cũng chỉ đạo nhà trường chủ động thực hiện tùy thuộc vào điều kiện của trường và phải hỗ trợ khi học sinh có nhu cầu. Cho nên trường vừa làm vừa hỏi, tự “mò mẫm” làm với tinh thần thấy như thế nào thuận lợi cho học sinh thì làm” - bà Ánh Mai nói.

Ông Trần Phước Đức - Hiệu trưởng Trường THPT An Lạc (quận Bình Tân) - nhận xét, hiện các trường đều lúng túng khi chưa có hướng dẫn cụ thể. Như việc bồi dưỡng kiến thức cho học sinh theo hình thức nào? Ai sẽ phụ trách dạy môn mới cho các em chuyển tổ hợp? Với các giáo viên dạy kèm này thì có chế độ, chính sách như thế nào?…

Cần làm tốt hơn nữa công tác định hướng

Bà Vũ Thị Ngọc Dung - Hiệu trưởng THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) - cho hay, trường chỉ có 1 học sinh xin đổi tổ hợp nhưng cùng ban tự nhiên nên không bị xáo trộn nhiều. Đối với học sinh muốn chuyển đổi tổ hợp, các em phải cam kết theo kịp kiến thức môn học mới và chỉ được đổi 1 lần. Tinh thần là học sinh phải tự học bù kiến thức, tuy vậy, nhà trường cũng tạo điều kiện cho các em học phụ đạo cùng với những bạn đang học môn đó mà theo không kịp. Tuy nhiên, cũng phải xác định là khi chuyển đổi môn học các em rất dễ bị thiệt thòi về kiến thức. Nếu thời điểm hết năm học thì học sinh có thể tận dụng toàn bộ 3 tháng hè để ôn luyện kiến thức trước khi bước vào lớp Mười một. Thế nhưng cũng rất khó vì những môn phải theo liên tục 3 năm mới bắt nhịp được kiến thức, bị hổng 1 năm sẽ khó bù đắp.

Theo bà Ngọc Dung, năm nay các em phải lựa chọn tổ hợp môn, chỉ học các môn tự chọn, bỏ các môn không chọn cho nên công tác tư vấn đầu năm phải rất kỹ. Bên cạnh đó, việc nhà trường xây dựng các tổ hợp môn học đa dạng cũng rất quan trọng để học sinh có sự lựa chọn phù hợp với năng lực, sở thích. Trường THPT Bùi Thị Xuân có 15 lớp Mười thường thì tổ chức đến 15 tổ hợp môn tự chọn. Các tổ hợp môn học được xây dựng dựa trên định hướng phân ban thi đại học, mỗi ban có nhiều tổ hợp chỉ khác nhau một vài môn học, do đó, học sinh có thể lựa chọn tổ hợp phù hợp nhất với bản thân. 

Bà Nguyễn Thị Ánh Mai thông tin, mới đây khi trao đổi với 1 học sinh xin chuyển tổ hợp từ tự nhiên sang xã hội, nghĩa là thay đổi đến 3 môn, thì em này chia sẻ do mình muốn học tự nhiên để làm kỹ sư nhưng phụ huynh bắt học xã hội. Do đó, bà Ánh Mai cho rằng một trong những vấn đề hiện nay là có độ vênh giữa khả năng, mong muốn của học sinh với ý kiến của cha mẹ và đa phần các em hay lựa chọn theo ý của gia đình. Ở độ tuổi các em cũng không dễ dàng đưa ra quyết định lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Cho nên, phụ huynh định hướng cho con cần quan tâm đến sở thích và năng lực của các em. Bên cạnh đó, vai trò định hướng của trường THCS trong việc lựa chọn tổ hợp khi lên lớp Mười rất quan trọng. Cần đẩy giáo dục hướng nghiệp vào cấp THCS một cách bài bản, chặt chẽ và thực sự hiệu quả. Bởi khi bước lên lớp Mười các em phải đưa ra quyết định đúng, nếu không sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi. 

Cần có hướng dẫn cụ thể

Theo ông Lê Duy Tân - Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TPHCM - Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn với học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định. Do đó, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ không ban hành văn bản hướng dẫn lại nội dung này. 

Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Hiệp - Hiệu trưởng Trường THPT Giồng Ông Tố (TP Thủ Đức) - cho rằng cần thiết phải có hướng dẫn cụ thể từ cấp thẩm quyền. Bởi dự kiến hết học kỳ I và hết năm lớp Mười sẽ có thêm những học sinh xin chuyển tổ hợp. Thậm chí đến cả năm lớp Mười một nếu có em xin chuyển thì các trường phải xử lý thế nào? Chưa kể sẽ có những em phải chuyển trường mà trường mới không có tổ hợp môn như trường cũ. Hiện nay giao cho hiệu trưởng quyền giải quyết là giao quyền mà không giao lực, bởi rất nhiều việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của hiệu trưởng. Chưa kể có thể dẫn đến tình trạng mỗi nơi làm một kiểu hoặc làm đại ảnh hưởng quyền lợi của học sinh.

Bà Nguyễn Thị Ánh Mai thì cho rằng việc bộ chưa có định hướng về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cho lứa học sinh học chương trình mới cũng ảnh hưởng đến việc xây dựng các tổ hợp môn của nhà trường cũng như việc lựa chọn của học sinh. Cần sớm có những định hướng về thi cử và tuyển sinh theo chương trình mới để giúp các trường xây dựng kế hoạch giảng dạy phù hợp và giáo viên tư vấn lựa chọn môn học cho học sinh đúng hướng hơn.

Minh Linh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI