1.800 tỷ đồng đổi mới giáo dục và sách giáo khoa: Coi chừng 'mất cả chì lẫn chài'

27/09/2018 - 06:00

PNO - Số tiền để đổi mới giáo dục phổ thông lần này lên đến 80 triệu USD (khoảng hơn 1.800 tỷ đồng), là vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Nếu cứ làm bừa, làm đại thì chắc chắn sẽ không tránh khỏi “mất cả chì lẫn chài”!

Đọc bài Sử dụng bốn bộ sách mới có thành tựu phổ cập tiểu học trên Báo Phụ Nữ TP.HCM (số ra ngày 24/9) tôi mới biết, ở bậc tiểu học, một thời nước ta từng có bốn bộ sách giáo khoa (SGK) dành cho các đối tượng học sinh (HS): HS bình thường, HS dân tộc miền núi, trẻ em lang thang cơ nhỡ - có hoàn cảnh đặc biệt.

1.800 ty dong doi moi giao duc va sach giao khoa: Coi chung 'mat ca chi lan chai'
Sách giáo khoa luôn làm vấn đề được quan tâm của phụ huynh từ nhiều năm nay

Cũng nhờ bốn bộ sách này mà ngành giáo dục đã gặt hái được nhiều thành quả về phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ ở thập niên 1990, được thế giới ghi nhận. Và kết thúc giai đoạn ấy, “bốn bộ sách” đã được đề nghị sử dụng như một trong những phương án để phát triển giáo dục tiểu học. 

Thế nhưng, tất cả đã bị gạt bỏ để nhường đường cho bộ SGK mới - SGK 2.000 - một bộ SGK mới mà không mới, theo PGS-TS Nguyễn Kế Hào - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT. Đó là chưa kể việc biên soạn bộ SGK 2.000 cũng rất bất cập: bộ cử một thứ trưởng thay mặt bộ quản lý và chỉ huy, chọn thêm một giám đốc và một kế toán; ba người quyết định mọi việc nên nhiều khâu làm lấy có, phản khoa học. Việc đưa sách vào sử dụng sau đó cũng gấp gáp, vội vàng... Những việc làm thiếu trách nhiệm, không theo nguyên tắc ấy đã gây ra sự quá tải cho HS suốt 16 năm qua. 

Từ đó để thấy rằng, việc biên soạn bộ SGK mới theo chương trình phổ thông tổng thể với dự định sẽ đưa vào sử dụng vào đầu năm học 2019-2020 của Bộ GD-ĐT đang rất có vấn đề. Muốn viết SGK thì phải có chương trình khung, nhưng theo thông tin mới nhất, tháng Mười tới chương trình khung mới được công bố.

Nếu đúng vậy, sẽ chỉ có non chín tháng cho việc bắt tay biên soạn và hoàn tất bộ SGK mới với một núi công việc như biên soạn nội dung, thiết kế, minh họa, biên tập, chỉnh sửa để hoàn thiện bản thảo mẫu, trình hội đồng quốc gia thẩm định thông qua, Bộ GD-ĐT phê duyệt, rồi mới đem in SGK thí điểm. Sách được dùng thí điểm (thông thường mất hai năm) để lấy ý kiến đóng góp, chỉnh sửa hoàn thiện… 

1.800 ty dong doi moi giao duc va sach giao khoa: Coi chung 'mat ca chi lan chai'
Với những nội dung quá nặng, bộ sách giáo khoa hiện thời đã gây quá tải cho học sinh suốt 16 năm qua

Với bấy nhiêu công đoạn thì chín tháng là quá ít ỏi. Cộng với bao thứ bất cập và trái nguyên tắc trong quy trình làm SGK mà dư luận đã đề cập, kiểu như “vừa đá bóng vừa thổi còi”, vừa viết SGK lại vừa thẩm định và giữ quyền công bố, thì chẳng lấy gì đảm bảo bộ SGK mới sắp tới không đi theo vết xe đổ.

Còn lấp lửng như giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, “từ ngày 19/1/2018, khi Bộ GD-ĐT công bố dự thảo môn học lên cổng thông tin của bộ, các nhà xuất bản đã rất nhạy bén, bắt tay vào viết SGK. Giờ chỉ chờ Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký ban hành chương trình, họ sẽ đối chiếu và sửa theo” thì vẫn còn vấn đề lớn là thời gian đâu để thí điểm và chỉnh sửa hoàn thiện?

Xin nhắc rằng, số tiền để đổi mới giáo dục phổ thông lần này lên đến 80 triệu USD (tức khoảng hơn 1.800 tỷ đồng), riêng tiền cho đổi mới chương trình SGK là 144 tỷ đồng và tất cả đều là vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Chúng ta và con em chúng ta sẽ phải trả nợ, nên chớ có vô trách nhiệm. Nếu cứ làm bừa, làm đại thì chắc chắn sẽ không tránh khỏi “mất cả chì lẫn chài”! 

Dũng Chương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI