Ngắm nhìn một Sài Gòn bình yên qua dòng kênh Đôi

24/09/2020 - 17:11

PNO - Sài Gòn vốn quen được nhìn với những tòa nhà cao tầng, với nhịp sống vội vã, với những công trình kiến trúc sang trọng, hiện đại. Thế nhưng, nếu dành thời gian tìm hiểu kĩ hơn về vùng đất này, chúng ta sẽ nhận ra nó còn nổi tiếng vì một yếu tố nữa: sóng nước kênh đào.

Nằm ở hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai - Sài Gòn, TPHCM có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch khá dày đặc, phong phú thuộc loại hàng đầu ở Nam Bộ với trên 100 tuyến sông rạch cùng chiều dài gần 700km.

Năm 1906, người Pháp từng cho đào một con kinh từ sông Sài Gòn nối với sông Rạch Cát, dài khoảng 13 km. Đoạn từ sông Sài Gòn đến Chợ Quán khoảng 4 km có tên là kinh Tẽ, đoạn còn lại có tên là kinh Đôi (Canal de Doublement), song song với kinh Tàu Hủ. Tuyến kinh này gia tăng đáng kể khả năng thông thương giữa Sài Gòn - Chợ Lớn với miền Tây.

Ngày nay, cùng sự phát triển cơ sở hạ tầng với những cây cầu ngang mà hình ảnh con đò cũng thưa dần trong đời sống người Sài Gòn. Để ngắm một chút riêng của Sài Gòn, chúng tôi đã tham gia chuyến khám phá “Xuôi dòng kênh Đôi” để tìm về chút gì đó của thành phố này của những ngày xưa cũ, để được ngắm nhìn những tòa cao ốc chọc trời, những ánh đèn lung linh rực rỡ từ những dòng kênh, để được trải nghiệm cảm giác chống chếnh, lắc lư khi di chuyển bằng thuyền ngay giữa lòng thành phố, với mong ước được nhìn tận mắt một Sài Gòn bình yên của sông nước.

Kênh Đôi bắt đầu từ ngã 3 Kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Kênh Tẻ đến sông Cần Giuộc - Chợ Đệm chảy qua quận 8. Để tham gia hành trình, chúng tôi tự di chuyển bằng xe máy đến đình Bình Đông, bắt đầu chuyến tham quan bằng thuyền dọc khu vực Kinh Đôi. Ngồi trên thuyền, bạn có thể nhìn những hàng dừa nước, những loại cây dại mạnh mẽ phát triển, mọc xanh rờn ở hai bên bờ.

Hiện kênh Đôi vẫn là trục đường chính để vận chuyển, trao đổi hàng hoá với các khu vực, tỉnh thành phía Nam, đặc biệt là hàng từ các tỉnh miền Tây đổ về Sài Gòn. Người dân quanh khu vực này vẫn giữ được nét mộc mạc của người dân quê, thân thiện vẫy tay chào và nở những nụ cười thật đôn hậu khi thuyền chúng tôi đi ngang. Những đứa trẻ nhỏ vẫn vui đùa tắm sông. Và thật bất ngờ khi tại Sài Gòn vẫn còn nhiều người sinh sống bằng nghề nuôi cá, trồng rau và đi lại chủ yếu bằng tàu thuyền. 

Đi thêm một đoạn, chúng tôi được thấy dọc theo bờ rạch có những ngôi miếu nhỏ thu hút khá đông người đến cúng bái dù xung quanh chả có ai sinh sống. Theo những người hướng dẫn kể, trước đây những ngôi miếu này đều chỉ là những chiếc chòi lá, sau nhiều lần trùng tu và sữa chữa, giờ đã được xây khang trang, sạch sẽ. Miếu tuy nhỏ nhưng chiếm một vị trí rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân vùng này.

Ngay sát miếu thờ nhỏ là những tòa chung cư khổng lồ mọc sát nhau tạo một sự tương phản đặc trưng của vùng ven thành phố, một hoài cổ tâm linh, một hiện đại đầy sức sống. Mọi người trong đoàn đều cố gắng chụp thật nhiều ảnh với hy vọng sẽ lưu giữ lại những khung hình đẹp thơ mộng bởi chưa chắc 5 - 10 năm nữa, khung cảnh thanh bình, yên ả này có còn nữa hay không.Điểm cuối cuộc hành trình là đình Bình Đông - ngôi đền hơn 150 tuổi được xây dựng trên cù lao Bà Tàng, nằm ở ngay nhánh rẽ của dòng kênh Đôi. Bước ra sân, bạn có thể ngửi được mùi hương nhè nhẹ của nhang cùng những làn khói vấn vít hòa vào không gian rộng lớn xung quanh. Dường như, đây không chỉ là nơi thờ cúng linh thiêng mà còn là chốn giúp con người ta có những giây phút bình thản, thoải mái sau những bộn bề cuộc sống.

Khi chiều dần buông xuống, nhìn lên nền trời ở hai bên dòng kênh có thể thấy những cánh diều nhỏ xíu chấp chới bay lượn. Ngắm hình ảnh thanh bình như vậy, tôi khó tưởng tượng được nơi đây vẫn còn là Sài Gòn - một thành phố hoa lệ chứ không phải một vùng quê yên ả nào đó.

Tâm Vinh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI