Nếu được, sao không giúp người qua cơn hoạn nạn!

20/03/2020 - 12:01

PNO - “Khi đã giúp được mọi người qua cơn hoạn nạn, chúng tôi lại nghĩ: sao mình không tiếp tục sẻ chia với những người khó khăn khác?

“Khi đã giúp được mọi người qua cơn hoạn nạn, chúng tôi lại nghĩ: sao mình không tiếp tục sẻ chia với những người khó khăn khác? Thế là chúng tôi đã bắt tay vào công việc thiện nguyện. Mô hình “Trao yêu thương” đã ra đời từ đây” - chị Bùi Thị Kim Hường, Chủ tịch Hội LHPN P.16, Q.8 kể.

“Sao mình không tiếp tục sẻ chia?” 

Mô hình “Trao yêu thương” ra đời đầu tiên ở P.16, Q.8 với tên gọi ban đầu là “Chia sẻ yêu thương”. Nguyên do ra đời của nó được chị Bùi Thị Kim Hường - Chủ tịch Hội LHPN P.16, Q.8 - cho biết, rất tình cờ. Cách đây gần 10 năm, một khu trọ ở khu phố 1, P.16, Q.8 bị hỏa hoạn. Dù không có thương vong nhưng nhiều phòng trọ bị cháy rụi chẳng còn thứ gì. Có mặt tại hiện trường vụ cháy, nhiều chị em phụ nữ đã không cầm được nước mắt.

Các chị đã trở về phường tập hợp chị em ở tất cả các khu phố và đề nghị về nhà lục tìm đồ dùng cũ mang tặng các gia đình ở trọ bị cháy. Chưa đầy một ngày sau, các hộ dân cần giúp đỡ đều đã có đủ đến dư thừa đồ dùng, quần áo, gạo, mì, dầu ăn… để dọn vào một phòng trọ mới. “Khi đã giúp được mọi người qua cơn hoạn nạn, chúng tôi lại nghĩ: sao mình không tiếp tục sẻ chia với những người khó khăn khác? Thế là chúng tôi đã bắt tay vào công việc thiện nguyện” - chị Bùi Thị Kim Hường kể.

Mô hình “Bếp ăn yêu thương” ở Q.8
Mô hình “Bếp ăn yêu thương” ở Q.8

Cũng từ đó, định kỳ hằng tuần, các chị lại tổ chức thu gom đủ thứ đồ dùng cũ để mang về phường, cùng nhau ngồi phân loại, sắp xếp, rồi mở gian hàng trao tặng cho người nghèo. 

Anh Nguyễn Văn Vĩnh, ở trọ khu vực kênh Tàu Hủ thật thà: “Bốn năm rồi, nhà tôi không tốn tiền mua đồ dùng. Đồng phục đi học của hai đứa con, quần áo lao động của vợ chồng tôi và cả đồ bà ba cho má tôi, đều nhận từ gian hàng quần áo cũ đặt ở trước UBND phường hằng tuần. Cũ người, mới ta. Bà xã tôi chỉ mong mình làm ăn khấm khá để một ngày nào đó mình cũng có để chia sẻ với mọi người như các chị em”.

Lòng tốt lan tỏa

Những việc làm cụ thể của “Trao yêu thương” đã bắt đầu từ rất lâu, nhưng nó chỉ có tên gọi từ năm 2015. Bên cạnh những việc lớn như xây mái ấm tình thương, trợ vốn, giúp phương tiện làm ăn… mỗi tháng Hội Phụ nữ Q.8 còn thực hiện trao hàng trăm suất cơm từ thiện và hàng tấn đồ dùng cũ đến những người cần nó ở khắp mọi miền đất nước. Chuyến “trao yêu thương” mới nhất của các chị vừa được thực hiện giữa tháng 3/2020 với một tấn hàng về một xã nghèo của tỉnh Bạc Liêu. Và trong những ngày qua, chị em cũng đã cùng nhau may và tặng hàng ngàn khẩu trang, nước sát khuẩn. Nhóm thiện nguyện “Trao yêu thương” giờ đã lớn mạnh với đủ mọi tầng lớp đồng hành, trong đó có nhiều nhà hảo tâm. 

Năm 2016, sau thời gian tìm hiểu kỹ về hiệu quả hoạt động, Hội LHPN TP.HCM đã cho triển khai mô hình “Trao yêu thương” ra toàn thành phố. Các phường của Q.8 đi tiên phong. Tại P.4, tuy bắt đầu muộn hơn P.16, nhưng công việc “trao yêu thương” thì diễn ra liên tục. Chị Phạm Ngọc Dung, một trong những Mạnh Thường Quân, là thành viên tích cực của nhóm thiện nguyện P.4, cho biết: trên địa bàn phường nhiều hộ khá giả, có những khu phố hầu như không có hộ nghèo, vì vậy, khi xây dựng mô hình, rất nhiều người hảo tâm đã đóng góp. Không chỉ đồ cũ, mà họ cho những vật dụng còn mới nguyên. Nhiều dì, nhiều chị đã tham gia chăm lo những bữa cơm tình thương sao cho không chỉ đủ về chất mà còn phải ngon miệng, đẹp mắt và an toàn. Đầu năm 2020, nhóm đã trao 400 đôi dép cùng 400 suất ăn cho bệnh nhân tâm thần tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Long An. Sau tết Nguyên đán các chị lại đi trao quà cho người dân nghèo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long… 

Các thành viên của nhóm “Trao yêu thương” P.4, Q.8, đều nhìn nhận: có đi mới thấy những cảnh đời khốn khó để có thêm động lực mà làm việc, tích cóp để được chia sẻ nhiều hơn. Trên trang Facebook cá nhân, chị Mai Võ - một hội viên phụ nữ tại P.4, Q.8, tự hào: “Nếu các bạn đến phường tôi sẽ thấy có rất nhiều nhóm từ thiện thay nhau làm những việc thiện nguyện tại nhiều nơi, góp phần đem niềm vui đến cho mọi người”. 

Trao yêu thương chưa dừng lại một ngày nào 

Mô hình “Trao yêu thương” trên địa bàn quận thành công ở chỗ thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia để cùng chăm lo cho cuộc sống của những người còn nghèo khó. Việc chăm lo ban đầu chỉ trên địa bàn phường, quận, giờ thì lan tỏa ra khắp các tỉnh thành. Đặc biệt ở P.16, việc “trao yêu thương” hầu như chưa dừng lại một ngày nào. Trong những ngày cả đất nước gồng mình chống dịch COVID-19, thì “trao yêu thương” lại gắn với công tác phòng, chống dịch.

Bà Quách Thị Kim Phượng - Chủ tịch Hội LHPN Q.8

Hạnh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI