Nên bỏ 'vòng kim cô' hạn điền

30/03/2017 - 17:40

PNO - Bên cạnh các yếu tố kỹ thuật, tìm kiếm thị trường… để tránh sản xuất manh mún buộc phải sản xuất với quy mô lớn, cái “vòng kim cô” hạn điền đang là một rào cản kiên cố.

Dưa hấu tại Trà Vinh đang rớt giá thảm hại, nông dân chẳng buồn thu hoạch vì chẳng thương lái nào mua. Nhiều ngày qua, tại Đồng Nai và một số tỉnh miền Đông Nam bộ, người trồng chuối cũng đứng ngồi không yên vì chuối không bán được. Những cuộc “giải cứu chuối” được phát động khá rầm rộ, nhưng chỉ là giải pháp tình thế.

“Rớt giá thảm hại” - mấy chữ cay đắng đó như đã trở nên quá quen thuộc với nông dân, từ người trồng chuối, dưa hấu, thanh long, đến cà chua... Tình cảnh này chắc chắn sẽ còn tiếp diễn nếu người nông dân vẫn cứ sản xuất manh mún, mạnh ai nấy làm, thiếu thông tin thị trường.

Nen bo 'vong kim co' han dien
 

Bên cạnh các yếu tố kỹ thuật, tìm kiếm thị trường… để tránh sản xuất manh mún buộc phải sản xuất với quy mô lớn, nhưng cái “vòng kim cô” hạn điền lại đang là một rào cản kiên cố.

Không ít doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp, nhưng đã chùn bước cũng vì rào cản đó. Trước thực tế hiện nay, muốn có đất đai để sản xuất quy mô lớn, doanh nghiệp phải làm việc với hàng nghìn nông dân; lại vướng luật nên không thể tập hợp ruộng đất.

Điều 129 Luật Đất đai năm 2013 quy định, hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là không quá 3ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc ở khu vực Đông Nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long; không quá 2ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác.

Do vậy, việc nhận chuyển quyền đất nông nghiệp vượt hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân là vi phạm pháp luật, gây nhiều khó khăn cho những cá nhân và doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất nông nghiệp quy mô.

Trong tình thế đó, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã phải “đi đường vòng” hoặc một số địa phương, cơ quan nhà nước phải “xé rào” mới có thể tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn. Điển hình như tỉnh Hà Nam, cơ quan chức năng đã hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bằng cách đứng ra tích tụ đất, người dân vẫn giữ sổ đỏ, nhưng cho doanh nghiệp thuê đất trong khoảng 20 năm.

Trang trại Sáu Đức ở tỉnh An Giang với quy mô sản xuất cả trăm hec-ta cũng phải mượn thân nhân đứng tên giùm, thử hỏi làm sao chủ trang trại yên tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, tính toán kế hoạch lâu dài?

Có người cho rằng, nới rộng hạn điền sẽ dẫn đến nguy cơ hình thành những “địa chủ mới”, nhưng nếu các “địa chủ” này giải quyết được việc làm, giúp nông dân có thu nhập khá, khai thác hiệu quả đất đai, đóng góp nhiều cho xã hội thì sự phân phối lại và vấn đề công ích chắc chắn sẽ được giải quyết tốt hơn; thay vì cứ “khư khư” ôm cái hạn điền mà hiệu quả sản xuất thấp.

Tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất lớn là một tất yếu. Muốn ra biển lớn thì không thể khư khư cái tư duy cũ, cái nếp nghĩ tiểu nông. Khi nào các địa phương còn nói “chúng tôi phải xé rào” hay các doanh nghiệp phải “đi đường vòng”, thì còn có nghĩa là luật vẫn chưa phù hợp với thực tế. 

Được biết, Chính phủ đã có định hướng và hiện các bộ ngành đang nghiên cứu nới rộng hạn điền (tăng quy mô hạn điền so với trước). PGS-TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long từng đề xuất, hạn điền ở Việt Nam chỉ nên ở mức 5-10ha và chỉ cho phép 10-15% doanh nghiệp tham gia quá trình này, còn lại vẫn phải là những nông hộ.

Theo ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cần phải có cơ chế pháp lý để có thể nới hạn điền nhưng tránh hình thành những “địa chủ mới”. Với những quan điểm trên, rõ ràng là chưa thể khơi thông “dòng chảy” tích tụ ruộng đất phục vụ cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Các doanh nghiệp vẫn vướng cái “nút thắt hạn điền” mà bó tay.

Ngoài ra, việc chỉ cho phép khoảng 15% doanh nghiệp tham gia vào quá trình này, thì đó sẽ là những doanh nghiệp nào; theo đó những hệ lụy nào sẽ phát sinh?  

Lại nói thêm chuyện chuối. Trong khi chuối ở Đông Nam bộ ế ẩm thì vựa chuối lớn nhất nhì miền Bắc của anh Phạm Năng Thành (Khoái Châu, Hưng Yên) lại “không có hàng mà bán”. Anh Thành hiện có hơn 60ha đất trồng chuối ở Hưng Yên (chưa kể diện tích liên kết), sản lượng 3-4 nghìn tấn mỗi năm.

Giá chuối bán ra khoảng 10.000đ/kg, ổn định từ giữa năm ngoái đến nay và gần như không có chuối để bán. Sản phẩm của anh lại chủ yếu tiêu thụ trong nước; chỉ xuất một phần đi Nga, Hàn Quốc, vài nước Trung Đông và anh “gần như không quan tâm việc thương lái Trung Quốc mua hay không mua”. Theo anh Thành, nông dân muốn xuất khẩu nông sản thì phải trồng liên kết theo hợp tác xã, có người “đứng mũi chịu sào”.

Đặc biệt, phải trồng ở vùng tập trung, có thời gian cách ly với thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất đồng loạt mẫu mã mới đẹp, mới xuất khẩu được. Trồng chuối nhỏ lẻ như bà con ở Trảng Bom (Đồng Nai) thì rất khó xuất khẩu. Do đó, bà con phải liên kết trồng quy mô lớn, có ghi chép rõ ràng ngày phun thuốc, ngày bón phân… Lúc thu hoạch cần có thời gian cách ly, không thể làm qua loa với đối tác nước ngoài được.

Vấn đề cốt lõi ở đây không phải là sự thâu tóm đất đai của các doanh nghiệp, hoặc việc người dân sẽ bị mất đất, mà là người dân có quyền định đoạt giá trị mảnh ruộng của mình theo cơ chế thị trường tới đâu; các doanh nghiệp khai thác hiệu quả tài nguyên tới mức nào để đất không bị lãng phí và “chệch” mục tiêu.

Có như vậy, tình trạng sản xuất manh mún, điệp khúc “trúng mùa rớt giá” mới mong chấm dứt, người nông dân mới có thể thoát khỏi cảnh sản xuất “được chăng hay chớ”.

Trần Ân Phong 
(Bà Rịa-Vũng Tàu)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI