Nâng cao chất lượng lao động Việt Nam ở nước ngoài

20/04/2023 - 06:19

PNO - Chương trình đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đã góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế, xã hội của các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long như Đồng Tháp, Hậu Giang, giúp nhiều gia đình thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Sung túc nhờ sang Nhật làm việc

Lai Vung, Lấp Vò, Tam Nông là các huyện có khá nhiều người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài của tỉnh Đồng Tháp. 

Chị Võ Thúy Ngân - 33 tuổi, ở xã Tân Hòa, huyện Lai Vung - kể, sau khi tốt nghiệp THPT, chị học cao đẳng chuyên ngành du lịch, ra trường đi làm gần 2 năm thì thất nghiệp. Bấy giờ, tỉnh Đồng Tháp có chương trình xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Nhật Bản, chị liền đăng ký tham gia. Năm 2014, chị sang Nhật Bản làm việc cho một công ty chuyên về sản xuất thùng giấy, bao bì, lương khoảng 25 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền tăng ca.

Các lao động nữ ở tỉnh Hậu Giang được phỏng vấn sang Nhật Bản làm việc trong năm 2023
Các lao động nữ ở tỉnh Hậu Giang được phỏng vấn sang Nhật Bản làm việc trong năm 2023

Trong quá trình làm việc ở Nhật Bản, chị được công ty tạo điều kiện thuận lợi về nơi ăn ở, sinh hoạt, học thêm tiếng và văn hóa Nhật Bản. Đến năm 2017, khi hết hợp đồng 3 năm lao động, chị trở về Việt Nam với tiền tích lũy được khoảng 700 triệu đồng. Chị lập gia đình 1 năm sau đó và với số vốn có được, chị mở cơ sở kinh doanh nước ngọt, bia, gas ở quê, trồng mấy công rau màu, cuộc sống ổn định, sung túc. 

Cũng ở xã Tân Hòa, mấy ngày qua, bà Trương Thị Đà tất bật dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để đón con gái từ Nhật Bản về quê làm đám cưới. Bà Đà kể: “Cách nay hơn 4 năm, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa TPHCM, con gái tôi sang Nhật Bản làm việc cho một công ty chuyên về cơ khí với thu nhập 40-45 triệu đồng/tháng. Do phải làm việc ở nước ngoài nên con gái tôi và bạn trai chỉ tổ chức đám hỏi rồi lo tập trung làm việc, kiếm tiền làm vốn. Một thời gian sau, bạn trai của con tôi cũng sang Nhật Bản làm việc trong lĩnh vực xây dựng với thu nhập 48 triệu đồng/tháng, gửi tiền dư về quê mua đất lúa, đất vườn”.

Năm 2016, chị Lê Thị Xuân Nhi - ở huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp - đăng ký sang Nhật Bản làm việc trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm. Hiện chị là giáo viên dạy tiếng Nhật ở tỉnh Đồng Tháp. Chị kể: “Được làm việc với những ông chủ cởi mở, dần dà, tôi yêu văn hóa Nhật Bản và quyết tâm học tiếng Nhật, ngày đi làm, tối tự học tiếng. Năm 2019, hết hợp đồng lao động, trở về quê, tôi được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp tuyển làm giáo viên tiếng Nhật đến nay”.

Tăng cường bồi dưỡng nghề, kiến thức 

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp, trong năm 2022, toàn tỉnh có 1.779 người xuất cảnh sang nước ngoài làm việc, đạt 118% so với kế hoạch, nhiều nhất là sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), làm ở các lĩnh vực nông nghiệp, chế biến thực phẩm, điều dưỡng, trang trí nội thất, cơ khí, công nghệ ô tô, điện tử. Mỗi năm, người lao động ở nước ngoài của tỉnh Đồng Tháp gửi về cho gia đình trên 1.500 tỉ đồng. 

Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp và công ty xuất khẩu lao động tư vấn về chương trình đi lao động có thời hạn ở Nhật Bản
Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Tháp và công ty xuất khẩu lao động tư vấn về chương trình đi lao động có thời hạn ở Nhật Bản

Trong năm 2023 này, UBND tỉnh Đồng Tháp nêu chỉ tiêu đưa từ 1.500 người trở lên đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, từng có giai đoạn, việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn. Đến năm 2014, UBND tỉnh khởi động lại chương trình này với phương châm “đi làm thuê, về làm chủ”. 

UBND tỉnh xác định, đưa người đi lao động ở nước ngoài là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, tăng nguồn ngoại tệ, góp phần giảm nghèo bền vững, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Để phục vụ chương trình này, UBND tỉnh yêu cầu tăng cường đào tạo nghề, ngoại ngữ, tác phong công nghiệp. 

Trong 5 năm từ 2016-2020, toàn tỉnh đã có 8.300 người lao động xuất cảnh ra nước ngoài làm việc, thu nhập bình quân 20-30 triệu đồng/người/tháng. Một số người lao động về nước khởi nghiệp thành công, trở thành chủ doanh nghiệp, tạo việc làm cho những người lao động khác, đóng góp vào sự phát triển của địa phương.

Ông Phạm Thiện Nghĩa - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - thông tin: “Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn đang là chương trình trọng tâm của tỉnh. Theo đó, trong giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đề ra chỉ tiêu đưa 7.500 người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; phấn đấu hằng năm có ít nhất 1.500 người lao động xuất cảnh”.

Ở tỉnh Hậu Giang, chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng được các ngành chức năng quan tâm. Ông Lưu Văn Dủ - Phó chủ tịch UBND TP Vị Thanh - cho hay, ngành lao động huyện đang đưa 125 người (26 nam, 99 nữ) đi làm nông nghiệp thời vụ ở Hàn Quốc, lương cơ bản 30 triệu đồng/người/tháng. Đây là những người từ 25 đến 45 tuổi, đã kết hôn. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Phước - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hậu Giang - lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm chương trình đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài nên đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu ý nghĩa của chương trình. Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ đưa 547 người đi làm việc ở nước ngoài. Đến nay, đã đưa được 108 người và có 558 người đã phỏng vấn xong, chờ ngày xuất cảnh sang Nhật. 

Nhiều chuyên gia nhận định việc đưa lao động đi nước ngoài làm việc đã góp phần cải thiện cuộc sống người dân, nhất là người dân ở vùng nông thôn. Tuy nhiên, cần quan tâm hai vấn đề. Thứ nhất, giữ gìn giềng mối gia đình và quan tâm việc chăm lo đời sống tinh thần trẻ có cha mẹ đi lao động nước ngoài. Nếu không, với việc hàng chục ngàn người đi lao động ở nước ngoài sẽ có hàng chục ngàn gia đình không được sum vầy và cũng ngần ấy trẻ không được sống gần cha mẹ hoặc cha mẹ già không có con cái bên cạnh. Thứ hai, cần có chính sách, giải pháp sử dụng lao động đã được đào tạo và tích lũy kinh nghiệm khi lao động ở nước ngoài trở về để không lãng phí nguồn nhân lực chất lượng này cũng như giúp người lao động tiếp tục ổn định  cuộc sống. Nếu người lao động trở về với số vốn trong tay chỉ để mở hàng ăn hay buôn bán nhỏ thì mục đích của chương trình xuất khẩu lao động chưa thật sự trọn vẹn.

Cảnh giác với các công ty lừa đảo

Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) - cho biết, thời gian tới, cục sẽ ưu tiên XKLĐ có kỹ năng, tay nghề để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động thế giới, giảm XKLĐ phổ thông. Điều này là nhằm nâng vị thế của lao động Việt Nam ở nước ngoài. 

Cùng với đó, các đơn vị có chức năng XKLĐ sẽ đưa người đi làm việc ở các thị trường an toàn, có thu nhập cao, phúc lợi tốt. Phía đối tác nước ngoài sẽ hỗ trợ chi phí tuyển chọn, đào tạo kỹ năng, tay nghề nên người lao động giảm được chi phí ban đầu. Khi có kiến thức, trình độ, tay nghề, người lao động không chỉ có được thu nhập tốt mà còn có được vị trí vững hơn trong công việc.

Trước tình trạng XKLĐ chui, lừa đảo, ông Nguyễn Gia Liêm hướng dẫn: người lao động cần kiểm tra thông tin của những cá nhân, tổ chức đến mời chào đi XKLĐ xem họ ở đâu, có địa chỉ rõ ràng hay không, liên hệ như thế nào, sau đó kiểm tra thông tin thu thập được trên hệ thống của Cục Quản lý lao động ngoài nước. Nếu đơn vị đó không có chức năng XKLĐ thì chắc chắn là lừa đảo hoặc làm trái quy định của Nhà nước. Đi XKLĐ theo những đối tượng này không chỉ ảnh hưởng đến tài sản, tiền bạc của bản thân mà còn bị xử lý theo quy định của nước sở tại. 

Khi có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, người lao động cần chủ động tìm hiểu thông tin về thị trường lao động, công việc, ngành nghề, cách thức đi, các doanh nghiệp, tổ chức tiếp nhận đi… qua trang web chính thức của Cục Quản lý lao động ngoài nước (dolab.gov.vn) hoặc của cơ quan quản lý lao động địa phương để có sự lựa chọn phù hợp với trình độ, năng lực bản thân. Người lao động cũng cần liên hệ với các doanh nghiệp có giấy phép XKLĐ, đồng thời liên hệ với chính quyền địa phương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở để kiểm tra thông tin.

Minh Tâm

Huỳnh Lợi
 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI