“Nản” với nhà vệ sinh bệnh viện

31/10/2020 - 07:04

PNO - Bị người bệnh phản ánh, cơ quan chức năng đề nghị chấn chỉnh nhưng nhiều năm nay nhà vệ sinh tại nhiều bệnh viện vẫn nhếch nhác, bẩn thỉu, bốc mùi…

 

Cảnh nhếch nhác tại nhà vệ sinh Bệnh viện đa khoa Khu vực Hóc Môn
Cảnh nhếch nhác tại nhà vệ sinh Bệnh viện đa khoa Khu vực Hóc Môn

Bẩn từ ngoài vào trong

Lấy tay bịt mũi, bước nhanh mỗi lần vào nhà vệ sinh, đó là hình ảnh của người khám bệnh khi đến một số bệnh viện (BV).

Ở BV Q.12 (TP.HCM), mỗi ngày có hơn 1.000 bệnh nhân tới khám nhưng BV chỉ có hai nhà vệ sinh. Ngày 27/10, chúng tôi chứng kiến một phòng vệ sinh gần căng-tin BV nước xả xuống sàn lênh láng, mùi hôi nồng nặc, nhưng hơn 30 phút vẫn không có nhân viên nào tới lau chùi. Ai đi ngang cũng bịt mũi, nhón chân nhanh chóng thoát khỏi vũng nước. Cách đó không xa, có hai phòng vệ sinh khác thì một phòng hư hỏng, phòng còn lại của nam được tận dụng dùng cho cả nữ. 

Chúng tôi “dạt” về BV đa khoa Khu vực Hóc Môn, nhà vệ sinh gần khu khám bệnh. Ngay trước cửa nhà vệ sinh là bộ dụng cụ dọn vệ sinh và thùng rác lớn như thách thức những ai muốn vượt qua cửa “giải quyết nỗi buồn”. Thấy chúng tôi lắc đầu ngao ngán, một người trong nhà vệ sinh đi ra nói: “bồn cầu bị tắc và chốt cửa hỏng rồi”. 

Tương tự, tại Khoa Sản BV đa khoa Khu vực Hóc Môn, sàn nhà vệ sinh đọng nước và bùn đất dính đầy trên sàn. Dụng cụ vệ sinh để ngổn ngang gần bồn rửa tay. Nhà vệ sinh tại Khoa Nhi cũng không khác, cửa sổ hư một cánh.

Ngay cả BV ở trung tâm thành phố cũng không khá hơn. Tại BV Nguyễn Trãi, nhà vệ sinh công cộng ở tầng trệt khu nội trú mùi hôi bốc ra đến dãy hành lang ngoài. Dù đã bịt khẩu trang nhưng nhiều người vẫn phải bước nhanh mỗi khi đi ngang. Cô N.T.A., bệnh nhân khám ngoại trú ở đây, nói: “Công tắc bồn cầu bị hư rồi. Sáng giờ, tôi thấy nhiều người phải ra nhà vệ sinh ở gần cổng chính, chứ không dám đi ở đây. Thôi tới BV thì chịu”.

Nguy cơ thêm bệnh từ nhà vệ sinh bẩn

BV ĐKKV Hóc Môn chổi bẩn treo khắp nơi trong nhà vệ sinh và gần bồn nước
Bệnh viện đa khoa Khu vực Hóc Môn chổi bẩn treo khắp nơi trong nhà vệ sinh và gần bồn nước

Bác sĩ Nguyễn Thị Mai Trúc, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn BV Q.12, cho biết: “Theo quy định của BV, nhà vệ sinh phải được dọn tối thiểu hai lần mỗi ngày. Ngoài ra cứ 15 phút, nhân viên vệ sinh phải kiểm tra lại nhà vệ sinh một lần. Tuy nhiên, với khối lượng công việc khá nặng, và một số vấn đề phát sinh nên nhân viên đã không kiểm tra nhà vệ sinh đúng thời gian quy định”.

Bác sĩ Lê Sĩ Lý, Phó giám đốc BV Q.12, nói thêm: “Hiện BV đang xây dựng các khu mới, nhưng do mưa bão nên thời gian hoàn thành chậm hơn dự kiến. Mỗi ngày, BV tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân đến khám, số lượng người sử dụng nhà vệ sinh nhiều dẫn đến quá tải.

Đối với khu nội trú thì có đầy đủ nhà vệ sinh đáp ứng nhu cầu sử dụng của bệnh nhân. Dự kiến khoảng ba tuần nữa, chúng tôi sẽ xây dựng thêm hai nhà vệ sinh để phục vụ bệnh nhân. BV cũng đang cải tạo, sửa chữa khu cũ sau gần 20 năm sử dụng. Hy vọng sau khi các công trình mới hoàn thành sẽ làm hài lòng bệnh nhân”.

Phó giáo sư - tiến sĩ Lê Thị Anh Thư, Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM, cảnh báo: “Sàn nhà vệ sinh bẩn, ẩm ướt có thể làm tăng khả năng phát triển của vi khuẩn, tăng nguy cơ lây lan bệnh. Mặt khác, một số BV có thực hiện xét nghiệm tinh dịch đồ, nhà vệ sinh không đạt chuẩn cũng làm tăng khả năng lây nhiễm bệnh, ảnh hưởng tới việc lấy mẫu xét nghiệm”.

Một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm khuyến cáo: nhà vệ sinh BV quá bẩn có thể khiến bệnh nhân đến khám và điều trị dễ bị bệnh lây truyền qua đường phân, đặc biệt các dịch đường ruột như tả, lỵ, thương hàn, tay chân miệng... Còn nếu người bệnh thấy nhà vệ sinh bẩn mà nhịn đại tiện, tiểu tiện có thể kéo theo những hậu quả nguy hại cho cơ quan tiêu hóa, bàng quang, đường tiết niệu. 

Đinh Tiên

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
  • nguyễn phương 01-11-2020 03:12:30

    Tình trạng tệ hại của nhà vệ sinh thuộc khu vực công cộng chứ không riêng về nhà vệ sinh của BV có phần góp sức rất lớn của nhiều người sử dụng vô ý thức: bừa bãi, xả rác không đúng nơi làm tắc nghẽn... Tôi từng chứng kiến tại một BV tư nhân, phòng vệ sinh rất sạch sẽ thế nhưng vẫn có người sử dụng xong không dội nước bồn cầu, rất vô ý thức.

  • Linh Ngô 31-10-2020 19:01:14

    Nhà vệ sinh không thu được tiền dịch vụ của bệnh nhân nên giám đốc bệnh viện chẳng quan tâm. Bệnh viện nhân dân Gia Định kê giường cho bệnh nhân năm ngay lối ra vào toilet, rất đau lòng khi thấy cảnh vật vã của bệnh nhân.

  • Thu PHương 31-10-2020 10:44:27

    2 ngày đêm ngủ trong khu nội trú Khoa tiêu hoá bv Nhi Đồng 1 mà mẹ con tôi tởn tới già. Nhà vệ sinh k giấy, vòi xịt k có nước. Bồn cầu dính đầy chất bẩn, bấm xả không được. Sàn đầy nước bẩn thỉu, tôi vừa đánh răng vừa ói. Từ buổi đầu đó, tôi khỏi đánh răng luôn. Con gái tôi 4t không cách nào tiểu trong ấy được. Vì đâu có chỗ nào mà đặt chân ngồi.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI