Mỹ Sơn, chẳng ai là kẻ cuối cùng

06/09/2019 - 15:37

PNO - 20 năm, người ta đã nói quá nhiều về giá trị di sản, nhưng cũng là một thách đố cho một câu hỏi: làm gì để giữ khách ở Mỹ Sơn?

Đi về Mỹ Sơn mà như đội thúng đi trên những đụn cát ngút ngàn ở xứ nắng Ninh Thuận. Cảm thức ấy là có, bởi câu chuyện này diễn ra trong một khung cảnh, một khoảng thời gian mà người viết biết rằng nó buồn như mưa trên tháp cổ. Ở đây, chỉ nói nghĩa đen.

Chẳng ai là kẻ cuối cùng khi đối diện với những ngọn tháp sừng sững, dai dẳng, mãnh liệt đến kỳ lạ; hoan ca suốt 8 thế kỷ xây dựng, để đến thế kỷ XV là lúc bắt đầu những tao loạn. Nhớ có lần ngồi với nhà thơ Inrasara, mười mấy năm trước, ở Tam Kỳ, tôi có nói rằng, hồi tố lịch sử là điều không tưởng và không nên có, vấn đề là thái độ ứng xử với lịch sử thời điểm hiện tại, đó là cách tốt nhất để thực hiện cái gọi là đối đãi với quá khứ. Tôi nhớ, anh gật đầu và im lặng. Đứa con của xứ sở Chăm quay về xứ Quảng để nhìn những ngọn tháp thần linh. Tôi muốn nói thêm, mọi thứ còn đó chứ có mất đâu, như viên gạch mãi là bí ẩn, nhưng không xa lạ, thì tình yêu, ngưỡng kính tổ tiên, dẫu vô hình, nhưng nếu có, thì nó cũng như tháp, huống chi vẫn còn đó những tháp đền rơi như đôi mắt chạng vạng, thảng thốt đến cô tịch...

“Họ là đoàn hành hương cuối cùng - ra đi từ đêm của thế kỷ cũ - ra đi - dù không ngọn gió nào xua đuổi - dọc theo đường biên bóng tối. Ra đi.

Bao nỗ lực đã xóa trắng - họ chậm chạp bước đi - lầm lũi như thế. Dọc thế kỷ cuối cùng của thiên kỷ - tiếng nói bã nát giấu vào túi - đội trên đầu cái thúng rỗng, họ đi - biết mình là kẻ cuối cùng”. (Inrasara, Lễ tẩy trần tháng Tư, năm 2002).

Những thử nghiệm, tranh cãi, phán đoán, xác quyết, tất thảy đều cùng đi trên con đường có tên là cưỡng lại thời gian, để những viên gạch gắn vào nhau bí mật như một công án không mở cửa nổi, rơi xuống theo gió mưa. 20 năm, người ta đã nói quá nhiều về giá trị di sản, nhưng cũng là một thách đố cho một câu hỏi: làm gì để giữ khách ở Mỹ Sơn?

Khác với một Hội An lúc nào cũng ùn ùn khách, chật chội đến mức bây giờ đường Hai Bà Trưng chuẩn bị cấm ô tô, xe máy, chuyển qua thử nghiệm xe đạp, vì ngộp thở rồi, thì Mỹ Sơn “họ đi - biết mình là kẻ cuối cùng”, ai cũng là người cuối cùng khi muốn nán lại qua đêm, nhưng không biết ở đâu. Câu chuyện làm du lịch từ văn hóa tại Mỹ Sơn là nhan đề của bao nhiêu hội thảo, tâm tư. Đặc điểm địa lý vùng này khác xa Hội An - ở trong núi, xa khu dân cư, khí hậu khắc nghiệt, tiềm năng để cho ai đó có tham vọng làm du lịch quá thấp…

My Son, chang ai la ke cuoi cung
Tháp Mỹ Sơn

Đó là những lý do có thật để trả lời cho cái gọi là bế tắc trong giữ khách. Thống kê cho thấy, so với những năm đầu Mỹ Sơn được xướng tên thì khách chỉ vài ngàn người, nhưng nay đã lên 400.000 người/năm. Lấy làm mừng, nhưng câu hỏi trên vẫn đau đáu. Tâm thức đêm khác ngày khi ngắm nhìn Mỹ Sơn, khi ảo ảnh xuất hiện rồi tan biến trong cây rừng, gió, đá. Để phục vụ nhu cầu ở lại đêm tại Mỹ Sơn của du khách, người ta đã làm một số homestay, nhưng thất bại. Ông Đinh Hài - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam - cho rằng, lý do câu chuyện làm du lịch ở Mỹ Sơn ra hình ra vạc, thật sự quyến luyến, níu chân khách đến giờ vẫn chưa được, vì tuyên truyền về giá trị không thường xuyên, đặc biệt người ta ít nghĩ về điều đó. Ít, hiểu theo nghĩa theo đuổi tận cùng, như kẻ gieo hạt trên đá, quyết chờ cho nó đến lúc sẽ nảy mầm. Ông Nguyễn Công Dũng - Bí thư huyện Duy Xuyên - thì nói, 10 năm nữa, du lịch Mỹ Sơn sẽ như ý...

Những cố gắng để trở về đúng nghĩa của nó, ở Mỹ Sơn, còn nguyên đó. Nghĩ về nó, có khi là thế, là tre, cỏ, là gạch cũ ngàn năm, là thấy mình đã bé lại càng nhỏ hơn trước những câu hỏi… Tất cả nhiệt huyết, có gì khác hơn là nuôi một nguồn mạch, nối giữ sợi dây linh thiêng với đất. Nhà thơ Inrasara nói, người Việt có thành ngữ “Nơi chôn nhau cắt rốn” để chỉ quê cha đất tổ. Chăm thì khác. Ông bà nói: “[nơi] chôn nhau đặt viên gạch” (Dar thauk padauk kiak). Chôn nhau cắt rốn thì chỉ mới liên quan đến máu mủ, còn “đặt viên gạch” [dựng tháp] là đặt nền móng cho đời sống tâm linh. Đó là huyền nghĩa của đất. Nhà được dựng nên trên đất đó.

Thời gian có nghĩa gì với tháp đâu. Điều người dân cần và mong là những cảm xạ Mỹ Sơn sẽ đến thêm với ai đó, để họ không nghĩ mình là kẻ cuối cùng. Kẻ cuối cùng trong du lịch, có nghĩa là họ sẽ đi và không trở lại, và như thế, dẫu có triệu người, cũng vậy thôi. Xung đột trong văn hóa và du lịch, bắt nguồn và trăm sự ở chỗ du khách. Câu chuyện chính là thu hút, điều tiết, gìn giữ. Có người nói rằng, không cần và không nên làm gì ở Mỹ Sơn nữa, mà hãy để đó với mặc ngôn của nó là đủ.

Không sai, nhưng nếu tôi muốn ở lại để đọc, để mặc khải những vì sao trên tháp, thì làm sao? Ở đây, từng có một căn nhà lá, bây giờ còn nguyên đó, của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ. Anh Hỷ là người đã cùng kiến trúc sư Kazic lọ mọ đến Mỹ Sơn năm 1983, đi trong rậm rạp, rắn rết và u tịch. Mấy mươi năm cắm mặt trên đá, trên nhà cổ đo vẽ. Khi về hưu, anh làm nhà tre ở Mỹ Sơn, để… vẽ. Ngôi nhà này, toàn tre. Có năm bão lớn, bà con xung quanh toàn nhà tường lợp tôn nhưng cứ xúm lại núp ở nhà anh. Trăm sự cũng là anh dằn kỹ. Nhà anh lợp theo kiểu nhà mái lá 2 lớp: lá cọ và tranh ở dưới và trên, giữa là đất sét trộn với tro và rơm; vách, bàn ghế, đều là tre - vững chãi, và nói như dân Quảng Nam là cứng… cắn răng.

My Son, chang ai la ke cuoi cung
Nhà tranh được họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ dựng ở Mỹ Sơn, được du khách thích thú

Hàng xóm nhà anh làm homestay, nhưng ác thay, khách Tây không ưng ở đó, mà chỉ thích tới nhà ông Hỷ. “Họ có cần bê tông cốt thép máy lạnh đâu, họ cần tự nhiên”. Anh nói ngắn và nó như lời giải cho câu hỏi vì sao các dự án homestay ở Mỹ Sơn thất bại. Có một cô gái giành giải về mô hình du lịch ở Mỹ Sơn bằng việc nấu những món ăn Chăm để níu khách, nhưng rồi cũng èo uột, bởi nhiều lý do. Anh Hỷ giờ cũng đã bán nhà cho người khác, bởi anh lớn tuổi rồi, nhà cửa lại ở Đà Nẵng. Người ta mua, để đó…

Thần linh, chính là đất, khi chúng ta đang nương tựa, sống nhờ sự bảo bọc của đất. Về thánh địa Mỹ Sơn không phải đi hành hương, mà chính là đi cúng Yang, cúng thần linh, chiêm bái những giấc mơ có thực về quyền năng, huyền năng và khả năng đến mức kinh ngạc của người xưa lưu dấu trên đất. Những thắc mắc hay bất kỳ một trạng thái cảm thức nào đó với đấng trên cao, chỉ có ta và họ biết, mọi sự chia sẻ sẽ rất hạn chế, thậm chí rơi vào ngõ cụt, lửng lơ.

Chỉ có những câu hỏi hôm nay về trùng tu, giữ gìn di tích, phát huy giá trị của Mỹ Sơn, luôn hiện hữu. Sự im lặng của đá là một giá trị. Nhưng nếu mình góp vào đó những rộn rã trong im lặng, xin lưu ý, rộn rã im lặng, thì có lẽ, những ngôi tháp sẽ như có thêm cánh tay, như mọc thêm một lần nữa, mọc trong mắt người, trong nỗi nhớ, trong cơn mơ. Tự thân tháp cổ không thể giữ những gì cần giữ, tĩnh lược những thừa thãi. Vấn đề là người ta có nghĩ và đọc được, làm được điều đó không… 

Ngày 8/9 này là đúng 20 năm Khu đền tháp Mỹ Sơn và Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới, với một lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức tại đây. 20 năm, bao người đã đến, ngắm nhìn, với vạn trạng cảm xúc. 20 năm, cái tên Mỹ Sơn không còn xa lạ nữa, khi nó luôn được đặt trong tình trạng gọi là báo động về xuống cấp, để rồi bao mồ hôi, trí tuệ, tiền bạc đổ vào đây để giữ gìn.

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI