“Mùng 3 tết thầy” ngày nay liệu có nhạt phai?

24/01/2023 - 06:22

PNO - Phải chăng "Mùng 3 tết thầy" ngày nay đã phai nhạt hay cách nghĩ, cách thể hiện của học trò ngày nay đã khác xưa?

Câu nói mùng ba tết thầy thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam
Câu nói "Mùng 3 tết thầy" thể hiện tinh thần "tôn sư trọng đạo" của dân tộc Việt Nam

Câu nói dân gian “Mùng 1 tết cha, Mùng 2 tết mẹ, Mùng 3 tết thầy” gợi nhắc giá trị truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam mỗi dịp tết đến, xuân về. Trong đó, “Mùng 3” được xem là ngày để bày tỏ lòng biết ơn đến thầy cô, những người lái đò thầm lặng đưa mỗi chúng ta đến bến bờ tri thức. Tuy vậy, có ý kiến cho rằng phải chăng nét văn hóa “tôn sự trọng đạo” này đã phần nào phai nhạt trong thời đại ngày nay?

Có hơn 30 năm trong nghề “đưa đò”, số lượng học trò của thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) - đến nay đã không thể đếm xuể, trong đó, nhiều người đã “lên chức” ông nội, bà nội. Qua chừng ấy năm, mỗi dịp tết đến, rất nhiều thế hệ học trò đã thể hiện sự quan tâm đến thầy với nhiều cách thức khác nhau. Có học trò nhắn tin, gọi điện, gửi thiệp chúc mừng, email... Có những em trực tiếp đến nhà thăm hỏi, hàn huyên với thầy. Trong đó, nhiều học trò khiến thầy Huỳnh Thanh Phú không thể nào quên.

Tết năm nay, một học trò cũ đã 42 tuổi vừa từ Pháp trở về Việt Nam trước tết liền đến thăm thầy, mang tặng thầy một phần chocolate. Đến Mùng 3 tết, học trò này lại tiếp tục đến nhà chúc tết thầy. Một học trò khác, từng đoạt huy chương vàng miền Nam môn hóa do thầy dạy, nay đã là tiến sĩ, rất thành công và định cư bên Úc, song năm nào cũng vậy, cứ đến Mùng 3 là gọi điện về chúc tết thầy.

Hay một học trò tết năm nào cũng tặng thầy 1 cặp bánh chưng, suốt mấy chục năm nay không thay đổi, dù đến nay người học trò này cũng đã gần 50 tuổi. Có người thời đi học là học sinh cá biệt, quậy phá, nhưng với thầy giáo luôn giữ thái độ kính trọng, ngày 20/11 và tết năm nào cũng đến thăm thầy. 

Thầy Huỳnh Thanh Phú cho rằng không câu nệ cách thể hiện tình cảm thầy trò của thế hệ xưa hay nay, chỉ cần học trò nhớ thầy, quý thầy thì dù cách thể hiện nào cũng đáng quý
Thầy Huỳnh Thanh Phú cho rằng không câu nệ cách thể hiện tình cảm thầy trò của thế hệ xưa hay nay, chỉ cần học trò nhớ thầy, quý thầy thì dù cách thể hiện nào cũng đáng quý

“Có nhiều em đã thành công, đã định cư các nước nhưng vẫn nhớ về thầy với tấm lòng tôn sư trọng đạo, nhớ về nét văn hóa truyền thống ngày tết cổ truyền. Đó là những tình cảm quý giá không thể đong đếm được. Trong cuộc đời giảng dạy của mình, tôi cũng dự rất nhiều đám cưới của học trò, thậm chí còn làm chủ hôn cho con của học trò. Tình cảm thầy trò đáng trân quý làm tôi cảm thấy rất ấm lòng” - thầy Huỳnh Thanh Phú nói.

Theo thầy, học trò ngày nay có cách nhìn nhận, thể hiện “Mùng 3 tết thầy” khác trước. Tuy vậy, thầy Huỳnh Thanh Phú cho rằng mình không câu nệ chuyện thể hiện tình thầy trò của thế hệ xưa hay nay. Bởi giữa nhịp sống hối hả ngày nay, chỉ cần một tấm thiệp, lời chúc, cuộc điện thoại để nói chuyện với nhau cũng đã đủ. “Quan trọng chúng ta còn nghĩ về nhau đã là điều đáng trân quý trong cuộc sống. Suy nghĩ, mối quan tâm, cách thể hiện của thế hệ ngày nay khác xưa, chỉ cần các em nhớ và quý thầy thì dù biểu hiện bằng hình thức nào cũng là đáng quý” - thầy Phú nhìn nhận. 

Cô Nguyễn Uyên Uyên - giáo viên môn vật lý, khoa học tự nhiên Trường THCS Mạch Kiếm Hùng (quận 5, TPHCM) - cũng chia sẻ hơn 22 năm trong nghề, cô nhận được rất nhiều cách quan tâm của học sinh mỗi dịp tết đến. Có những học sinh ra trường mười mấy năm vẫn gắn bó thân thiết với cô, các em vẫn đến thăm hoặc gửi lời chúc mừng cô mỗi khi xuân về.

Cô giáo Nguyễn Uyên Uyên - giáo viên Trường THCS Mạch Kiếm Hùng (quận 5, TPHCM) và học trò
Cô Nguyễn Uyên Uyên - giáo viên Trường THCS Mạch Kiếm Hùng (quận 5, TPHCM) và học trò

Nhận xét “Mùng 3 tết thầy” trong những năm gần đây có vẻ nhạt so với trước đây, nhưng cô Nguyễn Uyên Uyên cho rằng đó cũng là điều bình thường trong guồng quay hối hả của cuộc sống hôm nay, khi mối quan tâm của thế hệ trẻ đa dạng hơn trước rất nhiều. Với học sinh ngày nay, các em có thể không bày tỏ tình cảm thầy trò trong ngày tết, nhưng trước khi nghỉ tết, học sinh vẫn tổ chức buổi liên hoan nho nhỏ để chúc tết thầy cô, có em hát tặng thầy cô, có em tự tay làm những tấm thiệp gửi gắm tình cảm trong sáng đến thầy cô... Dù cách thể hiện như thế nào, theo cô Uyên Uyên, tình cảm của học trò dành cho người thầy vẫn rất đáng yêu và đáng trân trọng.

Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Hải Hà - giáo viên môn toán Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) - lại nhận xét hiện nay, với sự bùng nổ công nghệ thông tin và mạng xã hội, mối quan hệ của thầy cô và học trò trở nên gần gũi hơn, đôi lúc như những người bạn. Nhiều khi không cần đến tận nhà chúc tết mà các em có nhiều cách gửi sự quan tâm đến giáo viên, như nhắn tin, viết lời chúc trên Facebook, Zalo...

Cô Nguyễn Thị Hải Hà, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) và học trò
Cô Nguyễn Thị Hải Hà, giáo viên Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) và học trò

Nguyễn Thị Hải Hà cho biết dịp tết cô vẫn nhận được những lời chúc đáng yêu của học trò, đôi khi chỉ là những dòng cóp nhặt trên mạng rồi chêm vào một số câu để trêu cô như “chúc cô sớm hết... ế”, “nhanh có gấu ôm”... Chỉ đơn giản vậy nhưng “Mùng 3 tết thầy” vẫn rất vui vẻ bởi cách thể hiện đáng yêu của học trò. “Có lẽ không phải “Mùng 3 tết thầy” đã phai nhạt, chỉ là đang có sự thay đổi phù hợp với thời đại cũng như cách thể hiện của thế hệ trẻ” - cô Hải Hà nhận xét.

Phương Thanh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI