Mùa xuân trên đỉnh bình yên

21/03/2021 - 15:05

PNO - Bhutan không phải là quốc gia duy nhất trên giới được gọi hay bầu chọn là đất nước hạnh phúc. Thế nhưng, hễ nhắc tới một xứ sở hạnh phúc, người ta luôn nghĩ ngay đến đất nước này.

Bây giờ Sài Gòn đang chuyển hạ nhưng Bhutan lại bắt đầu vào mùa xuân. Đó đây rải rác quanh các triền núi, đường đi… đã thấy hoa đào khoe sắc như nhắc khách xa rằng một mùa mới bình yên đang về trên triền núi Hy Mã Lạp Sơn, về với vương quốc rồng sấm nho nhỏ ấy.

Ấn tượng mùa hoa đào 

Hoa đào Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… hay tận thủ đô Washington, D.C. của nước Mỹ đã quá nổi tiếng và quen thuộc với du khách. Thế nhưng, ít ai biết rằng hoa đào Bhutan đẹp không kém những nơi khác, thậm chí rất lãng mạn, nên thơ. Có thể ví hoa đào Nhật Bản, Mỹ như một cô gái thị thành xinh đẹp, ý thức được nhan sắc và biết trau chuốt mình, còn hoa đào Bhutan như một sơn nữ e ấp, xinh xắn mà nhìn càng lâu càng thấy duyên. Nó đẹp đẽ trong sự chân chất, hồn nhiên và không gian thanh bình vốn có ở vương quốc này. 

Hoa đào ở Bhutan mọc tự nhiên ven đồi, núi, suối, sông, các đền tháp hay những căn nhà xinh xắn giữa núi, thung lũng. Để rồi khi lần lượt nở, chúng trở thành điểm nhấn thơ mộng cho mùa xuân thanh bình của đất nước này.

Tôi đã ngồi hàng giờ với máy ảnh trong tay chỉ để ngắm, để thấy nhịp sống Bhutan đặc trưng, bình dị, nhẹ nhàng và đầy thân thiện quanh gốc đào. Nhất là những cây đào cổ thụ rất cao với hoa dày đặc và gốc xù xì uốn lượn thật ấn tượng. Để không chỉ thu vào ống kính mình mà còn là ngồi thong thả nhìn bầy la đủng đỉnh đi ngang dưới tán hoa, bên cạnh là chú chó nhà ai nằm sưởi nắng, cứ ngủ rồi lại nhìn, mặc cho mấy vị khách lạ lao xao trầm trồ xung quanh. Hoặc mấy bóng áo tu hành lặng lẽ đi ngang cây đào về tu viện phía xa xa. Hoặc cảnh lũ học trò đi học về xúng xính trong các bộ trang phục truyền thống gho, kira nghịch đùa chạy quanh những gốc cây đầy hoa.

Mấy cô học trò nhỏ leo cây thoăn thoắt chỉ để hái hoa cho nhau; leo chán lại tụ tập dưới gốc cây cùng nhau níu cành hái hoa. Cảnh quanh những gốc đào cổ thụ ấy như minh họa rõ nét cho bản tính người dân xứ này: dẫu chẳng giàu có nhưng sống rất thong dong. 

Bốn lần một ngày cùng những nguyện cầu

Tôi đến Bhutan vào một buổi chiều, khi nắng đang tắt dần sau những triền núi tưởng như bất tận ở vương quốc rồng sấm. Hình ảnh đầu tiên của xứ sở này trở thành ấn tượng khó quên suốt chuyến đi. Tôi đã rất tò mò khi chứng kiến sự đông đúc ở một ngôi đền gần biên giới. Người ta đến để cầu nguyện, đủ mọi thành phần và lứa tuổi. Từ các ông bà lão chậm rãi đi quanh đền đến những quý ông trung niên, các thiếu nữ, các cậu bé, cô bé tuổi thiếu niên. Ai nấy lần lượt xếp hàng để xoay các vòng cầu nguyện kinh luân đều đặn. 

Thời gian rảnh trong ngày, người bản địa chủ yếu dành cho cầu nguyện. Người dân xứ này không chỉ cầu nguyện ban ngày, mà cả ban đêm. Hơn 10 giờ đêm, giờ địa phương, tôi gặp một người đàn ông trung niên lầm rầm cầu nguyện bên dòng suối nhỏ. Tay lần tràng hạt, ông đi quanh các vòng xoay cầu nguyện kinh luân suốt cả giờ đồng hồ. Ông làm việc này rất tập trung, thành kính, không để ý đến người xung quanh. Đây cũng là hình ảnh quen thuộc ở xứ sở này.

Không chỉ nơi đây mà suốt hành trình khám phá vương quốc rồng sấm, tôi luôn được nhìn thấy những hình ảnh thanh bình như vậy. Ngoài các tu viện, rất nhiều ngôi đền lớn, nhỏ đều để những vòng quay cầu nguyện kinh luân, hiện diện rất nhiều nơi ở ven các con đường, trong các khu dân cư để người dân có thể dễ dàng đến đây cầu nguyện. Trên đường đi, về, ai cũng tranh thủ ghé qua một ngôi đền nào đó trên đường chỉ để cầu nguyện, như một nhu cầu tự nhiên.

Ở Thimphu - thủ đô Bhutan, sau giờ tan sở, tan học, dường như tất cả những dòng người trước khi tỏa muôn hướng về nhà đều đi ngang Khu tưởng niệm quốc gia Chorten. Buổi chiều là thời gian khu tưởng niệm đông người nhất trong ngày. Tuy nhiên, du khách chỉ chiếm một phần, phần lớn là người dân thủ đô.

Người ta đi bộ thong thả vòng quanh đền, với các bánh xe và tràng hạt cầu nguyện. Có người đem theo đệm, mảnh lót trải để tiện hành lễ ngoài sân đền, bên cạnh là những đứa con đang say sưa học bài. Có người cầm các tràng hạt lớn nhỏ đi quanh đền. Có những người già ngồi nguyện cầu cả buổi trong đền hoặc bất cứ giờ nào rảnh trong ngày. Đây là thói quen thường nhật của người Bhutan. Các cô cậu học trò cũng vậy, rất nhiều em đi thành từng nhóm, xúng xính trong bộ kira, gho, rủ nhau ghé đền. Ngoài đường nghịch ngợm là thế nhưng vào đến đền, các em chắp tay nhắm mắt đầy thành kính, cầu nguyện một lúc lâu mới về nhà. 

Nào chỉ buổi chiều, sáng sớm tinh mơ, người dân đi ngang các dãy có vòng xoay kinh luân đều dừng xe, dừng bước để vào cầu nguyện, xoay đủ mấy vòng rồi đi. Học trò đến trường, dù muộn hay sớm cũng đi qua những vòng xoay cầu nguyện quen thuộc ấy, tụng kinh, rồi mới đến lớp. Cảnh tượng đẹp đẽ gợi đến sự bình yên an lành trong tâm hồn bất cứ du khách nào đến đây. Những hình ảnh này đã giải đáp cho tôi thắc mắc rằng có phải người Bhutan cầu nguyện đến bốn lần trong một ngày. 

Sự thân thiện từ tâm an

Một sáng, dọc đường đi đến Punakha, tôi theo bạn đồng hành dừng chân ở một ngôi làng ven đường. Những con bò đang thong thả gặm cỏ. Ngôi làng thật vắng vẻ, tĩnh lặng. Có mấy bà lão đang vắt sữa bò. Thấy khách lạ, họ ngẩng lên một thoáng, khẽ mỉm cười như thay lời chào, rồi lại tiếp tục công việc. Khi du khách có ý muốn chụp hình, họ đều tạo điều kiện để khách lạ như tôi có thể dễ dàng có được bức ảnh đẹp. Một bà lão khác vừa từ ngoài đồng về, đang cắm cúi đi trên đường làng, khi biết ý tôi muốn chụp hình đã dừng lại cười thật tươi cho đến khi tôi ra hiệu tỏ ý đã chụp xong. 

Đến Bhutan, nhiều người rất muốn chụp hình với lũ trẻ bởi chúng rất đáng yêu. Bất cứ cô cậu bé nào, khi thấy ống kính tôi, dù vội vã hay không đều ngoan ngoãn đứng yên chờ tới khi tôi ra hiệu đã chụp xong, mới bước đi. Mà nào chỉ lũ trẻ, người dân xứ này rất thân thiện. Đó không hẳn là sự thân thiện của cư dân vùng du lịch vốn quen với sự có mặt của khách phương xa. 

Không biết họ có ý thức rằng những hình ảnh này sẽ lưu lại, truyền bá hình ảnh đất nước họ ra ngoài hay không nhưng chỉ vậy cũng làm khách lạ như tôi cảm thấy vui lòng. Họ không đón khách kiểu cố tỏ ra thân thiện để chiều khách, mà tự thân điều đó vốn thế. Bởi tâm họ an, bởi họ tin kẻ lạ ấy không làm điều xấu với mình, với xứ sở mình. Sự tin cậy ấy khiến người ta tốt bụng hơn và người được tin cậy cảm thấy hạnh phúc hơn.

Những ngày ở Bhutan giúp tôi hiểu một điều tưởng chừng đơn giản rằng hạnh phúc không có nghĩa là cứ phải giàu có. Hạnh phúc khó định nghĩa một cách chuẩn xác nhất nhưng là điều ta có thể cảm được bằng trái tim. 

Bài, ảnh: Lê Minh Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI