Mưa nắng thất thường làm tăng nguy cơ bệnh ở trẻ

21/04/2023 - 06:46

PNO - Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Thị Minh Nhi - Khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM - cho biết mùa nắng nóng năm nay đến rất sớm, từ đầu tháng Ba thời tiết đã rất khó chịu, gần đây xuất hiện các cơn mưa rào càng làm tăng nguy cơ bệnh ở trẻ em.

 

Các bé đang chờ khám tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM
Các bé đang chờ khám tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM

Nhiều trẻ bệnh về hô hấp, sốt xuất huyết

Chờ đến lượt khám cho con tại Khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, chị Trần Thị Minh (ở Bình Phước) liên tục dỗ dành bé N.T.K. (2 tuổi), vì lo lắng bé khóc nhiều sẽ lại bị khó thở, mệt mỏi. Từ nhỏ, bé K. hay bị sốt, hô hấp yếu nên gia đình chăm sóc bé rất kỹ. Mấy ngày trước, bé khò khè, ho, sổ mũi… đã khám tại bệnh viện địa phương, uống thuốc nhưng bệnh không giảm.

“Bác sĩ nói con tôi bị viêm phổi nhẹ nên cho thuốc về uống. Tôi cũng cho bé ăn trái cây, uống nhiều nước mà vẫn không đỡ bệnh. Bé vẫn sốt cao, có dấu hiệu li bì, nên tôi đưa đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 khám lại”, chị Minh nói. Bác sĩ chẩn đoán bé K. bị viêm phổi diễn tiến, theo dõi sốt xuất huyết và có khả năng phải nhập viện điều trị.

Chị Trịnh Thị Thu Thảo (ở Biên Hòa) cũng khá lo lắng khi con gái 5 tuổi cứ nôn ói mỗi khi uống sữa, bé không sốt nhưng ho khan liên tục. Đêm đến, bé không thể ngủ được vì nghẹt mũi. Ban đầu, chị Thảo đưa con đến phòng khám tư, bác sĩ nói bé bị viêm phế quản, viêm amidan cho uống thuốc 3 ngày. Ngày đầu bé đỡ bệnh, nhưng qua hôm sau các triệu chứng bắt đầu nhiều hơn. Chị Thảo đưa con vào bệnh viện tại địa phương, bệnh viện khuyên chị cho bé đến TPHCM thăm khám.

Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Thị Minh Nhi - Khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết mùa nắng nóng năm nay đến rất sớm, gần đây xuất hiện các cơn mưa rào càng tăng nguy cơ bệnh ở trẻ em. Hiện tại, số lượng trẻ bị nhiễm siêu vi, bệnh về hô hấp, tiêu chảy, nôn ói, hay các bệnh truyền nhiễm như tay chân miệng, sốt xuất huyết và bệnh lý về da cũng đang tăng lên. Trung bình mỗi ngày, Khoa Khám bệnh tiếp nhận khoảng 4.000 lượt trẻ được đưa đến khám. 

“Các bé ở giai đoạn này sốt rất cao, nôn ói nhiều, chưa kể đến những trẻ khám những ca ngoài giờ, ban đêm… tỉ lệ khá cao so với cuối năm ngoái. Hiện bệnh viện đã có các kế hoạch tăng bàn khám để kịp chăm sóc và điều trị cho bệnh nhi. Để hạn chế tối đa các nguy cơ lây nhiễm, bệnh viện đã có khu vực khám riêng các bệnh truyền nhiễm”, bác sĩ Nhi nói thêm.

Cảnh giác cao với bệnh tay chân miệng

Bác sĩ Nhi cho biết do thời tiết khó chịu, nắng nóng làm vi khuẩn, siêu vi phát tán nhanh hơn, trong khi đó hệ hô hấp, tiêu hóa,… của trẻ vẫn còn yếu, dễ nhiễm bệnh nhất. Khi thời tiết nóng thì tuần hoàn, nhịp tim của trẻ phải hoạt động, điều tiết khá nhiều, càng nóng trẻ càng dễ bị kiệt sức, đây cũng là yếu tố thuận lợi làm cho hệ miễn dịch của trẻ trở nên yếu đi. Từ đó, trẻ dễ lây nhiễm vi rút, vi khuẩn bên ngoài.

Vì vậy, phụ huynh cần lưu ý tránh cho trẻ tiếp xúc với nắng nóng, nếu phải ra ngoài, nên chọn thời điểm nắng dịu, che chắn, đội nón, mặc quần áo thoáng mát để tránh cho trẻ sốc nhiệt, mất nước. Tập thói quen uống nước cho trẻ, tăng cường trái cây, thực phẩm giàu vitamin để tăng sức đề kháng. Quan trọng, phụ huynh hướng dẫn để trẻ hiểu rõ và không ăn thực phẩm chưa rõ nguồn gốc, trước cổng trường. Khi sinh hoạt ngoài trời, trẻ biết chọn bóng cây, bóng râm để tránh mất nước. 

Đặc biệt, ở giai đoạn này, cha mẹ nên cảnh giác cao với bệnh tay chân miệng. Bệnh này lây lan, diễn tiến bệnh rất nhanh, triệu chứng thường gặp là trẻ sốt nhẹ hoặc sốt cao, ói nhiều nên có thể nhầm lẫn các bệnh lý thông thường khác trong quá trình chăm sóc. Nếu trẻ bị mất nước sẽ rất nguy hiểm, bệnh tấn công nhanh có thể gây suy tim, viêm cơ tim. 

Vì vậy, trẻ cần hạn chế tiếp xúc quá gần bạn bè như ôm vai, ăn uống chung… để phòng ngừa bệnh tay chân miệng, thủy đậu, nhiễm siêu vi qua đường hô hấp. Bên cạnh đó, cha mẹ phải thật lưu ý trong chế biến, bảo quản thức ăn bởi khi nhiệt độ tăng lên rất thuận lợi cho vi rút, vi nấm phát triển, gây ôi thiu, mốc hỏng.

Nếu trẻ bị sốt cao 2 ngày không hạ, trẻ nôn ói liên tục, có dấu hiệu mệt mỏi, li bì, thở gấp... cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện có chuyên khoa nhi để được khám và điều trị  kịp thời. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI