Một nửa lời xin lỗi

02/10/2017 - 11:28

PNO - Tất cả đều lần lượt bị bỏ qua để đẩy tới cái quyết định trái pháp luật cùng những hệ lụy không nhỏ của nó. Vì thế, đổi lại, đâu thể chỉ là lời xin lỗi!

Cuối cùng thì lời xin lỗi cũng đã được đưa ra cùng việc thừa nhận các sai phạm, vào chiều 29/9, của chủ tịch UBND phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP.HCM về vụ hai cô gái bị đưa vào trung tâm xã hội do không mang theo CMND lúc đi uống nước. 

Mot nua loi xin loi
Nhung và Kiều bị kiểm tra và đưa vào trung tâm hỗ trợ xã hội suốt 9 ngày chỉ vì không đem giấy tờ tùy thân khi đi uống cà phê

Trưởng công an phường cho rằng cán bộ trực tiếp xử lý có nóng vội, non kinh nghiệm; chủ tịch phường thì bảo là anh em hấp tấp, vội vàng, bản thân cũng do tin vào báo cáo đề xuất tham mưu… Chưa hết, không hẳn, tôi nghĩ cần gọi tên chính xác hơn, đó là biểu hiện của sự thiếu hiểu biết về pháp luật, thói vô cảm, vô trách nhiệm của những người thực thi công vụ. 

Luật Hành chính cho phép công an câu lưu 24 giờ để xác minh nhân thân đối tượng thì đằng này, chỉ cần 3 giờ đã nhanh nhảu quy kết; không quan tâm đến người giám hộ hợp pháp hoặc đại diện của đoàn thể, mặt trận đối với đối tượng dưới 18 tuổi theo quy định pháp luật về tố tụng hiện hành, công an cũng bỏ qua số điện thoại người mẹ mà trước đó cô con gái vừa gọi, để có thể kiểm tra nhân thân đối tượng bước đầu…

Tất cả đều lần lượt bị bỏ qua để đẩy tới cái quyết định trái pháp luật cùng những hệ lụy không nhỏ của nó. Vì thế, đổi lại, đâu thể chỉ là lời xin lỗi! 

Mot nua loi xin loi
Ông Lê Nguyễn Trọng Quốc – Chủ tịch UBND phường Tam Bình tại buổi gặp mặt báo chí và gửi lời xin lỗi đến hai cô gái bị "nhốt oan".

Một tòa nhà to kềnh, đóng ngay mặt tiền của giao lộ Võ Thị Sáu - Trần Quốc Thảo, bảng điện tử chớp nháy, từng công dân lấy số, chờ lượt. Rõ là văn minh, hiện đại. Thế nhưng, để xin cải chính giấy khai tử cho cha mình - nguyên thứ trưởng, nguyên giám đốc thư viện quốc gia - người con gái của ông nay đã xấp xỉ 70 tuổi, phải ròng rã gần 2 tháng, tới lui UBND phường, quận trên chục lần.

Điều đáng nói, các thủ tục cần và đủ cho quy trình cải chính giấy khai tử không được liệt kê ngay từ đầu, niêm yết công khai để công dân theo đó mà tập hợp, kê khai; đằng này, hễ mỗi lần bà đến bổ sung giấy tờ là lại được cán bộ nhỏ giọt thêm một loại giấy tờ còn thiếu. Thậm chí, sau khi đã hoàn tất nhiều giấy tờ, một yêu cầu được đưa ra: phải có hình ảnh chụp bia mộ để xác thực tên người đã mất. Thế là bà, một tiến sĩ triết học phải thu xếp tiết dạy ở giảng đường để chạy ngược lên nghĩa trang thành phố, chụp tên cha mình ngay trên mộ phần của ông! 

Chưa hết, khi bà có yêu cầu rút lại giấy khai tử của mẹ trong hồ sơ cải chính khai tử của cha và đã được chấp thuận, nhưng qua hai lần, nhân viên vẫn tiếp tục hẹn. Mệt mỏi, bức bối, bà bảo, bà sẵn sàng ngồi chờ vài tiếng đồng hồ để nhân viên lục tìm chứ không thể lại trở về với lịch hẹn lần ba. Trước thái độ quyết liệt của bà, cô nhân viên nhờ một đồng nghiệp bên cạnh, anh này lên khu vực lầu trên, đúng 5 phút sau, tờ giấy chứng tử của người mẹ được trao cho người con. 

Ngay trước ngày bà nhận được tờ giấy cải chính khai tử cho cha mình, nghe đâu, một cán bộ tư pháp quận có gửi lời xin lỗi. Bà cảm thấy như được an ủi. Còn tôi, nhìn hàng số chớp nháy trên bảng điện tử, tự hỏi: máy móc hiện đại, ứng dụng công nghệ “một cửa - một dấu” để làm gì nếu quy trình còn nhiêu khê, con người còn vô cảm, cán bộ còn vô tư hành dân? Chả nhẽ, khi máy móc công nghệ đủ sức gánh việc thay con người thì đến lúc nào đó, con người sẽ chẳng khác nào… cái máy! Thậm chí, họ không chỉ đơn giản “lập trình” như máy, họ còn biết tự “cài đặt”, tự “bẻ khóa” cho những mặc cả, tính toán của riêng họ. 

Sáng 1/10, trong chương trình Lắng nghe và trao đổi, khi Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt câu hỏi về việc tháo gỡ thủ tục trong việc xây nhà tình nghĩa cho một Bà mẹ Việt Nam anh hùng trên địa bàn quận 3, một cán bộ của Sở Tài nguyên - Môi trường đã trình bày các thủ tục, quy trình. Lập tức, bà Chủ tịch HĐND cắt luôn phần giải trình thủ tục lê thê ấy, bà nói, đã có đơn vị tài trợ xây nhà, đã có quỹ đất, chỉ còn vướng thủ tục từ Trung ương, tôi muốn hỏi đồng chí, tách riêng trường hợp này ra khỏi quy định chung để đẩy nhanh tiến độ được không?

Bà dứt khoát: lãnh đạo TP sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo về việc này, đồng chí tìm cách đề xuất đẩy nhanh thủ tục. Bởi thời gian còn lại của các Mẹ không còn nhiều, chậm ngày nào là không được phép ngày đó…

Đúng, chậm một ngày, nghĩa là để các Mẹ phải sống trong những căn nhà tồi tàn, xập xệ, thì không chỉ có lỗi mà là có tội; tội không chỉ thuộc về một cá nhân, một bộ phận mà là của nhiều thế hệ khi không kịp bù đắp những thiệt thòi, thiếu thốn của đức hy sinh. 

Có những lỗi, không chỉ sửa bằng một lời xin lỗi… 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI