Mộng ước ‘‘Lâu đài tiếng Việt huy hoàng’’

01/02/2022 - 19:03

PNO - Bây giờ, mỗi khi nghe nhắc đến nữ sĩ Việt Nam thời hiện đại, trong đầu tôi bật ra cái tên Mộng Tuyết trước nhất, sau đó là Ngân Giang. Hai người, một trong Nam - một ngoài Bắc, người có tên thanh điệu trắc - người mang tên thanh điệu bằng...

Nhưng đó là chuyện sau này, chứ thuở nhỏ tôi chỉ biết đến cái tên Mộng Tuyết khi đọc được một tờ tạp chí hiếm hoi sau 1975 ở quê nhà, nơi vốn thừa nắng gió mà thiếu thốn sách báo tài liệu. Lần ấy, trên tạp chí Bách khoa Văn học có bài về Mộng Tuyết, in kèm thủ bút của nữ sĩ với bốn câu thơ: “Bèo dạt mây trôi ghé chốn này/ Phồn hoa từ độ hạc vàng bay/ Hai mươi năm ấy hồn tâm tưởng/ Vườn cũ bâng khuâng khóm cúc gầy”.

Cậu học trò cấp II là tôi khi đọc đến cái tứ vườn cũ bâng khuâng cũng bắt đầu bâng khuâng theo. Ý thơ tuy cổ nhưng không sáo, nhờ hình ảnh khóm cúc gầy nên thực tế giản đơn mà gần gũi. Đem cái tên Mộng Tuyết hỏi má, tôi mới biết đấy là vợ của nhà thơ Đông Hồ quê tận Hà Tiên. 

Tập tùy bút  Dưới mái trăng non của Mộng Tuyết - ẢNH: LAM ĐIỀN
Tập tùy bút Dưới mái trăng non của Mộng Tuyết - ẢNH: LAM ĐIỀN

Lúc ấy, cái tên Đông Hồ tôi đã biết, nhờ đọc được mấy bài xướng họa Đường thi với Bùi Khánh Đản. Nhưng quan trọng là lời má tôi: “Đông Hồ lúc dạy ở Đại học Văn khoa bị đột quỵ mất ngay trên giảng đường”. Thông tin về cái chết hy hữu ấy khiến tôi bàng hoàng. Theo má, có lẽ do nhà thơ không ngăn được cảm xúc khi giảng thơ. 

“Đông Hồ đang giảng, ngâm bài thơ Trưng nữ vương của nữ sĩ Ngân Giang xong thì bất ngờ ngã, không cứu kịp”, những lời tiếp theo này của má đã lần đầu mang lại cho tôi cái tên Ngân Giang nữ sĩ. Cũng từ đó, sự cố “ngâm thơ chết người” ám ảnh tôi. Một cái chết như thế, là do thơ, hay do người, hay do khung cảnh giảng đường cộng với không khí thời cuộc? Dù sao, rõ ràng là thơ có tác động chính yếu trong cái chết của một nhà thơ được thỉnh giảng tại Đại học Văn khoa.

Tâm hồn độc đáo theo vận nước

Bài thơ Trưng nữ vương ấy, mãi sau này lớn lên tôi mới được đọc đầy đủ. Quả là một thi phẩm tuyệt tác khi Ngân Giang nhập thần, hóa thân thành vị nữ vương ra trận với chiếc khăn tang chồng: “Ải bắc quân thù kinh vó ngựa/ Giáp vàng khăn trở lạnh đầu voi/ Chàng ơi điện ngọc bơ vơ quá/ Trăng chếch ngôi trời bóng lẻ soi”. Khăn tang trên đầu người làm lạnh cả đầu voi, thủ pháp “ngón tay chỉ trăng” của Ngân Giang khiến người đọc phải thấu cảm để hình dung trong lòng Trưng nữ vương lúc ấy buốt lạnh thế nào.

Tài thơ của Ngân Giang biểu lộ từ sớm. Nữ sĩ là trường hợp hiếm hoi “thi tài xuất tự thiếu niên” ở đất Bắc. 16 tuổi bà đã có tập nhật ký và thơ Giọt lệ xuân ra mắt do Nhà xuất bản Tân Dân ấn hành năm 1932. Khi ấy, “cô bé” Đỗ Thị Quế còn ký bút danh là Hạnh Liên và Ngân Giang là bút danh sau đó.

Chân dung nữ sĩ Mộng Tuyết  - Ảnh: Nhà lưu niệm Đông Hồ - Hà Tiên - Kiên Giang
Chân dung nữ sĩ Mộng Tuyết - Ảnh: Nhà lưu niệm Đông Hồ - Hà Tiên - Kiên Giang

Dành hết tâm lực cho thơ, nhưng cùng với thời cuộc, nữ sĩ Ngân Giang để lại quanh mình rất nhiều giai thoại. Khi ý thức cách mạng sống dậy trong bà như một dòng cảm hứng chung về danh nhân lịch sử, bà đã nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Ta say uy vũ Trần Hưng Đạo/ Ta say sự nghiệp Hồ Chí Minh/ Nhật nguyệt soi ngời cung Thúy Lĩnh/ Hoa hương chầu ngát đất Mê Linh...”. Mấy câu này bà thêu trên bức gấm gửi tặng Bác Hồ, và được Bác hồi đáp: “Mấy lời cảm tạ Ngân Giang/ Lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu”, cũng là một giai thoại đáng để kể.

Nhưng đáng kể hơn cả là cuộc đời chìm nổi phong trần, có lúc lâm vào cảnh túng bấn cùng cực của nữ sĩ Ngân Giang. Bà từng hồ hởi theo cách mạng, rồi thời cuộc đẩy đưa bà dạt ra bên lề của dòng văn nghệ chính thống. Có lúc bà phải quét lá bờ sông Hồng, bán hàng nước bên đường... Ấy vậy mà hồn thơ trong bà chưa khi nào ngừng, tắt. Ngay khi đối diện với những điều tủi cực, thơ bà vẫn buồn một nỗi trong veo: “Chiếc kim chiếc bút vui ngày tháng/ Nào có ham gì miếng ngọt ngon”. Đó là lúc nữ sĩ phải kiếm sống bằng nghề thêu ở hợp tác xã. Hay “Mười năm quét lá bên sông/ Hình hài để lại cái còng trên lưng” là giai đoạn cơ hàn không thể nào quên trên chính quê hương của bà.

Đôi vợ chồng Đông Hồ và Mộng Tuyết thời trẻ  - Ảnh: Nhà lưu niệm Đông Hồ - Hà Tiên - Kiên Giang
Đôi vợ chồng Đông Hồ và Mộng Tuyết thời trẻ - Ảnh: Nhà lưu niệm Đông Hồ - Hà Tiên - Kiên Giang

***
Mộng Tuyết cũng là một nữ sĩ đặt hồn thơ vào lòng thời cuộc. Năm 1945, nạn đói Ất Dậu xảy ra nặng nề ở miền Bắc, Mộng Tuyết thức tỉnh mối quan tâm về thời sự có lẽ từ lá thư hỏi thăm của nhà văn Nguyễn Tuân. Lúc bấy giờ miền Bắc đang đói, mà Nguyễn Tuân nghe tin trong Nam người Nhật đem thóc làm chất đốt thay củi, nên viết thư cho Mộng Tuyết hỏi thăm sự tình. Cảm xúc trước những biến chuyển tang thương khắp dải non sông, Mộng Tuyết viết một mạch mười bài thơ, gọi là Mười khúc đoạn trường, ấn hành với mục đích dành toàn bộ số tiền thu được cứu đói cho đồng bào: “... Nghe nói Tràng An giá gạo cao/ Đói cơm cửu hạn khát mưa rào/ Bà con ta ở miền Trung Bắc/ Thóc gạo Đồng Nai những ước ao”. 

Nữ sĩ Ngân Giang - ẢNH: TƯ LIỆU
Nữ sĩ Ngân Giang - ẢNH: TƯ LIỆU

Việc này được phu quân Mộng Tuyết là nhà thơ Đông Hồ rất mực tán đồng. Với tài thư họa, Đông Hồ đã dùng bút lông Tảo thiên quân và mực thơm Vạn niên chi viết mười bài thơ này trên giấy Bạch ngọc để rao bán, như một cách đánh động tinh thần ái quốc của giới tao nhân mặc khách và tầng lớp thượng lưu bấy giờ. 

Lời rao của Đông Hồ đầy giao cảm, nói hộ tấm lòng của tác giả Mộng Tuyết khi đó: “Mười khúc đoạn trường thơ cứu đói/ Bốn phương tri kỷ gió đưa duyên/ Non sông cố quốc lòng đang rộn/ Son phấn tài hoa nợ chửa đền”. Mười khúc đoạn trường này, trong đó có một bài là Nạn đói nước Ngô đề tặng Ân Ngũ Tuyên tức nhà văn Nguyễn Tuân, và bài Giá gạo Tràng An từng được nhà phê bình Hoài Thanh chọn đưa vào Thi nhân Việt Nam, ghi nhận nét tài hoa và tâm hồn thơ độc đáo của Mộng Tuyết.

Bìa tạp chí Văn Học số 119 ra ngày 1/1/1971 tại Sài Gòn, đây là chuyên đề về nữ sĩ Ngân Giang - người đang sống tại miền Bắc lúc bấy giờ  - ẢNH: LAM ĐIỀN
Bìa tạp chí Văn Học số 119 ra ngày 1/1/1971 tại Sài Gòn, đây là chuyên đề về nữ sĩ Ngân Giang - người đang sống tại miền Bắc lúc bấy giờ - ẢNH: LAM ĐIỀN

Những người nâng tầm tinh hoa tiếng Việt

Mộng Tuyết là người học trò đặc biệt của “thầy Đông Hồ”, trưởng thành từ nền Trí Đức Học Xá - một trường học kiểu mới đề cao những nét đẹp trong ngôn ngữ văn chương Việt, được Đông Hồ lập ra từ năm 1926 với chủ trương “dạy toàn chữ Quốc ngữ”. Chính quyền Pháp thuộc, bấy giờ giới trí thức đương nhiên dùng chữ Tây. Đề ra chủ trương “dạy toàn chữ Quốc ngữ”, hẳn Đông Hồ bạo gan lắm. Sau này nhìn lại hành trang cả một đời của vợ chồng Đông Hồ - Mộng Tuyết, mới biết cái bạo ấy của nhà thơ vốn được hun đúc bởi tình yêu tiếng Việt.

Đi theo niềm tin yêu tiếng Việt, Mộng Tuyết viết văn, làm thơ, góp phần đưa tiếng Việt tỏa sáng trên văn đàn cả nước. Từ năm 1939, tập thơ Phấn hương rừng của nữ sĩ Mộng Tuyết được Tự Lực Văn Đoàn trao giải. Từ đó, mạch thơ theo Mộng Tuyết miên man dài dặc, cho dù không phô bày rực rỡ. 

Bà còn viết nhiều áng văn xuôi, cùng Đông Hồ biên soạn giới thiệu Hà Tiên thập cảnh (mười cảnh đẹp xứ Hà Tiên), soạn bộ Úc viên thi thoại, vừa như một hồi ức ghi lại mối tương giao giữa các bạn thơ, vừa là tập tư liệu về sinh hoạt văn nghệ một thời. Cuối đời, bà còn kịp ra mắt bộ hồi ký Núi mộng dương hồ gồm 3 tập...

Bà sáng tác tiểu thuyết ngoại kỷ ký sự Nàng Ái Cơ trong chậu úp, xuất bản tập tùy bút Dưới mái trăng non với văn phong thanh tao. Tập sách này về sau bị nhiều người nhầm là tập thơ, kỳ thực Dưới mái trăng non là văn xuôi, một kiểu văn xuôi trong sáng nhẹ nhàng dù là viết về những tình tiết dung dị đời thường hay đề cập đến các câu chuyện có tính quốc sự.

Đáng kể nhất trong con đường theo đuổi việc đề cao tiếng Việt là sự kiện Mộng Tuyết cùng Đông Hồ lập Nhà xuất bản Bốn Phương tại Sài Gòn, tập trung làm sách thuộc ba mảng nội dung: học thuật, văn nghệ, giáo dục. Trong tình cảnh đất nước chiến tranh và hai miền Nam - Bắc chia cách, Nhà xuất bản Bốn Phương ấn hành nhiều đầu sách có giá trị bất chấp những khó khăn do khác biệt về nhãn quan chính trị, như trường hợp tái bản quyển Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh lúc tác giả đang ở miền Bắc.

Trong khi đó tại Hà Nội, Ngân Giang gửi tình yêu tiếng mẹ đẻ của mình vào thơ theo một cách độc đáo khác: Bà làm thơ Đường luật đến mức tinh luyện, nhưng thoát ý, vượt qua các gò bó khuôn khổ nhờ vào khả năng dùng tiếng Việt tài tình. Ở lĩnh vực này, Đông Hồ từng dùng hình ảnh “hồn Đại Việt giọng Hàn Thuyên” để ví von những thi sĩ dùng tiếng Việt làm thơ Đường luật nhưng đa phần mắc kẹt trong các khuôn khổ niêm luật. 

 

Làng thơ Đường của Việt Nam đến thế kỷ XX chỉ có vài người đạt được “cảnh giới” vượt thoát khỏi ràng buộc của thể thơ để chắp cánh cho thi tứ tung tăng. Phái nam có thể kể đến hai người: Vũ Hoàng Chương và Bùi Khánh Đản; giới nữ chỉ có Ngân Giang.

Điều này thật không ngoa, xin mời mọi người thưởng thức một trường hợp xướng họa thơ Đường tiếng Việt giữa Ngân Giang và Vũ Hoàng Chương. Đây có lẽ là một lần thù tiếp của hai thi sĩ lúc Vũ Hoàng Chương còn ở miền Bắc. Hai bài này sau đó được một tạp chí trong Nam in lại:
           Chia ly
Mây trắng lang thang mãi cuối trời
Gió chiều heo hút khắp nơi nơi
Cung đàn biết mấy giây trùng hẳn
Mái tóc bao nhiêu sợi lạnh rồi
Chốn ấy tờ hoa còn lẻ ý
Mùa này chim nhạn có chung đôi 
Thương thay trên quãng đường chia ngả
Thì ngả nào không có lá rơi. 

                                                     [Ngân Giang xướng]
Lửa khóa mây then bốn vách trời
Về đâu mộng cũng chẳng dành nơi
Vẫn chưa ý gửi vào thơ được
Mà đã dâu toan hóa biển rồi
Ngọn gió nghe chừng xoay mãi hướng
Vầng trăng ai nỡ xẻ làm đôi 
Tin thu lạnh lắm rồng ao cạn 
Há chỉ phòng thu lệ nến rơi. 

                                            [Vũ Hoàng Chương họa]

Ở hai bài này, chỗ độc đáo là dụng công của Ngân Giang có phần vượt Vũ Hoàng Chương. Các chỗ biết mấy/bao nhiêu, lẻ ý/chung đôi... quả thật đã ra khỏi sự ràng buộc của phép đăng đối. Bài họa của Vũ Hoàng Chương thì có một ý kỳ thú vượt cổ kim, chính là câu “Về đâu mộng cũng chẳng dành nơi”. Người ta bế tắc không lối về ở đời thực đã là một lẽ, nay thi sĩ thấy mình bế tắc cả trong mộng, đến trong giấc mơ cũng không có chỗ dành cho mình...

Chữ như thế, chuyển tải ý tứ như thế, phải là của những người rất mực tài hoa. Còn như tâm sự của Đông Hồ và Mộng Tuyết về ước muốn làm cho “huy hoàng tiếng Việt”: “Hồn Đại Việt giọng Hàn Thuyên/ Nền móng văn chương cổ điển/ Vũ trụ thiên thu vạn vật/ Cảo thơm hiển hiện trước đèn/ Đất nước nghìn năm văn hiến/ Lâu đài tiếng Việt huy hoàng”, thì các thế hệ trí thức Việt Nam hôm nay và mai sau sẽ tiếp tục. 

Lam Điền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI