"Mommy": Tâm hồn mẹ

01/04/2021 - 06:52

PNO - Với cách đặt vấn đề sắc sảo, “Mommy” của Xavier Dolan là một tác phẩm khiêm nhường mà đầy sức mạnh về tấm lòng người mẹ.

Mommy lấy bối cảnh một đất nước Canada giả tưởng, nơi những thanh thiếu niên bị rối loạn tâm lý và khó điều khiển hành vi có thể được cha mẹ gửi vào bệnh viện công mà không cần trải qua các thủ tục pháp lý. Đạo luật này đã ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc đời của Diane "Die" Després và con trai Steve – một bệnh nhân mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý, phải điều trị bằng thuốc và thường xuyên không hòa nhập với môi trường xung quanh.

Với chất hiện thực đậm đặc và tiếng cười châm biếm sâu cay, bộ phim bao quát những vấn đề thường gặp của xã hội đương đại, từ các chứng bệnh tâm lý, sự lạnh lùng của hệ thống y tế, đến mối quan hệ mẹ con nhiều khúc mắc và cả những bấn loạn tuổi trưởng thành.

Bộ phim xoáy sâu vào mối quan hệ mẹ con nhiều khúc mắc của Diane và Steve
Bộ phim xoáy sâu vào mối quan hệ mẹ con nhiều khúc mắc của Diane và Steve

Ngay từ những phút đầu tiên, người xem đã biết hành trình của Diane và Steve sẽ không dễ dàng. Khác xa hình dung về một người mẹ lý tưởng, Diane ít học, không có việc làm ổn định, mê uống rượu, đôi lúc thô lỗ và bất cần. Chồng qua đời, cô phải vật lộn để kiểm soát những cơn giận dữ luôn chực chờ bộc phát của đứa con trai mới lớn. Thỉnh thoảng, những lần “lên cơn” ấy biến thành hành vi bạo lực, khiến cuộc sống của hai mẹ con Diane như đứng bên bờ vực thẳm.

Bộ phim được thực hiện hoàn toàn bằng máy quay cầm tay, với khung hình 1:1 như muốn nhốt người xem vào thế giới ảm đạm, bí bách, không lối thoát của nhân vật. Ở đó, các nhân vật vẫy vùng trong sự chật hẹp của cuộc đời và sự tầm thường của chính họ, để rồi học cách đứng lên từ mất mát và tổn thương.

Dù xoay quanh một thiếu niên cần chăm sóc đặc biệt, Mommy không kể câu chuyện về tình mẫu tử phi thường dẫn đến kỳ tích. Trái lại, nó khắc họa sự bất lực, nhiều khi cay đắng đến cùng kiệt của người mẹ. Chẳng ai dám tưởng tượng một đứa trẻ như Steve sẽ trưởng thành bằng cách nào, nhưng đối với Diane, đó lại là bổn phận và trách nhiệm đè nặng trên vai. Hành trình làm mẹ của cô nhọc nhằn, đơn độc, không có gì vinh quang hay hãnh diện, nhưng bằng cách nào đó, nó vẫn phải tiếp diễn mỗi ngày, trong suốt cả cuộc đời.

Khi Steve buông lời xúc phạm gã luật sư mà Diane định nhờ giải quyết vụ rắc rối cậu gây ra, mọi uất ức dồn nén của người mẹ đã phun trào như núi lửa. Cô không thể kiềm chế được mà thốt lên: “Vấn đề lớn nhất của mẹ là con. Mẹ không có việc vì con. Không tiền, không cuộc sống. Thuốc, tại ngoại, trung tâm cải tạo, và giờ là kiện tụng.” Trong khoảnh khắc đó, ta hiểu đây thực sự là lời kêu cứu của một người mẹ, khi lòng kiên nhẫn và bao dung liên tiếp bị đặt trước những thử thách nghiệt ngã.

Nỗi đau và sự bế tắc của Diane đã phản ánh cuộc vật lộn dai dẳng của những gia đình có con mắc chứng rối loạn hành vi. Họ sống triền miên trong sự mâu thuẫn giữa việc tự mình chăm sóc con hay phó mặc nó cho hệ thống y tế và trại giáo dưỡng. Ai cũng biết những đứa trẻ sẽ được điều trị tốt hơn ở bệnh viện, nhưng có điều luật nào, lý lẽ nào cao hơn trái tim người mẹ? Bằng cái nhìn thẳng thắn và nhân văn, đạo diễn Xavier Dolan đã đưa người xem khám phá tình huống trớ trêu này, từ đó thấu hiểu và cảm thông thay vì phán xét lựa chọn của nhân vật.

Đạo diễn Xavier Dolan (áo xanh) cùng dàn diễn viên phim Mommy
Đạo diễn Xavier Dolan (mặc vest) cùng dàn diễn viên phim Mommy

Tuy nhiên, dường như mọi sự chịu đựng và khổ đau đều có nguyên do của nó. Sau không ít cuộc cãi vã, gây gổ, hai mẹ con Diane và Steve vẫn có những khoảnh khắc ấm áp đời thường như bất cứ gia đình nào. Đó là khi họ cùng nấu bếp và Diane cằn nhằn chuyện Steve lười ăn rau, khi họ cùng nhảy múa trên nền một bài hát cũ, khi họ chụp chung một tấm hình với Kyla – người hàng xóm và cũng là cô giáo của Steve.

Mommy là một bộ phim buồn bã và giận dữ, nhưng lại không hề thiếu những khoảnh khắc rung động, đầy ủi an. Steve – một thiếu niên kỳ lạ, cộc cằn và bốc đồng, đã an ủi và lau dòng nước mắt nhòe nhoẹt mascara cho Diane khi bà đau khổ vì mất việc. Cũng chính thằng nhóc ấy đã mua một chiếc dây chuyền có chữ Mommy để tặng mẹ, dù cuối cùng, món quà này kéo theo một trận cãi vã kinh hoàng giữa hai mẹ con.

Trong truyện ngắn Tâm hồn mẹ, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã nhấn mạnh rằng, không có ai cư xử với con và săn sóc con như người mẹ. Còn trong bộ phim này, mẹ là người mà khi cả thế giới đều quay lưng và tấn công con, thì vẫn sẽ “không tỉnh dậy một sáng và thôi yêu con mình”.

Bên cạnh chân dung người mẹ, Mommy còn xuất sắc trong việc thế giới nội tâm phức tạp của những thanh thiếu niên mới lớn. Steve là đứa trẻ nóng nảy, dễ phản ứng thái quá trước mọi tình huống, nhưng lại có tâm hồn nhạy cảm với âm nhạc và nghệ thuật. Khi Steve đeo tai nghe và lướt đi trên chiếc ván trượt, ta có cảm giác cậu được tự do chìm đắm vào thế giới riêng của mình. Đó là những khung hình phiêu diêu nhất trong bộ phim, đem lại cảm giác khoáng đạt thay vì gò bó, ngột ngạt.

Tuy nhiên, khoảnh khắc đáng nhớ hơn cả có lẽ là khi Steve hát ca khúc Vivo per lei của danh ca mù Andrea Bocelli. Lời bài hát có nghĩa là Tôi sống cho nàng, và dù không rõ “nàng” ở đây là ai, ta cũng vẫn thấy rung động trước những cảm xúc thuần khiết của một chàng trai trẻ khao khát được yêu thương.

Và lúc đó, ta hiểu rằng giữa Steve và Diane có sự đồng điệu trong tâm hồn. Họ đều thấy được tình yêu, niềm đam mê và hy vọng từ những đáy cùng của cuộc sống, như Diane từng nói: “Thế giới này không có nhiều hy vọng. Nhưng tôi thích nghĩ rằng nó tràn đầy những người biết hy vọng và luôn hy vọng, bởi những người như thế có thể thay đổi nhiều thứ".

Thanh Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI