Mỗi công trình, ấn phẩm lịch sử giúp bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước

22/02/2023 - 12:20

PNO - Đó là nhận định của Phó bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị về nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.

Ông Nguyễn Hồ Hải - Phó bí thư Thành ủy TPHCM - chỉ đạo hội nghị
Ông Nguyễn Hồ Hải - Phó bí thư Thành ủy TPHCM phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Sáng 22/2, Thành ủy TPHCM tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 18/1/2018 của Ban bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục tăng cường nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó bí thư huyện ủy Hóc Môn thông tin, đến nay, huyện đã thực hiện xong 20 công trình lịch sử Đảng. Trên địa bàn huyện có 9 di tích lịch sử - văn hóa được trung ương, thành phố công nhận. Trong đó có 2 di tích cấp quốc gia là di tích lịch sử Ngã Ba Giồng (nơi thực dân Pháp đã giết hại đồng chí Nguyễn Văn Cừ - nguyên Tổng bí thư Đảng và đồng chí Phan Đăng Lưu - nguyên Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng) và di tích lịch sử - văn hóa Dinh quận Hóc Môn. Thời gian qua, toàn huyện đã tập trung triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân nhằm phát huy giá trị các di tích, các công trình nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng.

Bà Nguyễn Trung Châu Tuyên - Trưởng Ban Tuyên giáo quận ủy quận 1 cho biết, để đẩy mạnh công tác tuyên truyền lịch sử đến đối tượng học sinh, các trường trên địa bàn quận 1 đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình giáo dục của sở, của địa phương. Tiêu biểu như tổ chức cho học sinh tham quan thực tế tại các khu di tích: bảo tàng, dinh Thống Nhất, bưu điện thành phố, bến Nhà Rồng... Đồng thời, tổ chức các chuyên đề hướng dẫn học sinh thực hiện dự án, trải nghiệm “Một ngày làm hướng dẫn viên (giới thiệu các di tích lịch sử của TPHCM, trải nghiệm tham quan rừng ngập mặn Cần Giờ), “Em yêu TPHCM” qua việc tự trải nghiệm xe buýt 2 tầng tham quan các điểm văn hóa ở thành phố. 

“Các trường trên địa bàn quận gắn chặt việc tổ chức dạy học môn giáo dục lịch sử địa phương với công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, giáo dục truyền thống cách mạng và việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, các hoạt động về nguồn, đền ơn đáp nghĩa...” - bà Nguyễn Trung Châu Tuyên nói.

Thành ủy TPHCM tặng bằng khen cho các cá nhân, tập thể đạt thành tích trong công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng
Thành ủy TPHCM tặng bằng khen cho các cá nhân, tập thể đạt thành tích trong công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng

Thiếu tướng Phan Văn Xựng - Chính ủy Bộ tư lệnh TPHCM cũng cho hay, Bộ Tư lệnh thành phố tích cực phối hợp, tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học quy tụ đông đảo các nhân chứng lịch sử, nhà khoa học, lão thành cách mạng, cán bộ lãnh đạo chỉ huy qua nhiều thời kỳ nhằm khảo sát thực tế, thu thập thông tin, sưu tầm các tư liệu, hiện vật có giá trị phục vụ công tác biên soạn. Qua đó, đã góp phần khẳng định và làm sáng tỏ về lịch sử của Sài Gòn - Gia Định, truyền thống cách mạng của Đảng, của quân và dân thành phố. Đồng thời, tham gia đấu tranh bảo vệ tính đúng đắn, khách quan của thực tiễn lịch sử, phản bác những quan điểm, nhận thức sai trái.

Ông Nguyễn Hồ Hải - Phó bí thư Thành ủy TPHCM nhận định, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền lịch sử Đảng của thành phố thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ năm 2018 - 2022, Thành ủy TPHCM đã tổ chức nghiên cứu, biên soạn nhiều công trình lịch sử Đảng; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân biên soạn 203 công trình, ấn phẩm lịch sử, trong đó có 59 công trình cấp thành phố. Mỗi công trình đều có ý nghĩa rất lớn, có giá trị tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng. Từ đó, giúp cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, bồi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào đối với truyền thống cách mạng dân tộc, tiếp tục phát huy trách nhiệm xây dựng đất nước trong thời kỳ mới. 

Tuy vậy, vẫn còn một số tồn tại. Điển hình là việc bố trí đội ngũ cán bộ có chuyên môn lịch sử Đảng còn hạn chế. Chỉ có 6/22 đơn vị bố trí cán bộ đúng chuyên môn, còn lại là kiêm nhiệm. Ngoài ra, tại một số cơ quan, do nguồn tư liệu, hiện vật lịch sử ít nên việc triển khai viết lịch sử truyền thống địa phương còn chậm. Việc số hóa tư liệu, ứng dụng công nghệ để đa dạng sản phẩm, tạo sự hấp dẫn với các đối tượng cần tuyên truyền, nhất là thế hệ trẻ, chưa được quan tâm đầu tư. Ông Nguyễn Hồ Hải chỉ đạo các đơn vị cần quan tâm khắc phục những hạn chế này trong thời gian tới.

P.Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI