Miền Trung sẵn sàng lên phương án di dân đến nơi trú bão an toàn

10/09/2021 - 17:48

PNO - Hơn 4.000 F0 tại 6 tỉnh, TP trong vùng dự kiến ảnh hưởng của bão số 5 đã được các địa phương triển khai di dời dân đến vùng an toàn

Chủ động giúp dân đưa thuyền neo đậu an toàn

Trưa 10/9 Ban chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế đã yêu cầu các cơ quan, địa phương triển khai thực hiện và gửi báo cáo về Văn phòng Ban chỉ huy trước 17 giờ ngày 10/9. Đơn vị này cũng đã liệt kê 7 khu vực thực hiện Chỉ thị 16 có khả năng chịu ảnh hưởng của bão số 5 để các đơn vị có kế hoạch hỗ trợ người dân ứng phó với bão.

Tại các địa phương vùng biển, công tác chuẩn bị ứng phó bão số 5 đã sẵn sàng. Chính quyền lên phương án cụ thể sơ tán dân từng khu vực vừa đảm bảo phòng chống thiên tai và an toàn chống dịch.

 Mưa lớn làm đổ sập chốt kiểm tra khai báo Y tế tại xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên- Huế) nơi đang thực hiện chỉ thị 16
Mưa lớn làm đổ sập chốt kiểm tra khai báo Y tế tại xã Lộc Trì (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên- Huế) nơi đang thực hiện Chỉ thị 16

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (Phú Vang, Thừa Thiên- Huế) cho hay, UBND xã rà soát dân cư trên địa bàn có 157 hộ với 705 khẩu thuộc vùng có nguy cơ, vùng xung yếu sạt lở biển, ven phá. Trong đó, lưu ý vùng sạt lở mạnh tại thôn Tân An, An Dương 1, An Dương 3 và khu vực Cồn Sơn; các hộ sống trên các chòi kênh nuôi trồng thủy sản và ven biển, phá Tam Giang.

Tàu thuyền vào neo đậu tại âu thuyền Phú Hải
Tàu thuyền vào neo đậu tại âu thuyền Phú Hải

Địa điểm di dời dân đến nơi an toàn chủ yếu là nhà cao tầng, niệm phật đường, trường học, nhà văn hóa thôn, xã. Chính quyền địa phương đã bố trí sẵn phương tiện và cơ sở hạ tầng để đảm bảo việc di dời bà con đến tránh trú bão an toàn. Tại xã thường xuyên dự trữ lương thực thực phẩm cung cấp cho các hộ dân di dời với số lượng 2 tấn gạo, 100 thùng mì tôm, 100 lít dầu thắp và cơ số thuốc men.

Quân dân huyện đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị giằng chống mái tôn trước lúc bão số 5 đổ bộ
Quân dân huyện đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị giằng chống mái tôn trước lúc bão số 5 đổ bộ

Tại Quảng Trị, tính đế 14g chiều 10/9 Bộ đội Biên phòng tỉnh đã kêu gọi được 2.312 tàu/7.163 thuyền viên vào nơi tránh trú bão an toàn. Số tàu thuyền của tỉnh Quảng Trị đang hoạt động trên biển là 65 tàu/565 thuyền viên. Trong đó, 54 tàu/494 người khu vực đảo Cồn Cỏ; 8 tàu/50 người ở khu vực Vịnh Bắc Bộ; 1 tàu/3 người ở khu vực biển Quảng Ngãi; 2 tàu/12 lao động hoạt động khu vực Hoàng Sa. Tất cả số tàu thuyền trên đã nhận được thông tin về bão số 5 và di chuyển vào nơi tránh trú.

Lực lượng vũ trang Quảng Bình giúp người dân đưa thuyền lên bờ tránh bão
Lực lượng vũ trang Quảng Bình giúp người dân đưa thuyền lên bờ tránh bão

Trong lúc đó, tại tỉnh Quảng Bình đến trưa 10/9 đã kêu gọi 139 phương tiện/804 thuyền viên vào bờ neo đậu tại các vị trí an toàn và không có tàu thuyền nằm trong khu vực nguy hiểm. Hiện, toàn tỉnh có 41 phương tiện/625 lao động đang hoạt động trên biển. Cụ thể, vùng biển Vịnh Bắc Bộ 37 phương tiện/560 lao động, vùng biển Quảng Trị đến Quảng Ngãi 4 phương tiện/65 lao động. Tổng số phương tiện hiện đang neo đậu tại các bến trên địa bàn tỉnh là 6.651 tàu thuyền. Trước tình hình diễn biến phức tạp của mưa bão, bên cạnh việc khẩn trương kêu gọi các tàu đang hoạt động trên biển vào bờ tránh trú, các đơn vị BĐBP đã  phối hợp với chính quyền các địa phương xây dựng phương án sơ tán người dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt, nước biển dâng đến các khu vực an toàn và bảo đảm yêu cầu về phòng chống dịch COVID-19. 

Theo thông tin từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Quảng Bình, từ ngày 8/9, do mưa to nên tại km33+200 quốc lộ 9C, đất, đá mái taluy sụt, trượt xuống nền và mặt đường gây tắc đường hơn 50m, trong đó có nhiều khối đá lớn sạt xuống chiếm hết mặt đường. Trong mưa, đơn vị quản lý tuyến đường đã huy động nhiều phương tiện để xúc đất, đá thông tuyến tạm 1 làn xe và tiếp tục tập trung lực lượng, thiết bị để đục phá đá thông tuyến 2 làn xe, đến trưa 10/9, tuyến quốc lộ 9C tại km33+200 đoạn qua xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) được thông tuyến 2 làn xe, giải quyết việc ách tắc giao thông trên cung đường quan trọng lên miền tây Quảng Bình, nối với biên giới Việt Nam - Lào.

Nỗ lực cứu chữa tuyến đường đang bị sạt lở ở xã Hướng Lập huyện Hướng Hóa Quảng Trị
Bộ đội, dân quân nỗ lực cứu chữa tuyến đường đang bị sạt lở ở xã Hướng Lập huyện Hướng Hóa (Quảng Trị - Ảnh: Vĩnh Phan

Sáng 10/9, người dân và các lực lượng ở Nghệ An, Hà Tĩnh chuẩn bị các biện pháp ứng phó với bão số 5. Ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban quản lý các Cảng cá Hà Tĩnh cho biết, với những tàu ngoại tỉnh trong trường hợp tránh trú bão, ngành chức năng sẽ dùng đài vô tuyến tuyên truyền ngư dân về quê để tránh trú, trừ trường hợp bất khả kháng. "Trong trường hợp các tàu ngoại tỉnh vào khu neo đậu Cửa Sót tránh bão sẽ phải cách ly tại tàu, xét nghiệm nhanh để kiểm tra COVID-19 đồng thời neo đậu riêng ở khu vực riêng. Ngư dân này sẽ thực hiện test nhanh 3 ngày 1 lần, cách ly trên tàu. Nếu gió to có lệnh rời tàu thì cho ngư dân vào nhà cách ly tạm thời của cảng", ông nói.

Lên kịch bản sơ tán 4.000 F0 và 150.000 dân trong vùng nguy cơ cao

Hiện nay, dự kiến tại 6 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi (29 huyện, thị xã) có nguy cơ ảnh hưởng của bão. Những địa phương này có hơn 4.000 F0, các địa phương đã xây dựng kịch bản, phương án sơ tán và bảo vệ an toàn để không bị lây nhiễm. Về kế hoạch dự kiến sơ tán dân khi bão đổ bộ đất liền, sẽ sơ tán 154.396 dân khu vực nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất; 143.392 dân khu vực ven sông và ngoài đê; 231.096 dân khu vực ven biển; 237.393 dân khu vực ven sông và ngoài đê.

CSGT dùng loa  kêu gọi các thuyền rồng trên sông Hương vào tránh trú bão an toàn
CSGT dùng loa kêu gọi các thuyền rồng trên sông Hương vào tránh trú bão an toàn

Trao đổi với báo chí, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai (BCĐ) Trần Quang Hoài cho biết, việc phòng chống bão hết sức khó khăn bởi các địa phương đang tập trung phòng chống dịch COVID-19, nhưng không thể vì thế mà chúng ta sao nhãng. Ông Trần Quang Hoài dẫn chứng, ở Nghệ An số ca nhiễm F0 tại khu vực ven biển tương đối lớn, tỉnh đã sàng lọc, sẵn sàng cho phương án là lực lượng y tế sẽ đến xét nghiệm và tách các đối tượng đó ra ở những khu vực nào.

Đồng bào Cơ Tư ở huyện miền núi Nam Đông tranh thủ đưa lúa trên rẫy về nhà để tránh bão
Đồng bào Cơ Tư ở xã Thượng Nhật huyện miền núi Nam Đông tranh thủ đưa lúa trên rẫy về nhà để tránh bão

Hiện nay ưu tiên đưa các F0 đến các trường học (học sinh đang học online) và một số công trình công cộng khác. Các F0 sẽ di chuyển ra sao, đến đâu, các điều kiện trang thiết bị điều trị cho F0 như nào và làm sao để không bị lây nhiễm ra cộng đồng. “Chúng tôi đã xây dựng cuốn sổ tay về phòng chống COVID-19 trong điều kiện thiên tai xảy ra. Ban chỉ đạo Trung ương cũng liên hệ với Bộ Y tế đề nghị có hướng dẫn, có chỉ đạo, đôn đốc các địa phương. Đến nay, Bộ Y tế đã có hai văn bản hướng dẫn cho sở y tế ở các tỉnh, thành phố trong khu vực bão ảnh hưởng để lên phương án, kịch bản chi tiết”, ông Hoài nói.

Công ty môi trường đô thị Huế khẩn trương chặt, tỉa nhánh cây trước lúc bão đổ bộ
Công ty môi trường đô thị Huế khẩn trương chặt, tỉa nhánh cây trước lúc bão đổ bộ

Theo ý kiến của ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên – Huế trao đổi, do vừa phòng chống bão vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch đặt ra nhiệm vụ khó khăn hơn.

Ông Lê Trường Lưu- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế kiểm tra khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở bờ biển tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) trước lúc bão số 5 đổ bộ
Ông Lê Trường Lưu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế kiểm tra khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở bờ biển tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) trước lúc bão số 5 đổ bộ

Hiện Thừa Thiên - Huế có nhiều ca F0 đang được điều trị tại cơ sở y tế và 1.146 trường hợp được cơ quan chức năng cách ly tại các khu cách ly tập trung của tỉnh. "Đây là những cơ sở kiên cố và có lực lượng quân đội, công an túc trực, bảo vệ ANTT nên đảm bảo an toàn", ông Phan Thanh Hùng nói.

Ngoài ra, Thừa Thiên - Huế còn có 3.526 trường hợp cách ly tại nơi lưu trú và 163 trường hợp giám sát y tế người hoàn thành cách ly tập trung trở về địa phương sẽ được các địa phương thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, nếu một số trường hợp buộc di dời phải đảm bảo yêu cầu “5K”.

Đến chiều 10/9, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phối hợp với các đơn vị, địa phương ven biển tổ chức bắn pháo hiệu, thông báo kêu gọi tất cả tàu thuyền và lao động hoạt động trên biển vào bờ tránh bão an toàn.

 Clip: Lực lượng công an, quân đội bất chấp gió mưa vẫn quyết tâm bám, giữ chốt kiểm soát phòng chống dịch COVID-19 tại khu vực xã Lộc Trù (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) nơi đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16

Thuận Hóa-An Nhiên-Dương Quyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI