Mẹ chồng khuyên tôi đừng chấp cái tát của chồng, chỉ vì anh đang say

18/04/2022 - 17:00

PNO - Việc bây giờ là phải ngăn chặn triệt để loại bạo lực này. Em đừng để lúc xảy ra chuyện rồi mới nước mắt ngắn dài kể lể, than khóc.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Em lấy chồng được hơn nửa năm thì nếm trận đòn đầu tiên, lý do là vì em đi chơi với hội chị em bạn gái. Lúc em về, chưa tới 10 giờ đêm, nhưng chồng em đã xỉn, mở cửa bước vào nhà, em thấy chồng chờ ngay phòng khách. Tưởng là người ta đợi mình, ai ngờ em ăn nguyên cái tát nổ đom đóm. 

Lúc đó em khóc, chạy lên lầu đóng chặt cửa phòng, anh ta ngủ đâu em không cần biết. Sáng hôm sau, mẹ chồng gõ cửa, nói chuyện khuyên nhủ nọ kia, ý là chồng em cũng có lúc nóng nảy, lại đang say, chấp làm gì, lần sau thì đừng đi chơi buổi tối.

Chuyện yên được hơn năm thì em chứng kiến ba chồng đánh mẹ. Cũng tát, cũng đạp, cũng nắm tóc dúi vô tường… Em nhìn mà không chịu được, nhào vào can, bị ba chồng đạp cho một cái lăn ra nền nhà, không thở nổi.

Em phải chườm trứng gà cho mẹ mấy ngày sau mới tan vết bầm. Từ đó, em mới biết mẹ nhiều lần bị đánh, nhưng âm thầm chịu đựng, thậm chí khi em nói hai cha con vũ phu giống nhau, mẹ còn bao che: “Chỉ là cộc tính mà thôi, chứ xóm này, khu phố này, có ai chăm lo gia đình bằng cha con ông ấy?”.

Mẹ hay phân trần: người càng hiền, càng cộc tính, vậy nên mình đừng có chọc giận người ta… Em thấy cách mẹ “đừng chọc giận” rồi, đó là chồng bảo gì nghe đó, không bao giờ dám ho he một tiếng. Đúng là ba chồng mang tiền về nhà, nhưng hễ ông hỏi tiền thì mẹ phải mang ra ngay.

Trận đòn em chứng kiến là do ông mua miếng đất thua lỗ nhiều tiền quá, mẹ nói vô ra một hai câu, vậy là nhận cả cơn đấm đá trút lên người.

Em rất sợ sống lâu rồi mình cũng cam chịu giống như mẹ chồng. Em đang mang bầu con đầu lòng, nhiều bữa suy nghĩ muốn khóc, không biết mình nên làm sao đây…

Hoài Nhi (TP.HCM)

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Em Hoài Nhi thân mến, 

Thói quen gia đình có sức ảnh hưởng lớn, đặc biệt là thói quen sử dụng bạo lực. Chồng em cũng đã một lần bạo hành vợ, dễ thấy rằng việc chồng em không hề hấn gì sau lần đó, việc mẹ chồng dỗ dành em “bỏ qua” sẽ tạo điều kiện để những lần tiếp theo xảy ra theo cách tương tự. 

Việc bây giờ là phải ngăn chặn triệt để loại bạo lực này. Em đừng để lúc xảy ra chuyện rồi mới nước mắt ngắn dài kể lể, than khóc.

Ngay lúc còn chưa xảy ra chuyện gì, hãy tìm cơ hội để nói chuyện với chồng về thói quen “cộc tính” của đàn ông trong nhà, đặc biệt là hình ảnh người mẹ ruột của anh ấy đau đớn như thế nào khi bị ba anh ấy "hạ cẳng chân thượng cẳng tay", để anh ấy xem như một gương xấu để tránh. 

Em kiên nhẫn tìm cách gợi chuyện dần dần, từ những trò chuyện đó, nói cho anh ấy biết em không chấp nhận chuyện chồng đánh vợ, dù bất kỳ lý do gì. Nếu anh ấy không muốn vợ làm những việc gì thì cứ nói cụ thể ra, vợ chồng trao đổi cam kết, vợ sẽ không làm chồng giận, chồng sẽ không dùng bạo lực với vợ con. 

Em có thế mạnh là vợ chồng mới cưới, tình cảm đang mặn nồng, có thể tác động đến nhau. Em còn có đồng minh là mẹ chồng, chắc mẹ một mình chịu đựng tình trạng này đã lâu, nay có thêm em hậu thuẫn, hai người phụ nữ trong nhà chắc chắn vững tâm hơn một người. Em nói chuyện với mẹ, đừng chấp nhận, bao che cho chuyện bạo hành như vậy nữa. 

Trong trường hợp xấu nhất, nếu chồng em không thể sửa đổi tính nết, thì thôi mình phải tính đường bảo toàn sinh mạng cá nhân, khó có thể sống chung với kẻ vũ phu, tàn bạo như vậy em ạ. 

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn 

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI