“Mắt xích” shipper

15/11/2022 - 05:58

PNO - Mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa của hệ thống kinh doanh thương mại điện tử là đội ngũ vận chuyển, giao hàng, thường được gọi là shipper.

Có nhiều dạng shipper. Như shipper tự do và bán tự do, là những người giao hàng không thuộc sự quản lý của công ty nào. Còn shipper chuyên nghiệp là nhân viên của một đơn vị chuyên vận chuyển hàng hóa và shipper công nghệ.

Chiếm tỉ lệ cao trong đội quân giao hàng hiện nay chính là những shipper công nghệ. Họ liên kết với các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa thông qua các nền tảng công nghệ mà chúng ta thường gặp như GrabFood, GrabMart, GrabExpress, GoViet, Be, Now, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm… 

Tuy là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa hiện nay nhưng shipper công nghệ lại là lực lượng chịu nhiều thiệt thòi nhất: thu nhập trồi sụt, chịu nhiều sức ép, rủi ro, không được ai bảo vệ quyền lợi, không có chế độ bảo hiểm…

Và họ chỉ là những mắt xích vô danh trong một dây chuyền. Công nghệ đã tạo ra thời đại của sự tham gia, thời đại của kinh tế chia sẻ, kinh tế cộng tác. Nhưng “công nghệ” cũng vô tâm trong quá trình dùng những “mắt xích” shipper từ cộng đồng để kết nối người bán và người mua nhằm thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống. “Công nghệ” cứ tập trung vào cuộc đua thúc đẩy số lượng đơn hàng và rút ngắn thời gian giao hàng nhưng quên mất rằng shipper là con người - người lao động.

Trong chuỗi cung ứng hàng hóa hôm nay, shipper công nghệ bị chi phối giữa quyền lợi của 3 nhân tố liên quan trực tiếp: người bán hàng bao giờ cũng muốn mức phí thấp nhất; người mua hàng bao giờ cũng muốn giá cả phù hợp; doanh nghiệp công nghệ (có nền tảng trực tuyến) cũng muốn có lợi nhuận ổn định và phát triển. 

Vì thế shipper công nghệ thụ động trong đón nhận cơ hội làm việc và thu nhập từ các bên. Như khi dịch COVID-19 lắng xuống, thu nhập của nhiều shipper công nghệ thấp dần do một bộ phận người dân quay lại thói quen mua hàng trực tiếp. 

Giao hàng công nghệ được xem là “lao động phổ thông”, không cần bằng cấp. Tuy nhiên, ở góc độ vĩ mô, các nhà quản lý đều thấy rõ vai trò quan trọng của lực lượng lao động đặc thù này trong nền kinh tế. Thương mại điện tử đã là xu hướng tất yếu. Mua hàng trực tuyến là thói quen của đại bộ phận cư dân đô thị. Do vậy, shipper công nghệ cần được quan tâm về quyền lợi với tư cách là người lao động.

Có thể so sánh sự chênh lệch về quyền lợi giữa shipper tự do và nhân viên giao hàng cho các công ty chuyên nghiệp. Shipper tự do chạy qua ứng dụng (app), họ chỉ có thu nhập duy nhất là tiền trên mỗi cuốc xe. Trong khi đó, nhân viên giao hàng cho các đơn vị chuyên giao hàng họ được một khoản lương cứng và tiền theo hiệu suất công việc nên thu nhập tốt hơn, ổn định hơn.

Tìm tiếng nói chung giữa các bên liên quan để bảo vệ quyền lợi cho người giao hàng công nghệ không phải là việc quá khó. Ở nhiều nước trên thế giới, chính phủ đã can thiệp vào hoạt động của các công ty công nghệ để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. 

Như năm ngoái, ở Trung Quốc, Cơ quan Quản lý nhà nước về quy chế thị trường (SAMR) cùng 6 cơ quan chính phủ khác đã ban hành hướng dẫn cho các công ty công nghệ nhằm bảo vệ quyền lợi cơ bản của các lao động hợp đồng như nhân viên giao hàng, tài xế dịch vụ chia sẻ xe.

Các quyền lợi này bao gồm thu nhập cơ bản, an toàn lao động, an toàn thực phẩm, môi trường làm việc tốt và quyền được tiếp cận các chương trình bảo hiểm. Ở Tây Ban Nha, một đạo luật có tên gọi là Luật Rider có hiệu lực tháng 8/2021 bắt buộc các nền tảng giao hàng thực phẩm phải coi shipper là nhân viên làm công ăn lương với các quyền lợi được thương lượng tập thể.

Trong nền kinh tế Việt Nam hôm nay, chuỗi cung ứng có vai trò quan trọng đối với thành công của các doanh nghiệp. Và trong chuỗi cung ứng hàng hóa thời đại số, shipper công nghệ là một mắt xích quan trọng cần phải được xây dựng ngày càng bài bản hơn. Vì để phát triển thương mại điện tử, mắt xích này không thể để yếu đi. 

Phan Văn Tú

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI