Mất sạch tiền trong tài khoản vì giao dịch online

12/01/2018 - 16:42

PNO - Kẻ xấu giả vờ mua hàng qua MXH rồi thanh toán qua dịch vụ chuyển tiền uy tín từ nước ngoài cho người bán, sau đó dùng đường link giả mạo trang web của “dịch vụ uy tín” để vét sạch số tiền trong tài khoản nạn nhân.

Những kẻ lừa đảo còn giả tin nhắn của Vietcombank để lừa nạn nhân truy cập vào link xấu rồi cuỗm hết tiền trong tài khoản.

Mat sach tien trong tai khoan vi giao dich online

Mất hàng chục triệu đồng từ dịch vụ trung gian… dỏm

Ngày 7/1, chị Phạm Ngọc H. (ngụ tại H. Hóc Môn, TP.HCM) cho biết, bị mất 18 triệu đồng trong quá trình thanh toán với khách. Cụ thể, một đối tượng sử dụng nick Đỗ Thu Hương giả danh là người mua yến trên Facebook với số tiền 11,5 triệu đồng. Đối tượng này cho biết đang ở Los Angeles (Mỹ) nên nhờ chị H. gửi yến đến chung cư Hoàng Anh Gia Lai (Q.7, TP.HCM) và yêu cầu chị H. cung cấp số điện thoại, tài khoản ngân hàng để liên lạc. 

Ngày 8/1, nick Đỗ Thu Hương nhắn tin trong hộp tin của Facebook rằng đã chuyển tiền cho chị H. và bảo chị kiểm tra. Ngay sau đó, điện thoại của chị H. nhận được tin nhắn với nội dung: “Western Union TB: So du TK Vietcombank 0331000435xxx thay đổi +11.500.000 VND… từ dịch vụ chuyển tiền Western Union”. Tiếp đó là tin nhắn từ Western Union thông báo: “Khách hàng nhận được tiền từ dịch vụ Western Union làm thủ tục xác nhận để hoàn tất giao dịch tại website: http://western-union-quocte.wixsite.com/ibanking”. 

Do Western Union là tên của một dịch vụ có uy tín nên chị H. tin tưởng, nhấp vào đường link. Điện thoại của chị H. liền hiện lên tin nhắn Western Union thông báo: “Quý khách đang thực hiện giao dịch nạp tiền điện tử trên hệ thống iBanking với số tiền nhận được là 11.500.000 đồng. Mã OTP sẽ được xác nhận để hoàn tất giao dịch”. 

Mat sach tien trong tai khoan vi giao dich online
Hàng loạt nạn nhân bị lừa dịp tết này đang đăng đàn cảnh báo

Tiếp đó, từ trang web http://western-union-quocte.wixsite.com/ibanking, cũng hiện lên dòng chữ: “Thủ tục nhận tiền: Quý khách vui lòng xác thực mã OTP cá nhân (kế bên trên giao diện) để nhận tiền”. “Tôi nhập mã OTP thì không những không nhận được tiền mà điện thoại còn thông báo đã bị trừ 18 triệu đồng trong tài khoản” - chị H. bức xúc nói. 

Vào cuối tháng 12/2017, chị Nguyễn Thị Tuyết M. (ngụ tại Q.1, TP.HCM) cũng bị mất 16 triệu đồng. Chị M. kinh doanh mỹ phẩm xách tay đã hai năm nay, từng thanh toán qua iBanking rất nhiều lần nhưng chưa bao giờ bị mất tiền. Vừa rồi, có một khách hàng có tài khoản Facebook tên Nguyễn Phương Trà, đặt mua mỹ phẩm trị giá 

8 triệu đồng. Chị M. vào Facebook của vị khách này tìm hiểu thì thấy trong “danh sách bạn bè” có một số người quen, trong đó có cả chồng mình nên rất yên tâm mua bán. Sau đó, điện thoại chị có tin nhắn từ đầu số 6767 thông báo với nội dung “VIetcombank: TK VCB 0331000443xxx vua duoc chuyen den so tien +8.000.000VND. Vui long truy cap lien ket sau de xac nhan giao dich nhan tien ve tai khoan”. 

Khi chị M. nhấp chuột vào thì đường link dẫn đến Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) nên chị M. càng yên tâm. Chỉ sau vài phút thực hiện thao tác, 16 triệu đồng trong tài khoản của chị M. bị chuyển vào thẻ VTC Pay của Công ty VTC Công nghệ và Nội dung số (VTC Intecom). 

Chị M. làm việc với Công ty VTC Intecom thì được thông báo: số tiền trên được chuyển vào một ví điện tử và ngay sau đó đã được sử dụng để thanh toán online hết, nên công ty không thể thu hồi. 

Nạn nhân không chỉ là những người kinh doanh nhỏ mà ngay cả chủ doanh nghiệp lớn. Giám đốc một doanh nghiệp may mặc xuất khẩu kể, cách đây một tuần, có một người đàn ông gọi điện thoại đến, tự xưng là chủ doanh nghiệp nước ngoài và đề nghị mua sản phẩm với số lượng lớn. Đặc biệt, vị khách này sẵn sàng chuyển tiền trước rồi nhận hàng sau. Khi kiểm tra thì đúng là ở nước ngoài có doanh nghiệp này nên ông tin tưởng. 

Mat sach tien trong tai khoan vi giao dich online
Tin nhắn giả mạo ngân hàng gửi đến các nạn nhân

“Ba ngày sau, người đàn ông kia gọi điện thoại thông báo đang chuyển tiền về và đề nghị tôi xác nhận theo hướng dẫn trong tin nhắn của Western Union báo về điện thoại di động. Quả thực, tin nhắn yêu cầu tôi nhập mã giao dịch, nhưng tôi sinh nghi nên vội vàng chuyển hết số tiền đang có trong tài khoản của mình cho một người bạn. Sau khi tài khoản còn 0 đồng, người đàn ông này cũng cắt bỏ giao dịch. Tôi không biết từ đâu mà họ biết rất rõ thông tin số tiền trong tài khoản của tôi” - vị giám đốc trên kể. 

Trên Facebook gần đây, thường xuyên xuất hiện những đoạn cảnh báo về chiêu thức lừa như trên. 

Lộ thông tin từ trước?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua, Bộ Công an cũng đã tiếp nhận nhiều trường hợp thông báo bị lừa mất hết tiền trong tài khoản do nhấp chuột vào đường link lạ. Bọn lừa đảo nhắm vào những người bán hàng online bằng cách đặt hàng số lượng lớn rồi yêu cầu thanh toán qua dịch vụ Western Union.

Để nhận được tiền, người bán phải đăng nhập số tài khoản và mật khẩu internet banking vào đường link rồi xác nhận bằng mã OTP, nếu người bán xác nhận thì đối tượng sẽ hack luôn tài khoản ngân hàng.

Song thực tế, bọn chúng đã biết rõ số tài khoản và số tiền trong tài khoản của nạn nhân trước khi thực hiện giao dịch, mà nguyên nhân có thể là do nạn nhân đã vô tình để lộ thông tin tài khoản hoặc do đối tượng đã phát tán mã độc vào các thiết bị điện thoại, máy tính của nạn nhân. Bên cạnh đó, trên mạng cũng đầy rẫy các trang web rao bán thông tin cá nhân người khác với giá rất rẻ. 

Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt cho biết, nếu thực hiện dịch vụ nhận tiền nhanh quốc tế Western Union thì người nhận tiền phải mang theo chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, hay giấy tờ có giá trị tương đương còn hiệu lực đến bất kỳ điểm giao dịch nào của ngân hàng.

Tại đây, khách hàng phải điền thông tin vào phiếu nhận tiền và ngân hàng kiểm tra tất cả thông tin do khách hàng cung cấp. Không có bất kỳ giao dịch nào của Western Union yêu cầu phải nhập tài khoản hay mã gì cả.

Mat sach tien trong tai khoan vi giao dich online
 

Còn theo đại diện Vietcombank, hiện ngân hàng này có đầu số tổng đài là 6167 để tra cứu thông tin. Soạn tin nhắn theo cú pháp quy định và gửi đến tổng đài 6167, khách hàng sẽ nhận được tin nhắn chủ động từ Vietcombank khi có biến động số dư tài khoản tiền gửi thanh toán hoặc chi tiêu thẻ tín dụng; thông tin chung của Vietcombank như tỷ giá, lãi suất, điểm đặt máy ATM, điểm giao dịch, thông tin cá nhân (số dư, hạn mức thẻ sử dụng, 5 giao dịch gần nhất và chi tiết giao dịch), nạp tiền điện thoại cho di động trả trước… 

Tin nhắn thông báo chủ động từ ngân ngân hàng gửi đến khách hàng đều mang thương hiệu “Vietcombank”, không hề thông qua đầu số tổng đài. Ngoài ra, khi khách nhận được tiền, Vietcombank sẽ thông báo về tài khoản của khách hàng mà không yêu cầu khách phải xác thực tại một đường link nào cả. 

Thời gian qua, VTC Intecom cũng tiếp nhận vài trường hợp mất tiền do nhập vào đường link lạ; một số trường hợp do báo ngay cho VTC Intecom nên được hỗ trợ khóa thẻ và hoàn trả lại đầy đủ số tiền. 

Ông Nguyễn Thanh Hưng - Giám đốc VTC Intecom - cho biết, hiện ở TP.HCM có khoảng 20 đơn vị được Ngân hàng Nhà nước cấp phép làm trung tâm thanh toán giữa các website điện tử giống như VTC Intecom nên tỷ lệ khách hàng bị mất tiền do tội phạm công nghệ cao khá nhiều. 

Hiện, VTC Intecom chỉ hỗ trợ khách hàng bằng cách khóa thẻ để chặn các giao dịch xấu; nếu giữ được tiền, sẽ hoàn lại tiền cho người bị hại và cung cấp thông tin hỗ trợ cho các cơ quan chức năng. VTC Intecom không có khả năng truy thu lại số tiền đã mất cho khách hàng. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI