Mặt bỗng sần sùi như “bánh đa kê”

15/03/2022 - 06:11

PNO - Tưởng là bệnh lý không đáng lo ngại, tuy nhiên, không ít bệnh nhân lại bị trở nặng, khổ sở vì những mụn cơm. Nhiều người không dám ra ngoài vì gương mặt nổi dày mụn như “bánh đa kê”…

Hàng trăm nốt mụn dày trên mặt

Sở hữu khuôn mặt xinh xắn, nước da khá mịn màng, nhưng gần đây, chị N.T. (TP.Hà Nội) khốn khổ, không muốn bước ra ngoài vì cả khuôn mặt nổi dày mụn. Từng đám hột nhỏ li ti bám dính vào nhau khiến chị hoảng hồn mỗi lần soi gương. Chị T. cho hay, ban đầu, chỉ xuất hiện triệu chứng hơi ngứa, khó chịu ở trán. Các nốt nhỏ, sần lấm tấm như đầu que tăm. “Lúc đó, tôi nghĩ do không hợp sữa rửa mặt nên mẩn ngứa. Tuy nhiên, các nốt này ngày càng dày lên và “đẻ” rất nhanh, dần lan xuống vùng mí mắt, má. Các nốt mụn cũng lớn nhanh hơn, to bằng nửa hạt đậu xanh và có màu tối, trông rất đáng sợ”, chị T. kể lại. 

Nữ bệnh nhân tự ti với những mụn hạt cơm nổi dày trên trán
Nữ bệnh nhân tự ti với những mụn hạt cơm nổi dày trên trán

Được mọi người mách một địa chỉ bôi thuốc hiệu quả, bôi tới đâu, lành tới đó, chị T. nghe theo, dù có phần lăn tăn do thuốc nguồn gốc không rõ ràng. Khi mới bôi, chị thấy các nốt sần có vẻ bớt ngứa, nhưng hơn một tháng sau, các hạt lại bắt đầu nổi nhiều hơn và tình trạng bệnh trở nên trầm trọng. Khi tới Bệnh viện Da liễu Trung ương, chị được xác định mắc bệnh mụn cơm - hay còn được gọi là mụn cóc, một bệnh lý khá phổ biến.

Bác sĩ Đỗ Thiện Trung, Phó trưởng khoa Laser và Săn sóc da thuộc Bệnh viện Da liễu Trung ương, cho hay chị T. chỉ là một trong số rất nhiều bệnh nhân mắc phải căn bệnh này. Mỗi ngày, bệnh viện tiếp đón khoảng 10 - 15 trường hợp. Đây là căn bệnh do virus HPV gây ra và có thể lây lan qua bề mặt tiếp xúc, các vết trầy trên cơ thể. Virus HPV gây bệnh mụn cơm có thể tự đào thải khỏi cơ thể nhưng một số ít lại bị dai dẳng, tái đi tái lại và để lại hậu quả nặng nề.

“Không chỉ là vấn đề ngứa ngáy, khó chịu, căn bệnh này còn ảnh hưởng tới tính thẩm mỹ, cũng như chất lượng sống của bệnh nhân”, bác sĩ Đỗ Thiện Trung nói. Bác sĩ này cũng cho biết đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp có tới khoảng… 500 nốt mụn, phủ dày toàn bộ khuôn mặt, khiến bệnh nhân rơi vào khủng hoảng, mất tự tin, ngại giao tiếp với xã hội…

Bệnh nặng vì điều trị kiểu… “truyền tai”

Theo bác sĩ Đỗ Thiện Trung, mụn cơm là căn bệnh đã xuất hiện từ rất lâu. Bệnh lý này khá lành tính, có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Một trong những nguyên nhân khiến bệnh càng tăng nặng là do rất nhiều bệnh nhân tự ý điều trị, nghe theo lời quảng cáo, truyền tai nhau… 

Các bác sĩ điều trị cho một bệnh nhân mắc hạt cơm ở chân
Các bác sĩ điều trị cho một bệnh nhân mắc hạt cơm ở chân

Điển hình, một trong những biện pháp thường được các bệnh nhân xử lý khi phát hiện mắc mụn cơm là dùng kim để lễ các vết mụn với mục đích “bắt sâu”, “lấy cái” giống như bệnh ghẻ nước. Tuy nhiên, cách làm này có thể để lại sẹo hoặc nếu không được khử trùng tốt sẽ gây nhiễm trùng nặng, từ đó gây lở loét và lan rộng ra các vùng khác. 

Ngoài ra, có rất nhiều bệnh nhân cũng “ngậm trái đắng” khi mua các loại thuốc trôi nổi trên mạng, với những lời quảng cáo có thể trị dứt điểm mụn cóc, mụn cơm. Theo bác sĩ Đỗ Thiện Trung, ban đầu, bệnh nhân có thể thuyên giảm ngứa nhưng sau đó sẽ bị tái lại, lan rộng thành từng vùng, từng vệt. Nguyên nhân là do trong thuốc chứa corticoid. Không những không khỏi bệnh mà bệnh nhân lại phải chịu thêm gánh nặng do nhiều phản ứng phụ mà corticoid gây ra, đòi hỏi phải điều trị trong một thời gian dài.

Hiện nay, có nhiều phương pháp để điều trị bệnh lý hạt cơm, bôi thuốc, phun nitơ lỏng để phá hủy tổn thương, đốt laser CO2… Tuy nhiên, một trong những biện pháp mới được đánh giá an toàn và hiệu quả nhất, theo bác sĩ Đỗ Thiện Trung là sử dụng máy laser màu xung. “Vi-rút HPV khi xâm nhập tạo thành hạt cơm gây tăng sinh mạch máu xung quanh tổn thương đó. Mạch máu này sẽ nuôi dưỡng vi-rút. Do đó, laser màu xung sẽ đi thẳng vào mạch máu, cắt đứt nguồn “thức ăn” nuôi dưỡng vi-rút, từ đó khiến hạt cơm tan rã, hoại tử dần, không ảnh hưởng hay tổn thương vùng da lành xung quanh”, vị chuyên gia da liễu phân tích. Biện pháp này khắc phục được nhược điểm của các phương pháp cũ, đặc biệt với các bệnh nhân bị dày mụn cơm, bởi sẽ làm giảm mức độ đau đớn.

Sau khi điều trị, các vết bắn sẽ bầm nhẹ, bệnh nhân chỉ cần bôi thuốc, thoa kem dưỡng da, không ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày, không cần băng bó hay kiêng nước… Sau khoảng ba tuần điều trị laser màu xung, kích thước hạt cơm sẽ giảm từ 50 - 75%, không còn đau ngứa và không mọc nốt mới. Bệnh nhân tiếp tục được tái khám và kiểm tra, xử lý để điều trị triệt để. 

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI