"Mank": Don Quixote ngược dòng

23/04/2021 - 06:26

PNO - Đã sáu năm từ sau bộ phim ăn khách "Gone Girl" và hơn mười năm chân dung Mark Zuckerberg được khắc họa trong "The Social Network", David Fincher mới trở lại với tác phẩm mới nhất - bộ phim tiểu sử về nhà biên kịch Herman J. Mankiewicz. Với mười đề cử Oscar cho mùa giải năm nay, "Mank" nổi bật và không thể quên.

Nếu Ayn Rand từng viết về cuộc đấu tranh của chủ nghĩa cá nhân trong Suối Nguồn từ rất lâu trước đó, để rồi trở thành một trong những tác phẩm văn chương quan trọng nhất ngày nay, thì Mankiewicz cũng làm được điều tương tự trong kịch bản Citizen Kane, khi ông viết về một con người đầy tham vọng luôn ham muốn quyền lực, tình yêu nhưng lại đáng thương trong góc tối thẳm sâu nơi bản ngã.

Đó cũng chính là chủ nghĩa David Fincher theo đuổi, khi ông khắc họa Mank qua dáng hình một con người với nhiều vết thương, để qua đó ta thấy một thời quá vãng của Hollywood đã qua như cú chớp mắt, cùng đó là những đấu tranh nghệ thuật vị nghệ thuật, việc đánh tráo khái niệm phim ảnh hay những con người động đậy trước gió chỉ như bù nhìn.

Mank nổi bật với mười đề cử Oscar cho mùa giải năm nay
Mank nổi bật với mười đề cử Oscar cho mùa giải năm nay

Dẫu biết nội dung xoay quanh câu hỏi đến nay vẫn chưa có lời giải: Rốt cuộc ai là người sáng tạo ra Citizen Kane, nhưng Mank lại mang đến người xem nhiều gia vị hơn thế, mà một trong những mắt xích giúp gắn kết câu chuyện không gì khác ngoài bản thân Mankiewicz, và những mối quan hệ xung quanh ông. Từ quỹ tích trên, một “vương quốc ảo tưởng” trên đà sụp đổ được dựng lên, về nhân tính, trách nhiệm và vai trò con người trong thời đại đó.

Ở một cảnh trên bàn dài cuối phim, nơi Mank say xỉn gọi Hearst là Don Quixote của làng báo, bởi những trò ám thị giật gân mà sau này ta nhận ra trở thành nguyên mẫu cho Kane, người ta lại thấy Mank trong vai trò đấy hơn - một người cuồng nộ bởi những trò đùa, người đứng về chính nghĩa nhưng lại là chính nghĩa rỗng tuếch, vô dụng và chỉ toàn bóng tối cô độc, lặng thinh.

Khắc họa Mank như gã nghiện rượu, ham thích những ván cá cược; nhưng vượt trên hết những tứ đổ tường ấy, người ta thấy ông cá tính, bốc đồng và hài hước đứng trên xung đột. Như một câu thoại của chính ông, rằng mình không làm việc với một nửa số nhà sản xuất, nửa còn lại không muốn làm việc cùng ông. Ở Mank là sự phóng túng của màn bạc, tiệc tùng; là vẻ phớt đời, hời hợt. Một kiểu cách nghệ sĩ, một quỹ đạo Hollywood đậm đà dư vị.

Thế nhưng, đằng sau con người có vẻ vô cảm ấy, là những suy ngẫm và hành động vì một mục đích lớn lao hơn. Ông đâm trực diện vào những trò giả nhân giả nghĩa ở xứ phù phiếm ấy, vào sự thật hiển nhiên mà giới nghệ sĩ thời đấy chối từ để hiểu. Mank như cá hồi bơi ngược dòng nhưng không phải để đẻ trứng, mà là để đặt sự thật vào cái ngai vốn có của nó, để nó tồn tại, giữ nguyên và trở thành minh chứng cho dòng xoay chuyển.

Mối quan hệ giữa ông với Marion Davies - tình yêu của Hearst, càng khắc họa thêm một linh hồn cô độc, một khu vườn chờ người bước vào để cộng hưởng, phát tán và trở nên tươi đẹp. Marion ở đó như phiên bản nữ của Mank, người thông minh và chịu đối mặt, người nghĩ về Hitler trong cơn buồn nôn, người nắm bắt chính trị và dám nói những điều mình nghĩ về Mayer giả nhân nịnh nọt, về Irving và cơn bẽ mặt trước Upton Sinclair.

Ở đó còn là xứ Hollywood những năm 30 đầy biến chuyển với những hãng phim, các ý thức hệ; nhưng chung quy là sự xa hoa, phù phiếm và có phần nào vô nghĩa như kịch bản Frankenstein trộn lẫn Người sói. Đó là thời kỳ của những đấu tranh nghệ thuật vị nghệ thuật với thương mại bình dân, là bước đầu của phim có tiếng với sự trợ giúp của những nhà văn thực thụ.

Cũng chính thời đại xa hoa ấy mà Mank nung nấu những ý nghĩ đầu tiên trong hơn mười năm sau này, khi đã quay về nông trại Victorville viết nên kịch bản Citizen Kane. Với văn phong xuất sắc, một chút rối rắm của những mảnh vụn nhảy cóc thời gian, cốt truyện tản mác một phần nào mang tính cách mạng, Mank đã viết nên tác phẩm hay nhất đời mình bởi những đắng cay ông đã gặp phải.

Đó có thể là sự bóc lột đối với các nhà biên kịch thời kỳ đó, khi chỉ vì chút danh tiếng mà người ta có thể tự đánh mất mình như Shelly với những thước phim ngụy tạo về Sinclair, để ông thất bại trong cuộc bầu cử vì hệ tư tưởng tả khuynh chủ nghĩa xã hội. Đó cũng là Joe vì cách chơi chữ tưởng như vô hại, bị đá ra khỏi guồng quay điện ảnh. Đó còn là Mayer với nước mắt cá sấu trong đám tang Irving hay bài diễn văn kêu gọi ủng hộ thời đại suy thoái… Tất cả bám víu vào Mank, tạo nên Kane, với đầy giả nghĩa vô dụng.

Trailer Mank:

 

Thế nhưng đằng sau “chủ nghĩa anh hùng” mà Mank dấn thân, ta cũng thấy những mềm yếu con tim, những yếu tố rất con người, nồng ấm, thiết tha. Đó là người tri âm với Rita - cô thư ký đánh máy có chồng là lính không quân hoàng gia. Đó là việc bảo lãnh cho cả làng Frieda rời Đức nhập cư vào Mỹ, và cũng còn là khoảng lặng khi Sara - người vợ yêu dấu của ông - đòi hỏi một sự quan tâm hợp lý với những ai thương yêu ông nhất.

Xây dựng xen kẽ mười năm giữa hai thời đoạn và cấu trúc như những kịch bản điện ảnh, những thước phim đen trắng của Erik Messerschmidt đã mang đến người xem một Hollywood thời hoàng kim nhưng đầy xáo trộn. Âm nhạc trong Mank được thực hiện bởi Trent Reznor và Atticus Ross đậm chất jazz của ngày tài phiệt thời ấy. Với những điểm nhấn thú vị cùng khung cảnh hoành tráng, David Fincher lại một lần nữa đào sâu tâm lý nhân vật, để ký thác những thời khắc đẹp và hoành tráng nhất, bởi lẽ “Trong hai giờ ta đâu thể tóm hết cuộc đời của một người, chỉ mong để lại ấn tượng về cuộc đời ấy”. Và ông đã làm được, trọn vẹn mà đầy dấu ấn.

Ngô Minh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI