Mạng xã hội đang thay đổi mối quan hệ thầy trò?

21/02/2021 - 08:26

PNO - Hình ảnh một nam sinh tát cô giáo trong đoạn clip lan truyền trên mạng không ngừng gây xôn xao, hoang mang dư luận. Cái tát của nam sinh khiến cô giáo sửng sốt và cũng khiến bất kỳ người làm giáo dục nào đều cảm nhận rằng chính mình đang nhận cái tát ấy.

Giáo dục vì đâu nên nỗi? Phải chăng đạo đức xã hội đang xuống cấp? Không ít người truy lùng "thân thế", "tiểu sử" của nam sinh trong clip, kèm theo hàng loạt lời lên án, thóa mạ... Tất nhiên, hành động này, nam sinh ấy cần phải nhận hình thức xử lý kỷ luật thích đáng.

Rồi dư luận lại đột ngột đổi chiều cảm thông cho nam sinh... nhờ các KOLs phát hiện ra em bệnh tự kỷ. Một luồng ý kiến dậy sóng với "thuyết âm mưu" phải chăng có ai đó đang nhờ KOLs định hướng dư luận? Từ đây mạng xã hội chia 2 phe bênh vực - lên án hành động của nam sinh.

Mạng xã hội đang khiến nhiều thầy cô phải thu mình lại
Mạng xã hội đang khiến nhiều thầy cô phải thu mình lại

Có thể thấy, chỉ trong vài ngày, câu chuyện học đường trở nên sôi sục trên "mặt trận" mạng xã hội. Người ta nhìn vào mặc sức đổ lỗi, lên án.

Dư luận thường theo số đông. Còn nhớ các clip học trò đánh thầy cô, dư luận lên tiếng phê phán học trò, phê phán giá trị đạo đức và nền giáo dục. Nếu giáo viên đánh học sinh, dư luận sẽ không tiếc lời bình phẩm, chê trách giáo viên và dĩ nhiên cả nền giáo dục cũng bị liên lụy.

Giáo dục không phải là kết quả, càng không phải là nguồn cơn của sai trái, giáo dục là một quá trình lâu dài có ưu có khuyết. Cải tiến và hoàn thiện dần - đó là cái đích của giáo dục.

Quá dễ dàng để đăng một clip mà không cần quan tâm ảnh hưởng của những người liên quan. Càng dễ hơn để gõ một bình luận hay đưa lên mạng xã hội một bài nhận định về sự việc đang trong quá trình xử lý. Phải chăng chiếc điện thoại đang biến đổi dần mối quan hệ thầy trò, sẽ làm thay đổi không ít những giá trị? 

Ngày xưa, cha mẹ thậm chí còn nhờ thầy cô thương con mình cho roi cho vọt. Thời chúng ta đi học, thỉnh thoảng bị thầy cô véo tai, đánh mông... là chuyện thường. Nhưng nay, ống kính camera của những chiếc điện thoại trở thành con mắt thu lại tường tận những gì đang diễn ra, chờ một thời điểm nào đó để bùng nổ.

Còn nhớ sự việc xảy ra cách đây một năm, mạng xã hội sục sôi lên án một cô giáo "không cho học sinh vào lớp, bắt đứng giữa trời nắng vì đi học sớm". Sau đó, người ta mới vỡ lẽ rằng cô giáo bị oan, rằng vị phụ huynh nọ đã đưa con đến cổng trường, chụp ảnh, đưa con về và đăng lên mạng xã hội tố cáo. 

Chuyện mâu thuẫn học đường không phải hiếm. Nhà trường là một xã hội thu nhỏ. Ở ngoài, những người thân ruột rà vẫn có thể tổn thương nhau. Bên trong trường, sự va chạm giữa hàng ngàn hàng vạn con người với những cá tính và hoàn cảnh khác nhau là điều khó tránh. Nhà trường có những quy tắc ứng xử, nội quy được thầy cô và học sinh tuân thủ nhưng có lẽ vẫn chưa đủ.

Trở lại câu chuyện trên, với hành vi của mình, em học sinh đã nhận mức xử lý là buộc thôi học đến hết năm học 2019-2020. Tại cuộc họp, mẹ em đã gửi lời xin lỗi cô giáo. Cô giáo chủ nhiệm có nhận xét hàng ngày trong lớp học, em ít nói, ít giao tiếp với bạn... Câu chuyện tưởng đã giải quyết xong cách đây 1 năm lại gây bão "nhờ" mạng xã hội.

Mạng xã hội có thể đang làm tổn thương một học sinh đã nhận mức kỷ luật thích đáng, đang tiếp tục học tập, và nay có thể lại vùi sâu vào mặc cảm tội lỗi. Chúng ta nên để thị phi của mạng xã hội lại bên ngoài trường học. Phê phán cái xấu là đúng, nhưng phải có đủ bình tĩnh để nhìn câu chuyện bằng sự cảm thông và nhân ái.

Lâm Vũ Công Chính

(Giáo viên Trường THPT Nguyễn Du)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI