Mái nhà lệch nhịp yêu thương

14/05/2025 - 06:00

PNO - Sự yêu thương không đồng đều của cha mẹ vô tình gieo rắc những mầm mống của sự chia rẽ.

Ảnh minh họa: Shutterstock
Ảnh minh họa: Shutterstock

Tôi vừa đọc trên Báo Phụ nữ TPHCM bài viết Mẹ tôi thiên vị con gái, phũ phàng với con trai và gửi các chị em trong nhà xem. Em trai út tôi nhắn lại: “Sao giống nhà mình dữ vậy chị Năm?”.

Ba má tôi có 6 người con: 4 gái, 2 trai. Trong đó, 5 người con như ra rìa bởi ba má tôi chỉ nhìn thấy 1 người con - anh trai thứ Tư của tôi. Sự thiên vị của ba má đã vô tình tạo nên những khoảng cách và mâu thuẫn âm ỉ.

Trong nhà, chị Hai và chị Ba như người mẹ thứ hai của đàn em nhỏ. Khi chúng tôi còn nhỏ, 2 chị vừa phụ ba má, làm vườn vừa chăm sóc, tắm rửa cho các em. Sau này, dù đã lập gia đình nhưng cuối tuần, 2 chị đều thay phiên từ TPHCM về Tiền Giang chơi với ba má. Có lúc, tôi tháp tùng các chị hoặc nếu các chị bận thì tôi và em gái kế về. Mỗi lần về, chúng tôi chở lỉnh kỉnh thức ăn ngon, thuốc bổ, sâm, yến, quần áo… biếu ba má.

Trong khi đó, anh Tư tôi ở kế nhà ba má nhưng hiếm khi qua thăm. Vậy mà, anh Tư được má tôi đặc biệt yêu thương và bênh vực dù anh chỉ xem ba má như “bình sữa” không hơn không kém.

Từ thời đại học, anh Tư đã được ba má tôi “bơm tiền” thường xuyên. Trong khi đó, với 5 đứa con còn lại, ba má cho theo chuẩn hằng tháng và chúng tôi phải tự gói ghém chi tiêu. Anh Tư mê game, mê chơi hơn mê học, cứ cỡ 1 tuần lại gọi điện về nhà xin tiền với 1.001 lý do. Ba má không cần xác minh mà đáp ứng yêu cầu ngay. Má còn nói với chúng tôi rằng “Tội thằng Tư học hành căng thẳng nên chơi game giải trí”.

Anh Tư bị đình chỉ học, rồi bỏ ngang đại học thì má tôi xem anh là “nạn nhân, đáng thương” và càng ra sức vun vén cho anh. Vậy mà thằng Út, hồi phổ thông chơi game bỏ 1 buổi học thêm bị má tôi cầm cây tìm đến tận phòng game nện cho một trận và cắt luôn tiền tiêu vặt để “chừa tội chơi game”.

Đến lúc lập gia đình, anh Tư được ba má cho 5 công vườn và căn nhà ở mặt tiền quốc lộ, còn với 4 người con gái thì má tuyên bố: “Con gái lấy chồng có nhà chồng lo”. Với thằng Út thì ba má hứa hẹn “Khi nào ba má trăm tuổi sẽ để lại căn nhà tổ”. Tuy nhiên, chẳng hiểu bằng cách nào và khi nào, ba má tôi đã sang tên căn nhà tổ cho vợ chồng anh Tư.

Khi giao căn nhà tổ, ba má muốn vợ chồng anh Tư phụng dưỡng tuổi xế chiều. Vậy nhưng anh chị lại chọn sống riêng, hiếm khi qua lại, chăm sóc ba má. Điều đó khiến ba tôi rất buồn nhưng vẫn không thay đổi được tình thương má dành cho anh Tư.

Mỗi khi tới ngày ba má tôi đi khám bệnh định kỳ, ba má muốn anh Tư đưa đi. Dù có ô tô nhưng anh luôn né tránh với lý do “bận việc”. Còn khi gia đình tôi tụ họp, anh chị Tư cũng luôn có đủ lý do để không phải gặp gỡ anh chị em. Mỗi khi ba má mệt, nhóm chat gia đình tôi nháo nhào lo lắng. Mọi người phân công, chia nhau người gọi xe, người đi cùng ba má, người lo tiền, người đón ở bệnh viện… Chỉ riêng anh Tư luôn im lặng và âm thầm rời khỏi nhóm.

Chuyện má thiên vị anh Tư khiến những đứa con còn lại không khỏi cảm thấy tủi thân, bất bình và khó hiểu. Có lần ức quá, tôi lên tiếng. Má giận, mắng tôi “ích kỷ, gây chia rẽ tình cảm gia đình”. Chúng tôi đã có cuộc sống ổn định, không để ý đến tài sản của ba má nhưng sự thiên vị của ba má vô tình làm tình cảm giữa những đứa con ruột thịt ngày càng xa cách.

Ngay cả họ hàng, láng giềng cũng đều cảm thấy sự bất công, thiên vị không dễ lý giải của ba má tôi. Sự yêu thương không đồng đều của cha mẹ vô tình gieo rắc những mầm mống của sự chia rẽ. Chúng tôi mong ba má tôi nói riêng và những bậc cha mẹ nói chung nhìn nhận mọi việc khách quan, yêu thương công bằng với tất cả các con. Sự thiên vị, dù vô tình, cũng có thể tạo ra những vết nứt trong mối quan hệ gia đình, gây những tổn thương không dễ hàn gắn.

Bảo Khánh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI