Kết nối qua Không gian văn hóa Hồ Chí Minh
15g một ngày giữa tháng Năm, tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh của Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú), những bài thơ của Bác Hồ được gần 90 học sinh lớp Mười ngâm vang đầy tự hào. Cả học sinh và giáo viên chìm trong sự lắng đọng của những ký ức, câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đây chính là buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Đọc sách chào mừng kỷ niệm 135 năm ngày sinh của Bác.
 |
Học sinh lớp Mười Trường THPT Tây Thạnh tìm hiểu về thơ văn, cuộc đời của Bác tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh - Ảnh: Trang Thư |
Hoạt động từ đầu năm 2023, không gian là một phần của thư viện trường, rộng chừng 100m2 với những nội dung, hình ảnh và sách hay về cuộc đời Bác. Nguyễn Như Tâm - học sinh lớp Mười C17 - bộc bạch: “Ở đây, em như được chạm vào những sự kiện mà mình chỉ được biết qua sách vở. Càng tìm hiểu, em càng thấy mình thiếu sót nên luôn chủ động đọc thêm sách về Bác”.
Cô giáo Võ Thị Mộng Điệp - phụ trách không gian - cho biết: “Căn phòng này gần như luôn có học sinh. Thầy cô các môn ngữ văn, lịch sử, địa lý, giáo dục địa phương thường cho học sinh học ở đây để dễ tiếp thu kiến thức. Học sinh cũng đến đây tổ chức hoạt động đọc sách, kể chuyện Bác Hồ hoặc nghiên cứu về Bác. Bước vào nơi này, các em như tự thẩm thấu từng giá trị tư tưởng mà không cần giải thích gì nhiều”.
Vừa khánh thành được hơn nửa năm, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh mở rộng tại Trường tiểu học Đặng Trần Côn (quận 4) đã trở thành nơi đọc sách quen thuộc của học sinh. Không gian là những bức tranh sống động được vẽ trên tường bao quanh sân trường, từ làng Sen nơi Bác được sinh ra đến bến Nhà Rồng nơi Người ra đi tìm đường cứu nước; căn cứ địa cách mạng hang Pác Bó Cao Bằng; Quảng trường Ba Đình lịch sử nơi Bác đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; cuối cùng là lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tại mỗi “địa điểm” đều có tủ sách riêng để học sinh tìm hiểu, học tập. Kim Ngân - học sinh lớp Năm 1 - chia sẻ: “Em gần như thuộc hết tất cả nội dung này vì ngày nào cũng cùng các bạn đọc đi đọc lại. Nhưng em vẫn đang đọc thêm sách về hành trình đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ, để khi có người đến trường tham quan, em sẽ giới thiệu thật hay”.
Ông Dương Trí Dũng - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - thông tin, hiện 100% trường học ở TPHCM, từ bậc mầm non đến THPT đều có Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Tùy theo từng trường có thể xây dựng phòng trưng bày hoặc làm không gian mở tại sảnh, hành lang, sân trường. Học sinh có thể đến đọc sách, sinh hoạt đội nhóm. Phụ huynh khi đón con cũng được tiếp cận thông tin và có mã QR code để tra cứu.
Ông nói thêm: “Sở GD-ĐT khuyến khích các trường xây dựng không gian gắn với việc giảng dạy và học tập. Tư tưởng Hồ Chí Minh không bó hẹp trong không gian 3 chiều mà phải vào sâu công tác quản lý nhà trường, sinh hoạt của giáo viên và sự phát triển toàn diện của học sinh. Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội cũng phải được kết nối qua việc vận dụng không gian này”.
Thay đổi nhận thức học sinh
Nâng cao văn hóa học đường Việc thực hiện Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thông qua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã góp phần thực hiện văn hóa học đường, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng thành phố. Trong thời gian tới, sở đề nghị các trường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đăng tải thông tin trên cổng thông tin điện tử của ngành và đơn vị nhằm duy trì cả không gian văn hóa vật thể và phi vật thể. Đồng thời, tiếp tục sử dụng hợp lý, khai thác hiệu quả phòng, góc không gian làm nơi giảng dạy, học tập đối với các môn: lịch sử, ngữ văn, giáo dục địa phương, giáo dục công dân, sinh hoạt, trải nghiệm nhằm hình thành không gian mở để mọi người cùng tìm hiểu thêm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM |
Tại Trường THCS Nguyễn Hiền (quận 12), Không gian văn hóa Hồ Chí Minh vừa nằm trong thư viện, vừa nằm ngoài sân trường. Nhiều học sinh ban đầu đến với không gian chỉ để tránh nắng, nhưng đập vào mắt là những thông tin và câu hỏi gợi mở về cuộc đời của Bác. Tò mò, các em tìm sách đọc hoặc hỏi thầy cô câu chuyện tiếp diễn.
Mỹ An - học sinh lớp Chín - kể: “Khi tìm hiểu về cuộc đời Bác, nhất là hành trình tự học trong bối cảnh chiến tranh gian nan, em mới thấy những khó khăn của bản thân không là gì. Cuộc đời Bác chính là động lực lớn nhất để em theo đuổi lĩnh vực khoa học xã hội sau này”.
Tương tự, tại Trường THPT Tây Thạnh, sau hơn 2 năm xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, Phó hiệu trưởng nhà trường Phạm Văn Cường nói: “Đã nhìn thấy rõ sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của học trò. Các em có tinh thần đoàn kết và biết kiềm chế cảm xúc tiêu cực.
Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, trường học tăng cường dạy tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh càng sớm thì học sinh càng tiếp thu được nhiều. Đây chính là những liều vắc xin cực mạnh, tạo sức đề kháng để các em giữ vững lập trường trước nhiều luồng tư tưởng, cố gắng xây dựng quê hương, đất nước mình…”.
 |
Học sinh Trường tiểu học Đặng Trần Côn (quận 4) đọc sách tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở sân trường - Ảnh: Trang Thư |
Còn Không gian văn hóa Hồ Chí Minh mở rộng tại Trường THPT Dương Văn Thì (TP Thủ Đức) được đặt tại lầu 1, và luôn được học sinh chăm chút mỗi ngày. “Bước đầu, học sinh đã tự ý thức giữ gìn không gian sạch đẹp.
Các em cũng biết cách đối xử chan hòa với bạn bè, sống có trách nhiệm với cha mẹ, cộng đồng. Học sinh còn chủ động tham gia nhiều hoạt động tình nguyện của địa phương như Chủ nhật xanh hay giúp đỡ người dân khó khăn. Đây là dấu hiệu rất đáng mừng” - bà Nguyễn Thị Hà - Phó hiệu trưởng nhà trường - nhìn nhận.
Đối với học sinh bậc tiểu học, qua những câu chuyện, bài học thật đơn giản, các em đã biết cách cư xử và làm điều tốt. Bà Phạm Thúy Hà - Hiệu trưởng Trường tiểu học Đặng Trần Côn - cho hay, ở lứa tuổi tiểu học, nếu nói phải học tập theo tư tưởng, đạo đức của Bác thì các em không thể nào hiểu được. Thay vào đó, sau mỗi câu chuyện, giáo viên sẽ hỏi học sinh đây là điều thứ mấy trong 5 điều Bác Hồ dạy. Hoặc thay vì tuyên dương học sinh đã nhặt rác bỏ vào thùng, thầy cô sẽ khen em biết làm theo điều 4 mà Bác dạy.
“Trường dạy học sinh biết cư xử và làm việc tốt qua những việc rất nhỏ. Điều này cũng góp phần xây dựng trường học hạnh phúc” - bà nói.
Bà Nguyễn Thị Hà cũng nói thêm rằng, thực sự Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã gắn liền với trường học hạnh phúc. Vì chỉ khi bản thân học sinh tự nguyện thay đổi tư tưởng, biến thành hành động mà không có bất cứ nội quy, mô hình nào can thiệp, các em mới thật sự hạnh phúc khi đến trường.
Nền tảng xây dựng trường học an toàn, hạnh phúc Trong những năm qua, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã giúp học sinh hiểu sâu về công lao to lớn và những phẩm chất đạo đức cao đẹp của Người. Từ đó, các em cũng có sự thay đổi trong nhận thức, luôn lễ phép, kính trọng thầy cô, cha mẹ và những người xung quanh. Các hành vi ứng xử trong lớp học, ngoài sân trường và cả nơi công cộng đều văn minh, lịch sự hơn. Các em cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ tài sản của nhà trường và tích cực tham gia các hoạt động xây dựng trường lớp xanh - sạch - đẹp. Đồng thời, không gian này cũng tạo dựng môi trường văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, giúp học sinh thấm nhuần những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp. Các hoạt động ở đây cũng giúp thầy và trò thêm gần gũi, tạo nên một môi trường ấm áp và thân thiện. Một trường học xây dựng được môi trường giáo dục giàu giá trị văn hóa, học sinh được tôn trọng, yêu thương và phát triển toàn diện chính là nền tảng cho sự an toàn, thân thiện và hạnh phúc của mỗi học sinh khi đến trường. Ông Đinh Văn Trịnh - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Hiền |
Trang Thư