Mắc kẹt giữa cuộc ly hôn

02/07/2023 - 22:16

PNO - Biết tỉnh táo chấp nhận thua thì sẽ không thua cháy túi, biết chấp nhận mất ít thì sẽ không mất nhiều, biết chấp nhận mất nhiều thì sẽ không mất hết.

Kính gửi chị Hạnh Dung, 

Em đang mắc kẹt trong cuộc ly hôn tưởng đã xong mà rồi lại kéo dài không cách nào xong.

Cưới nhau 3 năm thì chồng em đã có người tình hơn 1 năm. Từ khi phát hiện ra chuyện mèo mỡ của chồng, em gần như bị trầm cảm nặng. Tình cảm yêu thương trong lòng em đã tắt lụi, cuộc sống không còn chút niềm vui.

Lúc đó, vợ chồng em đang ở chung nhà với gia đình chồng nên má chồng em cứ ép, nói em sinh con thì mới giữ chân chồng được. Nhưng thực sự suốt thời gian em mang bầu và sinh con, chồng em tiếp tục phản bội.

Sau khi sinh con, em dứt khoát ly hôn. Em đưa đơn ly hôn lần đầu, chồng em không chịu ký. Lần thứ hai, gia đình chồng nói nếu em đồng ý phân chia tài sản xong thì sẽ ly hôn.

Tài sản lớn nhất chỉ có căn nhà đang ở, do ba má chồng sang tên cho, sau đó vợ chồng em bỏ tiền vô sửa chữa. Số tiền sửa chữa khá lớn. Gia đình chồng nói nếu em chịu ký sang tên nhà lại cho ba má thì sẽ trả lại em toàn bộ số tiền đó, coi như mỗi bên đều có quyền lợi. Em đồng ý vì nhà vốn cũng không phải của mình.

Nhưng sự thật là sau khi làm giấy tờ, căn nhà thuộc chủ quyền của ba má, người ta không hề trả lại khoản tiền đã hứa. Chồng em tỉnh bơ: muốn ly hôn đưa đơn đây ký liền. Em cảm thấy mình hết sức ngu dại nên bị lừa.

Bây giờ nếu ly hôn, em ra đi 2 bàn tay trắng, tiền đâu mà nuôi con. Với kiểu gài bẫy lừa người kia làm sao chắc chồng em sẽ trả tiền chu cấp nuôi con. Chồng em cưng con, ba má chồng thương cháu nội nên thuyết phục em nghĩ lại nhưng em không còn chút tình cảm nào với chồng. Anh ta cũng không chấm dứt với bồ, ngang nhiên đi chơi chụp hình chung. Em loay hoay mấy tháng nay mà không biết làm sao.

Khánh Ngọc (TPHCM)

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Em Khánh Ngọc thân mến, 

Chủ ý của em từ đầu đã là không tiếp tục sống chung nữa, ly hôn để thoát khỏi kẻ phản bội đó. Tình cảm của em với chồng đã cạn, không còn gì. Vậy cũng chẳng có lý do gì để dằng dai níu kéo.

Hiện tại, em có 2 khó khăn: khoản tiền người ta đã hứa mà không trả và thứ hai là nỗi lo về việc làm sao nuôi con một mình. Em nên tìm giải pháp cho 2 chuyện đó, chứ không phải băn khoăn chuyện có ly hôn hay không. 

Với việc thỏa thuận sang tên nhà, trả lại tiền, lẽ ra trước khi tiến hành sang tên, em nên viết rõ thỏa thuận này thành văn bản. Nếu chỉ nói miệng, sau khi được việc, người ta dễ thay lời.

Thôi thì coi như là một bài học kinh nghiệm. Đời còn dài, mình nhớ bài học ấy để phòng thân. Bây giờ chuyện đã lỡ rồi, em chọn lúc nào thuận lợi, nói chuyện thẳng thắn với ba má chồng về thỏa thuận đó. Nếu bây giờ ông bà chưa có tiền để đưa cho em, 2 bên lập giấy nợ cũng được, có công chứng hẳn hoi, coi như em tạm gửi lại ở nhà chồng khoản tiền này, mai kia họ có tiền thì trả.

Người lớn ít nhiều gì đã nói thì phải giữ lời. Nếu người ta phủ nhận hết, có lẽ mình cũng đành chịu. Không thể vừa bị mắc kẹt trong cái bẫy đó vừa hy vọng thoát ra cùng với tiền bạc riêng của mình. Sinh vật nào mắc bẫy cũng vùng vẫy thoát thân trước đã. Tự do đổi bằng một khoản tiền chừng đó, giờ em thấy nó to tát nhưng mai này nhìn lại, em sẽ thấy cũng không phải là nhiều.

Về chuyện nuôi con, em nên xác định mình sẽ vất vả khi nuôi con một mình. Bản án của tòa sẽ buộc chồng em phải trả tiền cấp dưỡng nhưng em không thể trông cậy hoàn toàn vào nó. Hãy làm việc, chuẩn bị tâm thế, nhờ cậy sự giúp đỡ của ba má, anh em, bạn bè… để có thể mạnh mẽ quyết định tìm lấy tự do.

Em đang có một khoảng thời gian để sắp xếp mọi chuyện, hãy bình tĩnh thu xếp. Biết tỉnh táo chấp nhận thua thì sẽ không thua cháy túi, biết chấp nhận mất ít thì sẽ không mất nhiều, biết chấp nhận mất nhiều thì sẽ không mất hết. Chúc em giữ được những gì đang có. 

Hạnh Dung

NẾU TÔI LÀ NGƯỜI TRONG CUỘC

Minh Hòa (Quảng Ngãi): Đừng giam hãm mình quá lâu! 

Không lẽ tôi lại nói bạn khờ khạo quá khi cứ trông chờ vào những điều rất mơ hồ. Bạn có nghĩ sẽ không đòi được số tiền đó? Nếu đủ ân tình, người ta đã không mang chuyện ly hôn ra làm điều kiện buộc bạn sang tên nhà.

Theo luật, nếu bạn chứng minh được bạn có bỏ tiền ra để sửa chữa hay xây nhà thì nhà này có phần của bạn. Dù sao cũng nên làm cho ra lẽ. Một lần rõ ràng thì mới đỡ ấm ức. Nợ nần là một việc cần lời hứa chắc chắn và thời hạn rõ ràng. Trong khi đó, bạn còn phải nuôi con.

Về việc nuôi con, bạn đừng sợ. Tôi cũng là mẹ đơn thân. Thời gian đầu, tôi vẫy vùng và sợ hãi đủ thứ nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Bạn đừng giam hãm mình quá lâu. Hãy tự tin bước ra!

Trần Hòa (quận Phú Nhuận, TPHCM): Hãy yêu cầu sự rõ ràng!

Chia sẻ cùng bạn câu chuyện gia đình. Chuyện đã như vậy rồi, bạn phải giải quyết cho xong. Trước tiên, quan trọng nhất là chính bạn. Bạn phải ổn, phải vui, phải bình an để nuôi con và bước tiếp. Nếu tin rằng không thể tiếp tục cuộc hôn nhân này nữa, bạn hãy mạnh dạn bước ra.

“Làm sao để nuôi con một mình?” là câu hỏi lớn nhất của tất cả bà mẹ khi đứng trước sự tan vỡ hôn nhân. Chúng ta cứ lo sợ đủ điều nhưng rồi cũng không sao hết, sự tan vỡ nào mà không chông chênh.

Trước tiên là ly hôn ổn định cuộc sống và nuôi con. Nếu có thể, hãy kêu gọi sự trợ giúp từ gia đình, bạn bè để đỡ khó khăn giai đoạn đầu. Tiếp theo là tìm cách đòi được nợ. Lương tâm quyết định việc này chứ không phải là câu chuyện pháp luật nữa. Bạn cứ quyết liệt đòi và yêu cầu sự rõ ràng trước khi ra đi.

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI