Lý Sơn sẽ có sân bay và trung tâm du lịch nghỉ dưỡng quốc tế

01/03/2023 - 10:59

PNO - Ngày 28/2, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045.

 

Một góc đảo Lý Sơn
Đảo Lý Sơn được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 

Theo đó, Khu kinh tế Dung Quất có quy mô diện tích khoảng 45.332ha, trong đó phần diện tích đất liền khoảng 33.581ha, đảo Lý Sơn 1.492ha (gồm hiện trạng phần đảo nổi 1.039,85ha và không gian phát triển mới) và diện tích mặt nước (vùng biển) khoảng 10.711,15ha.

Phạm vi bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của các xã: Bình Đông, Bình Thạnh, Bình Chánh, Bình Thuận, Bình Trị, Bình Hải, Bình Phước, Bình Châu, Bình Hòa, Bình Tân Phú, Bình Thanh, Bình Dương, thị trấn Châu Ổ, và một phần diện tích các xã Bình Long, Bình Nguyên, Bình Hiệp, Bình Trung thuộc huyện Bình Sơn; toàn bộ diện tích tự nhiên của xã Tịnh Phong và một phần diện tích của xã Tịnh Thọ thuộc huyện Sơn Tịnh; toàn bộ diện tích tự nhiên xã Tịnh Hòa, xã Tịnh Kỳ thuộc thành phố Quảng Ngãi; toàn bộ diện tích huyện đảo Lý Sơn và mặt biển liền kề.

Tầm nhìn Khu kinh tế Dung Quất phát triển thành một trong những trung tâm kinh tế biển năng động, với nền kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực quan trọng của quốc gia; lấy cảnh quan đô thị biển làm sức hấp dẫn, lấy nền tảng cơ sở hạ tầng phát triển để đẩy mạnh kinh tế biển, hướng đến sự thịnh vượng.

Đây được xác định là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông lâm ngư nghiệp. Trong đó, trọng tâm là công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp hóa chất và công nghiệp nặng với các ngành chủ đạo: Luyện cán thép, đóng tàu biển và các ngành công nghiệp khác gắn với việc khai thác cảng nước sâu.

Đồng thời cũng là khu vực phát triển đô thị; trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia; trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; một trong các đầu mối giao thông vận tải, trao đổi hàng hóa và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Đến năm 2030, dân số Khu kinh tế Dung Quất khoảng 347.000 người, trong đó dân số đô thị là 295.000 người, nông thôn khoảng 52.000 người. Tỉ lệ đô thị hóa khoảng 85%. Tầm nhìn đến năm 2045, dân số Khu kinh tế Dung Quất khoảng 575.000 người, trong đó dân số đô thị là 546.000 người, nông thôn khoảng 29.000 người. Tỉ lệ đô thị hóa khoảng 95%.

Đến năm 2030, đất xây dựng các khu, cụm công nghiệp khoảng 4.403ha; đất xây dựng các khu dân dụng khoảng 7.183ha; đất xây dựng các khu du lịch, dịch vụ tập trung khoảng 1.433ha.

Toàn khu kinh tế được chia làm 5 phân khu chức năng chính để kiểm soát phát triển gồm: phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Bắc Dung Quất; phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Châu Ổ - Bình Long; phân khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ Nam Dung Quất; phân khu đô thị, dịch vụ Đông Nam Dung Quất; phân khu đô thị Lý Sơn.

Vùng cảnh quan đô thị biển đảo Lý Sơn sẽ được phát triển các khu đô thị dọc mặt tiền bờ biển phía Nam đảo Lớn theo hướng tiếp cận trực tiếp đường bờ biển, phát triển các khu sinh thái biển, các hoạt động vui chơi cao cấp và đặc sắc. Cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp và bảo tồn không gian phố cổ, hình thành các tuyến phố đi bộ, phố du lịch, phát triển các công trình hỗn hợp đa chức năng trên cơ sở sử dụng tiết kiệm quỹ đất trên đảo.

Đối với đảo Bé sẽ phát triển các khu dân cư mới theo hướng kết hợp ở và khai thác phục vụ du lịch. Định hướng phát triển thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế; khai thác và sử dụng bền vững không gian và tài nguyên biển phục vụ phát triển du lịch.

Giai đoạn 2036-2045 hướng tới thành lập thành phố Bình Sơn, thành phố Lý Sơn (huyện Lý Sơn) trực thuộc tỉnh Quảng Ngãi. 

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI