Ly hôn, con ở với cha có nguy cơ bị ngược đãi, phải làm sao?

02/12/2022 - 06:43

PNO - Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

 

nếu sau ly hôn con ở với cha mà cuộc sống không đảm bảo, có nguy cơ bị bạo hành thì mẹ có quyền làm đơn xin thay đổi người nuôi dưỡng
Nếu sau ly hôn con ở với cha mà cuộc sống không đảm bảo, có nguy cơ bị bạo hành thì mẹ có quyền làm đơn xin thay đổi người trực tiếp nuôi con

Hỏi: Câu chuyện người tình của cha hành hạ con riêng đến chết vừa được đưa ra xét xử làm tôi lo lắng cho tình cảnh của mình. Tôi và chồng đã ly hôn, con gái ở với cha. Chồng cũ của tôi hiện chưa có vợ khác nhưng anh ta có tính trăng hoa, quen nhiều phụ nữ và sống với họ như vợ chồng, nên tôi sợ con mình sẽ bị bạo hành, ngược đãi… Tôi muốn hỏi, nếu sau ly hôn con ở với cha mà cuộc sống không đảm bảo, có nguy cơ bị bạo hành thì tôi cần làm gì để bảo vệ?

Gia Hân (TP Thủ Đức)

Trả lời: Điều 81, 82 và 83 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định: 

“Sau khi ly hôn, cha, mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự…

Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”.

Như vậy, với trường hợp của chị, chị có quyền tới nhà của người cha để gặp, thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Qua đó, chị có quyền giám sát xem con mình sinh sống như thế nào, có bị người cha và người tình của anh ấy hay mẹ kế… đánh đập, ngược đãi hoặc bạo hành gì không. Tuy nhiên, việc tìm kiếm hay thu thập chứng cứ về lĩnh vực này nhiều khi rất khó thực hiện, vì trẻ đang sống phụ thuộc, có khi chưa tự vệ được và đâu phải lúc nào chị cũng kề cận với con hoặc được gặp con một cách thường xuyên.

Trong trường hợp nhận thấy người cha không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; người cha có chung sống như vợ chồng với người phụ nữ khác và con mình có dấu hiệu hoặc nguy cơ bị bạo hành, ngược đãi… thì chị có quyền làm đơn xin thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
Nếu có lý do chính đáng và căn cứ để chấp nhận thì tòa án sẽ quyết định thay đổi người nuôi con theo hướng giao con cho chị trực tiếp nuôi dưỡng. Trong trường hợp con từ đủ 7 tuổi trở lên, thì tòa án phải xem xét đến nguyện vọng của con.

 Luật sư Huỳnh Minh Vũ 
(Đoàn Luật sư TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI