Lương thực, thực phẩm miền Nam đang dư thừa quá nhiều

23/08/2021 - 19:17

PNO - Báo cáo mới nhất từ Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN&PTNT cho thấy, nguồn gạo, rau củ, trái cây, thịt, thủy sản... đều dư thừa với số lượng lớn.

Báo cáo được Tổ Công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn gửi Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về tình hình cung ứng thực phẩm cho TPHCM và Bình Dương trong thời gian phong toả.

Theo Tổ công tác này, tổng sản lượng lúa hè thu đạt 8,6 triệu tấn, ngoài cung ứng cho các tỉnh thành Nam bộ vẫn còn thừa khoảng 3 triệu tấn gạo từ nay đến cuối năm.

Tương tự, nguồn rau cung ứng cho vùng Đông Nam bộ 158.000, tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn còn dư gần 1,5 tiệu tấn rau củ các loại. Mặt hàng trái cây cũng có gần 400.000 tấn cần được tiêu thụ trong tháng 9 và gần 1.300 triệu tấn cần tiêu thụ đến tháng 12/2021.

Trứng, thịt, thuỷ sản, nông sản... đều đang dư thừa số lượng lớn
Trứng, thịt, thuỷ sản, nông sản... đều đang dư thừa số lượng lớn

Nguồn gia súc gia cầm cũng rất dồi dào so với nhu cầu thị trường, đặc biệt với thị trường tiêu thụ chính là TPHCM. Hiện nay trung bình một ngày chỉ tiêu thụ khoảng 6.300 con trong khi heo đến kỳ xuất chuồng là 10.000 con, với gà tỷ lệ này là 190.000/230.000 con/ngày. Do hàng loạt các cơ sở giết mổ tại Đông Nam bộ và Tây Nam bộ đóng cửa vì có người mắc COVID-19.

Dư thừa nguồn cung dẫn đến giá thịt gia súc, gia cầm liên tục giảm. Giá heo hơi chỉ còn 50.000–54.000 đồng/kg (giảm 15,2-15,9% so tháng trước), thịt gà công nghiệp phổ biến thấp dưới 10.000 đồng/kg, thịt gà lông màu nuôi ngắn ngày khoảng 25.000-28.000 đ/kg (giảm 19,1-19,2%).

Với việc giảm mạnh cầu do giãn cách xã hội, thị trường sẽ tiếp tục khó khăn cho các sản phẩm chăn nuôi lợn và gia cầm trong 1-2 tháng tới. Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi vẫn duy trì ở mức cao càng làm cho người chăn nuôi khó khăn.

Có thể thấy chỉ khi các địa phương, đặc biệt là thành phố lớn kiểm soát được COVID-19, việc thông thương thuận lợi hơn thì giá sản phẩm chăn nuôi (đặc biệt là gia cầm) mới hồi phục trở lại.

Nhóm hàng thuỷ sản cũng giảm giá mạnh do khó tiêu thụ, giá cá tra suốt thời gian qua chỉ còn khoảng 21.000đ/kg, giá tôm cũng giảm mạnh. Hàng trăm doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu khu vực Nam Bộ tạm dừng sản xuất. 

Tổ Công tác 970 đề xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh thành phía Nam nên tạo điều kiện để người dân thu hoạch, xuống giống theo lịch thời vụ; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thu mua, vận chuyển, chế biến. Tăng cường vai trò của các hợp tác xã, kết nối cung cầu tất cả các mặt hàng nông sản chủ lực, thành lập các nhóm thu mua theo ngành tại địa phương để tiếp cận nguồn cung nông sản. Đồng thời địa phương nên triển khai kế hoạch sản xuất nông nghiệp trong tình hình hiện nay có tính toán đến thời gian bình thường mới, tăng cường mở rộng diện tích theo tiêu chuẩn an toàn, VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn thu mua tiêu dùng...

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI