Luật tiếng Việt: Cần thiết nhưng thận trọng

28/06/2020 - 18:47

PNO - Những ngày qua, vụ thu hồi cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt (tác giả: phó giáo sư - tiến sĩ Hà Quang Năng (chủ biên) và thạc sĩ Hà Thị Quế Hương, nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội) đã gây xôn xao giới học thuật.

Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc cần thiết phải xây dựng Luật Tiếng Việt. Trước mắt, đây chỉ là đề xuất, con đường xây dựng một bộ luật từ khi bắt đầu khởi thảo đến lúc hoàn thành là một bước dài. 

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hồng Cổn - Chủ nhiệm bộ môn  Lý luận ngôn ngữ, Khoa Ngôn ngữ học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội:  “Không chỉ giải quyết  vấn đề chính tả, Luật Tiếng Việt còn hữu ích trong những vấn đề khác” Tôi cho rằng các sai sót cụ thể (ví dụ các lỗi viết sai âm tiết, lỗi viết hoa... tràn lan trên báo chí hoặc nhiều loại văn bản, bảng biểu) nguyên nhân chủ yếu là do người viết cẩu thả, chứ không phải do chưa có các quy định hay chưa có luật ngôn ngữ. Trong thực tế, với chuẩn chính tả của chữ quốc ngữ được giảng dạy trong nhà trường hiện nay, thể hiện qua sách giáo khoa các cấp, qua các loại từ điển được các cơ quan và các nhà khoa học có uy tín biên soạn và thẩm định, qua các văn bản quy định do các cơ quan nhà nước khác nhau ban hành, nếu người viết cẩn thận tra cứu, hoàn toàn có thể hạn chế, thậm chí loại bỏ được hoàn toàn các lỗi này. Nhưng nói như vậy, không có nghĩa là không cần đến luật ngôn ngữ hay luật tiếng Việt. Theo tôi, luật này là cần thiết, không phải chỉ để giải quyết vấn đề chuẩn chính tả của tiếng Việt, mà còn đề cập đến nhiều vấn đề khác như: vị thế của tiếng Việt và chữ quốc ngữ, mối quan hệ giữa tiếng Việt với ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, vấn đề sử dụng tiếng Việt và các ngôn ngữ khác trong xã hội (nhà trường, cơ quan nhà nước, báo chí truyền thông…), quyền lợi và nghĩa vụ về ngôn ngữ của công dân. Riêng với chính tả tiếng Việt, chắc chắn luật phải có những điều khoản quy định về chuẩn chính tả của chữ quốc ngữ, về quy tắc viết hoa, quy tắc sử dụng từ ngữ nước ngoài thống nhất được xây dựng trên cơ sở các quy định hiện nay, và các nghiên cứu cụ thể tiếp theo của các nhà chuyên môn. Việc “chế tài” các vi phạm này chỉ nên giới hạn trong các lĩnh vực công cộng như văn bản hành chính, báo chí xuất bản, quản lý nhà nước... và cũng chỉ áp dụng với các sai phạm nghiêm trọng, có hệ thống. Còn với cá nhân sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp hằng ngày hoặc trên mạng xã hội, nếu có sai sót thì không cần phải có các biện pháp “chế tài”, mà chỉ cần phê bình, nhắc nhở, trừ trường hợp đó là hành động cố ý phá hoại hoạt động giao tiếp, hoặc sản phẩm (ngôn ngữ và phi ngôn ngữ) của một cá nhân khác hoặc của xã hội. Tuy nhiên, cụ thể như thế nào thì phải nghiên cứu cẩn thận.    Các nhà làm luật phải tính toán để đưa nội dung nào vào luật, nội dung nào không, phải lấy ý kiến của các nhà chuyên môn và các tầng lớp nhân dân để đảm bảo quyền về ngôn ngữ của công dân ở các vùng miền, thậm chí là các dân tộc khác nhau. Chẳng hạn, đối với tiếng Việt, theo tôi, luật chỉ nên quy định chuẩn chính tả chứ không nên quy định chuẩn ngữ âm, vì chuẩn ngữ âm rất khó xác định và dễ dẫn đến kỳ thị vùng miền.

Báo Phụ Nữ TP.HCM ghi nhận những ý kiến chia sẻ của các chuyên gia trong lĩnh vực ngôn ngữ về vấn đề này. 

Phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Văn Tình - Tổng thư ký Hội ngôn ngữ học Việt Nam:“Cần làm ngay: Chuẩn hóa chính tả!”

Bản thân ngôn ngữ tự nhiên cũng có cái phức tạp, nhưng nhiều khi hoặc không để ý, hoặc là “lời nói gió bay” nên không quá trầm trọng. Song, chữ viết “giấy trắng mực đen” lại có những tiêu chuẩn khắt khe riêng. Vì thế, việc viết sai chính tả sẽ rầy rà, dẫn đến hiệu ứng tiêu cực. Chẳng hạn, ta sẽ không chấp nhận cách viết, như: chời chong chẻo (trời trong trẻo), da đi ô (radio, ra-đi-ô), diệu thuốc (rượu thuốc)...

Ðể hạn chế sự khác biệt và để cho việc giao tiếp (cả bằng chữ viết và lời nói) không bị cản trở, một trong những công việc phải làm là thực hiện tốt việc chuẩn hóa chính tả. Về cơ bản, chính tả tiếng Việt hiện nay không có vấn đề gì quá nghiêm trọng. Nhưng đây đó vẫn đang tồn tại nhiều cách viết tùy tiện, không có sự cân nhắc trong lựa chọn. Bởi cốt lõi của chuẩn ngôn ngữ chính là sự lựa chọn trong những biến thể đang tồn tại để chọn một biến thể hợp lý nhất.

Các nhà soạn từ điển làm ngữ liệu, dĩ nhiên phải thống kê mọi trường hợp đang sử dụng trong cộng đồng. Nhưng dứt khoát phải xem xét và loại bỏ không thương tiếc những biến thể chắc chắn là sai, cá biệt, không phổ biến. Vấn đề này không khó, nếu nắm được các nguyên tắc cơ bản của chính tả tiếng Việt.

Thực hiện tốt công cuộc chuẩn chính tả, chính là chúng ta hướng tới một tiếng Việt văn hóa. Vì vậy, xây dựng và xuất bản những cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt chuẩn mực là điều vô cùng cần thiết hiện nay.

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Hồng Cổn - Chủ nhiệm bộ môn Lý luận ngôn ngữ, Khoa Ngôn ngữ học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội:  “Không chỉ giải quyết vấn đề chính tả, Luật Tiếng Việt còn hữu ích trong những vấn đề khác”

Tôi cho rằng các sai sót cụ thể (ví dụ các lỗi viết sai âm tiết, lỗi viết hoa... tràn lan trên báo chí hoặc nhiều loại văn bản, bảng biểu) nguyên nhân chủ yếu là do người viết cẩu thả, chứ không phải do chưa có các quy định hay chưa có luật ngôn ngữ.

Trong thực tế, với chuẩn chính tả của chữ quốc ngữ được giảng dạy trong nhà trường hiện nay, thể hiện qua sách giáo khoa các cấp, qua các loại từ điển được các cơ quan và các nhà khoa học có uy tín biên soạn và thẩm định, qua các văn bản quy định do các cơ quan nhà nước khác nhau ban hành, nếu người viết cẩn thận tra cứu, hoàn toàn có thể hạn chế, thậm chí loại bỏ được hoàn toàn các lỗi này.

Nhưng nói như vậy, không có nghĩa là không cần đến luật ngôn ngữ hay luật tiếng Việt. Theo tôi, luật này là cần thiết, không phải chỉ để giải quyết vấn đề chuẩn chính tả của tiếng Việt, mà còn đề cập đến nhiều vấn đề khác như: vị thế của tiếng Việt và chữ quốc ngữ, mối quan hệ giữa tiếng Việt với ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, vấn đề sử dụng tiếng Việt và các ngôn ngữ khác trong xã hội (nhà trường, cơ quan nhà nước, báo chí truyền thông…), quyền lợi và nghĩa vụ về ngôn ngữ của công dân.

Riêng với chính tả tiếng Việt, chắc chắn luật phải có những điều khoản quy định về chuẩn chính tả của chữ quốc ngữ, về quy tắc viết hoa, quy tắc sử dụng từ ngữ nước ngoài thống nhất được xây dựng trên cơ sở các quy định hiện nay, và các nghiên cứu cụ thể tiếp theo của các nhà chuyên môn.

Việc “chế tài” các vi phạm này chỉ nên giới hạn trong các lĩnh vực công cộng như văn bản hành chính, báo chí xuất bản, quản lý nhà nước... và cũng chỉ áp dụng với các sai phạm nghiêm trọng, có hệ thống. Còn với cá nhân sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp hằng ngày hoặc trên mạng xã hội, nếu có sai sót thì không cần phải có các biện pháp “chế tài”, mà chỉ cần phê bình, nhắc nhở, trừ trường hợp đó là hành động cố ý phá hoại hoạt động giao tiếp, hoặc sản phẩm (ngôn ngữ và phi ngôn ngữ) của một cá nhân khác hoặc của xã hội. Tuy nhiên, cụ thể như thế nào thì phải nghiên cứu cẩn thận.

Các nhà làm luật phải tính toán để đưa nội dung nào vào luật, nội dung nào không, phải lấy ý kiến của các nhà chuyên môn và các tầng lớp nhân dân để đảm bảo quyền về ngôn ngữ của công dân ở các vùng miền, thậm chí là các dân tộc khác nhau. Chẳng hạn, đối với tiếng Việt, theo tôi, luật chỉ nên quy định chuẩn chính tả chứ không nên quy định chuẩn ngữ âm, vì chuẩn ngữ âm rất khó xác định và dễ dẫn đến kỳ thị vùng miền. 

Tiến sĩ ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ - Ban Văn học nghệ thuật, Đài Tiếng nói Việt Nam: “Cần luật hóa nhưng phải thận trọng”

Những ngày qua, vụ việc gây xôn xao khởi nguồn từ một quyển sách, nhưng tôi cho rằng từ đây, cần phải quan tâm nhiều hơn đến vấn đề chính tả, ngôn ngữ tiếng Việt. Luật về ngôn ngữ cũng khẳng định vị thế của ngôn ngữ một quốc gia, xác định ngôn ngữ nào là chính thức.

Theo tôi là rất cần thiết phải có Luật tiếng Việt để áp dụng điều chỉnh trên phạm vi toàn xã hội, nhất là những không gian công cộng cần phải chặt chẽ, mở rộng sang cả lĩnh vực giáo dục, xuất bản… Những khu vực cần sự điều chỉnh hơn cả là vấn đề viết đúng chính tả, vấn đề viết hoa, viết tên riêng, viết phiên âm… Cần có quy ước cụ thể, chặt chẽ về việc viết theo chuẩn ngôn ngữ thống nhất các loại văn bản từ trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên, ngôn ngữ có một quá trình phát triển tự nhiên, tự biến đổi và cũng tự đào thải, mọi sự can thiệp từ chính quyền đều không thể quá cực đoan. Năm 1960 đã có những hội thảo cải tiến chữ quốc ngữ, nhiều ý kiến có giá trị, nhưng khi đưa vào sử dụng lại không phù hợp với đời sống. Trong tiếng Việt, có nhiều cách nói không đúng với khoa học, nhưng mọi người dùng đã thành quen. Chẳng hạn theo khoa học phải gọi là “quả lạc”, nhưng chúng ta vẫn gọi là “củ lạc”. Cá sấu thực ra là một loài bò sát, nhưng người Việt vẫn quen gọi là cá sấu. Từ  “cứu cánh” có nghĩa nguyên bản là “mục đích cuối cùng”, nhưng hiện nay được dùng với ý nghĩa “giúp đỡ”, hoặc “giải pháp”.

Một từ ngữ, khái niệm khi người dân đã quen sử dụng thì từ sai cũng có thể thành đúng. Ngôn ngữ nhiều khi sai về mặt khoa học, nhưng lại đúng về mặt xã hội. Thế thì, khi xây dựng Luật tiếng Việt cần phải rất thận trọng. Từ việc xây dựng bộ luật cho đến khi đi vào thực tế vận hành, rất có thể phải là một quãng đường dài. 

Lục Diệp (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI