Long đong phận này

11/04/2020 - 06:00

PNO - Bán vé số - cái nghề bấp bênh lắm, nhưng biết phải làm sao khi đằng sau những xấp vé số là phận người trĩu nặng áo cơm, bệnh tật, học hành!

Từ 0g ngày 1/4 cả nước thực hiện cách ly xã hội để phòng chống đại dịch COVID-19. Cũng từ thời điểm này, xổ số kiến thiết tạm ngưng phát hành trong vòng 15 ngày. 

Hơn 10 năm ở Sài Gòn, chưa khi nào tôi chứng kiến cảnh đường phố vắng lặng mà lòng người lại chộn rộn như lúc này. Khắp Sài Gòn, rất nhiều phần nhu yếu phẩm (gạo, mì, dầu ăn, nước mắm) được bỏ tử tế vào bọc ni-lông và đặt bên ngoài các cửa tiệm với lời nhắn “Nếu khó khăn cứ lấy một phần, nếu bạn ổn xin nhường người khác”.

Chị bạn gọi điện thoại cho tôi bảo: ở P.Linh Đông, Q.Thủ Đức có một chủ shop gói 200 phần quà/ngày từ nay đến hết ngày 15/4. Bên P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân thì sáng nào các chị Hội Phụ nữ cũng bày tủ bánh mì và 100 suất cơm. Chị còn bảo, tôi là người hay đi, nếu gặp người bán vé số hoặc lao động nghèo thì chỉ đường cho họ tới nhận. 

Bà cụ 75 tuổi bán vé số ở Sài Gòn

Năm 2017, kênh truyền hình Channel News Asia làm một phóng sự về những người già mưu sinh trên đường phố, trong đó có 38 người đi bán vé số ở cùng quê, một số bị khuyết tật, sống chen chúc trong xóm lao động nghèo giữa Sài Gòn. Căn nhà họ ở chật chội đến nỗi phải thay phiên nhau ngủ trên sàn. Mỗi tờ vé số lời 1.000 đồng, trừ tiền ăn và các khoản phí khác, mỗi người có thể tiết kiệm được 1,5 triệu đồng trong vòng ba tháng. Đó là chưa kể đến các nguy cơ bị trộm cắp, ốm đau hay tai nạn cướp mất số tiền còm cõi ấy. 

Nhưng đâu chỉ bà con từ các tỉnh khác tới, ngay trong lòng Sài Gòn không quá khó để gặp một cảnh đời sấp ngửa, nổi trôi theo tấm vé số. Có một bà mẹ ở Q.12, ngày nào cũng đón xe buýt từ bến xe An Sương vào trung tâm thành phố bán vé số trong tâm trạng thắc thỏm, bởi ở nhà có anh con trai 36 tuổi, sau hai lần bị tai nạn giao thông, nay lẩn thẩn như đứa trẻ. Năm 2010, sau khi bị tai nạn lần đầu, anh liệt nửa người, mù một mắt, mất thính lực một tai, nằm một chỗ. Hơn một năm tích cực tập vật lý trị liệu, anh ngồi dậy được, liền đòi đi bán vé số kiếm tiền giúp mẹ. Vậy là hằng ngày, mẹ cuốc bộ, con lắc xe, mỗi người mỗi ngả…

Trừ những lần bị người ta giật mất vé số hoặc tiền, còn lại tối nào về anh cũng đưa cho mẹ 100.000 đồng. Đến năm 2016, trên đường mưu sinh, anh bị tai nạn lần thứ hai. Người gây tai nạn than nghèo, kể khổ, gửi một triệu đồng tiền thuốc rồi…biến mất. Thế là mẹ chỉ biết ôm con mà nuốt nước mắt. 

Nhiều năm về trước, tôi từng đi bán vé số để tìm hiểu đời sống của những người bán vé số. Có lúc tôi đã quên rằng mình đang “nhập vai” nên đã bật khóc vì tủi thân, vì bị xua đuổi, xúc phạm. Cái nghề bấp bênh lắm nhưng biết phải làm sao khi đằng sau những xấp vé số là phận người trĩu nặng áo cơm, bệnh tật, học hành! 

 Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI