Lời thủ thỉ dịu dàng từ trái tim đàn bà

27/04/2021 - 18:58

PNO - Thuở xa xưa chắc hẳn thượng đế đã dùng lòng thương làm chất liệu quyết định sự tồn tại của người đàn bà. Có bao giờ lòng thương rời bỏ họ?

Cầm trên tay quyển sách mỏng, tôi dừng lại rất lâu ở nhan đề Viết tặng anh từ gian bếp này của tác giả Nguyễn Hương Duyên. Không hiểu sao ý nghĩ rằng cuốn sách này chắc “nặng” lắm cứ chờn vờn trong đầu không dứt ra được. Bởi lẽ có cái gì nặng cho bằng tâm tư của những người đàn bà từ gian bếp gia đình? Cái trĩu nặng của thương yêu, chịu đựng, của trách nhiệm, kể cả những yếu đuối thường tình.

12 truyện ngắn trong tập truyện của Nguyễn Hương Duyên đều đứng về phía phụ nữ để lý giải, để hiểu, để trân trọng. Tất cả được thể hiện bằng một giọng văn nữ tính, nhẹ nhàng, không nhiều kịch tính, không nhiều tình tiết ám ảnh. Thể như những dòng nhật ký, tập truyện là những ghi chép chỉ để cho mình, cho chính bạn bè mình - những người đàn bà ít nhiều trải nghiệm.  

Trong tập truyện này, truyện ngắn tôi thích nhất chính là Viết cho anh từ căn bếp này. Không phải vì cốt truyện mới, cũng không hẳn vì văn phong quá độc đáo mà chính vì việc tác giả đã đưa tôi băng qua nhiều cung bậc cảm xúc. Người đàn bà lặng lẽ nhìn ngắm chồng từ gian bếp, giằng xé từ trong bếp, tràn ra thành những lần cơm khê cá khét… để rồi thấp thỏm với nỗi lo: “Bao giờ anh bỏ mẹ con em?”.

Cứ ngỡ với những yêu thương ấy, dịu dàng ấy, chịu đựng ấy, người đàn bà sẽ không thể mạnh mẽ để dễ dàng chấp nhận một cuộc chia ly. Chị sẽ ở mãi trong gian bếp với nỗi đau không được yêu thương, nỗi đau có thể hóa thành thù hận, thành vết thương mỗi ngày nhức tấy mà đầu độc mình và đầu độc người. Thế rồi chị không cam tâm lừa dối cảm xúc của chính mình nữa, không tự đưa tay bịt mắt mình nữa: “Chiều nay, em ngồi trong căn bếp - nơi em hằng yêu thích đứng ngắm anh và các con. Nơi em phát hiện ra anh không còn là của riêng em nữa. (Mà thực đã bao giờ anh là của riêng em chưa nhỉ?). Nhà lầu xe hơi em trả hết cho anh. Em chỉ cầu xin một điều: hãy cho em nuôi hai đứa con. Bởi thiếu anh em có thể chịu được, còn thiếu một trong hai chúng nó, em không còn lẽ sống…”.

Những người đàn bà của Duyên đàn bà quá đỗi. Họ đàn bà trong những phút yếu lòng, trong những thèm khát yêu thương muôn thuở như một đặc trưng của giới loài. Tôi nghe thương đến mềm lòng người đàn bà đào xới rồi bám vào “mảnh ký ức mong manh” để đi qua những tàn lụi nặng nề của cuộc hôn nhân với người chồng ngày càng như người xa lạ. Để rồi khi yêu thương nào được khơi dậy hay nhóm lên, họ cũng sẽ chôn sâu trong đáy tim, chỉ có thể tạ lỗi với thương yêu, chỉ có thể “ngóng nhau ở cuối trời”.

Không dưng tôi nghĩ, thuở xa xưa chắc hẳn thượng đế đã dùng lòng thương làm chất liệu quyết định sự tồn tại của người đàn bà. Có bao giờ lòng thương rời bỏ họ? Thương người chồng sa cơ đơn độc, thương người chồng khát con, nhất là thương con vô bờ bến… Thương như chính “hơi thở của mình” vậy!

Thật tình tôi đã đọc thật chậm, thậm chí đọc đến hai lần. Cả tập truyện dẫu có buồn nhưng tuyệt nhiên không trở thành một sự ám ảnh. Đó là kiểu buồn trước những tàn phai, của trái tim giàu lòng trắc ẩn, rất đàn bà. Có chăng chút ám ảnh là ở Ngày mai của bé khi cô bé “ngất lịm đi, cổ tay đẫm máu” hay hình ảnh nặng nề của bệnh tật trong Dưới giàn hoa thơm ngát nhưng cảm xúc chủ đạo vẫn là thương cảm tràn khắp. Tôi thích những tập truyện như thế - dựa vào một sự yêu thương dịu dàng để phơi từng trang đời một cách giản dị lên trang sách.

Triệu Vẽ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI