Lo gói tín dụng 15.000 tỷ đồng không có chỗ tiêu vì thiếu nguồn cung nhà ở

16/04/2022 - 09:52

PNO - Đó là kiến nghị của các chuyên gia tại hội thảo “Tạo đà phục hồi thị trường bất động sản phía Nam” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức chiều 15/4.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận định, hai năm (2020-2021) nguồn cung bất động sản giảm mạnh, năm 2021 nguồn cung nhà ở giảm 34% so với năm 2020, năm 2020 số dự án mới đã giảm 50% so với năm 2019. Còn nhà ở xã hội gần như không có dự án nào được cấp phép mới, trong khi đây là phân khúc có nhu cầu cao nhất. 

“Còn giá bất động sản ngược chiều so với nguồn cung, liên tục tăng dù dịch bệnh nặng nề. Cuối 2021, giá nhà tăng 5-7%, nhà ở riêng lẻ tăng 15-20%, đất nền tăng 20-30%, có nơi tăng 50%. Hiện tượng này cần được bàn kỹ là nguyên nhân khách quan hay chủ quan, nguyên nhân làm tăng giá?” – ông Khởi đặt vấn đề.

Cũng theo ông Khởi, hiện nay chính sách có rất nhiều điểm ngẽn, một số cơ chế chính sách mặc dù Chính phủ, Quốc hội đã ban hành tháo gỡ nhưng vẫn nghẽn như thiếu nguồn cung nhà ở thu nhập thấp, cung thấp cầu cao. Còn giá bất động sản tăng một phần cũng do các thủ tục pháp lý chưa được tháo gỡ, có dự án 3-4 năm; nguồn tài chính chưa đa dạng, bền vững, khi tín dụng ngân hàng siết chặt, cổ phiếu, trái phiếu bị kiểm soát… 

“Hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế là cơ hội với thị trường bất động sản. Trong đó, 15.000 tỷ đồng hỗ trợ cho đối tượng thuê, mua nhà ở vay với lãi suất thấp nhưng bây giờ lấy đâu ra nguồn cung để cho người dân mua nhà ở xã hội. Tức là muốn giải ngân 15.000 tỷ đồng trên phải có nguồn cung nhà ở xã hội cho người dân, có cung mới tiêu được cầu. Như vậy, trong 2 năm liệu có tiêu hết 15.000 tỷ?" – ông Khởi chia sẻ. 

Ông Võ Hồng Thắng - Trưởng phòng R&D DKRA Việt Nam cho rằng, thị trường đang có sự lệch pha cung - cầu, thiếu trầm trọng nhà ở giá thấp, nhưng lại thừa nhà giá cao. Trong khi với thu nhập bình quân của đại bộ phận người dân hiện nay rất khó để có thể sở hữu nhà. Để thị trường phát triển bền vững, về quy hoạch đô thị, dự án phải gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội (lao động - việc làm - nhà ở - tiện ích xã hội),  đặc biệt là nhà ở vừa túi tiền, nhà ở lần đầu cho người có thu nhập trung bình. Xác định các đô thị vệ tinh có thể hỗ trợ, giải tỏa cho TPHCM đồng thời phát triển đô thị của các tỉnh thành lân cận.

Nguồn
Nguồn nhà ở ngày càng giảm, thủ tục pháp lý vẫn vướng mắc khiến người có thu nhập thấp ngày càng khó tiếp cận nhà ở

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Thế Anh - Giám đốc Kinh doanh Thắng Lợi Group cho rằng, thị trường bất động sản vẫn còn tồn tại tình trạng các dự án nhỏ lẻ, manh mún vẫn còn phát triển mạnh, không có kiểm soát gây nguy cơ vỡ quy hoạch, rối loạn thị trường, khó kết nối hạ tầng khi nhà nước triển khai… Đặc biệt, về loại hình sản phẩm cần đầu tư mạnh là mô hình nhà ở vừa túi tiền, đa dạng hoá các loại hình sản phẩm với nhiều phân khúc phù hợp nhu cầu khách hàng. Còn, về thủ tục pháp lý, doanh nghiệp mong muốn cơ quan chức năng phê duyệt pháp lý nhanh hơn. Đồng thời, thí điểm mô hình vừa cấp phép vừa làm dự án để tối ưu hoá chi phí cho doanh và khách hàng.

Ông Ngô Quang Phúc - Tổng giám đốc Phú Đông Group chia sẻ, doanh nghiệp rất muốn tăng cung, nhưng gặp nhiều khó khăn trong với vấn đề pháp lý. Các địa phương cần tạo quỹ đất để doanh nghiệp tham gia làm dự án, một khi tìm thấy cơ hội thì doanh nghiệp sẽ thực hiện ngay. 

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Mai Thanh Tùng - Phó trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng TPHCM) chia sẻ, tháng 12/2021, TPHCM ban hành quyết định kế hoạch phát triển nhà ở 2021-2025, chia ra các khu vực trung tâm hiện hữu, khu vực ngoại thành… Lãnh đạo thành phố cũng quan tâm đến các doanh nghiệp khi lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Sở Xây dựng TPHCM cũng thường xuyên kiểm tra giám sát các dự án nhà ở thương mại chậm triển khai, để có biện pháp xử lý, đảm bảo tiến độ dự án đã được phê duyệt. Đối với nhà ở xã hội, chung cư cũ, chúng tôi cũng đã có rà soát, tham mưu cho UBND TPHCM. Hiện Sở đã tham mưu cho thành phố 18 dự án, trong đó, gồm 6 dự án chung cư cũ, 2 dự án nhà lưu trú công nhân, 4 dự án nhà ở xã hội độc lập và 6 dự án nhà ở xã hội thuộc 20% quỹ đất trong dự án nhà ở thương mại.

Về thủ tục đầu tư, Sở Xây dựng TPHCM phối hợp với các sở, ngành sẽ rút ngắn xuống từ 150 ngày xuống 130 ngày nếu đạt yêu cầu, đảm bảo sẽ có 4 bước thực hiện. Đối với dự án liên quan đất công, thủ tục, trình tự cũng rất phức tạp, TPHCM sẽ rút ngắn thời gian xuống dưới 305 ngày. Khi rà soát xong sẽ mời gọi đầu tư, nếu có đất sạch, doanh nghiệp đề xuất thì cơ quan chức năng sẽ theo dõi, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Bích Trần

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI