Lén ăn uống trước khi mổ, bệnh nhân có thể tử vong

24/10/2019 - 06:30

PNO - Quy định thời gian nhịn ăn trước phẫu thuật là để đảm bảo an toàn cho người bệnh. Nhưng nhiều trường hợp đã “vượt rào” lén bác sĩ ăn uống, gây ra tình huống dở khóc dở cười, thậm chí nguy hiểm tính mạng ngay trên bàn mổ.

Tham miếng ăn, bỏ luôn ca mổ

11g30 ngày 18/10, bệnh nhân Đ.T.Q.H., 24 tuổi, được đẩy vào phòng mổ Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) chuẩn bị nội soi do có hai khối viêm dính ứ dịch vòi trứng to gây đau và không có thai. 

Len an uong truoc khi mo, benh nhan co the tu vong
Không tuân thủ thời gian nhịn ăn trước phẫu thuật có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân

Bác sĩ phẫu thuật dự kiến ca mổ sẽ gỡ dính ruột rất khó khăn. Trước khi tiêm thuốc mê để nội soi, bác sĩ hỏi: “Chị có uống thuốc súc ruột chiều qua không? Ăn uống lần gần đây nhất lúc mấy giờ?”. Chị H. trả lời rõ ràng: “Tôi có uống chai thuốc xổ đi ngoài và ăn cháo loãng lúc 18g hôm qua”.

Thấy bệnh nhân tuân thủ hướng dẫn, bác sĩ bắt đầu tiêm thuốc mê, chuẩn bị mổ. Ngay sau khi gây mê, bất ngờ chị H. đại tiện trên bàn mổ với khối lượng lớn phân nhão lỏng. Ca phẫu thuật buộc phải dời lại do phòng mổ đã bị nhiễm khuẩn.

Khi tỉnh lại, chị H. hối lỗi kể, lịch mổ hẹn 9g thì 6g chị thấy bụng đói. Một người đi nuôi bệnh mách nước: “Lần trước, tôi mổ cái chân, bác sĩ dặn ngưng ăn uống 6 giờ trước khi mổ, đói quá tôi ăn chén cháo lỏng có sao đâu. Chị nhịn ăn hơn 12 tiếng sao chịu nổi”. Mặt khác, chị H. thấy thuốc xổ khó uống nên nghĩ cố gắng uống nửa chai là được, miễn là có đi cầu ra; rồi ăn xúp lỏng vì cũng không còn nhiều đồ ăn trong ruột.

Thay vì báo bác sĩ mình thấy đói, trong lúc lưỡng lự, người nhà hối thúc: “Đói thì húp miếng xúp, nước không chứ có gì nặng bụng đâu mà lo”. Không kìm lòng, chị H. liền húp hết chén xúp cua. Hậu quả là xảy ra sự cố như trên, khiến chị phải dời lịch mổ sang tuần sau. 

Không may như chị H., chị N.T.Q.A. (42 tuổi) suýt tử vong trên bàn mổ cũng vì “tham thực cực thân” do không chờ được thời gian nhịn ăn trước phẫu thuật.

Chị A. được dự kiến mổ cắt tử cung vì có bướu to gây chèn ép bọng đái, nhưng trước khi mổ vài giờ, thấy người nhà bệnh nhân vào thăm bệnh mở hộp cháo lòng bốc mùi thơm, chị thèm nhưng còn phân vân. 

Một bệnh nhân nằm giường kế bên nói: “Tôi cũng từng mổ cấp cứu ở bụng mà có nhịn ăn đâu. Thèm thì ăn cho có sức mới đi mổ”. Nghe có lý, chị A. ăn nhẹ trước ca mổ và không dám thông báo với bác sĩ.

Ngay khi vừa tỉnh mê sau ca mổ, các bác sĩ rút nội khí quản thì dịch có chứa thức ăn lợn cợn từ dạ dày của bệnh nhân trào ngược lên miệng, ho sặc vào phổi. Trước tình huống đó, nhằm chống lại nguy cơ dịch bao tử và thức ăn vào phổi gây viêm phổi hít và tàn phá nhu mô phổi.

Các bác sĩ chích ngay các thuốc trung hòa dịch vị a-xít, rửa phổi, hút thức ăn ra ngoài, tránh viêm phổi hít cho bệnh nhân, đồng thời mời hội chẩn Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch qua hỗ trợ soi, rửa và lấy dị vật nằm sâu trong các phế quản của chị A.

Len an uong truoc khi mo, benh nhan co the tu vong
Bác sĩ chích thuốc gây tê cho bệnh nhân

Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, cảnh báo: tình huống thức ăn và dịch dạ dày đi vào phổi rất nguy hiểm. Bệnh nhân có thể chết do nghẹt đường thở và có thể bị viêm phổi hít (còn gọi là hội chứng Mendelson), điều trị rất khó khăn, để lại nhiều di chứng nghiêm trọng. 

Nếu Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch không kịp thời hỗ trợ, người bệnh bị giảm trao đổi khí tại phổi, nghẹt thở. Lúc này, nếu bóp bóng đưa khí ô-xy trợ thở cho bệnh nhân thì nguy cơ đẩy thức ăn và dịch vị vào sâu bên trong phổi.

Bệnh nhân được hẹn giờ nhịn ăn khác nhau

Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi phân tích, tùy từng ca mổ với đặc điểm bệnh lý khác nhau mà các bác sĩ sẽ có y lệnh về thời gian nhịn ăn trước phẫu thuật cho các bệnh nhân khác nhau.

Thông thường, thời gian nhịn ăn để thức ăn không còn ở dạ dày khoảng 6 giờ đồng hồ, nước lọc khoảng 3-4 giờ, thức ăn lỏng như cháo chủ yếu là nước, ít gạo mất khoảng 4-6 giờ… Nguy hiểm nhất là sữa. Nhiều người nghĩ sữa cũng như nước uống xong là có thể đi mổ sau 3-4 giờ, nhưng thực tế sữa mất đến 6 giờ mới rời khỏi dạ dày.

Len an uong truoc khi mo, benh nhan co the tu vong
Các bác sĩ tiến hành mổ cho bệnh nhân

Tại sao cần xổ ruột và nhịn ăn uống trước mổ? Nhịn ăn uống trước phẫu thuật tối thiểu 6 giờ đối với các trường hợp mổ đơn giản như mổ lấy thai lần đầu, mổ thai ngoài tử cung, mổ viêm ruột thừa cấp, mổ u nang buồng trứng không dính… vì nếu trong dạ dày còn dịch và thức ăn thì khi gây mê, người bệnh bị trào ngược chất trong dạ dày vào đường thở gây các biến chứng nặng nề, thậm chí tử vong. 

Với các ca phẫu thuật phức tạp hơn, việc chuẩn bị bệnh nhân trước mổ càng nghiêm khắc. Nếu ca mổ dự kiến có thể phải cắt nối ruột, có thể có thủng ruột, thủng bọng đái… thì ca mổ có thể kéo dài nhiều giờ liền. Do đó, bác sĩ yêu cầu thời gian nhịn ăn trước phẫu thuật trên 12 giờ.

Trường hợp này, người bệnh được cho uống thuốc xổ ruột 24-48 giờ trước mổ. Do đó, chuẩn bị trước phẫu thuật, bệnh nhân cần nghiêm túc, đảm bảo dạ dày và ruột được trống hoàn toàn khi nằm trên bàn mổ.

Trước khi phẫu thuật nên ăn gì? Nếu thấy đói, mệt khi chuẩn bị mổ cũng như khi chờ mổ, bệnh nhân và thân nhân nên báo ngay cho nhân viên y tế biết để được hỗ trợ và điều trị ngay bằng truyền dung dịch đường hoặc ngậm một viên kẹo tránh tình trạng đói lả do hạ đường huyết. 

Chụp CT hay MRI có tiêm thuốc cũng cần nhịn ăn

Len an uong truoc khi mo, benh nhan co the tu vong
 

Bác sĩ Lưu Hiếu Thảo, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), khuyến cáo: khi chụp CT hoặc MRI nếu có tiêm thuốc tương phản cũng phải nhịn ăn. Tuy nhiên, thuốc tương phản có tác dụng phụ gây nôn ói.

Do đó, nếu bệnh nhân để thức ăn trong bụng thì khi ói gây hít sặc vào phổi dẫn đến viêm phổi hít. Vậy nhịn ăn bao lâu trước khi mổ? Bệnh nhân cần nhịn ăn ít nhất 3 giờ trước khi chụp chiếu phim. Nếu bệnh nhân lỡ ăn mà không phải cấp cứu, ca nặng khẩn cấp thì bác sĩ sẽ dời lịch chụp chiếu phim, chủ động phòng ngừa, tránh nguy cơ tử vong cho bệnh nhân.

Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI