Lên án con cái ngược đãi cha mẹ già, đừng vội quy chụp!

06/03/2020 - 11:57

PNO - Con cái đối xử tệ bạc với cha mẹ già, cha mẹ già cầu cứu hàng xóm vì bị người thân bạc đãi... đã được nhiều “ống kính” mạng xã hội, báo chí đưa tin, cập nhật. Xót thương, bàng hoàng, phẫn nộ... là những cảm xúc số đông. Nhìn ở khía cạnh “góc khuất sinh học”, có không ít nỗi niềm mà người trong cuộc, đôi khi cũng khổ sở không kém.

Bỏ vào trại dưỡng lão, tố con cháu ngược đãi

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang - nguyên Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y tâm thần khu vực TP.HCM - đã kể một câu chuyện chính bản thân ông trải nghiệm.
Đó là trường hợp bà cụ N.T.D., năm nay gần 80 tuổi, cán bộ hưu trí, chồng mất cách đây hơn 10 năm, là hàng xóm của bác sĩ Quang. Bản thân cụ bị hen suyễn nhiều năm. Hàng xóm cho biết trước kia cụ hiền lành, ứng xử hòa thuận với con cái, sống mẫu mực.

Từ sau khi chồng mất, cụ buồn hẳn, thay đổi tính tình, không chịu tiếp xúc với láng giềng. Đôi lúc, cụ ra cửa chửi đổng, cứ nghĩ hàng xóm làm hại mình. Đêm cụ ít ngủ, hay đi lại trong nhà. Không chỉ thế, cụ D. còn cho rằng con dâu đang sống chung âm mưu ám hại mình, cháu thì theo dõi mình. Vì thế, cụ ăn uống rất thận trọng, luôn nơm nớp sợ ai đó bỏ thuốc độc vào thức ăn của mình. 

Câu chuyện không dừng ở đó mà đẩy lên đỉnh điểm khi bỗng nhiên bà cụ mất tích. Gia đình tá hỏa đi tìm và thông báo khắp nơi. Hóa ra bà cụ tự mình đến và ở lại Trại Dưỡng lão Thị Nghè (TP.HCM). 

Rồi ai cũng phải già, hãy sống sao cho đẹp  tuổi thanh xuân và nhẫn nại chăm sóc cha mẹ  già như chính ngày xưa cha mẹ đã chăm sóc chúng ta - Ảnh minh họa: Shutterstock
Rồi ai cũng phải già, hãy sống sao cho đẹp tuổi thanh xuân và nhẫn nại chăm sóc cha mẹ già như chính ngày xưa cha mẹ đã chăm sóc chúng ta - Ảnh minh họa: Shutterstock

Bác sĩ Quang tới thăm, gặp phụ trách trại dưỡng lão thì được biết bà cụ bỏ nhà vào đây vì ở nhà con cái nhiều nhưng cư xử không tốt, cụ chán sống, muốn chết, buồn và lo sợ có người định hại mình nên xin vào trại dưỡng lão để trốn tránh. Sau đó, gia đình cụ D. đã khổ sở thanh minh với lãnh đạo trại dưỡng lão để tránh hiểu lầm. 

Con gái cụ D. chia sẻ khoảng bốn năm nay, mẹ mình trở nên khó tính, hay xét nét, bắt bẻ, hay kể chuyện và so sánh với ngày xưa; khi không hài lòng thì nóng giận, bắt lỗi vô cớ, có lúc chửi đổng. Không chỉ thế, cụ D. còn hay nghi ngờ hàng xóm và con cháu. Đôi lúc cụ kêu mất tiền, luôn bắt người thân đóng kín cửa sợ có “khí độc” bay vào. Đã nhiều lần con cái định đưa cụ đi khám bệnh nhưng cụ nhất định không chịu, cho là mình không có bệnh. 

Theo bác sĩ Quang, tất cả các triệu chứng trên là biểu hiện rối loạn hoang tưởng, trầm cảm kèm bệnh thực thể ở người già. Trong trường hợp cụ D. khó mà đổ lỗi cho việc chăm sóc, quan tâm cũng như cách hành xử của người thân trong nhà đối với cụ.

Những nguyên nhân dẫn tới biểu hiện bất thường về tâm lý 

Ngày nay, trên thế giới, tỷ lệ người cao tuổi ngày một nhiều do đời sống đầy đủ hơn xưa. Tuy nhiên, cần có một nhận xét khái quát khi đi sâu tìm hiểu về chất lượng cuộc sống của người cao tuổi. Chúng ta thường chỉ quan tâm tới những bệnh kinh niên mạn tính ở cha mẹ mình như tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường, còn vấn đề sức khỏe tâm thần lại bị bỏ lơ. 

Một số đặc điểm ở người già vốn thường thấy là: hay cằn nhằn, than thở, cáu gắt, bực bội. Đôi lúc, họ mặc cảm, tự ti, dễ tự ái, muốn xa lánh mọi người. Người già hay nghĩ về quá khứ, nuối tiếc những kỷ niệm, dễ xúc động, hay so sánh, ganh tỵ, muốn phản kháng… Họ sợ bị bỏ rơi, sợ trở thành gánh nặng cho gia đình, con cháu, sợ bị hắt hủi và đó là lý do sinh ra nỗi lo lắng và ám ảnh. Người già hay giận hờn vô cớ. Quả là chiều chuộng họ không đơn giản chút nào. Theo bác sĩ Quang, chúng ta tạm chia làm hai nhóm nguyên nhân khiến người già có các biểu hiện tâm lý bất thường như trên:

Nhóm thứ nhất gồm các trạng thái loạn thần kinh (các rối loạn tâm căn, suy nhược thần kinh, suy nhược dạng cơ thể hóa nguyên hay thứ phát), các trạng thái rối loạn hưng cảm, trầm cảm và hoang tưởng thoái triển. Những trạng thái này diễn biến không có suy giảm trí năng đáng kể.

Nhóm thứ hai gồm các trạng thái sa sút trí tuệ: sa sút do xơ vữa động mạch não, sa sút do bệnh Alzheimer, sa sút do bệnh Pick, các loại sa sút phối hợp khác. Đơn cử nói về sa sút trí tuệ ở tuổi già. Trường hợp bệnh xảy ra diễn biến thường từ từ nhưng ngày càng dẫn đến sa sút trầm trọng, toàn trạng giảm sút, cơ thể gầy sút, đi lại khó khăn, thậm chí đại tiểu tiện không tự chủ, trí tuệ suy giảm nặng đến mức mất trí. 

Bệnh thường gặp ở người trên 65 tuổi, tương ứng với tình trạng teo não tuổi già có thể do sự lão hóa của não hoặc do hậu quả của các bệnh thực thể như: nhiễm trùng, nhiễm độc, chấn thương, xơ vữa động mạch não. Ngoài ra, còn kể đến nguyên nhân tâm lý xã hội như gặp khó khăn cuộc sống, sinh hoạt gia đình, tình trạng cô đơn lúc tuổi già dẫn đến thu hẹp phạm vi giao tiếp.

Các biểu hiện bất thường trong cách hành xử về tâm thần như hành vi, cảm xúc, trí nhớ thường bắt đầu bằng hội chứng trầm cảm kéo dài, thay đổi tính tình, suy giảm trí nhớ. Biểu hiện nhận biết là suy giảm trong khả năng tự quản sinh hoạt và xử thế xã hội: ăn mặc lôi thôi luộm thuộm, quần áo bẩn thỉu, đồ đạc lộn xộn, lấy ra cất vào không mục đích, tủn mủn vụn vặt…

Rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng, rất ít ngủ đêm, đi lại trong phòng hàng giờ, luôn tìm kiếm sắp xếp lại, lục xục cả đêm, trong tình trạng nửa tỉnh nửa mê.

Suy giảm trí nhớ chủ yếu là trí nhớ ghi nhận, rất chóng quên. Tuy vậy, với những sự việc xa xưa họ lại nhớ, có khi nhớ khá rõ, nhất là khi những sự việc đó xảy ra hồi niên thiếu hoặc với những xúc cảm mạnh mẽ gây ấn tượng sâu sắc. Họ bị lú lẫn định hướng không gian, thời gian.

Các chức năng tổng hợp cơ bản cũng suy giảm rõ rệt: cảm giác, tri giác hạn chế dẫn đến những tri giác nhầm, nhận nhầm những ảo tưởng, những rối loạn nhận biết. Sức chú ý dễ bị phân tán, không bền vững và khó hướng vào chủ đích. Rất chóng mệt khi định tập trung vào một vấn đề cụ thể.

Tính tình thay đổi rõ rệt, thường hay quy tụ vào cá nhân, xung quanh cá nhân mình: ghen ghét, hà tiện, bủn xỉn, định kiến, ích kỷ, hẹp hòi, mất sự kiềm chế trong giao tiếp…
Giải tỏa các bản năng ăn uống, tình dục (có những trường hợp tự dưng rất tham ăn, biết bao vụ việc xâm hại tình dục đau lòng xảy ra cũng xuất phát từ nguyên nhân này). Ngay trong lời nói, trong diễn đạt của người bệnh cũng suy giảm sự kiềm chế phù hợp với phép xã giao thông thường. Đôi khi xuất hiện những xung đột vì nguyên nhân rất nhỏ và bất ngờ.

Làm gì khi cha mẹ già có biểu hiện bất thường tâm lý?

Trước tiên, phải khám tổng quát, loại trừ bệnh thực thể hay mạn tính kèm theo. Tiếp theo, cho người bệnh uống thuốc chống loạn thần để làm giảm hoặc mất hoang tưởng, kèm thuốc an thần nhẹ cùng các thuốc cải thiện tuần hoàn não, tăng trí nhớ, nâng thể trạng. 

Cần lưu ý vấn đề dinh dưỡng ở người già để cải thiện tuần hoàn não, điều chỉnh huyết áp. Áp dụng phương pháp tăng cường kích thích não bộ chẳng hạn đọc sách báo, chơi và đoán chữ, viết nhật ký, đi bộ, học kỹ năng rèn luyện trí óc để giúp cho não tăng vận động, kích thích não bộ luôn hoạt động theo nhịp sinh học, tránh đảo lộn giờ giấc, duy trì tăng trí nhớ. 

Con cháu nên thường xuyên hỏi han, tâm sự và lắng nghe. Đặc biệt, chuyện tái hôn ở độ tuổi xế chiều để chăm sóc nhau và có thêm niềm vui là khá bình thường, con cháu cần luôn tôn trọng quyết định của cha mẹ, ông bà. Phải có thái độ kiên nhẫn và tôn trọng vì người cao tuổi sức khỏe đã yếu, mất dần khả năng chăm sóc bản thân. Bổn phận của con cái là ra sức hỗ trợ để cha mẹ, ông bà rèn luyện lấy lại sự tự chủ.

Để người già tránh mặc cảm, tự ti, buồn chán, cần thay đổi cách sinh hoạt từ những người thân sống trong cùng gia đình. Tùy hoàn cảnh của mỗi nhà mà đề ra các biện pháp khác nhau sao cho phù hợp.

“Rồi ai cũng phải già, hãy sống sao cho đẹp tuổi thanh xuân và nhẫn nại chăm sóc cha mẹ già như chính ngày xưa cha mẹ đã chăm sóc chúng ta”, bác sĩ Quang nhắn nhủ. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI