Lạnh lưng trên xe buýt 'tử thần' - Bài 2: Tiếp viên, tài xế tự tung tự tác vì đã chung chi 'hụi chết'

30/11/2018 - 06:00

PNO - Một nữ tiếp viên tiến vào quán cà phê đưa tập giấy và cùi vé, liền đó lấy cọc tiền trong túi áo ra lựa tờ 10.000 đồng để trước mặt nhân viên điều hành. Sau đó, nhân viên điều hành lấy tờ 10.000 đồng cho vào túi.

Trên tuyến xe buýt số 99 (lộ trình từ Q.2 đến Đại học Quốc gia TP.HCM và ngược lại), ngoài vấn nạn tài xế thiếu tuổi, không bằng lái, chạy ẩu, bỏ trạm, hành khách còn ngao ngán với cảnh tiếp viên nam quát nạt khách, văng tục, chửi thề, hút thuốc lá vô tội vạ và thích… đụng chạm cơ thể nữ sinh. Tại sao lại xảy ra những chuyện “trời ơi” như vậy? Đó là vì đã có sự chung chi, mà “người trong nghề” gọi là “hụi chết” ở bến xe. 

Lanh lung tren xe buyt 'tu than' - Bai 2: Tiep vien, tai xe tu tung tu tac vi da chung chi 'hui chet'
Mỗi lần làm việc với nhân viên điều hành của bến xe, tiếp viên xe buýt đều kẹp tờ tiền vào mớ giấy tờ và nhân viên điều hành gần như không cần kiểm tra, đối chiếu gì, cứ thế cho xe xuất bến. (Trong ảnh: Cảnh “chung chi” cũng diễn ra tại bến xe buýt khu chế xuất Linh Trung 2)

Trong thời gian đeo bám các xe buýt tuyến 99, chúng tôi không chỉ ghi nhận những vấn nạn trên các chuyến xe, mà còn tìm ra nguyên nhân của nó, đó là sự chung chi “hụi chết”. Mỗi lần làm việc với nhân viên điều hành của bến xe, tiếp viên xe buýt đều kẹp tờ tiền vào mớ giấy tờ và nhân viên điều hành gần như không cần kiểm tra, đối chiếu gì, cứ thế cho xe xuất bến.

Những cuộc rượt đuổi...

Chẳng biết do trùng hợp ngẫu nhiên hay cố ý mà trên chiếc xe buýt biển số 51B-06432 xuất phát từ Đại học Quốc gia TP.HCM lúc 12g30 ngày 13/11 có cả hai tài xế “nhí” là Biên và Tuấn. Lúc này, Tuấn lái xe, còn Biên làm tiếp viên, bán vé. Biên than: “Biết bao giờ mới có cơ hội chạy trước thằng 67 (số đuôi trên biển số của một chiếc xe buýt cùng tuyến) để đè nó cho đã ta?”. Nghe Biên so bì, Tuấn chỉ cười.

“Đè” là ngôn ngữ của cánh tài xế thường dùng khi chạy xe buýt. Thực chất, đây là một hình thức chơi xấu nhau. Thông thường, khoảng thời gian giãn cách mỗi chuyến xe là 10 phút, nhưng tài xế xe buýt chạy trước cố tình “nằm” lại trên đường đợi khách vài phút khiến xe sau không thể chạy quá gần hoặc vượt mặt mà phải “bò” theo. Điều đáng nói, cứ sau mỗi lần “bị đè”, tài xế phải “bay” để kịp giờ, tránh bị phạt tiền.

Trên chuyến xe ngày 13/11, khi vừa ra khỏi khu Đại học Quốc gia TP.HCM, Tuấn nhấn còi inh ỏi, cho xe vượt nhanh về đến đường Cầu Xây (Q.9) để xe nằm lại đợi khách. Tuấn cho biết, thời gian dừng đợi chỉ khoảng 2 phút nhưng lúc này Biên cao hứng, yêu cầu Tuấn cho xe đến trước một điểm bán nước cam vắt trên đường Cầu Xây để mua 2 ly nước cam. 

Lanh lung tren xe buyt 'tu than' - Bai 2: Tiep vien, tai xe tu tung tu tac vi da chung chi 'hui chet'
Tài xế “nhí” tên Tuấn thường dừng lại “đè” xe khác rồi “bay” khi bị trễ giờ

Tuấn thò đầu ra cửa xe la lớn: “Cho 2 ly nước cam, làm trong 2 phút được không? 3 phút cũng không được nha, mỗi phút tui bị phạt 15.000 đồng đó”. Gọi nước xong, Tuấn ngồi bấm điện thoại. Phải đến mấy phút sau, người bán mới mang 2 ly nước cam ra. Ngay khi Biên vừa nhận nước, Tuấn đã nhấn ga phóng như bay và bảo Biên: “Bỏ nước cam vào thùng đá đi, trễ giờ rồi, uống gì nữa”.  

Để không bị phạt, Tuấn bấm còi liên hồi và phóng như bay trên đường Cầu Xây dù đây là đoạn đường hẹp, rất dễ xảy ra tai nạn. Trong lúc Tuấn đang “bay” cùng chiếc xe buýt chở hàng chục người, Biên ở phía sau la to cổ vũ: “Cố lên, cố lên, cố lên”. Ngồi trên xe buýt, chúng tôi có cảm tưởng như mình đang ở trong một cuộc đua xe nào đó, mặc dù trên đường xe máy đang lưu thông dày đặc.

Nhân chứng kể lại “cuộc đua sinh tử” 

Trên tuyến xe buýt số 99, nhiều sinh viên từng chứng kiến “cuộc đua sinh tử” giữa xe buýt và xe container. Theo đó, sáng 10/11, xe buýt mang biển số 51B-06360 đang lưu thông trên Quốc lộ 1 đoạn gần Trường đại học Nông lâm TP.HCM thì va chạm với một xe container chạy cùng chiều.

Lanh lung tren xe buyt 'tu than' - Bai 2: Tiep vien, tai xe tu tung tu tac vi da chung chi 'hui chet'
 

Vụ va chạm này khiến xe buýt bị hư hỏng nhẹ, may mắn là các hành khách trong xe không bị thương. Tuy nhiên, sau đó, tài xế tên Huỳnh Hùng không chấp nhận cách bồi thường thiệt hại của tài xế container, dẫn đến cãi vã. Không thỏa thuận được giá cả, lái xe container cho xe rời đi, ông Hùng cho xe buýt đuổi theo. Cuộc rượt đuổi kéo dài 500m thì xe buýt do ông Hùng điều khiển lại va chạm lần thứ hai vào xe container khiến nhiều hành khách thêm một phen hoảng hồn.

Xe lao nhanh qua giao lộ Hoàng Hữu Nam - Lê Văn Việt. Biên liếc nhìn đồng hồ, thấy vẫn bị hụt giờ, bèn nói với Tuấn: “Bỏ trạm, khỏi rước khách luôn cho rồi”. Tuấn gật, nhưng chạy một đoạn, thấy khách đón, Tuấn vẫn tấp vào, chạy chầm chậm chứ không dừng hẳn, miệng quát: “Lẹ đi ông cha ơi là ông cha. Nhìn tao nữa, hổng có gì đâu mà nhìn”. Hành khách là một nam sinh viên, dù chưa kịp hiểu ra chuyện gì nhưng vẫn cố gắng chạy theo xe buýt, thót lên cửa trước lúc chiếc xe tiếp tục lao đi với tốc độ cao. 

Ở những trạm dừng sau đó, Tuấn và Biên chỉ cho xe chạy từ từ, miệng liên tục la hét, giục khách lên xe cho kịp giờ. Chiếc xe cứ thế “bay” đi vun vút cho đến khi Tuấn liếc đồng hồ thấy đã bù lại được giờ bị “đè”. Ở gần cuối lộ trình, Tuấn than với Biên: “Tao chạy cú này riết rồi hổng thấy ai lên xe luôn mày”.

Không chỉ “đè” xe cùng tuyến để giành khách, có nhiều trường hợp, tài xế xe buýt cũng phải “bay” để giành khách với xe buýt khác tuyến khi vào trạm Đại học Quốc gia TP.HCM. Theo các tài xế, xe của hai tuyến xe buýt số 33 và 99 thường đua nhau chạy trước ở đoạn khu du lịch Suối Tiên để vào Đại học Quốc gia TP.HCM trước, nhằm vét đợt khách cuối cùng di chuyển từ khu A đến khu B. 

Khoảng 11g ngày 15/11, đoạn đường từ khu du lịch Suối Tiên rẽ trái chuyển hướng vào Đại học Quốc gia TP.HCM bị kẹt xe nhưng Tuấn vẫn điều khiển xe buýt mang biển số 51B-06503 luồn lách để vọt lên trước xe buýt 33 rồi cười khoái chí. Không chịu thua Tuấn, tài xế xe buýt tuyến 33 cho xe chạy vô làn đường dành cho xe máy để chuyển hướng vào Đại học Quốc gia TP.HCM trước. Tuấn và Biên chửi tục liên hồi vì cho rằng, xe buýt 33 chạy “mất dạy” và nhanh chóng điều khiển xe rượt theo để tranh giành khách. Cũng cần phải nhắc lại rằng, Biên và Tuấn là hai tài xế “chui”, chưa đủ tuổi và không có giấy phép lái xe theo quy định hiện hành.

Lanh lung tren xe buyt 'tu than' - Bai 2: Tiep vien, tai xe tu tung tu tac vi da chung chi 'hui chet'
Tuấn thường xuyên quát nạt hành khách khi bị trễ giờ

Ngoài “đè” và “bay”, việc xe buýt tuyến 99 cắt đường, bỏ trạm diễn ra như cơm bữa. Toàn tuyến 99 dài khoảng 25km nhưng đoạn từ bến chợ Thạnh Mỹ Lợi đến Xa lộ Hà Nội (Q.2) hầu như vắng bóng hành khách. Do vậy, hàng loạt xe buýt tuyến 99 bỏ trạm khi lưu thông hướng từ Đại học Quốc gia TP.HCM về Q.2. 

Chỉ trong chiều 15/11, chúng tôi quan sát thấy hàng chục chuyến xe buýt tuyến này chạy thẳng đường Đồng Văn Cống về chợ Thạnh Mỹ Lợi chứ không lưu thông qua các trạm như lịch trình đã công bố: Đồng Văn Cống - Phan Văn Đáng - Trương Văn Bang (UBND Q.2) - Nguyễn Địa Lô - Lâm Văn Ky - Nguyễn Khoa Đăng - Phạm Thận Duật - Trương Gia Mô - chợ Thạnh Mỹ Lợi (bến khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi).

Trong suốt thời gian dài bám các chuyến xe buýt số 99, chúng tôi chưa bao giờ thấy chiếc xe buýt nào trên tuyến 99 bật máy lạnh mà để mặc cho hành khách phải chịu cảnh gió bụi, kể cả khi chạy qua các đoạn đường đang thi công hoặc bị xuống cấp nghiêm trọng, mặc cho tiết trời nóng nực.

Tiếp viên “mày tao”, tranh thủ “đụng chạm”

Trên tuyến xe buýt 99, hành khách còn thường xuyên bị quát mắng, chửi bới, bị cánh tài xế, tiếp viên cho hít khói thuốc. Một tiếp viên trở thành nỗi ám ảnh của sinh viên đó là ông Đệ, tướng tá bặm trợn, tuổi khoảng 40.

Ngày 10/11, ông Đệ làm tiếp viên xe buýt biển số 51B-06309 chạy từ Q.2 về Đại học Quốc gia TP.HCM. Khi xe vừa qua trạm dừng ký túc xá Trường cao đẳng Công thương TP.HCM, ông Đệ nói: “Đứa nào mới lên, mua vé giùm cái nè”. Liền đó, ông Đệ chỉ mặt một nữ sinh, hỏi: “Mua vé chưa?”. Khi nữ sinh lắc đầu, ông Đệ quát: “Thì bây giờ tao kêu mày mua vé. Trời ơi là trời, bữa nay tao hầu mày, tao đợi mày...”. 

Lanh lung tren xe buyt 'tu than' - Bai 2: Tiep vien, tai xe tu tung tu tac vi da chung chi 'hui chet'
Ông Đệ biệt danh “tiếp viên chửi” gây ám ảnh cho nhiều sinh viên

Ngoài việc chửi, ông Đệ còn có hành động “đụng chạm” khiến các nữ sinh rất bức xúc. Khoảng 8g30 cùng ngày, khi một nữ sinh của Trường cao đẳng Công thương TP.HCM lên xe buýt, ông Đệ đứng sẵn ở cửa đợi, dùng tay vuốt đầu và chạm vào lưng nữ sinh này rồi nói: “Tao gặp là đánh mày à, chứ hổng nói gì hết trơn á”. Ngày 13/11, chúng tôi tiếp tục gặp ông Đệ trên chiếc xe buýt biển số 51B-06309. Lúc này, dù vẫn còn hành khách trên xe nhưng ông Đệ ngang nhiên ngồi dài trên băng ghế hút thuốc, nhả khói phì phèo khiến nhiều người trên xe nhăn mặt. 

Ngày 15/11, nhiều người có mặt trên chuyến xe buýt do ông Đệ làm tiếp viên phải “vừa ngồi, vừa bịt tai” để tránh không phải nghe những câu chửi thô tục của ông này với những người đi đường và hành khách. Chỉ một lát sau đó, các nữ sinh đồng loạt rời xe, trên xe lúc này chỉ còn 3 người nên ông Đệ thoải mái ngồi gác chân lên trên băng ghế nghỉ ngơi. 

Trò chuyện với chúng tôi, nữ sinh tên N. (quê Bình Định) lắc đầu: “Hầu như ngày nào ông Đệ cũng chửi sinh viên, nói tục trên xe buýt nên cực chẳng đã tụi em mới leo lên xe ông ấy. Em cũng rất dị ứng cảnh ông ấy đụng chạm vào người các bạn nữ trên xe. Em không hiểu sao người ta lại để một tiếp viên như vậy phục vụ trên xe buýt được gắn mác là “văn minh, thân thiện và an toàn” này”.

Mặc dù Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM có hệ thống camera EBMS, IBUS để giám sát việc tài xế hút thuốc lá, nghe điện thoại, đồng thời nêu mức phạt nhưng trên thực tế, hành vi này vẫn ngang nhiên diễn ra tại tuyến xe buýt số 99. Đơn cử, khoảng 11g ngày 11/11, khi chúng tôi leo lên xe buýt biển số 51B-06343, liền bắt gặp cảnh tài xế đang phì phèo thuốc lá trong khi phía sau có rất nhiều nữ sinh viên phải bịt mũi vì mùi hôi khó chịu.

Chúng tôi cũng thường xuyên bắt gặp cảnh Tuấn, Biên, Đệ... hút thuốc lá. Trong hai ngày 13 và 16/11, chúng tôi nhiều lần thấy tài xế xe 51B-06309 và 51B-06409 vừa nghe điện thoại, vừa lái xe trên một đoạn đường dài; ở những đoạn đường cua gấp, tài xế vẫn một tay lái xe, một tay “ôm” điện thoại.

Lanh lung tren xe buyt 'tu than' - Bai 2: Tiep vien, tai xe tu tung tu tac vi da chung chi 'hui chet'
Tài xế xe buýt BKS: 51B-06343 ngang nhiên hút thuốc lá trên xe

Một tài xế tuyến xe buýt số 99 tiết lộ: Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định mức phạt đến 800.000 đồng với hành vi sử dụng điện thoại di động khi đang lái ô tô, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cũng phạt rất nặng hành vi này, nhưng không dễ gì bắt quả tang tài xế vi phạm, vì camera đã bị “làm phép”, tức đã bị bịt băng keo đen hoặc ngắt nguồn điện.

Ngày 11/11, chúng tôi lên xe buýt biển số 51B-06458 do tài xế tên Huy điều khiển chạy từ hướng Q.9 về Q.2. Khi xe đến đường Đình Phong Phú, nữ tiếp viên bất ngờ xuống xe nên chỉ còn tài xế vừa lái xe, vừa bán vé. Có đoạn, do quá chăm chú với cọc tiền, tài xế cho xe phang vào ổ gà trên đường khiến hành khách một phen hú vía.

Nhận tiền, ký ngay lệnh xuất bến

Sáng 10/11, một tài xế tuyến xe buýt số 99 than với tiếp viên: “Sáng giờ chạy hai vòng, bán được có hai chục vé mà phải chung 30.000 đồng tiền “hụi chết” rồi. Kiểu này sống sao nổi”. Khi chúng tôi tò mò hỏi thêm, tài xế tặc lưỡi: “Thì “hụi chết” là tiền đóng cho nhân viên điều hành ở các đầu bến chứ tiền gì nữa”. Từ tiết lộ trên, chúng tôi quyết định vào bến xe buýt Đại học Quốc gia TP.HCM để tìm hiểu. 

Bến xe buýt khu B Đại học Quốc gia TP.HCM nằm ở một bãi đất trống cách biệt với các ký túc xá. Hầu như chỉ có cánh tài xế mới ra vào khu vực này. Bên trong bãi xe, có một căn chòi lá - nơi các tài xế nghỉ ngơi đợi đến chuyến, cũng là “văn phòng” làm việc của nhân viên điều hành.

Sáng sớm 11/11, trong vai một hành khách bị lỡ chuyến xe, chúng tôi vào khu vực nhân viên điều hành làm việc thì bắt gặp cảnh các tiếp viên hối hả chạy vào gặp nhân viên điều hành để ký lệnh vận chuyển, ghi số series cùi vé, kiểm tra bằng lái xe... Trước khi xuất bến, tài xế phải qua khâu kiểm tra, kiểm soát của một nhân viên thuộc doanh nghiệp và của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM (thuộc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM). 

Lanh lung tren xe buyt 'tu than' - Bai 2: Tiep vien, tai xe tu tung tu tac vi da chung chi 'hui chet'
Tiếp viên xe buýt 141 vào ký lệnh vận chuyển phải bỏ lên bàn nhân viên điều hành 10.000 đồng

Quy trình này sẽ giúp cơ quan quản lý kiểm soát được tác phong, trình độ của tài xế cũng như những vi phạm về an toàn trên xe buýt. Theo quy định, việc kiểm tra phải rất chặt chẽ, nhưng theo quan sát của chúng tôi, hầu hết người vào ký lệnh vận chuyển là tiếp viên xe buýt. Việc ký lệnh vận chuyển cũng diễn ra “nhanh như chớp” chứ không có kiểm tra, kiểm soát gì.

Ngoài ra, chúng tôi thấy, trong lúc làm việc, tiếp viên xe buýt kẹp một vật gì đó vào lệnh vận chuyển và nhân viên điều hành tiếp nhận có vẻ mờ ám. Đặc biệt, khi có người lạ vào khu vực bãi xe, việc trao đổi giữa tiếp viên xe buýt và nhân viên điều hành càng diễn ra nhanh chóng hơn.

Sáng 14/11, một người đàn ông tiến đến gặp nhân viên điều hành, đưa lệnh vận chuyển, phía trong có kẹp tờ tiền 10.000 đồng. Nhân viên điều hành ở bến xe buýt Đại học Quốc gia TP.HCM hớn hở cầm tờ tiền, ký lệnh vận chuyển cho nam nhân viên trên rồi đút tiền vào túi. Khoảng 15 phút sau, một nữ tiếp viên xe buýt khác đến gặp nhân viên điều hành để ký lệnh vận chuyển, cũng kẹp 14.000 đồng đưa cho nhân viên điều hành. Số tiền này được lý giải là 10.000 đồng tiền “hụi chết” và 4.000 đồng tiền vệ sinh. Nhận tiền từ tay nữ tiếp viên xe buýt, nhân viên điều hành lôi một cọc tiền trong giỏ xách ra và nói: “Cái này là tiền hụi chết”.

Theo tiết lộ của cánh tài xế, việc chung chi “hụi chết” ở bến xe buýt Đại học Quốc gia TP.HCM đã diễn ra từ lâu. Vào năm 2017, việc chung chi này bị phát hiện, tạm ngưng và đến năm 2018 mới tái diễn. Một tài xế cho biết, tiền “hụi chết” mỗi ngày 30.000 đồng. Tại điểm đầu tiên, tiếp viên phải đóng “hụi chết” ít nhất 20.000 đồng và điểm cuối tuyến sẽ mất thêm 10.000 đồng.

Theo điều tra của phóng viên, thời điểm chung chi “hụi chết” tại bến xe buýt Đại học Quốc gia TP.HCM khoảng từ 5-8g sáng. Ước tính, tại bến xe này, có khoảng gần 100 xe buýt, nếu mỗi xe phải đóng 20.000 đồng/ngày thì “hụi chết” mỗi tháng tại đây lên đến 60 triệu đồng. 

Lanh lung tren xe buyt 'tu than' - Bai 2: Tiep vien, tai xe tu tung tu tac vi da chung chi 'hui chet'
Nhân viên điều hành ở bến xe buýt Đại học Quốc gia cầm cả xấp tiền mệnh giá 10.000 đồng ra đếm

Tại bến xe buýt khu chế xuất Linh Trung 2, chúng tôi cũng ghi nhận quy trình ký lệnh vận chuyển và chung chi tương tự. Ngày 17/11, nhân viên của Hợp tác xã 15 (tuyến xe buýt 141) ngồi ở một chiếc bàn sắt ngay gần quán cà phê để ký lệnh vận chuyển. Tại đây, có hiện tượng tiếp viên vào ký lệnh vận chuyển chung chi tiền cho nhân viên điều hành. Khoảng 7g38, một nữ tiếp viên tiến vào quán cà phê đưa tập giấy và cùi vé, liền đó lấy một cọc tiền trong túi áo ra lựa tờ 10.000 đồng để trước mặt nhân viên điều hành. Sau đó, nhân viên điều hành lấy tờ 10.000 đồng cho vào túi. Quy trình ký lệnh vận chuyển diễn ra khoảng 2 phút.

Khoảng 7g50 phút, một tiếp viên nam rời xe buýt 141 đi thẳng vào quán cà phê gặp nhân viên điều hành ký lệnh vận chuyển. Khi vừa đặt xấp giấy tờ xuống bàn, tiếp viên này liền móc trong túi ra một tờ tiền 10.000 đồng đã chuẩn bị sẵn bỏ lên bàn cho nhân viên điều hành. Như một thứ “luật ngầm”, hễ nhân viên vào ký lệnh vận chuyển là phải bỏ ra 10.000 đồng cho nhân viên điều hành. 

Chung tiền rồi nên khỏi kiểm tra?

“Hụi chết” và việc nhân viên điều hành dễ dãi đã tạo điều kiện cho cánh tài xế “nhí”, tài xế không bằng lái lộng hành, đe dọa tính mạng người dân. Các tài xế tiết lộ, việc tài xế “chui” ngang nhiên lên lái xe buýt xuất phát từ việc nhận “hụi chết” nói trên. Mặc dù tài xế “chui” trực tiếp lái xe nhưng trên lệnh vận chuyển lại mang tên người khác, bởi họ không cần xuất bằng lái và không bị kiểm tra, đối chiếu. “Trên giấy khởi hành ghi tên người này, nhưng thực tế là người khác lái, chứ làm sao mấy đứa nhóc đó lại được cấp bằng để lái xe buýt được” - một tài xế nói.

Sau nhiều ngày đeo bám trên các chuyến xe buýt, chúng tôi phát hiện, hệ thống camera gắn trên xe để giám sát tài xế và tiếp viên đều bị bịt băng keo hoặc ngắt nguồn điện. Anh H. - một tài xế có thâm niên - tiết lộ: “Chắc chắn hợp tác xã, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM biết hết, nhưng nếu có hỏi, tài xế sẽ nói bị hư nguồn điện này nọ. Cơ quan chức năng ép chúng tôi phải lắp camera để theo dõi nhưng thực sự chỉ lắp cho có, rất lãng phí”.

Một tài xế tuyến xe buýt số 99 cho biết, việc đóng “hụi chết” khiến nhiều tài xế bức xúc nhưng số khác lại vui mừng vì có thể thoải mái lộng hành. Tiền “hụi chết” giúp họ không bị các nhân viên điều hành “tuýt còi” khi phạm luật. “Người ta đóng thì mình cũng phải đóng. Không chung chi thì sợ họ kiếm cớ làm khó, thiếu gì trò để họ hành mình” - tài xế xe buýt tuyến 99 buồn rầu.

Với những người như Tuấn, Biên, Hưng, nếu chỉ là tiếp viên, quần quật cả ngày trên xe cũng chỉ được trả cao nhất 250.000 đồng/ngày, nhưng khi lái “chui”, hưởng tiền công theo hình thức “khoán ngày” với chủ xe, thu nhập sẽ cao hơn rất nhiều. Sau khi đã đóng “hụi chết”, họ vô tư cầm lái và thực hiện các chuyến xe “bay” như đã kể. 

Ngày 26/11, mặc dù bị ảnh hưởng của cơn bão số 9, xe buýt ế khách nhưng “luật ngầm” vẫn được duy trì tại bến xe buýt khu chế xuất Linh Trung 2. Một nữ nhân viên điều hành (khoảng 30 tuổi) của Hợp tác xã 15 ngồi ở một góc quán cà phê trên đường Ngô Chí Quốc (Q.Thủ Đức) làm nhiệm vụ ký lệnh vận chuyển. Lúc này, một tiếp viên xe buýt 141 vào ký lệnh vận chuyển có kẹp 10.000 đồng trong cùi vé xe buýt. Nhân viên điều hành nhận tờ tiền rồi kẹp dưới cuốn sổ của mình. Lát sau, một nam tiếp viên vào đưa lệnh vận chuyển, móc ra tờ 10.000 đồng hỏi nhân viên điều hành: “Kẹp dưới này (cuốn sổ của nhân viên điều hành) luôn ha”. Cứ thế, quy trình ký lệnh vận chuyển luôn kèm theo tờ tiền mệnh giá 10.000 đồng. Chỉ ít phút sau, cuốn sổ của nhân viên điều hành đã dày lên bởi xấp tiền mệnh giá 10.000 đồng do các tiếp viên xe buýt chung.

Sơn Vinh - Quang Thư

Tuyến bài Lạnh lưng trên xe buýt "tử thần":

  •   Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng Trần Chí Trung: 'Vấn đề mà Báo Phụ Nữ TP.HCM phản ánh là rất nghiêm trọng'
  • Trách nhiệm cũng bị... bịt mắt

  •   Giám đốc Sở GT-VT Bùi Xuân Cường: Tài xế 'nhí' lái xe buýt là không thể chấp nhận được
  • Video: Tài xế xe buýt 'bay' ngang nhiên phạm luật

  •   Lạnh lưng trên xe buýt 'tử thần': Đình chỉ toàn bộ tài xế, tiếp viên có liên quan
  • Video: Tài xế 'nhí' không bằng lái trên xe buýt 'tử thần'

  • Lạnh lưng trên xe buýt 'tử thần' - Bài 1: Những tài xế 'nhí' không bằng lái

  •  

    news_is_not_ads=
    TIN MỚI