Lan tỏa mô hình học tập thông qua phục vụ cộng đồng

31/07/2022 - 06:23

PNO - Tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Nanyang Singapore ngành điện tử sau đó lấy bằng thạc sĩ Trường chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, Phạm Văn Anh (sinh năm 1986) đã về nước và trở thành một trong những người tiên phong lan tỏa mô hình học tập thông qua phục vụ cộng đồng (Service-learning).

Anh Phạm Văn Anh (đứng) trong buổi trao đổi với giảng viên Đại học Văn Lang về mô hình học tập thông qua phục vụ cộng đồng - ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP
Anh Phạm Văn Anh (đứng) trong buổi trao đổi với giảng viên Đại học Văn Lang về mô hình học tập thông qua phục vụ cộng đồng - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Kết nối nguồn lực đại học với cộng đồng

Hiểu đơn giản, Service-learning là mô hình mà giảng viên hướng sinh viên sử dụng kiến thức và kỹ năng trong ngành học để giải quyết một vấn đề xã hội. Từ đó, hiểu sâu hơn về kiến thức chuyên môn và phát triển các kỹ năng tư duy cộng đồng xã hội, trách nhiệm công dân.

Ví dụ, sinh viên ngành môi trường có thể làm túi biogas hiệu quả cho những hộ nông dân đang nuôi heo, góp phần cải thiện môi trường. Sinh viên công nghệ hướng dẫn áp dụng công nghệ cho học sinh vùng khó khăn... 
Từ những năm du học và làm việc tại Singapore, Phạm Văn Anh biết tới Service-learning và rất đam mê mô hình học tập này. Anh khẳng định: “Học tập thông qua phục vụ cộng đồng đem lại nhiều lợi ích cho cả giảng viên, sinh viên, nhà trường và cộng đồng.

Thông qua việc giải quyết các nhu cầu, dự án xã hội có thật, giảng viên có cơ hội nghiên cứu và đào sâu hơn những lý thuyết mình dạy, cập nhật mới và ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn. Sinh viên được va chạm các dự án thực tế, tìm hiểu vấn đề xã hội, tư duy hướng về xã hội, trách nhiệm công dân. Cộng đồng có cơ hội kết nối các nguồn lực quý giá từ các trường đại học…”.

Xã hội Việt Nam được xây dựng trên nền tảng nhân văn và sẻ chia, nhiều dự án do thầy cô cùng sinh viên thực hiện đã giúp ích cho cộng đồng. Dù vậy theo Phạm Văn Anh, “các dự án tự phát của thầy cô nhỏ lẻ, khó có thể đi lâu dài. Đó cũng là lý do tôi thúc đẩy Service-learning trở thành một chiến lược dạy và học của đại học. Từ đó tạo nên văn hóa và hệ sinh thái tốt để hỗ trợ giảng viên, sinh viên trong việc sử dụng kiến thức của mình phụng sự xã hội”. 

Phạm Văn Anh mang Service-learning về Việt Nam từ năm 2009. Khi giới thiệu mô hình này, nhiều trường đại học vẫn nghĩ đó là hoạt động tình nguyện mùa hè xanh. Lúc đó, Phạm Văn Anh biết cần thời gian để giới thiệu chi tiết hơn.

Anh thực hiện nhiều buổi trình bày, thảo luận về Service-learning và mời các chuyên gia nước ngoài về Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm. Tất cả mọi thứ đều miễn phí, kinh phí hoàn toàn do Phạm Văn Anh trích từ tiền túi cá nhân.

Anh cũng không ngừng kết nối với các đối tác như Đại học Bách khoa Hồng Kông, Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Kỹ thuật và Công nghệ Singapore, Hội đồng Thanh niên Singapore; Đại học Griffith (Úc); Cao đẳng Hendrix (Mỹ)... đưa sinh viên của họ về Việt Nam thực hiện dự án Service-learning và mời sinh viên Việt Nam cùng tham gia. 

Hướng đến bậc phổ thông

Từng bước, Phạm Văn Anh đi khắp các trường như Đại học Công nghệ thông tin, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), Đại học Văn Lang, Đại học Khánh Hòa, Đại học Thái Bình Dương, Đại học Hoa Sen, Đại học Fulbright Vietnam... hỗ trợ triển khai mô hình này. Hiện anh đang hỗ trợ và đứng lớp môn Service-learning căn bản cho toàn bộ sinh viên chương trình đào tạo đặc biệt của Đại học Văn Lang. 

Hành trình nhân rộng mô hình Service-learning nhiều gian nan, không ít lần thất bại, nhưng Phạm Văn Anh cho biết hơn mười năm qua, chưa bao giờ anh nghĩ đến từ bỏ.

“Tuy có phút chạnh lòng, nhưng hơn hết, tôi vẫn nhận ra những tín hiệu vui, những hạt mầm do mình gieo trồng đã nảy nở. Các bạn sinh viên dấn thân hơn trong việc học và phục vụ cộng đồng, các trường bắt đầu triển khai dự án liên quan đến Service-learning nhiều hơn, cộng đồng nhận ra giá trị mô hình này mang lại nên cởi mở và phối hợp…”, Phạm Văn Anh bộc bạch. 

Một ngày làm việc của Phạm Văn Anh là “luôn chân luôn tay luôn miệng” từ sáng tới tối với cả núi công việc. Anh là người sáng lập và quản lý doanh nghiệp xã hội giáo dục và cộng đồng ECO Vietnam Group.

Anh cũng đã trực tiếp xây dựng, quản lý hai thư viện cộng đồng ở Trà Vinh và Lâm Đồng, mang sách miễn phí cùng các chương trình giáo dục tiến bộ về vùng sâu vùng xa, phát triển văn hóa đọc cho bà con nơi đây. Hiện, anh đi về như con thoi giữa Trà Vinh - TPHCM, vừa điều hành thư viện, gặp gỡ đối tác, trao đổi về các dự án, giảng dạy về Service-learning cho sinh viên… 

Trong năm 2022, Phạm Văn Anh dốc sức thành lập mạng lưới những người quan tâm và mong muốn thúc đẩy Service-learning. Anh còn định hướng sớm đưa mô hình này vào bậc phổ thông. “Nhiều trường như Trường phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM), Trường THPT Đinh Thiện Lý… đã liên hệ nhờ tôi chia sẻ, thiết kế các dự án cho học sinh.

Điều này cũng phù hợp với yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng học sinh vào các hoạt động ngoại khóa, giúp các em phát triển các kỹ năng cũng như tư duy về xã hội”, Phạm Văn Anh hào hứng nói về kế hoạch sắp tới. 

 Huệ Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI