Làm gì để học sinh không sập bẫy trên không gian mạng?

29/03/2023 - 05:45

PNO - Không chỉ đối mặt với nguy cơ bị lừa đảo, lộ thông tin, học sinh còn có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi “rác” văn hóa độc hại trên mạng dẫn đến những lời nói, hành vi mất kiểm soát.

Mất tỉnh táo từ mạng ảo 

Thời gian qua, không ít trường hợp học sinh rơi vào bẫy lừa đảo mua bán trên mạng, không chỉ bị mất tiền mà có em do quá lo sợ đã có hành động hủy hoại bản thân.

Học sinh tham gia tọa đàm về an toàn thông tin mạng được tổ chức tại Trường THPT  Nguyễn Du ngày 17/3 vừa qua - ẢNH: P.T.
Học sinh tham gia tọa đàm về an toàn thông tin mạng được tổ chức tại Trường THPT Nguyễn Du ngày 17/3 vừa qua - Ảnh: P.T.

Ngày 3/3 vừa qua, một nam sinh lớp Mười tại huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) đã nhảy cầu tự tử. Theo thông tin từ gia đình, học sinh này mua bán tài khoản game online để kiếm tiền. Nhưng sau khi bán xong thì người mua không trả tiền nên em nghĩ quẩn và tự tử. Trước đó, vào ngày 4/2, một nữ sinh tại TP Hải Phòng cũng vì tham gia mua bán hàng trên mạng xã hội và bị lừa hơn 100 triệu đồng nên đã nhảy cầu tự tử… 

Dạo một vòng các hội nhóm trên mạng xã hội, có thể thấy rất nhiều lời mời chào học sinh mua bán game, mua bán hàng trực tuyến, giả các trang thương mại điện tử lớn để lừa nạn nhân làm cộng tác viên kiếm thêm thu nhập... Hiện nay, đa phần học sinh được cha mẹ cho sử dụng điện thoại thông minh để liên lạc, học tập và giải trí. Do thiếu cảnh giác, các em rất dễ rơi vào bẫy lừa đảo của đối tượng xấu. 

Không chỉ vậy, nhiều vụ bạo lực học đường vừa qua cũng xuất phát từ những lời qua tiếng lại, mâu thuẫn trên mạng xã hội. Cuối tháng Hai vừa qua, tại Hà Nội, bắt nguồn từ cãi vã, xúc phạm trên mạng nên 2 nhóm học sinh lớp Tám đã hẹn gặp để hỗn chiến. Tại TPHCM, tháng Một vừa qua, cũng từ nguyên nhân mâu thuẫn trên mạng xã hội, sau đó chỉ cần 1 xung đột nhỏ tại trường, 2 nữ sinh của Trường THCS Nguyễn Huệ (quận 12) hẹn ra nhà vệ sinh để đánh nhau. Sự việc xảy ra hơn 1 tháng nhưng nhà trường, giáo viên, phụ huynh không hề hay biết cho đến khi đoạn clip đánh nhau này được tung lên mạng xã hội.

Tiến sĩ Giang Thiên Vũ - giảng viên Khoa Tâm lý học Trường đại học Sư phạm TPHCM - nhìn nhận, bên cạnh mặt tích cực, thì không gian mạng luôn tồn tại những “cạm bẫy” mà học sinh dễ dàng rơi vào như nạn bắt nạt trực tuyến, lạm dụng tình dục trực tuyến, xâm phạm quyền riêng tư, tình yêu “không biết mặt”...  Chưa kể, môi trường mạng xã hội còn khiến con người, nhất là học sinh mất kiểm soát hơn, dễ bị ảo tưởng bởi những lượt thích, chia sẻ và bình luận. Từ những lời nói, thái độ thiếu kiềm chế trên không gian “ảo” đã dẫn đến bạo lực học đường ngoài đời thật. 

Định hướng để học sinh có nhận thức đúng

Thế hệ học sinh hiện nay ngày càng gắn chặt với môi trường internet, mạng xã hội. Trong nhiều trường hợp, cách sống, cách cư xử của các em đang chịu tác động mạnh mẽ từ môi trường mạng. Do vậy, theo ông Nguyễn Đình Độ - Hiệu trưởng THPT Thành Nhân (TPHCM) - việc định hướng cho học sinh về ứng xử đúng mực trên không gian mạng vô cùng quan trọng. Phụ huynh, nhà trường và cơ quan chức năng cần chung tay xây dựng “bức tường lửa” an toàn cho học sinh khi sử dụng mạng xã hội. Đồng thời, nhà trường phải chú trọng việc giáo dục học sinh sử dụng mạng xã hội an toàn, văn minh để các em biết hành động đúng ngay cả trên thế giới “ảo”.

Các trường học cần đa dạng hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa để tạo sân chơi lành mạnh giúp học sinh không bị phụ thuộc vào điện thoại và mạng xã hội (trong ảnh: Học sinh Trường THPT  Tây Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM tham gia hội trại ngày 26/3/2023) - ẢNH: P.T.
Các trường học cần đa dạng hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa để tạo sân chơi lành mạnh giúp học sinh không bị phụ thuộc vào điện thoại và mạng xã hội (trong ảnh: Học sinh Trường THPT Tây Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM tham gia hội trại ngày 26/3/2023) - Ảnh: P.T.

Ông Phạm Văn Cường - Phó hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh (quận Tân Phú) - chia sẻ: nhà trường luôn chú trọng việc định hướng cho học sinh trên môi trường mạng, thường xuyên mời chuyên gia để trao đổi, chia sẻ với các em về cách sử dụng mạng xã hội hiệu quả, cũng như tuyên truyền về Luật An ninh mạng. Không chỉ vậy, nhà trường, thầy cô chú trọng giáo dục, lồng ghép hoạt động định hướng cho học sinh trong các tiết học, các buổi sinh hoạt. 

Mới đây, trường tổ chức chương trình hùng biện tiếng Anh về văn hóa ứng xử trên không gian mạng. Mỗi khi có vấn đề “nóng” trên mạng xã hội thì nhà trường kịp thời có các buổi trao đổi để học sinh nhận thức đúng, không bị các thông tin sai lệch dẫn dắt. Một trong những giải pháp quan trọng là nhà trường đa dạng các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm để học sinh có nhiều sân chơi, từ đó giảm phụ thuộc vào điện thoại và mạng xã hội. 

Hiện nay, chủ đề phòng chống bắt nạt trực tuyến, giao tiếp văn minh trên mạng xã hội hoặc xây dựng văn hóa học đường trên không gian mạng... đã được nhiều trường tích hợp, lồng ghép vào các môn học, hoạt động giáo dục.

Tuy vậy, thầy Giang Thiên Vũ cho rằng: “Vấn đề cần quan tâm là chất lượng và hướng tiếp cận đã đủ để giúp học sinh biết cách ứng xử, tự bảo vệ mình trên không gian mạng hay chưa. Với sự lớn mạnh của internet cũng như mạng xã hội, các trường cần có bộ phận chuyên nghiệp đảm nhận việc tư vấn, tuyên truyền cho học sinh về phòng ngừa nguy cơ mất an toàn thông tin, lừa đảo trên mạng xã hội cũng như định hướng các em chọn lọc thông tin lành mạnh, chăm sóc sức khỏe tinh thần trực tuyến”.

Minh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI