Kinh tế TPHCM sẽ bứt tốc mạnh mẽ nhờ cơ chế đặc thù

29/05/2023 - 06:45

PNO - Nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá, dự thảo nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (thay thế Nghị quyết 54/2017/QH) có những quy định mạnh dạn, đột phá, khắc phục được các điểm nghẽn và phát huy hết tiềm năng, lợi thế để kinh tế TPHCM phát triển nhanh, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng và cả nước.

Đột phá về thu hút đầu tư

Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM, đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang -  Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XV - nhận định, việc đặt ra cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM phải dựa vào tiềm năng, lợi thế cũng như phù hợp với vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước: “Qua nghiên cứu, đánh giá các nhóm cơ chế, chính sách đặc thù được Chính phủ trình Quốc hội kỳ này, tôi thấy có rất nhiều giải pháp đáp ứng các tiêu chí trên, mang tính chất đột phá, giải quyết các điểm nghẽn hiện nay của thành phố”.

Nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia nhận định TPHCM sẽ phát triển mạnh mẽ nhờ cơ chế, chính sách đặc thù phát triển mới - ẢNH: ĐÔNG QUÂN
Nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia nhận định TPHCM sẽ phát triển mạnh mẽ nhờ cơ chế, chính sách đặc thù phát triển mới - Ảnh: Đông Quân

Có chính sách đãi ngộ linh hoạt để thu hút nhân tài

Theo dự thảo nghị quyết, HĐND TPHCM quyết định bố trí ngân sách thành phố để chi thu nhập bình quân tăng thêm với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ, bảo đảm không vượt mức tối đa 0,8 lần quỹ lương cơ bản theo quy định của Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. 

Đại biểu Nguyễn Trường Giang cho rằng: “HĐND TPHCM có thể quyết định mức chi tăng thêm dựa vào năng suất, hiệu quả làm việc, tức là tăng cao cho người này, tăng thấp cho người kia, thậm chí có những người sẽ không có thu nhập tăng thêm. Chính sách này giúp TPHCM có nguồn lực chất lượng cao và đây cũng chính là một cơ chế thí điểm để nhân rộng ra một số thành phố lớn”.

Đề cập nhóm chính sách nhằm thu hút đầu tư của TPHCM, ông cho rằng, nhu cầu về đầu tư công, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) ở TPHCM hiện nay rất lớn nên cần phải có chính sách phù hợp để TPHCM phát triển. Trong Luật Đầu tư, không có hình thức PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Dựa vào tiềm năng, thực tế của TPHCM, Chính phủ đã mạnh dạn đề xuất mở rộng hình thức PPP trong lĩnh vực này. Ngoài ra, theo quy định của luật, ngân sách nhà nước bỏ ra không vượt quá 50% vốn đầu tư nhưng với đặc điểm của TPHCM, để đầu tư cơ sở hạ tầng, tiền giải phóng mặt bằng chiếm rất lớn, nên khi đầu tư PPP, cần phải nâng tỉ lệ ngân sách nhà nước lên trên 50%.

Khi Luật Đầu tư có hiệu lực vào năm 2021, phương thức đầu tư theo hình thức  xây dựng - chuyển giao (BT) đã bị loại ra khỏi danh mục và các dự án mới theo hình thức này cũng bị dừng triển khai. Nguyên nhân là các dự án BT đã để lại nhiều hệ lụy, tạo dư luận không tốt do tổng mức đầu tư tăng liên tục, giá đất đối ứng thấp. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Trường Giang ủng hộ việc đưa hình thức đầu tư này vào dự thảo nghị quyết mới bởi phạm vi và nhu cầu đầu tư của TPHCM rất lớn và hình thức này phù hợp với đặc thù phát triển của TPHCM. 
Dự thảo nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM cũng nêu nhiều ưu đãi để TPHCM có thể thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Ông phân tích, hiện nay, không gian phát triển không còn nhiều nên TPHCM phải tập trung phát triển khoa học, công nghệ. Muốn vậy, rất cần có những nhà đầu tư chiến lược để dẫn dắt nhà đầu tư khác. Theo ông, không cần quá lo ngại về việc có thể ảnh hưởng tới ngân sách nhà nước, bởi việc tạo cơ chế đặc thù cho TPHCM không phải là Chính phủ cho tiền mà là trao cho thành phố cơ chế để phát huy lợi thế của mình, tạo ra được môi trường đầu tư hấp dẫn. 

Cơ hội để thí điểm chính sách

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội - cho rằng, hàng chục điểm mới trong dự thảo nghị quyết đều dựa trên thực tiễn của TPHCM, mang tính đặc thù, chưa có trong luật hoặc khác với luật. Một trong những điểm mới là thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD). Đây là mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng, phù hợp với những thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội.

Theo ông, mô hình TOD làm gia tăng giá trị đất đai, không gian đô thị. Ưu điểm của việc phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD là tối đa hóa giá trị tăng thêm từ đất nhằm bù đắp vốn đầu tư cho xây dựng hạ tầng giao thông; tối đa hóa lưu lượng hành khách sử dụng đường sắt đô thị, giải quyết ùn tắc giao thông. 

Ông nói: “Những chính sách mới trong dự thảo nghị quyết có thể nói là đột phá, mạnh dạn, phù hợp với hoàn cảnh của TPHCM, tạo điều kiện cho thành phố phát triển. Đây cũng là cơ hội để thí điểm những cơ chế, chính sách mới, từ đó đúc rút kinh nghiệm, hoàn thiện cơ chế, chính sách không cho các địa phương khác trong cả nước”.

Ông Nguyễn Trường Giang cũng cho rằng, các chính sách trong dự thảo nghị quyết có ý nghĩa lan tỏa tới các địa phương. Xét về góc độ tổng thể, khi TPHCM phát triển thì các tỉnh, khu vực lân cận cũng được hưởng lợi theo. 

Trong báo cáo thẩm tra dự thảo nghị quyết, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cũng chỉ rõ: “TPHCM là đô thị đặc biệt quan trọng với vị thế đầu tàu, trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, có số người lao động lớn nhất nước, đóng góp cho ngân sách trung ương cao nhất (hiện đang đóng góp khoảng 27%). Vì vậy, việc có chính sách vượt trội tạo bước đột phá theo đúng tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị là cần thiết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với TPHCM mà với cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước”. 

 

Tiến sĩ Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia: TPHCM sẽ giải quyết được 3 điểm nghẽn

3 điểm nghẽn của TPHCM gồm: Thứ nhất, lâu nay thành phố không thu hút được nhân tài do cơ chế không thể trả lương cao và không có môi trường làm việc tốt. Thứ hai, TPHCM thiếu đầu tư hạ tầng tương ứng. Tuyến đường sắt metro kéo dài chục năm chưa hoàn thành; các dự án mới thì chậm triển khai; quá tải về hạ tầng, kẹt xe, ngập nước, thiếu một hệ thống giao thông công cộng xứng tầm… Điểm nghẽn thứ ba là TPHCM thiếu vốn đầu tư bên cạnh các khó khăn mang tính khách quan như khó khăn xuất khẩu; nhu cầu tiêu dùng giảm, thị trường bất động sản đóng băng, tăng trưởng tín dụng thấp do người dân và doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn nhưng câu chuyện lớn đằng sau đó vẫn là không thể giải ngân, không có “vốn mồi”. Không có vốn thì không có hạ tầng. 

Nghị quyết mới được thông qua sẽ giúp giải quyết các điểm nghẽn kể trên. Chính quyền TPHCM sẽ được mở rộng phân quyền phân cấp trong 5 lĩnh vực gồm: quản lý nhà nước, quản lý về đầu tư, ngân sách, tổ chức bộ máy cán bộ công chức, tài nguyên môi trường. Điều này tạo động lực để thành phố huy động thêm nguồn vốn cho đầu tư, thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực quan trọng của thành phố như khởi nghiệp sáng tạo, công nghệ cao. Sẽ tăng lĩnh vực đầu tư tư nhân PPP ở một số lĩnh vực thể thao, văn hóa; cho phép sử dụng công trình nhà nước có sẵn để thu hút tư nhân vào đầu tư thêm (BOT); cho phép thành phố thu hồi quỹ đất dọc các trục giao thông để phát triển đô thị nối kết với giao thông; có thêm cơ chế phát huy vai trò cho công ty đầu tư tài chính nhà nước của thành phố, các công cụ về tài chính phát triển… 
Những chính sách và cơ chế như vậy còn giúp TPHCM tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính năng động sáng tạo cho bộ máy chính quyền thành phố - loại đô thị đặc biệt - trở thành vai trò đầu tàu và động lực tăng trưởng cho cả vùng Đông Nam Bộ và cả nước. 

 

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Sẽ là một 
sự bứt tốc rất đáng kinh ngạc 

Nghị quyết mới đầu tiên sẽ giải quyết các điểm nghẽn trong đầu tư xây dựng - chuyển giao (BT), đầu tư xây dựng kinh doanh chuyển giao (BOT), hàng chục dự án, chương trình dự án sẽ được thông qua. Hiện TPHCM đang rút kinh nghiệm từ những điều chưa thực hiện được ở nghị quyết cũ, nếu nghị quyết mới được thông qua thì TPHCM sẽ bắt tay vào hành động luôn, sẽ là một sự bứt tốc rất đáng kinh ngạc vì thành phố giống như “một lò xo” bị nén quá lâu.

Tuy nhiên, TPHCM cần đề xuất cơ chế mạnh hơn nữa để thực hiện những dự án mang tính đột phá như cảng trung chuyển Cần Giờ, trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm hội chợ thương mại quốc tế… vì lâu lắm rồi TPHCM vẫn chưa có dự án đột phá nào. Trong điều kiện thế giới đang có sự chuyển dịch, TPHCM cần nắm lấy cơ hội này, có như vậy mới bay được lên cao. TPHCM nên ưu tiên coi đây là nhiệm vụ hàng đầu vì sẽ tạo sự cộng hưởng với 4 tỉnh lân cận giáp ranh, kéo nhà đầu tư lớn về thành phố. Tôi tin thành phố đủ sức làm, đủ sức tạo ra sự hấp dẫn.

Thanh Hoa (ghi)

 

Minh Quang

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI